Lập ủy ban chuyên gia quốc tế về “Hồ sơ Panama”

BTV (tổng hợp từ TTXVN)
21:19, ngày 07-04-2016
TCCSĐT - Vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” hiện đang là tâm điểm của sự chú ý trên thế giới khi nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.

Tăng cường minh bạch trong các trung tâm pháp lý và tài chính

Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đang tìm cách củng cố lại lòng tin đối với ngành tài chính của đất nước sau vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại nước này. Mossack Fonseca đã giúp thành lập các công ty vỏ bọc cho giới nổi tiếng và giàu có trên thế giới.

Tổng thống C. Varela ngày 06-4 cho biết những phát hiện của ủy ban này sẽ được chia sẻ với các quốc gia khác để cùng hành động nhằm tăng cường tính minh bạch trong các trung tâm pháp lý và tài chính trên khắp thế giới.

Cũng trong ngày 06-4, Tạp chí điện tử Inkyfada điều tra sự dính líu của Tunisia trong “Hồ sơ Panama” đã bị tin tặc xâm nhập chỉ vài giờ sau khi đăng bài đầu tiên về vụ bê bối này.

Trong một thông báo trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Inkyfada cho biết: “Trang báo của chúng tôi đã bị tấn công nghiêm trọng. Tin tặc đã xâm nhập để đăng những thông tin sai dưới danh nghĩa chúng tôi”. Thông báo nêu rõ hiện trang mạng này đang tạm thời ngưng kết nối.

Tổng Biên tập Inkyfada, bà Monia Ben Hamadi cho biết đã xác định được các thông tin sai do tin tặc đăng tải nhưng chưa xác định được thủ phạm. Theo bà, vụ tấn công được điều khiển từ các địa điểm khác nhau.

Cùng ngày, Algeria đã triệu Đại sứ Pháp tại Algiers Bernard Emie đến để phản đối việc đưa tin của truyền thông Pháp về vụ “Hồ sơ Panama” mà Algiers cho là “chiến dịch thù địch” nhằm vào Algeria. Trước đó, tờ Le Monde của Pháp đã đăng trên trang nhất ảnh Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika trong số những nhà lãnh đạo bị nhắc tới trong “Hồ sơ Panama”, nhưng sau đó nêu rõ tên nhà lãnh đạo Algeria không có trong tài liệu bị rò rỉ này.

Hãng thông tấn APS của Algeria cho biết Ngoại trưởng Algeria Ramtane Lamamra đã bày tỏ “phản đối mạnh mẽ chiến dịch báo chí thù địch với Algeria”. Ông R. Lamamra nhấn mạnh “chiến dịch này không phù hợp với mức độ và tính chất của quan hệ Algeria-Pháp”, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Pháp “tỏ rõ không tán thành chiến dịch này”. Động thái trên diễn ra chỉ ba ngày trước thềm chuyến thăm Algiers của Thủ tướng Pháp Manuel Valls.

“Hồ sơ Panama chỉ có lợi cho Mỹ”

Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế tài chính hàng đầu của Italy Mặt trời 24 giờ, Hervé Falciani, người đã gây chấn động dư luận thế giới vào năm ngoái khi tiết lộ danh sách các khách hàng của ngân hàng HSBC Private Bank ở Geneva, Thụy Sĩ (còn gọi là vụ SwissLeaks) cho rằng vụ tiết lộ Hồ sơ Panama trên thực tế chỉ có lợi cho phía Mỹ.

H. Falciani cho rằng: “Trong thời gian trước mắt, Mỹ là nước được lợi nhất từ việc rò rỉ hàng triệu thông tin liên quan đến các nhân vật nổi tiếng hoặc các công ty, tập đoàn đã có hành vi tài chính mờ ám trong vụ Hồ sơ Panama… Đây chính là một cuộc chiến tình báo về kinh tế. Nếu như các dòng tiền được chuyển tới Thụy Sĩ hoặc Panama, nước Mỹ không thể nào kiểm soát được các dòng thông tin đó, kể cả khi các thương vụ tài chính được thực hiện một cách thiếu minh bạch”.

H. Falciani cho rằng đây là một thông điệp của phía Mỹ, khẳng định rằng “hãy làm ăn với người Mỹ, còn hơn là với người Nga” và là một cảnh báo ngầm của Mỹ đối với các nền kinh tế khác.

Năm ngoái, Falciani và nhiều người giấu tên khác đã công bố hơn 120.000 tài khoản khách hàng từ 200 nước trong ngân hàng HSBC Private Bank, hé lộ những hành vi trốn thuế hàng chục tỷ USD trong nhiều năm của họ. Chính Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), tổ chức đã phanh phui vụ bê bối “Hồ sơ Panama”, đã đăng tải các thông tin nhạy cảm trong danh sách khách hàng mà H. Falciani đã công bố năm ngoái.

Theo ICIJ, HSBC Private Bank đã “điều hành giúp” các khách hàng vô số các công ty về bất động sản, quỹ đầu tư hoặc quản lý tài chính có trụ sở ở các “thiên đường trốn thuế”. Tuy nhiên, theo H. Falciani, vụ tiết lộ được đặt biệt danh là SwissLeaks này vẫn chưa gây chấn động bằng vụ “Hồ sơ Panama” dù về bản chất là giống nhau, nhưng cũng cho thấy tầm quan trọng của tình báo kinh tế.

H. Falciani nói: “Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào cuối năm 2007, sau đó chuyển thành khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng trở nên quyết liệt hơn, và trong cuộc chiến này - trong một nền kinh tế luôn xoay quanh thông tin - thì tình báo kinh tế sẽ làm nên điều khác biệt”. H. Falciani nhấn mạnh rằng đó là lý do khiến ông tin rằng Mỹ hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến thông tin này.

Theo H. Falciani, một khía cạnh tích cực của vụ rò rỉ thông tin này là dư luận sẽ có cơ hội để hiểu thêm về hoạt động của các cơ chế tài chính thiếu minh bạch, về các ngân hàng bí mật và các “thiên đường trốn thuế”.

Một nguồn giấu tên đã cung cấp khoảng 11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca cho báo Nam Đức của Đức khoảng 1 năm trước. Nhật báo này sau đó chia sẻ thông tin với ICIJ và một số tập đoàn thông tin khác như BBC và The Guardian để huy động các báo cùng điều tra. Hơn 400 nhà báo từ 80 quốc gia trên thế giới đang tham gia đánh giá và nghiên cứu các tài liệu này./.