Kỷ niệm 30 năm Giải thưởng Kovalevskaia
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
30 năm Giải thưởng Kovalevskaia ở Việt Nam
Cách đây 30 năm, Giải thưởng mang tên nhà nữ toán học lỗi lạc người Nga Kovalevskaia (1850-1891) bắt đầu được xét trao cho các nhà khoa học nữ Việt Nam thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhà nữ toán học Kovalevskaia đã truyền cảm hứng cho một nhà khoa học nữ người Mỹ, Tiến sĩ Ann Koblitz đến nghiên cứu, học tập ở Liên Xô và viết luận án tiến sĩ về bà. Luận án được đánh giá cao và in thành sách. Số tiền nhuận bút của cuốn sách cùng với sự ủng hộ của một số nhà khoa học khác để lập ra Quỹ Sophia Kovalevskaia nhằm biểu dương, động viên, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ ở những nước đang phát triển, dưới hình thức trao Giải thưởng Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Hiện nay, Quỹ đang hoạt động tại 8 nước ở châu Mỹ La tinh, châu Phi và châu Á.
Ở Việt Nam, hai phụ nữ đầu tiên được vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 1985 là Nhà giáo ưu tú Bùi Thị Tý và Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Chi. Từ buổi ban đầu đó, đến nay, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia đã xét chọn và trao giải thưởng cho 17 tập thể và 44 cá nhân có thành tích nghiên cứu khoa học tự nhiên và ứng dụng nổi bật trong các lĩnh vực toán học, hóa học, sinh học, y tế, giáo dục, nông nghiệp…, với nhiều công trình được chuyển giao công nghệ, đưa vào ứng dụng mang lại lợi ích kinh tế-xã hội cao. Suốt chặng đường 30 năm, Giải thưởng đã trở thành người bạn đồng hành tri kỷ với nữ trí thức Việt Nam trong quá trình đổi mới của đất nước; là sự ghi nhận, nguồn động viên, cổ vũ phụ nữ thêm tự tin, hăng hái nghiên cứu khoa học, đặc biệt khoa học tự nhiên. Các tập thể, cá nhân được nhận Giải thưởng Kovalevskaia nói riêng và phụ nữ trí thức nói chung đã tô đẹp thêm truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong tháng 3 này, phụ nữ trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, đây là thành quả đấu tranh lâu dài và đoàn kết của hàng triệu phụ nữ trên thế giới để bảo vệ cho quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em. Ngày Quốc tế Phụ nữ 08-3 đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng của phong trào phụ nữ toàn cầu, được cả thế giới tôn vinh; trở thành động lực khích lệ các tầng lớp phụ nữ năm châu đoàn kết, phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới. Phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua những phong trào thi đua yêu nước, chương trình công tác trọng tâm do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp nổi bật vào công cuộc đổi mới, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong khu vực và thế giới. Trong những đóng góp lớn lao của phụ nữ có các nhà khoa học nữ. Họ là những tấm gương tiêu biểu, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo để có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng cao mang ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội... “Là một giải thưởng đã đồng hành cùng các nhà khoa học nữ Việt Nam trong 30 năm đổi mới của đất nước, từ năm 1985, Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải thưởng danh giá cấp quốc gia dành cho các nhà khoa học nữ. Có thể khẳng định những thành quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn của 61 tập thể và cá nhân các nhà khoa học nữ có giá trị kinh tế cao, mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào thành quả trong 30 năm đổi mới đất nước”, đồng chí Trương Thị Mai khẳng định.
Những gương mặt nhận Giải thưởng Kovalevskaia 2015
Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, tân Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia (mới được chuyển giao từ nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình) và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015 tặng Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Cẩm Hà được biết đến với nhiều công trình nghiên cứu có tính ứng dụng cao thân thiện với môi trường, đặc biệt là công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh học. Cùng với đó, bà có một chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng công nghệ phân hủy sinh học.
Tiến sỹ, Bác sỹ Phạm Thị Ngọc Thảo hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, dù công việc điều trị bệnh nhân và quản lý bận rộn, nhưng chị vẫn thu xếp để dành thời gian cho các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực huyết học, giảng dạy và có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành.
Là con út trong một gia đình có 4 anh chị em ở xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tuổi thơ của Phạm Thị Ngọc Thảo (sinh năm 1967) gắn liền với quán cơm của mẹ và những giọt mồ hôi của người cha làm lái xe thư báo. Không phụ lòng cha mẹ, cả 4 anh chị em của Thảo đều học tốt. Ngay từ khi học Trung học phổ thông, Thảo đã học tốt các môn tự nhiên và là một học sinh chuyên Lý. Thế nhưng, khi chứng kiến bà ngoại quằn quại trong những cơn đau cuối đời vì căn bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối, Thảo quyết định thi vào trường Y với mong ước sau này làm bác sĩ để chữa bệnh cứu người.
Trong suốt 25 năm cống hiến trong ngành, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo đã dành không ít thời gian để tập trung vào nghiên cứu khoa học. Do hoạt động trong môi trường thực hành chuyên khoa sâu là Hồi sức cấp cứu và chống độc nên các công trình nghiên cứu của nữ bác sĩ cũng xoay quanh lĩnh vực này. Trong đó, có 2 đề tài cấp Nhà nước là “Lọc máu hiện đại điều trị cấp cứu một số bệnh” với nhánh Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng; và “Ghép thận trên bệnh nhân tim ngừng đập”, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, với nhánh Hồi sức tạng trên bệnh nhân tim ngừng đập và Hồi sức bệnh nhân nhận thận ghép từ người cho tim ngừng đập.
Đặc biệt, kỹ thuật lọc máu hiện đại đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh. “Chúng tôi thực hiện liên tục trong 3 năm, từ 2010 đến 2013. Kỹ thuật này đã giúp ngành Hồi sức cấp cứu cứu sống được thêm nhiều bệnh nhân tưởng chừng như đã tuyệt vọng, giảm tỷ lệ tử vong, giảm sự tiến triển của suy đa tạng do giải quyết cơ chế bệnh sinh lọc được cytokin, mở rộng cho một số chỉ định cùng cơ chế như SARS, tay chân miệng, ong đốt… Ngoài ra, còn mang lại hiệu quả kinh tế y tế do giảm thời gian nằm viện, bệnh nhân không phải ra nước ngoài chữa bệnh”, bác sĩ Thảo chia sẻ.
Hiện kỹ thuật lọc máu liên tục đã được chuyển giao cho các bệnh viện tuyến tỉnh trong khu vực như Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Bệnh viện Đắk Lắk, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ… và đang dần từng bước đi vào thường quy.
Không chỉ nhiệt huyết trong hoạt động chuyên môn, chị còn dốc lòng truyền đạt những kiến thức đã tích lũy được với lớp bác sĩ trẻ. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: Bác sĩ Thảo rất nhiệt tình trong việc chỉ dạy các bác sĩ trẻ. Chị hết mình truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức tích lũy được trong nhiều năm học tập, nghiên cứu của mình. Với tôi, bác sĩ Thảo vừa như người chị cả, lại như một người thầy. Tôi học được rất nhiều từ bác sĩ Thảo, từ sự đam mê trau dồi chuyên môn cho đến phong cách làm việc nghiêm túc, thẳng thắn.
Cả một quãng thời gian dài làm việc và nghiên cứu khoa học, giành lại sự sống cho không biết bao nhiêu bệnh nhân nặng đang chờ cái chết, bác sĩ Thảo luôn tâm niệm “coi bệnh nhân như người thân, ruột thịt”. Chị chia sẻ: Nếu đủ khả năng, tôi hi vọng đến cuối đời mình sẽ viết về những tấm gương hi sinh thầm lặng của những con người khoác lên mình màu áo trắng; những bất ngờ và kết thúc có hậu của những gia đình bệnh nhân...tất cả đi qua như những thước phim trong cuộc đời.
Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Thảo còn tham gia tích cực các hoạt động xã hội, có mặt trong những chuyến đi khám bệnh từ thiện cho nhân dân nghèo vùng khó khăn.
Với sự nỗ lực không ngừng và những đóng góp cho ngành Y, chị liên tục nhận được nhiều danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế, Bệnh viện...trao tặng./.
Bầu cử tổng thống Mỹ 2016: Cuộc đua “Siêu thứ Ba”  (06/03/2016)
Hà Nội tổ chức phá dỡ công trình sai phạm tại 8B Lê Trực  (06/03/2016)
Hơn 70% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế  (06/03/2016)
Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn  (06/03/2016)
"Chủ tịch nước đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân"  (06/03/2016)
"Chủ tịch nước đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân"  (06/03/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay