Giảm thiểu hậu quả từ bom mìn trên thế giới

BTV (tổng hợp từ TTXVN, vtv.vn)
21:27, ngày 04-04-2016

TCCSĐT - Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn của Liên hợp quốc được tổ chức hằng năm vào ngày 04-4, với mục đích nâng cao nhận thức về bom mìn và tiến trình xóa bỏ hoàn toàn bom mìn. Chủ đề của năm 2016 là “Hành động bom mìn là hành động nhân đạo”.

Nâng cao nhận thức về kiểm soát bom mìn trên thế giới

Năm 2015, nhân kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống quốc tế nâng cao hiểu biết về mối nguy hiểm của mìn, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cùng tham gia tích cực vào việc phòng chống mối nguy hiểm của mìn và các loại vật liệu nổ khác, bổ sung tài chính vào các hoạt động chống lại tác hại của mìn, đồng thời nâng cao hiểu biết của người dân về mối nguy hiểm này, và cùng ủng hộ các hoạt động của Liên hợp quốc trong hoạt động nhân đạo cao cả này.

Trong thông điệp gửi 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi nhân dân toàn thế giới chú ý nhiều hơn và nhận thức đầy đủ hơn về mối nguy hiểm của mìn và các loại vật liệu nổ khác đối với sinh mạng con người cũng như trật tự, an ninh của xã hội.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, không trừ một ai, tất cả mọi người, từ đàn ông, phụ nữ, người già, đến trẻ em đều có thể trở thành nạn nhân của mìn và các loại vật liệu nổ khác đang có xu hướng phát triển mạnh trên thế giới, như bom hẹn giờ, bom tự chế, lựu đạn, và súng cầm tay, súng tự chế,... Chính vì vậy, mọi người cần nâng cao cảnh giác, trau dồi những kiến thức tối thiểu về các loại vật liệu nổ này, tránh tiếp xúc khi không cần thiết,... để bảo vệ tính mạng mình và cộng đồng.

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, do sự xuất hiện và phát triển của nhiều loại vật nổ mới ngoài mìn, gây nguy hiểm cho tính mạng con người, các nước cần nâng cao hiểu biết về mối nguy hiểm này. Liên hợp quốc đã quyết định mở rộng hiệu lực của Công ước Ottawa về phòng chống mìn, được thông qua vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, sang các loại vật liệu nổ nguy hiểm mới. Ngoài ra, cùng với công ước trên, hiện nay trên thế giới cũng đã có những thỏa thuận quốc tế khác về việc ngăn cấm sử dụng bom và các loại vật liệu nổ hẹn giờ, do những hậu quả nghiêm trọng do loại vật liệu nổ này gây ra đối với tính mạng con người và trật tự, an ninh, cũng như công cuộc xây dựng và phát triển tại các quốc gia.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, chỉ trong năm 2014, các chuyên gia của tổ chức này đã giúp các quốc gia vô hiệu hóa 400 nghìn quả mìn và hơn 2 nghìn tấn vật liệu nổ nguy hiểm khác. Ngoài ra, các chuyên gia trên còn có mặt tại nhiều quốc gia, mở các lớp huấn luyện, giúp dân chúng địa phương cách phòng chống mìn, giảm đáng kể những thiệt hại do mìn gây ra.

"Hành động nhân đạo"

Bom mìn là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của 10 người trên thế giới mỗi ngày, và khoảng 40% con số thương vong này là trẻ em. Đây là thông báo của ông Bruno Donat, người đứng đầu Văn phòng Cơ quan Hành động mìn Liên hợp quốc (UNMAS) tại Geneva (Thụy Sỹ), đưa ra nhân Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn lần thứ 11.

Theo ông B. Donat, các chương trình hành động nhằm khắc phục hậu quả bom mìn đã cứu sống nhiều người mỗi năm, cũng như giúp bảo đảm việc rà phá bom mìn và vật liệu nổ tại những khu vực từng bị chiến tranh tàn phá, tạo thuận lợi cho việc hỗ trợ nhân đạo. Trong năm 2015, lực lượng chức năng đã rà phá bom mìn trên diện tích khoảng 64 km2, tương đương với diện tích của 16.000 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Geneva, UNMAS kỷ niệm Ngày Quốc tế nhận thức bom mìn và hỗ trợ hành động bom mìn bằng một triển lãm trưng bày những bức ảnh và tác phẩm nghệ thuật minh họa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, trong đó có việc rà phá bom mìn, phá hủy các kho bom mìn, giáo dục nguy cơ từ bom mìn và hỗ trợ nạn nhân. Bên cạnh đó, UNMAS cũng sẽ tổ chức 7 phiên họp trực tuyến với các cơ quan liên quan của Afghanistan, Iraq, Mali, Palestine, Somalia, Nam Sudan và Syria.

Ukraine nỗ lực giảm thiệt hại từ bom mìn

Tại Ukraine, đất nước bị ảnh hưởng bởi nội chiến kể từ năm 2014, những nỗ lực nhằm giúp các em học sinh nhận biết về bom mìn đang được tiến hành, để từ đó, các em có thể tránh được những tai nạn không đáng có.

Trong một giờ học về bom mìn tại trường phổ thông số 5 của thành phố Mariupol, phía Đông Ukraine, dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan quân đội, các em học sinh được hướng dẫn cụ thể về các loại vật liệu nổ như mìn, lựu đạn, cũng như khả năng các vật liệu này được cài trong những thứ như gấu bông.

Là điểm nóng về chiến sự giữa quân đội Chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập kể từ năm 2014, nhiều khu vực xung quanh thành phố Mariupol còn sót lại bom mìn chưa nổ trong chiến sự. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, ít nhất đã có 42 trẻ em thiệt mạng và 109 em khác bị thương do bom mìn chưa nổ kể từ khi chiến sự tại miền Đông Ukraine nổ ra.

Cuộc nội chiến tại Ukraine vẫn chưa kết thúc và bom mìn vẫn còn ngoài chiến trường hay những khu vực dân sinh nhưng với những tiết học đáng quý, các em học sinh và những dân thường vô tội sẽ không phải chịu những thương vong không đáng có./.