Chiều 15-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 1129/2016/UBTVQH13 về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự buổi lễ.

Quyết nghị nêu rõ: Chủ nhật, ngày 22-5-2016 là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan theo trách nhiệm tổ chức cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 14-1.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên 6-1-1946, đây là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội lần thứ XIV. Ngày bầu cử 22-5 tới đây, chính là ngày cử tri, đồng bào cả nước sẽ thực hiện quyền dân chủ, quyết định lựa chọn ai là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

"Theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là ngày đồng bào ta, nhân dân ta sung sướng, trở thành một công dân độc lập của một nước độc lập, tự tay bỏ lá phiếu thực hiện quyền dân chủ nhân dân, bình đẳng, trực tiếp bỏ phiếu kín. Đây cũng là ngày rất thiêng liêng, lá phiếu của cử tri sẽ lựa chọn ra những đại biểu của mình để vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Để chính đại biểu Quốc hội thay mặt nhân dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân; mang trên mình sức mạnh của nhân dân, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Ngày bầu cử đã được ấn định theo quy định của pháp luật và hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta biết được và tích cực chuẩn bị cho Ngày bầu cử 22-5 được tổ chức thành công tốt đẹp", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chúng ta có nhiệm vụ thực hiện thật tốt cuộc bầu cử ngày 22-5-2016, để Ngày bầu cử thật sự trở thành sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. “Có kết quả bầu cử, mới bầu ra được bộ máy chính quyền các cấp, từ Trung ương đến cơ sở. Chính các đại biểu nhân dân là những người ưu tú trong nhân dân chúng ta sẽ được lựa chọn vào đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và quyết định bầu ra bộ máy chính quyền từ Trung ương tới cơ sở; cụ thể bầu ra từ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, cho tới Chủ tịch xã, phường và Chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là một khởi đầu để chúng ta xây dựng một nhà máy pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam; là một bộ máy của dân, do dân, vì dân, theo đúng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng việc công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tới được với từng cử tri, đồng bào cả nước, để chuẩn bị tất cả các công việc cần thiết cho tổ chức Ngày bầu cử thành công và trở thành ngày hội của dân tộc.

Chủ tịch Quốc hội mong rằng, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, các cấp và toàn thể đồng bào cử tri của nước sẽ làm hết trách nhiệm của mình trong công tác chuẩn bị để đảm bảo sẵn sàng đến ngày 22-5 tới, cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp, đảm bảo an toàn tuyệt đối và tiết kiệm.

Trong chiều 15-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII cũng đã tiếp tục phiên họp thứ 44, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý các dự án luật trên của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần chỉnh lý lại một số câu chữ, kỹ thuật để dự án luật chặt chẽ, minh bạch; đồng thời cần quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan chức năng, chứ không để chung chung.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách rà soát lại về hiệu lực thi hành và thời điểm có khác nhau trong một luật, để đảm bảo không bị vướng mắc khi chuyển tiếp luật mới có hiệu lực.

Đồng thời, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cần viết lại hai dự án luật trên tinh thần cầu thị để các đại biểu Quốc hội thấy được tinh thần tiếp thu ý kiến và giải trình một cách cặn kẽ; phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục rà soát lại một lần nữa trước khi trình hai dự án luật này tại kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XII, vào tháng Ba tới đây./.