Thứ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra ba trở ngại khi tinh giản biên chế
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 11-01, có 25 lượt Bộ, ngành và 79 lượt địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế năm 2015, 2016 với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là 9.595 người.
Trong số đó, khối Đảng, đoàn thể là 339 người; khối hành chính là 1.204 người; khối sự nghiệp là 5.999 người; khối cán bộ, công chức cấp xã 2.004 người; doanh nghiệp nhà nước 49 người.
Câu chuyện tinh giản biên chế vài năm lại được đặt ra và chưa bao giờ là dễ dàng. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề này.
- Theo Quyết định 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế so với biên chế được giao của năm 2015. Các Bộ, ngành, địa phương phải tự cân đối, điều chỉnh tổng biên chế hiện có nếu thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới. Theo đồng chí việc này có khả quan, là cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ thấy khó khăn, vướng mắc nhất là gì?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Quyết định 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng về ban hành kế hoạch triển khai tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị là hoàn toàn có tính khả thi bởi quản lý biên chế của chúng ta đã tập trung thống nhất. Bộ Chính trị đã thành lập một Ban chỉ đạo thống nhất quản lý về biên chế trong hệ thống chính trị, bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã tăng cường chỉ đạo Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc xác định theo chỉ tiêu và giao biên chế cho các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Khi triển khai thực hiện kế hoạch này của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Nội vụ, của các cơ quan có thẩm quyền khác ở Trung ương, địa phương, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cũng được nêu cao.
Đối với các đơn vị thành lập mới, về cơ bản là không giao thêm biên chế mà các cơ quan có thẩm quyền ở các Bộ, các địa phương phải tự điều hòa biên chế trong cơ quan, tổ chức của mình để đảm bảo có đủ nguồn nhân lực cho tổ chức thành lập mới và đấy cũng chính là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng tăng biên chế trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế hiện nay.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh giản biên chế còn thực hiện theo giải pháp là ra 2 vào 1, tức là khi tinh giản biên chế 10 người thì chỉ có thể lấy vào 5 người, 5 người còn lại để dành cho việc bổ sung biên chế cho tổ chức mới thành lập. Như vậy mục tiêu không tăng biên chế trong giai đoạn từ nay đến năm 2021 là có khả năng thực hiện được.
Quá trình thực hiện quản lý biên chế tất nhiên cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại.
Thứ nhất là sức ép thành lập các tổ chức mới. Ví dụ như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm các trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì phải có thêm thầy giáo, thầy thuốc… Do đó, việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế cũng gặp khó khăn. Khi có đơn vị sự nghiệp thành lập mới, chúng ta phải xử lý như thế nào? Trước mắt, một là vẫn phải điều hòa trong tổng biên chế mà các Bộ, ngành, địa phương đang có.
Thứ hai, không thể không bổ sung biên chế nhưng phải quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ. Đấy cũng là một cái khó.
Cái nữa là chúng tôi thấy trong việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế hiện nay, sức ép từ các cơ quan đơn vị cũng rất lớn vì vẫn lấy lý do là phải có người để làm việc.
Giải pháp để khắc phục khó khăn này, đó chính là tiếp tục đẩy mạnh xác định vị trí việc làm. Chúng ta vẫn phải thực hiện việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức thật đúng để có thể xác định được số lượng người làm việc hợp lý trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện ra những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để đưa vào diện tinh giản biên chế, trên cơ sở đó mới có được số biên chế 50% để lại bổ sung cho tổ chức mới được thành lập.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn phải nghiên cứu, tìm ra các giải pháp để khắc phục và vượt qua được những khó khăn gặp phải trong quá trình tinh giản biên chế hiện nay.
- Ngân sách Trung ương sẽ bố trí 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế năm 2016,đồng chí nhìn nhận thế nào về con số này? So với số biên chế có thể giảm được của năm 2016, số tiền này có hiệu quả, thực sự tiết kiệm cho ngân sách hay chưa?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Bên cạnh việc đưa những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc những người ở diện dôi dư do sắp xếp tổ chức… vào diện tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, chúng ta cũng phải có chính sách để đảm bảo quyền lợi, cuộc sống của họ không bị xáo động.
Và tôi nghĩ rằng đấy cũng là góp phần đảm bảo được sự ổn định trong đội ngũ, trong từng cơ quan tổ chức, khi tinh giản biên chế, công việc vẫn được tiến hành một cách bình thường. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta không thể quên các chính sách giải quyết cho những người tinh giản biên chế. Ngân sách dành một số kinh phí nhất định để phục vụ cho chính sách tinh giản biên chế, tôi nghĩ đấy là cần thiết. Chúng ta kiểm soát chặt chẽ việc tinh giản biên chế thì chỉ những người thuộc diện tinh giản biên chế mới được hưởng chính sách đó.
Kinh phí năm 2016 dành cho tinh giản biên chế, đấy là kinh phí theo con số kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền vẫn thẩm tra, kiểm soát để đảm bảo tinh giản biên chế được thực hiện đúng đối tượng và tránh thất thoát. Thông qua chính sách tinh giản biên chế và số kinh phí bỏ ra để thực hiện tinh giản biên chế mà chất lượng công chức được nâng lên thì tôi nghĩ giá trị của số kinh phí phải chi trả đó cũng không có điều gì phải suy nghĩ.
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên thông qua một trong các giải pháp là tinh giản biên chế sẽ góp phần vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ người dân tốt hơn và đảm bảo được sự hài lòng của người dân đối với hoạt động trong các cơ quan hành chính nhà nước, củng cố được niềm tin của người dân đối với Đảng, đối với nhà nước trong điều kiện hiện nay.
- Đồng chí nghĩ sao khi yêu cầu trong 5 năm tới phải giảm 10% biên chế tại mỗi bộ ngành, địa phương nhưng riêng với ngành Hải quan và Thuế lại có cơ chế riêng, vẫn giữ nguyên biên chế?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Tổng biên chế của Bộ Tài chính bao hàm cả biên chế ngành Thuế và Hải quan. Lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ tự điều hòa, cân đối việc tinh giản biên chế trong các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình để vẫn đạt được mục tiêu tinh giản biên chế đề ra. Tổng biên chế của Bộ Tài chính trong kế hoạch tinh giản biên chế vẫn phải xác định là 10% tối thiểu.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã xác định xong vị trí việc làm trong các cơ quan tổ chức. Căn cứ vào vị trí việc làm cũng như các yếu tố ảnh hưởng, biên chế của ngành Hải quan và Thuế khi thực hiện tinh giản sẽ nằm chung trong kế hoạch tinh giản biên chế của Bộ Tài chính.
Tinh giản biên chế không chỉ đơn thuần là đưa một số tỷ lệ nhất định ra khỏi đội ngũ mà chúng ta còn có trách nhiệm thu hút những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào trong các cơ quan, tổ chức đó, đánh giá, phân loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí công tác, nâng cao kỷ luật, kỷ cương… để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ. Đó cũng chính là những nội dung liên quan đến tinh giản biên chế mà không nhất thiết chỉ đơn thuần là giảm số lượng.
-3.158 tỉ đồng để tinh giản trên 69.000 cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn 2007-2011 có thể coi đã đổ sông đổ bể không thưa ông, khi biên chế vẫn phình ra và ngân sách nhà nước vẫn phải cõng thêm gánh nặng chi cho số đã tinh giản (bình quân trên 45 triệu đồng/người) cũng như số biên chế “phình”? Vậy làm thế nào để nguồn ngân sách tới đây được chi một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh lợi dụng chính sách?
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan nghiên cứu chưa có nơi nào đánh giá về giai đoạn tinh giản biên chế theo Nghị định 132/NĐ-CP trước đây là đổ sông, đổ bể. Thời gian đó, chúng ta cũng đưa những người không đáp ứng yêu cầu công việc ra khỏi đội ngũ, thay vào đó những người có năng lực hơn, đáp ứng được yêu cầu công việc hơn, có điều là tinh giản biên chế hồi đó chưa giảm được số lượng. Chúng ta phải ghi nhận kết quả đạt được là thay vì những người không làm được việc, chúng ta tuyển được thêm những người làm được việc trong các cơ quan, tổ chức.
Trong Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đã quy định, đối với các trường hợp nam từ 58 tuổi trở lên, nữ từ 53 tuổi trở lên không nằm trong đối tượng tinh giản biên chế. Nếu như những người đó vẫn có nguyện vọng được nghỉ hưu, được thôi việc, chúng ta còn có Nghị định 46/NĐ-CP về chế độ thôi việc để điều chỉnh. Nếu họ vẫn muốn được đưa vào diện tinh giản biên chế, họ sẽ được nghỉ, chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Nghị định 108 cũng đã có các quy định để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng sắp đến tuổi nghỉ hưu lại đưa vào diện tinh giản biên chế để hưởng thêm một khoản tiền nữa và đấy chính là một trong các giải pháp để hạn chế sự lãng phí trong quá trình thực hiện tinh giản biên chế./.
Năm 2016: Tháo gỡ vướng mắc, không để lãng phí đất đai  (12/02/2016)
Bước ngoặt trong quan hệ I-ran - phương Tây  (11/02/2016)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 1-2 đến ngày 7-2-2016)  (11/02/2016)
Điện mừng Quốc khánh nước Cộng hòa Hồi giáo I-ran  (11/02/2016)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự họp mặt đầu Xuân Bính Thân của Ban Liên lạc tù binh Việt Nam  (11/02/2016)
Tưng bừng các hoạt động lễ hội đầu xuân  (11/02/2016)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay