Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 43, sáng 11-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ việc xây dựng Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm phù hợp, thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; bảo đảm chất lượng, nội dung triển khai xây dựng Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Quy chế quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành những điều, khoản liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Luật tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan; không nhắc lại những điều khoản đã được quy định trong Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội và các luật khác, tập trung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy trình, cách thức tổ chức phiên họp, hội nghị và triển khai các hoạt động khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó, quy định cụ thể những cải tiến về cách thức tiến hành phiên họp đã được áp dụng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn thời gian qua, bổ sung một số quy trình còn thiếu hoặc chưa cụ thể.

Bảo đảm phù hợp, không trùng lặp nội dung với các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật tổ chức Quốc hội khác như nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thư ký và Văn phòng Quốc hội…

Quy chế gồm 4 chương với 76 điều.

Qua thảo luận, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng để bảo đảm thực hiện đúng quy định tại Điều 5 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát lại dự thảo Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm, đối với những quy trình, thủ tục đã được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật khác thì chỉ quy định dẫn chiếu mà không quy định lại. Đồng thời quy định cụ thể về quy trình, thủ tục hoạt động để thực hiện đầy đủ các thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được quy định trong các luật, nghị quyết có liên quan.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc bổ sung Điều 3 quy định cụ thể về các hình thức làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có hình thức hoạt động là cho ý kiến bằng văn bản. Nội dung này được quy định chung tại Điều 3 và cụ thể hóa tại Điều 20 đã làm rõ hơn thẩm quyền quyết định việc lấy ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản, trình tự, thủ tục lấy ý kiến bằng văn bản.

Thể hiện nhất trí với nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh cần phải cải cách thủ tục hành chính, có những loại việc nhất thiết phải thảo luận nhưng cũng có những việc chỉ cần xin ý kiến bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: thủ tục hành chính phải rất đơn giản nhưng phải đảm bảo đúng quy trình.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng hình thức hoạt động thông qua phiên họp vẫn là hình thức hoạt động chủ yếu, cơ bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, tại Điều 20 cần quy định cụ thể hơn phạm vi các nội dung, vấn đề lấy ý kiến bằng văn bản; giá trị pháp lý của hình thức lấy ý kiến bằng văn bản; vai trò của cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến, tổng hợp, tiếp thu chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điểm c khoản 2 Điều 20 quy định: “Tổng thư ký Quốc hội tổ chức tổng hợp ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tổng hợp; đồng thời, gửi cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra văn bản để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý văn bản, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”.

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định văn bản đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bởi vì trong một số trường hợp, nếu thực hiện đúng trình tự theo quy định trên thì sẽ không đáp ứng yêu cầu về thời gian, chẳng hạn như đối với văn bản do Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thì theo quy trình hiện nay, sau khi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản sẽ được tiếp thu chỉnh lý và trình Lãnh đạo Quốc hội xem xét, quyết định trình Quốc hội.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc tiếp thu, chỉnh lý và kết quả tiếp thu, chỉnh lý dự thảo theo ý kiến bằng văn bản của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều phải được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp gần nhất; nếu có nhiều ý kiến khác nhau thì phải đưa ra phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận lại. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ hơn để chỉnh lý lại nội dung này cho chặt chẽ và phù hợp với thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai viện dẫn trong Luật Tổ chức Quốc hội đã dành hai điều 64, 65 để nói về nhiệm vụ, quyền hạn Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tại Điều 2 của dự thảo Quy chế nêu rõ hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bảo đảm bằng hiệu quả của các phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Như vậy việc đảm bảo hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chỉ được đảm bảo bằng các phiên họp mà còn có hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Do vậy, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội để đồng bộ với quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về quy trình, thủ tục trong việc xem xét các vấn đề về nhân sự và tổ chức bộ máy nhà nước theo thẩm quyền; quy trình, thủ tục hoạt động trong lĩnh vực xây dựng pháp luật...

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Cho ý kiến về việc đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo đó, phía Việt Nam cấp thị thực có thời hạn 1 năm nhiều lần cho công dân Hoa Kỳ nhập cảnh Việt Nam với mục đích du lịch, hội thảo, hội nghị, việc riêng, làm việc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, và đáp ứng các điều kiện khác để nhập cảnh Việt Nam theo quy định của luật pháp Việt Nam.

Phía Hoa Kỳ cấp thị thực có thời hạn 1 năm nhiều lần cho công dân Việt Nam nhập cảnh Hoa Kỳ với mục đích du lịch, hội thảo, hội nghị, việc riêng, làm việc với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, hoặc phù hợp với loại thị thực B-1 (đi lại vì mục đích công việc ngắn hạn) hoặc loại B-2 (đi lại vì mục đích du lịch) hoặc loại thị thực kết hợp B-1/B-2, và đáp ứng các điều kiện khác để nhập cảnh Hoa Kỳ theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ.

Thời gian tạm trú mỗi lần nhập cảnh phụ thuộc vào mục đích nhập cảnh, theo luật pháp và quy định hiện hành của từng nước.

Mỗi nước có thể rút ngắn thời hạn thị thực và số lần nhập cảnh đối với các trường hợp cụ thể theo luật pháp và quy định hiện hành của nước này.

Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày phía Việt Nam nhận được công hàm xác nhận đồng ý của phía Hoa Kỳ.

Thỏa thuận được xây dựng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của hai nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế.

Thỏa thuận không có nội dung trái với Hiến pháp, phù hợp với lợi ích quốc gia, đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam./.