Trung Đông một năm nhìn lại
Đàm phán hoà bình I-xra-en – Pa-le-xtin hầu như không đạt được tiến bộ nào trong năm qua.
Nếu tính đến mốc thời gian dư luận có lẽ nhớ nhất đến tiến trình đàm phán hoà bình I-xra-en – Pa-le-xtin với lời cam kết của Tổng thống Mỹ tại hội nghị An-na-pô-lit về hoà bình Trung Đông được tổ chức tháng 11-2007. Tại hội nghị đó, Tổng thống Bu-sơ hứa sẽ đem lại một hiệp định hoà bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin vào cuối năm 2008 trước khi ông Bu-sơ rời nhiệm sở. Cả một năm hồi hợp chờ đợi, nhất là khi hơn một lần Tổng thống Bu-sơ tới thăm Trung Đông và ngoại trưởng Mỹ C.Rai-xơ thể hiện nỗ lực nhất qua các chuyến đi con thoi tới vùng đất này. Tuy nhiên, vào những ngày cuối năm này có thể khẳng định hiệp định hoà bình I-xra-en – Pa-le-xtin như Tổng thống Bu-sơ hứa hẹn đã không thành hiện thực. Người ta lại chờ đợi như đã từng chờ đợi.
Đàm phán hoà bình I-xra-en – Pa-le-xtin hầu như không đạt được tiến bộ nào trong năm qua. I-xra-en vẫn tiếp tục tăng cường xây dựng và mở rộng khu định cư. Hai bên vẫn còn bất đồng sâu sắc về các vấn đề cốt lõi là quy chế Giê-ru-xa-lem, đường biên giới, việc hồi hương của người tị nạn Pa-le-xtin… Đấy là chưa kể tới những khó khăn, bất ổn trong nội bộ từ cả hai phía.
Dư luận bày tỏ lo ngại hơn cho tiến trình hoà bình này khi có nhiều khả năng đảng cực hữu Likud sẽ giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn tại I-xra-en vào ngày 10-2 tới đây. Thoả thuận ngừng bắn 6 tháng giữa I-xra-en và Ha-mát đã hết hiệu lực vào ngày 19-12 vừa qua. Người ta lo ngại rằng bạo lực lại leo thang và người dân Pa-le-xtin tại Dải Ga-da đang bị I-xra-en bao vây phong toả sẽ phải chịu đựng thiếu thốn, khốn khó hơn.
Năm qua, vấn đề hạt nhân của Iran cũng có những thời điểm trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Mỹ và phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép nhằm buộc Iran phải chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi trong khi I-ran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích dân sự hoà bình. Không chỉ dư luận khu vực mà trên toàn thế giới đều đã đoán già đoán non về khả năng Mỹ và I-xra-en sẽ tấn công quân sự I-ran để triệt phá các cơ sở nghi làm giàu u-ra-ni-um của nước này. Tuyên bố từ cả hai phía nhiều lúc khiến người ta nghĩ “đạn đã lên nòng”. Tuy nhiên, điều may mắn cho đến những ngày này là chiến tranh đã không xảy ra. Người Mỹ đã không mạo hiểm phiêu lưu vào một cuộc chiến mới khi những hậu quả của cuộc chiến tại I-rắc hay Áp-ga-ni-xtan vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tại I-rắc, tình hình cũng không mấy sáng sủa sau hơn 5 năm người Mỹ có mặt ở đất nước này. Mặc dù Mỹ tuyên bố tình hình an ninh của I-rắc đã được cải thiện nhiều nhưng súng vẫn nổ, các vụ đánh bom liều chết vẫn xảy ra hàng ngày. Tổng số binh sĩ Mỹ thiệt mạng ở I-rắc đã lên đến 4217 kể từ năm 2003. Phụ nữ đã được sử dụng để đánh bom liều chết. Mâu thuẫn giữa các đảng phái, sắc tộc tại I-rắc vẫn căng thẳng. Mặc dù luật bầu cử địa phương đã được thông qua tạo cơ sở pháp lý cho cuộc bầu cử địa phương được tổ chức vào cuối tháng 1-2009 nhưng cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, sắc tộc tại I-rắc vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn. Tiến trình hoà giải dân tộc tại I-rắc vẫn còn đầy những khó khăn. Mỹ cho rằng đã có những thành công trong việc tạo dựng nền dân chủ tại I-rắc nhưng hình ảnh nước Mỹ tại I-rắc đã xấu đi hơn bao giờ hết. Hình ảnh 2 chiếc giấy được ném về phía Tổng thống Bu-sơ tại một cuộc họp báo khi ông Bu-sơ tới thăm I-rắc được truyền đi khắp thế giới đủ để nói lên tất cả thái độ của người dân I-rắc nói riêng cũng như toàn thế giới Hồi giáo, Ả Rập nói chung đối với công cuộc truyền bá dân chủ của người Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ sẽ còn tiếp tục ở lại I-rắc tới năm 2011 sau khi đạt được hiệp định an ninh với I-rắc.
Trung Đông năm qua cũng còn có một số sự kiến nổi bật khác. Tranh giành quyền lực và mâu thuẫn phe phái ở Li-băng tưởng như không thể giai quyết được. Chiếc ghế Tổng thống ở Li-băng đã bị bỏ trống hơn 18 tháng. Sau hơn 19 lần trì hoãn, cuối cùng ngày 25-5 các phe phái của Li-băng cũng đã đạt được thỏa thuận bầu ra một tổng thống và thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc trong sự ngạc nhiên của dư luận khu vực và quốc tế. Đáng chú ý là thỏa thuận này do Ca-ta làm trung gian – một nước có thể coi là đang dần nổi lên ở Trung Đông. Trước đó, Liên đoàn A-rập, Ai Cập và nhiều nước đã đứng ra làm trung gian hòa giải cho Li-băng như không thành.
Một thành công nữa của Li-băng trong năm 2008 là chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước láng giềng anh em Xi-ri sau hơn 60 năm hai nước giành độc lập. Hai bên đã tuyên bố mở lại đại sứ quán và cử đại sứ trước cuối năm nay. Mối quan hệ này được xem là một bước tiến của tiến trình hòa bình Trung Đông, mở ra một triển vọng hợp tác, hòa bình và ổn định cho cả Xi-ri – Li-băng và khu vực.
Xi-ri cũng có một năm thành công với việc mở cửa với thế giới bên ngoài và khu vực. Xi-ri tăng cường quan hệ với các nước Liên minh châu Âu, đặc biệt là Pháp – nước chủ tịch EU. Mối quan hệ này, Xi-ri muốn khẳng định vai trò của mình ở khu vực và trên thế giới. Cùng với việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Lebanon, Xi-ri đã nối lại đàm phán hòa bình gián tiếp với I-xra-en qua trung gian Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên đã tiến hành 4 vòng đàm phán và được đánh giá là tiến triển có thể tiến tới đàm phán trực tiếp. Và mới đây nhất, ngày 22-12, Thủ tướng tạm quyền I-xra-en Ehud Olmert đã tới An-ka-ra, Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng thúc đẩy đàm phán hoà bình giữa I-xra-en và Xi-ri. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là hy vọng vì tình hình nội bộ I-xra-en hiện nay không cho phép bất cứ điều gì có thể đi xa hơn.
Sang năm tới mới 2009, tình hình Trung Đông liệu có gì thay đổi?. Liệu Tổng thống Ô-ba-ma khi trở thành chủ nhân của Nhà trắng có đáp ứng được một phần nào đó những hy vọng của người dân Trung Đông mà họ đã bày tỏ khi biết tin ông Ô-ba-ma đắc cử Tổng thống Mỹ. I-xra-en có tiếp tục quá trình đàm phán hoà bình với người Pa-le-xtin, người Xi-ri sau khi có chính quyền mới?. Vấn đề hạt nhân của Iran sẽ được giải quyết như thế nào?. Tình hình I-rắc có đi vào ổn định thực sự hay không?. Pa-le-xtin liệu có đi đến hoà giải thống nhất?... Nhiều hy vọng của năm 2008 đã không thành hiện thực. Trung Đông vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết và ẩn chứa nhiều biến động. Nhưng dù sao người dân Trung Đông và cộng đồng quốc tế vẫn mong đợi những thay đổi tích cực trong năm 2009 và Trung Đông giàu dầu mỏ sẽ an bình./.
Nỗ lực tạo dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay  (27/12/2008)
Kinh tế thế giới năm 2008 và tác động đối với Việt Nam  (27/12/2008)
Kinh tế thế giới năm 2008 và tác động đối với Việt Nam  (27/12/2008)
Tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản thực phẩm  (27/12/2008)
Tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản thực phẩm  (27/12/2008)
Năm khó khăn của châu Á  (27/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay