Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2009 tại Việt Nam
TCCSĐT - Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức hằng năm, từ ngày 1 đến ngày 7 - 8, ở trên 120 quốc gia nhằm khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện sức khỏe của trẻ em trên toàn thế giới. Đây cũng là dịp kỷ niệm Tuyên bố Innocenti do các nhà hoạch định chính sách của Tổ chức Y tế thế gới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra vào tháng 8-1990, với mục đích bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Cùng với việc tổ chức Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2009, Tuần lễ Việt Nam Nuôi con bằng sữa mẹ được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 7-8 năm nay với chủ đề "Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu - sự lựa chọn thông minh vì sự sống còn và phát triển của trẻ", làm nổi bật yêu cầu cần bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ sữa mẹ - loại thức ăn duy nhất cần thiết trong sáu tháng đầu đời để bảo đảm sự sống còn, sức khỏe, sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nhân dịp phát động Tuần lễ, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc tại Việt Nam đưa ra “Lời kêu gọi hành động” để bảo đảm đến năm 2015 sẽ đạt được mục tiêu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ với tỷ lệ 50% trên cả nước.
Trong “Kế hoạch Hành động quốc gia vì sự sống còn của trẻ em” mới được phê duyệt gần đây, Bộ Y tế đã cam kết thực hiện mục tiêu nói trên và cho rằng, nếu không cải thiện việc nuôi con bằng sữa mẹ và điều kiện dinh dưỡng của trẻ em thì có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Việt Nam.
Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời mang lại rất nhiều lợi ích to lớn về sức khỏe, cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết và bảo vệ cho trẻ tránh các bệnh gây tử vong như viêm phổi, tiêu chảy, và thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển của trẻ. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau sáu tháng, cho tới hai tuổi hoặc nhiều hơn, kết hợp với việc bổ sung các thực phẩm an toàn và phù hợp, là cách thức nuôi dưỡng trẻ tối ưu.
Dù tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ tại Việt Nam đã tăng lên, song theo điều tra, đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ năm 2006, cứ 6 bà mẹ thì chỉ có 1 người nuôi con mình hoàn toàn bằng sữa mẹ. Điều này khiến cho nhiều trẻ em không có được sự bảo vệ cần thiết trong những giai đoạn đầu đời của mình.
Trong lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm đã nói: Chúng ta cần tiếp tục cam kết bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách giúp cho các bà mẹ và gia đình của họ hiểu được những ích lợi của nuôi con bằng sữa mẹ cũng như những rủi ro của việc nuôi dưỡng thiếu tự nhiên. Điều này có nghĩa là Chính phủ, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế phải tiếp tục cam kết thực hiện Nghị định số 21/2006/NĐ/CP của Chính phủ về “Kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ ”, và đầu tư nhiều hơn cho hệ thống y tế công cộng.
Nghị định số 21/2006/NĐ/CP của Chính phủ nhằm mục đích bảo vệ và thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ, trong đó có việc cấm quảng cáo và kinh doanh bất hợp lý các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bầu sữa và núm vú cho trẻ em. Dù đã có những tiến bộ từ khi Nghị định này được ban hành, song vẫn còn nhiều thách thức và các vi phạm Nghị định vẫn chưa được xử lý nghiêm túc. Một báo cáo của Bộ Y tế đã nêu ra một tỷ lệ đáng báo động về số vụ vi phạm Nghị định trong năm 2007, ở cả các cơ sở y tế và cơ sở kinh doanh của 12 tỉnh, thành phố. Theo đó, 24% số cơ sở y tế vẫn bán sữa cho trẻ sơ sinh trong căng tin của mình; 32% số cơ sở y tế sử dụng bình và núm vú nhân tạo cho trẻ em; khoảng 61% số công ty sữa, cơ sở kinh doanh và các văn phòng đại diện công ty sữa không tuân thủ quy định của Nghị định về việc cung cấp các thông tin chính xác cho người tiêu dùng trên nhãn sản phẩm. Việc kinh doanh sữa cho trẻ nhỏ và các sản phẩm thay thế sữa mẹ chưa được giám sát chặt chẽ, cũng như hiện tượng kinh doanh sai phạm các quy định quảng bá sản phẩm qua một loạt kênh khác nhau đang còn phổ biến tại Việt Nam.
Theo ông Jesper Morch, Trưởng đại diện của UNICEF, để đạt được mục tiêu đến năm 2015, Việt Nam cần tăng cường việc thực thi Nghị định số 21/2006/NĐ/CP của Chính phủ. Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc phối hợp, thực hiện và giám sát tất cả các chính sách có liên quan, đặc biệt là Kế hoạch Hành động quốc gia về nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong giai đoạn 2009-2010 và Nghị định số 21/2006/NĐ/CP của Chính phủ để thúc đẩy và bảo vệ quyền được bú mẹ của trẻ em.
Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đang tiếp tục làm việc với các đối tác, Chính phủ và các cộng đồng tại Việt Nam để bảo vệ, thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ, và bảo đảm hỗ trợ nhiều hơn cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ. Trong đó, có việc vận động các nguồn lực để thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ; vận động để phụ nữ có thời gian nghỉ đẻ dài hơn, bảo đảm cho họ nuôi con bằng sữa mẹ đầy đủ, đối với phụ nữ làm việc ở cả lĩnh vực công và tư. Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ việc đánh giá lại các bệnh viện thân thiện với trẻ em, cũng như nâng cao năng lực cho các nhân viên có liên quan để thực hiện tốt Nghị định số 21/2006/NĐ/CP của Chính phủ./.
*** WHO khuyến cáo:
- Nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, tức là chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ mà không cần cho ăn hay uống thêm bất cứ gì, kể cả nước, trong sáu tháng đầu đời; sau đó bổ sung thêm thức ăn phù hợp và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cho tới khi trẻ được 24 tháng tuổi.
- Sữa có từ người mẹ ngay sau khi sinh là một chất lỏng màu vàng nhạt được gọi là sữa non. Loại sữa này cùng với sữa có sau đó cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng, bao gồm chất đạm, chất béo, chất sắt và các vi-ta-min với tỷ lệ hợp lý cho một đứa trẻ trong sáu tháng đầu đời. Sữa mẹ dễ hấp thụ, luôn sạch, an toàn và có thể sử dụng bất kỳ lúc nào mà không cần phải đun sôi hay chế biến. Vì sữa mẹ cũng đã có đủ nước và các vi-ta-min nên không cần cho trẻ uống thêm nước, ngay cả trong điều kiện thời tiết nóng bức, hay bất cứ loại nước hoa quả nào trong sáu tháng đầu.
- Sữa mẹ cũng giúp cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Những đứa trẻ được bú mẹ lớn lên sẽ thông minh hơn những đứa trẻ được nuôi bằng các sản phẩm thay thế sữa mẹ và bằng sữa bột dành cho trẻ sơ sinh. Thêm vào đó, nuôi con bằng sữa mẹ cũng là phương thức hiệu quả nhất để xây dựng tình yêu thương giữa mẹ và bé.
*** Theo số liệu điều tra, khảo sát thực tế của một số tổ chức quốc tế và trong nước, việc nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam hiện nay có một số điều cần lưu ý như sau:
- 16.9 % số trẻ nhỏ được cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời.
- 58 % số bà mẹ cho trẻ bú ngay trong vòng một giờ sau khi sinh.
- Người chăm sóc trẻ thường có thói quen thay thế sữa mẹ bằng nước, sữa và các dung dịch có đường từ rất sớm.
- Những thói quen không tốt khi nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao.
- Giá trị của sữa mẹ mà các bà mẹ tạo ra có thể lên tới 549 triệu USD. Một nửa giá trị này đang bị lãng phí do tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ còn thấp; nếu việc nuôi con bằng sữa mẹ tránh được lãng phí trên, sẽ bao gồm các chi phí cơ hội liên quan tới việc chuẩn bị/chế biến các sản phẩm sữa thay thế.
*** Chiến dịch Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2009 tại Việt Nam do Bộ Y tế thực hiện với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các cơ quan Liên hợp quốc (UNICEF, WHO) được tiến hành ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành. Có nhiều hoạt động khác để thúc đẩy nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, như các hoạt động truyền thông đại chúng; các hoạt động tuyên truyền cấp cơ sở.
Giới thiệu về "Ngày da cam - Orange Day" 10-8-2009  (03/08/2009)
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng  (03/08/2009)
Lào Cai với công tác vận động đồng bào dân tộc, có đạo  (03/08/2009)
47 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi  (03/08/2009)
Quan hệ đối tác Việt Nam - Liên bang Nga trong thế kỷ XXI  (03/08/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên