Giải quyết vấn đề người nhập cư: Châu Âu đã nóng càng thêm nóng
TCCSĐT - Liên tiếp trong những ngày giữa tháng 11 vừa qua, tại châu Âu đã diễn ra nhiều cuộc họp ở các cấp để bàn thảo giải pháp về làn sóng người nhập cư bất hợp pháp tiếp tục tràn vào châu lục này. Thế nhưng, khi còn chưa kết thúc một chuỗi các cuộc họp liên quan đến cuộc khủng hoảng người nhập cư thì vụ khủng bố kinh hoàng tại Thủ đô Paris (Pháp) ngày 13-11-2015 đã khiến việc giải quyết cuộc khủng hoảng này càng chồng chất khó khăn.
Nỗ lực tìm giải pháp hạ nhiệt trước mắt
Châu Phi là một trong những điểm xuất phát của đông đảo người di cư trái phép vào châu Âu. Libya - quốc gia Bắc Phi là điểm khởi hành cho dòng người tị nạn vượt Địa Trung Hải hướng đến châu Âu với cửa ngõ là Hy Lạp. Để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề khủng hoảng di cư, trong hai ngày 11 và 12-11-2015, tại Malta, đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và châu Phi với mục đích bàn thảo về một kế hoạch hành động chung cho những năm tới. Trọng tâm của Hội nghị này là chính sách trao trả người di cư về quê hương, trong khi vẫn mở cửa cho những người thực sự cần được sự bảo vệ quốc tế. Hơn 40 nước thuộc hai châu lục cùng nhiều tổ chức quốc tế đã tham dự Hội nghị.
Ngay sau khi khai mạc Hội nghị, đã xuất hiện những bất đồng đầu tiên, đó là việc xây dựng các trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại các nước thứ ba, cụ thể là các nước châu Phi. Châu Phi phản đối vì cho rằng, việc giam giữ người tị nạn trong trại là vi phạm nghiêm trọng quyền con người, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ trở thành nạn nhân nhất của nạn xâm hại tình dục và buôn người; thậm chí, không loại trừ khả năng đây sẽ trở thành nơi nuôi dưỡng những phần tử khủng bố và cực đoan. Còn châu Âu, trước sức ép gia tăng tại các vùng biên giới của mình, muốn dãn xa các trung tâm dành cho người tị nạn, qua đó có cơ hội để phân loại ngay từ đầu nguồn, lựa chọn những ai được phép nhập cư vào châu Âu. Mặc dù có những bất đồng nhưng Hội nghị cũng đã đi đến được một số nhất trí về mặt nguyên tắc, thông qua Kế hoạch hành động chung giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư từ nay đến cuối năm 2016, trong đó tập trung vào việc giải quyết những nguyên nhân gây nên làn sóng di cư, tăng cường hợp tác giữa các nước trong vấn đề di cư hợp pháp, bảo vệ người tị nạn, chống các nhóm buôn người, hồi hương những người di cư không đủ điều kiện xin tị nạn tại các nước EU với mức đóng góp tài chính mà EU cam kết là 1,8 tỷ ơ-rô. Đây được coi là bước đi quan trọng trên con đường hợp tác giữa EU và châu Phi trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.
Cũng liên quan đến việc trực tiếp hạ nhiệt ở nơi biên giới EU, trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra hôm 15-10 ở Brussels (Bỉ), để đổi lấy việc Thổ Nhĩ Kỳ cho phép người tị nạn ở lại trên lãnh thổ của mình, các nhà lãnh đạo EU đã chấp nhận việc đẩy nhanh tiến trình đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ - ứng cử viên xin gia nhập EU và hiện đang là điểm trung chuyển rất đông người di cư chờ vào châu Âu. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác quan trọng nhất của EU trong giải quyết vấn đề người nhập cư.
Một sự kiện tiếp theo là cuộc gặp của "Bộ tứ Vysehrad" (gồm CH Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia) vào ngày 13-11. Balkan trở thành một trong những khu vực nóng, bởi đây là cửa ngõ quan trọng để người nhập cư qua đó tiếp tục đi sâu vào phần lõi của EU. Vì thế, ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh giữa EU và châu Phi kết thúc, các bộ trưởng ngoại giao của "Bộ tứ Vysehrad" và các nước thuộc khu vực Tây Balkan gồm Slovenia, Croatia, Serbia, Albania, Bosnia, Macedonia, Montenegro... đã có cuộc gặp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Praha (CH Séc) và ký thỏa thuận thành lập Quỹ Tây Balkan. Một trong những mục tiêu của Quỹ này là hỗ trợ các hoạt động tăng cường hợp tác bảo vệ biên giới các nước Tây Balkan và tìm biện pháp giải quyết tình trạng làn sóng người di cư ồ ạt từ Trung Đông và Bắc Phi đổ vào châu Âu. "Bộ tứ Visegrad" đã quyết định đóng góp thêm 400 nghìn ơ-rô vào quỹ ủy thác trị giá 1,8 tỷ ơ-rô của EU nhằm hỗ trợ các nước châu Phi giải quyết những vấn đề gây ra làn sóng di cư hiện nay.
Châu Âu thật sự đang căng sức để đối phó với dòng người tị nạn và để bảo vệ hình ảnh cùng những giá trị của mình.
Khó khăn chồng chất, sức ép nặng nề
Có thể thấy rằng, các cuộc hội nghị bàn về vấn đề người di cư trái phép diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người di cư đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Dòng người lánh nạn chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, đang tiếp tục nhằm về phía châu Âu; rất nhiều người đã phải bỏ mạng trước khi đặt được chân đến châu lục này. Theo thông báo của Cơ quan giám sát biên giới Liên minh châu Âu - EU (Frontex), số người di cư trái phép vào EU trong 10 tháng đầu năm 2015 là 1,2 triệu người - con số kỷ lục trong lịch sử EU. Để đối phó với tình trạng này, các hàng rào kỹ thuật tạm thời và hàng rào chính sách đang được dựng lên ở một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), và, cùng với đó là những bất đồng quan điểm trong nội bộ EU khi xử lý vấn đề người nhập cư. Trong khi một số nước, như Đức ủng hộ việc thực hiện phân bổ hạn ngạch người tị nạn cho các quốc gia thành viên EU thì một số quốc gia khác, như Latvia, Hungary, Romania, Séc và Slovakia lại kiên quyết phản đối. Hungary, Romania, Séc và Slovakia bỏ phiếu chống, Phần Lan bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu thông qua hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn tại cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên EU.
Châu Âu đang quá tải trong việc giải quyết làn sóng người chạy lánh bạo lực, chiến tranh, xung đột, đói nghèo. Cộng hòa Áo tuyên bố chỉ cho phép tối đa 6.000 người di cư được vượt qua biên giới mỗi ngày và sẽ dựng hàng rào dây thép gai dọc biên giới với Slovenia; Hungary đóng cửa biên giới với Croatia, khiến dòng người di cư từ Croatia chuyển về hướng Slovenia, và để đối phó lại, Slovenia bắt đầu dựng hàng rào dây thép gai tại biên giới với Croatia. Ngược lên phía bắc, Phần Lan thông báo không chấp thuận 2/3 tổng số đơn xin tị nạn tại nước này; Đan Mạch cũng tuyên bố sẵn sàng siết chặt các quy định đối với những người xin tị nạn; Thụy Điển - nước đầu tiên trong khối Schengen cho biết sẽ tạm thời khôi phục các biện pháp kiểm soát biên giới. Quyết định này của Thụy Điển khiến EU quan ngại có thể dẫn tới hiệu ứng "domino" tại nhiều quốc gia khác.
Gánh nặng giải quyết vấn đề người nhập cư trái phép làm gia tăng chi phí ngân sách của EU trong khi đa số các quốc gia thành viên của tổ chức này, đặc biệt là những nước ở vùng biên giới, cửa ngõ (Hy Lạp, Bulgaria, Síp, Italy…) đang đối diện với rất nhiều khó khăn về kinh tế. Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhu cầu tiêu dùng nội khối yếu, tỷ lệ nợ công ở một số quốc gia vẫn cao; tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở nhiều quốc gia thành viên EU còn vượt ngưỡng cho phép, tỷ lệ lạm phát quá thấp (ở mức 0,3% so với mục tiêu đề ra là 2%) đe dọa có thể trở thành thiểu phát.
Ngoài sức ép về kinh tế, châu Âu còn đối mặt với những vấn đề an ninh, an toàn, phúc lợi xã hội nảy sinh, như giải quyết những bất đồng, thái độ nghi kỵ, quyền lợi,… giữa một bên là một bộ phận người dân nước sở tại với bên kia là những người mới đến; giảm thiểu sự khác biệt trong ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, tôn giáo… khiến người nhập cư và người bản địa không thể dễ dàng, nhanh chóng thích nghi với nhau; ngăn chặn những phần tử của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trà trộn trong dòng người di cư…
Trong khi những nỗ lực để vượt qua những khó khăn kinh tế, những bất đồng quan điểm nhằm đạt được một sự thỏa hiệp trong nội bộ EU và giữa EU với các đối tác của mình trong giải quyết vấn đề người nhập cư trái phép còn chưa kịp mang lại hiệu quả thực tế thì nước Pháp và thế giới lại bàng hoàng trước cuộc khủng bố đẫm máu nhằm vào dân thường tại 6 địa điểm đông người ở Thủ đô Pa-ri, ngày 13-11, làm 129 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm. Đây được coi là vụ khủng bố có quy mô và thiệt hại về người lớn nhất trong 40 năm trở lại đây ở châu Âu. Trong số các nghi phạm tham gia vụ khủng bố này có 3 tên mang quốc tịch Bỉ, 1 tên mang quốc tịch Pháp và 1 tên mang hộ chiếu Syria nhập cư vào Pháp. Thực tế này cho thấy hai khía cạnh, một là khẳng định lo ngại của nhiều nước Âu sẽ không đủ sức ngăn chặn những phần tử khủng bố, cực đoan trà trộn trong dòng người nhập cư, làm bùng phát phong trào phản đối người nhập cư ở một số nước châu Âu. Chẳng hạn, Ba Lan tuyên bố không thể tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch mà EU phân bổ. Hai là, trong những kẻ tham gia vụ khủng bố được xác định danh tính có nhiều tên mang quốc tịch châu Âu, sinh ra và lớn lên ở châu Âu nhưng lại xả súng giết hàng loạt những người cùng chung quốc tịch với mình. Nước Pháp và châu Âu sẽ càng khó khăn, nặng nề hơn khi vừa phải giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư, vừa đối mặt với tình trạng phải chấp nhận sống chung với những mối đe dọa khủng bố lâu dài và có thể sẽ có thêm nhiều vụ tấn công khác, không chỉ ở Pháp mà tại nhiều nơi khác của châu Âu.
Rõ ràng, những mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng thể hiện rõ tính chất và quy mô toàn cầu. Để chống khủng bố, giải quyết tận gốc những căn nguyên gây ra chiến tranh, xung đột, bạo lực, đói nghèo, chênh lệch giàu - nghèo, trình độ và cơ hội phát triển của các quốc gia, các nhóm nước, dẫn đến làn sóng người tị nạn, đến sự phản kháng xã hội, rất cần có sự chung sức, tận lực của cả cộng đồng quốc tế, và một cách nhìn nhận mang tính toàn cầu, vượt qua những toan tính vị kỷ./.
Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Tố tụng Dân sự sửa đổi, Luật Trưng cầu dân ý  (25/11/2015)
Các nước vùng Vịnh "thắt lưng buộc bụng" vì thu nhập dầu giảm  (25/11/2015)
Phê chuẩn danh sách 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia  (25/11/2015)
Đại hội thi đua yêu nước ngành Tuyên giáo giai đoạn 2015-2020  (25/11/2015)
Tăng cường công tác tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới Việt Nam - Lào  (25/11/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên