Giải quyết những thách thức trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển nông nghiệp ở Hải Dương
TCCSĐT - Tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, giữa vùng kinh tế trọng điểm phía bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), chỉ cách Hà Nội 45 km về phía tây và cách Hải Phòng 50 km về phía đông. Hệ thống giao thông phát triển, với nhiều đường quốc lộ quan trọng chạy qua như đường quốc lộ số 5, 18, 183..., tạo thuận lợi cho Hải Dương trong giao lưu, phát triển công nghiệp và một nền kinh tế hàng hoá. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp thời gian qua đang dẫn đến một số hệ quả bất lợi cho sự phát triển nông nghiệp và đời sống xã hội, đặt ra yêu cầu phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa các mục tiêu này.
Những thách thức chủ yếu trong quá trình công nghiệp hóa
Tài nguyên đất nông nghiệp ngày càng giảm
Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá là một xu thế phát triển tất yếu của Hải Dương, do vậy, diện tích đất dành cho các doanh nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, đô thị, giao thông ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh có 18 khu công nghiệp tập trung đã được Chính phủ phê duyệt với diện tích 3.900 héc-ta và 29 cụm công nghiệp, với diện tích gần 2.000 ha, cùng hàng nghìn ha đất được cấp cho các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và các công trình khác... Thành phố Hải Dương được mở rộng diện tích, từ 3.600 ha tăng lên hơn 7.000 ha. Đường quốc lộ số 5 (mới) đang triển khai qua địa phận Hải Dương làm giảm diện tích đất nông nghiệp khoảng 3,3 triệu m2.
Chỉ từ năm 2005 đến nay, diện tích đất gieo trồng cả năm của toàn tỉnh giảm tới 5,7% (tương đương 11.457 ha), trong đó diện tích lúa 2 vụ giảm 4,7% (tương đương 6.406 ha). Dự kiến đến năm 2015, diện tích đất trồng lúa sẽ giảm 12,9%, và đến năm 2020, giảm 18,1% so với năm 2005.
Với việc tăng dân số nông nghiệp và giảm diện tích đất canh tác như đã nêu ở trên, bình quân diện tích đất canh tác theo khẩu nông nghiệp 2001- 2005 giảm tới 16,75%, từ 615 m2/khẩu (năm 2001) xuống còn 512 m2 (năm 2005).
Giảm diện tích đất canh tác là điều cần thiết của quá trình công nghiệp hoá để đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015… Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, hầu hết các khu công nghiệp, các dự án đầu tư, dịch vụ được cấp giấy phép đều bám dọc các đường quốc lộ 5, 18, và 183 - những huyết mạch giao thông chính chạy qua các vùng nông thôn trù phú. Hệ quả là, hàng nghìn héc-ta đất có cấu tượng tốt, “bờ xôi, ruộng mật” đang bị bê-tông hoá, đã ảnh hưởng rất lớn đến công ăn việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân.
Theo Báo cáo điều tra (từ 3.950 hộ nông dân) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy năm 2007 về sự tác động của các dự án đầu tư đối với các hộ nông dân bị thu hồi đất, tỷ lệ lao động thất nghiệp từ 1,6% (trước khi bị thu hồi đất) tăng lên 6,14% (sau khi bị thu hồi đất).
Một số dự án đầu tư được cấp giấy phép, nhưng tiến độ đầu tư chậm, thậm chí có biểu hiện lập dự án để “giữ đất”, “mua đi, bán lại”..., dẫn đến tái diễn tình trạng hoang hoá, lãng phí đất như trước đây.
Ô nhiễm môi trường
Suy thoái tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường nông thôn đang tác động tiêu cực đến sự phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương theo hướng bền vững. Căn cứ kết quả điều tra, đánh giá tác động của môi trường hằng năm, chiến lược môi trường tỉnh đến năm 2010 và các đề tài nghiên cứu đánh giá tác động của môi trường hằng năm, Báo cáo dự án quy hoạch môi trường tỉnh Hải Dương 2006 - 2010 nhận định: “Tình hình ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên đất trong tỉnh Hải Dương có chiều hướng gia tăng, dẫn đến việc đất đai bị thoái hoá, chất lượng giảm dần, môi trường đất bị ô nhiễm…”. Nguyên nhân đất bị suy thoái cũng đã được các cơ quan nghiên cứu làm rõ, tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau:
Dân số tăng, quá trình đô thị hoá tại các huyện, thành phố của tỉnh ngày càng mạnh mẽ đã gây áp lực đối với tài nguyên đất, dẫn đến quỹ đất ngày càng thu hẹp và môi trường ô nhiễm.
Hầu hết các xã, thôn trong tỉnh đều chưa có quy hoạch tổng thể, thiếu các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch xây dựng và quy hoạch phân vùng sản xuất. Tình trạng san lấp ao hồ làm nhà ở diễn ra ở nhiều nơi. Nước thải sinh hoạt không có lối thoát, tự thấm xuống đất hoặc thải trực tiếp ra ao hồ không qua xử lý, trong khi ao hồ ngày càng bị thu hẹp diện tích và không được lưu thông nên hầu hết nguồn nước đều bị ô nhiễm
Ô nhiễm môi trường đất còn do chính các hoạt động nông nghiệp gây ra. Hệ số sử dụng đất tuy được khai thác và tận dụng cao hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển nhưng do không quan tâm nhiều đến sự hợp lý, bồi dưỡng thích nghi của môi trường đất dẫn đến đất bị thoái hoá. Việc lạm dụng các chất hoá học trong nông nghiệp đã và đang là nguyên nhân làm giảm số lượng của nhiều loại vi sinh vật có ích, làm giảm sự đa dạng sinh học.
Việc phát triển công nghiệp xung quanh vùng nông nghiệp dẫn đến hệ quả là chất thải công nghiệp ở nhiều nơi xả ra chung với hệ thống tưới tiêu thủy lợi. Hệ lụy của ô nhiễm môi trường nước là khó tránh khỏi...
Phân hóa giàu nghèo
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chênh lệch thu nhập của 20% số hộ có thu nhập cao nhất so với 20% số hộ có thu nhập thấp nhất của Hải Dương năm 2007 là 6. Và mức chênh lệch này trên thực tế còn có thể cao hơn nữa khi nhóm thu nhập tương ứng là 10%.
Báo cáo kết quả thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 của tỉnh cũng nhận định: “Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh nghèo mới còn cao”. Năm 2007 trong số 15.994 hộ thoát nghèo, thì có 9.808 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo mới. Tỷ lệ giảm nghèo không đồng đều, đến cuối năm 2008 toàn tỉnh còn nhiều xã có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn từ 1,7 đến 2,5 lần so với bình quân chung của tỉnh, như xã Thống Kênh (Gia Lộc), tỷ lệ hộ nghèo lên tới 24,28%; Kênh Giang (Chí Linh) 24,09%; Đồng Quang (Gia Lộc) 19,33%; Thái Hoà (Bình Giang) 18,9%; Thanh Khê (Thanh Hà) 17,70%; Hồng Khê (Bình Giang) 17,3%; Lai Vu (Kim Thành) 17,23%...
Phân tích trên mới chỉ cho thấy mức chênh lệch thuần tuý về thu nhập. Nếu tính về tài sản và mức độ hưởng thụ các dịch vụ xã hội khác, thì mức chênh lệch còn cao hơn nhiều. Ví dụ, về trang bị máy tính cho việc dạy học ở cấp tiểu học của thành phố Hải Dương đạt 31%, còn ở 11 huyện khác trung bình đạt 20,2%, có huyện vùng xa như Thanh Miện, Tứ Kỳ thiết bị nghe nhìn cho phòng học chỉ đạt chỉ đạt 14,3%. Về điện sinh hoạt, tổn thất điện năng ở khu vực nông thôn cao hơn hàng chục lần so với thành thị, do đường điện chậm được cải tạo, tổn thất điện năng lớn nên người dân ở các nơi này đang chịu mức giá điện cao hơn quy định về giá điện sinh hoạt của Nhà nước từ 1,6 đến 2 lần ...
Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn
Trong 8 năm (từ 2001 đến 2008) tỷ lệ thời gian lao động chưa được sử dụng ở nông thôn giảm chậm, từ 27,37% xuống 18,8% (giảm 8,57%), bình quân mỗi năm giảm 1,07%. Điều đó có nghĩa là, đến năm 2008, người lao động nông nghiệp ở Hải Dương làm việc 215,18 ngày/năm, thậm chí nhiều nơi ở các huyện Thanh Miện, Thanh Hà, người nông dân mặc dù thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp vì dịch vụ và các ngành nghề khác chưa phát triển, nhưng mỗi năm làm việc chưa đạt 200 ngày. Thất nghiệp, thiếu việc làm không những là nguyên nhân của nghèo đói, mà còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều tiêu cực và tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, đề đóm, nghiện hút…
Thiếu việc làm thúc đẩy dịch chuyển lao động tự do (có thời hạn hoặc lâu dài) đến thành thị và các nơi khác. Dịch chuyển lao động tự do không chỉ với tư cách là nhân tố tiêu cực ảnh hưởng tới những vấn đề về trật tự trị an xã hội như tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội gia tăng… mà còn tạo ra sự mất cân bằng lao động, giới tính giữa thành thị và nông thôn, xu thế nguồn lực lao động có chất lượng ở nông thôn ngày càng suy giảm.
Việc làm thiếu, giải quyết chính sách đền bù đất canh tác ở một số nơi bị thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng chưa thỏa đáng là những nguyên nhân gây phát sinh nhiều vụ khiếu kiện đông người gây mất ổn định xã hội nông thôn.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Dương khá cao, nhất là khu vực công nghiệp, dịch vụ, nhưng tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang có những biểu hiện chững lại. Phải chăng tiềm năng của nông nghiệp đã được khai thác tới hạn? Vấn đề đặt ra là nông nghiệp phải tiếp tục có sự đột phá để tạo ra hướng phát triển mới, tạo ra một diện mạo khác cho một ngành vốn đang là thế mạnh của tỉnh.
Nông nghiệp phát triển thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần
Do tác động của công nghiệp hoá, đô thị hoá, các nguồn lực chủ yếu để phát triển nông nghiệp (bao gồm đất đai, lao động và đầu tư) bị suy giảm, trong khi khoa học - công nghệ chậm phát huy tác dụng để tăng năng suất lao động; thiên tai, dịch bệnh những năm qua xảy ra nhiều... đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Tốc độ giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân giảm từ 5%/năm (giai đoạn 2001 - 2005) xuống còn 3%/năm (giai đoạn 2006 - 2008).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Trong nông nghiệp, ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn (đến năm 2007 vẫn chiếm 58% giá trị sản lượng). Do dịch bệnh nên chăn nuôi phát triển không ổn định, tốc độ tăng trưởng trung bình giảm từ 9%/năm (giai đoạn 2001-2005) xuống còn 1,8% (giai đoạn 2006 - 2008).
Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững trong thời gian tới
Một là, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, gắn với phát triển mạnh công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện đầu tư thâm canh, áp dụng các giống và quy trình sản xuất mới có năng suất, chất lượng cao. Bố trí cây trồng, thời vụ gieo trồng cho phù hợp với từng tiểu vùng. Tiếp tục đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, sản lượng lúa, nhất là lúa lai, lúa chất lượng cao. Xây dựng các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu...; hàng hoá tập trung có năng suất cao, ổn định, đạt chất lượng an toàn thực phẩm. Đầu tư nâng cấp hệ thống tưới tiêu đồng bộ cho các vùng thâm canh cao; đẩy nhanh cơ giới hoá trong sản xuất.
Phát triển ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp, mở rộng quy mô trang trại, gia trại; bảo đảm phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Hoàn chỉnh quy hoạch và phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung. Gắn việc nuôi trồng thủy sản với công tác giữ gìn môi trường bền vững, giảm thiểu dịch bệnh cho các loài thủy sản. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, thức ăn và môi trường nuôi.
Hai là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn gắn với phát triển mạng lưới đô thị.
Tiếp tục đầu tư thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, hệ thống các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu. Đầu tư các công trình cấp nước sinh hoạt cho dân cư và cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Từng bước kiên cố hoá hệ thống đê sông, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý thủy lợi có hiệu quả, nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên 85% - 90%.
Phát triển giao thông nông thôn bền vững, gắn với mạng lưới giao thông quốc gia. Phấn đấu có 100% đường nhựa và bê tông hoá đến tận trung tâm xã, thôn. Từng bước nâng cao chất lượng đường ở nông thôn, có cơ chế, chính sách bảo đảm duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.
Cải tạo đồng bộ hệ thống lưới điện bảo đảm điện phục vụ yêu cầu ngày càng tăng của sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Phát triển hệ thông bưu chính, viễn thông nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho các xã khu vực nông thôn. Nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, bệnh viện đa khoa ở các vùng nông thôn; hoàn thành chương trình kiên cố hoá trường học, xây dựng nhà văn hoá thôn, đến năm 2020 có 50% số xã có trung tâm văn hoá. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ, nâng cấp nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách...
Ba là, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm quyền lợi của nông dân.
Ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho những người thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động từ nông thôn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động tại chỗ từ lĩnh vực nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ, tạo điều kiện tăng nhanh thu nhập cho nông dân.
Thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo của tỉnh và Trung ương để nâng cao mức sống cho người dân nông thôn, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị, nông thôn và ngay trong nội bộ nông thôn.
Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Thực hiện bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bồi dưỡng năng lực và vị thế của phụ nữ ở nông thôn.
Bốn là, đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.
Tiếp tục đổi mới, củng cố phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác phù hợp với nguyên tắc tổ chức của Luật Hợp tác xã và cơ chế thị trường; hỗ trợ kinh tế tập thể về đào tạo cán bộ quản lý, lao động; tiếp cận các nguồn vốn, trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển nông thôn.
Thực hiện tốt "liên kết 4 nhà", trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển. Hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh trong nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện để hình thành các doanh nghiệp ở nông thôn; ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và dịch vụ nông nghiệp.
Năm là, phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ và tạo sự chuyển biến mạnh trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Khuyến khích việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Hỗ trợ xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao để sản xuất các sản phẩm sạch. Phát triển nghiên cứu ứng dụng, thực hiện phương châm "đi tắt đón đầu" một số lĩnh vực. Phát huy có hiệu quả hệ thống khuyến nông viên ở cơ sở trong công tác chuyển giao và áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Xây dựng chính sách thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ đại học về nông thôn.
Nâng cao chất lượng đào tạo của các trung tâm, trường dạy nghề; từng bước xã hội hóa việc đào tạo nghề cho người lao động. Nâng cao tỷ lệ lao động ở nông thôn được đào tạo nghề đến năm 2020 là 75% - 80%, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn 35%, đặc biệt quan tâm đến đối tượng bị thu hồi đất cho phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, mở rộng đô thị và các công trình phúc lợi...
Sáu là, đổi mới mạnh mẽ các cơ chế chính sách để huy động cao các nguồn lực phát triển nhanh kinh tế nông thôn.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về đất đai để khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân có nhu cầu sử dụng đất; mở rộng hạn mức sử dụng đất, tạo điều kiện cho người sử dụng đất dồn điền đổi thửa, tích tụ đất để sản xuất hàng hóa. Sử dụng đất đai hợp lý để phát triển các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị dựa trên cơ sở phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Có chính sách hợp lý để giữ ổn định diện tích đất trồng lúa. Tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chú trọng những nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, còn nhiều khó khăn.
Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của chính quyền; phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn.
Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn.
Tiếp tục cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của chính quyền các cấp. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm đã được cơ quan chức năng kết luận. Củng cố, kiện toàn bộ máy nhà nước về quản lý nông nghiệp, nông thôn từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giữ gìn ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn./.
Giải quyết những thách thức trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển nông nghiệp ở Hải Dương  (05/08/2009)
Đại hội đồng AIPA - 30: Phát huy quyền, vai trò phụ nữ trong đời sống kinh tế - xã hội ASEAN  (04/08/2009)
Khủng hoảng tài chính “móc túi” các nước 10.000 tỉ USD  (04/08/2009)
Kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo  (04/08/2009)
Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2009 tại Việt Nam  (04/08/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên