Cả hệ thống chính trị vào cuộc chống hạn ở Tây Nguyên
TCCSĐT - Hiện nay, ở Tây Nguyên cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc quyết liệt, tích cực triển khai các giải pháp cấp bách trong công tác phòng chống hạn, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn.
Hạn hán ở khu vực Tây Nguyên đã và đang đang diễn ra rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Hiện nay, đã có gần 95.000 ha cây trồng bị hạn, thiếu nước tưới. Theo báo cáo của các địa phương đến cuối tháng 3-2016, toàn khu vực Tây Nguyên có 7.108 ha phải dừng sản xuất; chuyển đổi được 4.758 ha sang trồng ngô, rau, đậu các loại; 8.403 ha lúa bị thiếu nước, trong đó 2.825 ha mất trắng và thiệt hại trên 70%; trên 40.137 ha cây cà phê, hồ tiêu bị thiệt hại nặng. Dự kiến tháng 4-2016, nắng hạn vẫn tiếp tục diễn ra, diện tích cây trồng chính bị hạn sẽ lên tới 167.000 ha, trong đó lúa 14.600 ha, cà phê, hồ tiêu sẽ bị thiệt hại lên đến 152.760 ha.
Về nước sinh hoạt, đã có hơn 38.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, gồm: Đắk Lăk 13.200 hộ, Gia Lai 18.300 hộ; Kon Tum 7.000 hộ… Nếu như tiếp tục nắng gắt như hiện nay, thì thời gian tới có khoảng 59.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Huyện Chư Pưh thuộc tỉnh Gia Lai là địa phương chịu hạn hán nặng nhất, tính đến ngày 23-3-2016, toàn huyện có 431,65 ha/510,5 ha lúa Đông Xuân bị mất trắng, 164,62 ha cà phê, hồ tiêu bị khô hạn, toàn huyện có 10.500 giếng nước đào phục vụ dân sinh đã có trên 5.350 giếng khô kiệt hoàn toàn, số giếng còn lại người dân phải nạo vét hằng ngày mới lắng lọc được nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt. Hiện tại, có 1.273 hộ dân đang thiếu nước, nhờ vào sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang Quân khu 5, Quân đoàn 3 và Binh đoàn 15 dùng xe chuyên dụng chở nước cung cấp đến các điểm công cộng để cấp phát nước cho dân sinh hoạt.
Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có dung tích trữ chỉ còn 30 - 40% dung tích thiết kế, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Đắk Lăk có 115 hồ đã cạn nước, dự kiến trong tháng 4 có khoảng 250 hồ nhỏ, vừa sẽ cạn nước; tại tỉnh Gia Lai, các hồ chỉ đạt 10 - 30%; tỉnh Kon Tum, dung tích các hồ chứa chỉ đạt 30 - 50% dung tích thiết kế, có 05 hồ cạn kiệt và tỉnh Đắk Nông có 17 hồ chứa cạn ở mức rất thấp. Phần lớn các hồ chứa thủy lợi nhỏ và vừa không thể cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trước tình hình trên, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các ban, bộ, ngành Trung ương đã tập trung chỉ đạo, điều hành ứng phó với tác động của hạn hán như: Ngày 04-02-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán; ngày 24-3-2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương đã trực tiếp đến khảo sát thực tế tại các xã Chư Don, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai và có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên về tình hình hạn hán. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 190/QĐ/TTg, ngày 28-01-2016 hỗ trợ 1.900 tấn gạo cho các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lăk. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thống kê, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời hỗ trợ cho các tỉnh bị hạn hán gây ra (tỉnh Đắk Lăk 49 tỷ đồng, Đắk Nông 18,6 tỷ, Gia Lai 17,9 tỷ, Lâm Đồng 14,7 tỷ và Kon Tum 15 tỷ). Tại buổi làm việc chiều ngày 24-3-2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giao cho Bộ Lao động - Thương binh Xã hội lập dự án trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 2.000 tấn gạo cấp cho 04 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông) mỗi tỉnh 500 tấn. Đồng thời Chính phủ cũng ưu tiên tập trung tu bổ nhiều hệ thống thủy lợi, hồ chứa lớn để tạo nguồn nước tưới, phục vụ dân sinh, như: Hồ Ia Mlá, Ia Mơr, tỉnh Gia Lai; hồ Ka La, Đắk Klông Thượng, tỉnh Lâm Đồng; hồ Ea Súp Thượng, Krông Buk Hạ, Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk với tổng kinh phí 3.500 tỷ đồng. Thực hiện dự án nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng của hạn hán ở 02 tỉnh Đắk Lăk, Đăk Nông, dự kiến với kinh phí khoảng 700 tỷ đồng bằng vốn ODA, thực hiện giai đoạn 2016 - 2022. Đề xuất danh mục công trình quan trọng đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, kinh phí khoảng 7.400 tỷ đồng để đầu tư các dự án, như: Hồ chứa Krông H’ năng, 2.250 tỷ đồng, hồ Ea Hleo 1 (huyện Ea Hleo) 1.100 tỷ đồng, tỉnh Đăk Lăk; hồ Ia Thul, tỉnh Gia Lai 2.900 tỷ đồng; Đập Đa Si, tỉnh Lâm Đồng 615 tỷ đồng và cụm công trình thủy lợi IaH’drai, tỉnh Kon Tum 500 tỷ đồng.
Trên địa bàn, công tác phòng, chống hạn cũng đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp tích cực vào cuộc. Lâm Đồng đã huy động mọi nguồn lực sẵn có trong dân, trong cơ quan, doanh nghiệp dồn sức cứu hạn cho cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn nhân dân tưới tiêu khoa học, hợp lý, tiết kiệm nước bằng cách lắp đặt các hệ thống phun sương, tưới nhỏ giọt, tưới luân phiên… Gia Lai phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trưởng các đầu ngành ở tỉnh, huyện, thị xã, thành phố về tận các xã, thôn, làng, buôn, bản, để chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân dùng nhiều biện pháp phối hợp như: dùng rơm, rạ, cỏ khô, cây thực vật ủ gốc cho cây cà phê, hồ tiêu nhằm giữ độ ẩm, chống bốc hơi nước cho cây trồng; khai thông hệ thống kênh mương thủy lợi; ở những vùng cao không có hệ thống thủy lợi thì tạo điều kiện cho dân vay vốn nhằm khoan giếng lấy nguồn nước ngầm tưới tiêu và sử dụng sinh hoạt hằng ngày. Thường trực Tỉnh ủy giao trách nhiệm cho Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với 17 đơn vị, cơ quan lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn dùng xe, máy kéo chuyên dụng chở nước hợp vệ sinh cung cấp cho những địa bàn trọng điểm vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số với quyết tâm không để một người dân nào thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, giúp các hộ neo đơn, hộ chính sách, hộ khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở những địa bàn trọng điểm về hạn hán tưới cây, sửa chữa nhà cửa tạo sự thoáng mát trong sinh hoạt, động viên con em đến trường học đầy đủ. Ở tỉnh Kon Tum, Tỉnh ủy chỉ đạo gắn trách nhiệm của từng đồng chí cấp ủy viên với địa bàn cơ sở, hạn chế đi ra ngoại tỉnh, phải gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân trong những lúc khó khăn, hạn hán gây ra; chỉ đạo ngành y tế phun thuốc phòng ngừa với những dịch bệnh khô da, lỡ, ngứa do thiếu nước tắm giặt, nguồn nước bị ô nhiễm...
Riêng về công tác dân vận, trước tình hình hạn hán nghiêm trọng xảy ra, ban dân vận các tỉnh đã chủ động tham mưu, đề xuất các cấp ủy huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hiện nay, hầu hết các tỉnh ủy đều ban hành nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động phòng chống hạn hán. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh hướng về cơ sở, trực tiếp chỉ đạo khắc phục hạn hán, kiên quyết không để một người dân nào chết khát, thiếu đói, bị bệnh tật do hạn hán gây ra. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tập trung khảo sát, kiểm tra, nắm các hộ dân, địa bàn trọng điểm về hạn hán, chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, ứng phó kịp thời, xác định các vùng trọng điểm thiếu nước sinh hoạt để có những giải pháp khắc phục như: Đề xuất xây dựng các bể nước công cộng; tổ chức các chiến dịch nạo vét kênh mương, khẩn trương tích nước các hồ chứa, xây dựng kế hoạch phân phối nguồn nước vận chuyển bằng xe, máy kéo đến các khu dân cư, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, chuẩn bị nông vụ, giống cây trồng, vật nuôi khi có điều kiện nguồn nước, giảm thiểu được thiệt hại do hạn hán gây ra; phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt, thiếu đói, bệnh tật của các hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số do hạn hán gây ra trên địa bàn nhằm tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo kịp thời các biện pháp khắc phục có hiệu quả công trình cấp nước sinh hoạt, sử dụng các phương tiện lưu động cấp nước cho người dân tại các khu vực thiếu nước sinh hoạt. Có kế hoạch quản lý các nguồn nước bảo đảm vệ sinh và hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đào giếng bảo đảm nước sinh hoạt, hỗ trợ khoan giếng ở những vùng nước ngầm sâu để cung cấp nước sinh hoạt. Khuyến cáo người dân sử dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước, tủ gốc hoặc phủ màng nilông để hạn chế bốc hơi ở những vùng cây công nghiệp; sử dụng giống ngắn ngày, chịu hạn hoặc chuyển đổi diện tích trồng lúa không bảo đảm nguồn nước sang trồng cây chịu hạn, khuyến khích người dân trồng cỏ vừa cung cấp đàn gia súc vừa tích trữ nước trong đất. Hiện nay, nhân dân các địa phương đang chủ động vay vốn để đầu tư nạo vét giếng, khoan giếng sử dụng nước ngầm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông suối và từ các hồ chứa còn nước, bơm chuyền hoặc xả nước từ các công trình thủy điện có nguồn nước dồi dào hơn để hỗ trợ cho những công trình không đủ nước tưới; tổ chức di dời một số đàn gia súc, gia cầm đến những vùng có nguồn nước, huy động mọi phương tiện tích trữ nước cho sinh hoạt…
Theo dự báo, tình hình EI-Nino vẫn tiếp tục ảnh hưởng trong các tháng tiếp theo ở miền Trung và Tây Nguyên, nguy cơ nắng nóng sẽ diễn ra trên diện rộng. Lượng mưa được nhận định là thiếu hụt nhiều hơn so với mọi năm. Tại Tây Nguyên, dòng chảy các sông và hồ chứa vẫn tiếp tục thiếu hụt, khả năng diễn ra trên diện rộng. Để giải quyết nước sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt hiện nay và trong thời gian tới, ngoài ưu tiên sử dụng nguồn nước còn lại của các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tiếp tục chỉ đạo, điều hành, vận động nhân dân tập trung khoan giếng, tìm kiếm các nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân bị thiếu nước nghiêm trọng hoặc tưới cho cây trồng lâu năm, hạn chế thiệt hại.
Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến EI - Nino, tình hình khí tượng thủy văn, dự báo sớm diễn biến dòng chảy, nguồn nước trên các lưu vực sông; cung cấp thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo chống hạn tại các địa phương. Theo dõi, giám sát chặt chẽ việc vận hành của các hồ chứa lớn, các công trình thủy điện ở trên địa bàn, ưu tiên nước cho sinh hoạt cộng đồng dân cư.
Khuyến cáo nhân dân chủ động phòng, chống cháy rừng, có phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm bốn tại chỗ; tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội, Biên phòng, các nông, lâm trường tổ chức lực lượng đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội tích cực phòng cháy, chữa cháy rừng bảo đảm các tình huống có thể cháy rừng xảy ra.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng, trồng rừng nhằm nâng cao độ che phủ rừng. Nhất là tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực tại các địa bàn trọng điểm, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn có nguy cơ dẫn đến cháy rừng.
Triển khai việc bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, rừng tái sinh, tích cực trồng rừng nhằm điều hòa nguồn nước, coi đây là giải pháp quan trọng, lâu dài trong việc điều hòa nguồn nước, tăng dòng chảy mùa khô cũng như giảm lũ trong mùa mưa nhằm bảo đảm phát triển rừng bền vững, thích ứng với điều kiện cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình hình hạn hán, thiếu nước đối với các tỉnh Tây Nguyên./.
Đồng chí Đỗ Bá Tỵ và Phùng Quốc Hiển trúng cử Phó Chủ tịch Quốc hội  (05/04/2016)
Đồng chí Hồ Đức Phớc được đề cử giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước  (05/04/2016)
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021: Chủ động chuẩn bị để tham gia tích cực trong vai trò nữ đại biểu Quốc hội  (04/04/2016)
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021: Chủ động chuẩn bị để tham gia tích cực trong vai trò nữ đại biểu Quốc hội  (04/04/2016)
Phấn đấu năm 2016 có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới  (04/04/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên