Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức trong quá trình cải cách hành chính
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân, bên cạnh các khía cạnh khác nhau của công tác tổ chức cán bộ còn cần phải có các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả.
Cán bộ, công chức có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định, triển khai và tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước; quyết định sự thành công hay thất bại của đường lối, chính sách do cơ quan, tổ chức vạch ra. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực thi các chính sách, kế hoạch của cơ quan, tổ chức; các mục tiêu quốc gia; thực hiện các giao tiếp (trao đổi, tiếp nhận thông tin,...) giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, công chức phải được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về năng lực công tác, kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức là một nhiệm vụ quan trọng được xác định trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có năng lực, biết giải quyết các vấn đề được giao trên nguyên tắc kết quả, hiệu quả và chất lượng.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; hướng tới mục tiêu là tạo được sự thay đổi về chất trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Đào tạo, bồi dưỡng tập trung trang bị những kiến thức, kỹ năng, thái độ thực hiện công việc cho cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, cung cấp những kiến thức, lý luận cơ bản, trang bị kỹ năng, cách thức hoạt động thực thi công việc, giáo dục thái độ thực hiện công việc thể hiện sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, công chức, viên chức.
Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành, các địa phương đã có chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức (nhất là cán bộ chủ chốt) ở các cơ quan, đơn vị, địa phương có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng động và sáng tạo; tích cực thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trình độ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, thích nghi với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, công chức có đóng góp quan trọng trong việc đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta gia nhập các nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng.
Báo cáo của Bộ Nội vụ về kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015 cho thấy 100% các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015 và tổ chức triển khai thực hiện đúng yêu cầu về đối tượng và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; nhiều bộ, ngành và địa phương đã ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; các chế độ, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ, công chức học tập, nâng cao trình độ;... bảo đảm hoàn thành hai mục tiêu: Đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn quy định về ngạch công chức và để đáp ứng yêu cầu công việc theo chức vụ lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm của cán bộ, công chức. Kết quả trong 3 năm thực hiện đã có 98% cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện được đào tạo, đáp ứng tiêu chuẩn quy định; khoảng 71% cán bộ, công chức lãnh đạo cấp phòng của các bộ, ngành và 80% của các địa phương được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 67% cán bộ, công chức các bộ, ngành và 56% cán bộ, công chức của địa phương thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm(1).
Đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách: Đào tạo trình độ chuyên môn cho cán bộ cấp xã đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định đạt gần 75%; đào tạo trình độ trung cấp chuyên môn trở lên cho 95% công chức cấp xã vùng đô thị, vùng đồng bằng và 87% công chức cấp xã vùng miền núi; 60% cán bộ cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành theo vị trí công việc; 70% công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hằng năm; 50% những người hoạt động không chuyên trách cấp xã được bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ(2).
Kế hoạch bồi dưỡng đối với đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được xây dựng và triển khai ngay sau kỳ bầu cử hội đồng nhân dân các cấp. Trong 3 năm, đã tiến hành bồi dưỡng cho gần 286.000 lượt đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, tập trung vào các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho hoạt động của đại biểu hội đồng nhân dân(3).
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số cán bộ, công chức, nhất là ở các địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vì vậy một số chỉ tiêu theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định đạt thấp. Cán bộ, công chức chủ yếu vừa học vừa làm nên còn để công việc chi phối quá trình học tập, thời gian dành trọn vẹn cho việc học tập không nhiều. Có tình trạng cán bộ, công chức không muốn đi học vì đi học có thể bị sắp xếp, điều chuyển vị trí công tác khác không “hấp dẫn” bằng vị trí hiện tại. Cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc, vùng sâu, vùng xa, cán bộ có tuổi, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ngại đi học vì phải đi tập trung, không phụ giúp được cho gia đình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng mặc dù đã có những cố gắng đổi mới nhưng vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, chưa cử đúng đối tượng đào tạo, học chưa đúng chuyên ngành cần đào tạo, bồi dưỡng vì thế chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của cơ quan, tổ chức. Việc đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với sử dụng, nhiều trường hợp được cử đi đào tạo nhưng không bố trí công việc theo chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp, gây nên tâm lý thờ ơ với việc đào tạo. Nội dung và chất lượng đào tạo chưa cao, chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng chưa thật phù hợp với từng đối tượng cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung vẫn còn nặng về lý thuyết, tính ứng dụng không cao, chưa chú trọng tính đặc thù riêng biệt của từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung và thời lượng khung cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng liên tục thay đổi và cải cách nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng ngành, từng địa phương (điều kiện đặc thù, tính chất, trình độ phát triển rất khác nhau), chưa đáp ứng yêu cầu từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ mà chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn. Thêm vào đó là chế độ chính sách cho cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tuy đã được điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hơn so với trước, song còn thấp và chưa phù hợp.
Nhìn chung, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa được cải thiện rõ rệt so với yêu cầu cải cách hành chính. Vẫn còn một số cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã của một số địa phương vùng miền núi chưa đạt trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định, tình trạng công chức làm việc không theo chuyên môn đào tạo còn nhiều.
Chính vì vậy, cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp và tài liệu giảng dạy cho phù hợp, theo yêu cầu của vị trí việc làm, trong đó chú trọng kỹ năng thực tiễn áp dụng cho từng đối tượng người học; cần có sự liên thông trong nội dung chương trình, giảm bớt những nội dung trùng lắp.
Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05-3-2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhấn mạnh: "Đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để làm tốt công việc được giao". Theo tinh thần đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng:
- Tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2010-2020, xem đây là căn cứ để có kế hoạch, đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức và công tác đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian qua, qua đó, xác định nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể theo từng năm và cả nhiệm kỳ đối với mỗi bộ, ngành, địa phương cũng như trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ và nhu cầu thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, cấp ủy xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cụ thể, phù hợp với từng chức danh, ngạch, bậc; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; chú trọng đào tạo chuyên sâu sau đại học để có đội ngũ trí thức giỏi trên từng ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành, lĩnh vực có yêu cầu cao trong hội nhập quốc tế.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn với việc bố trí, sử dụng; tránh tình trạng đào tạo không đúng chuyên ngành, chuyên môn nghiệp vụ. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Tăng cường quản lý việc cử cán bộ đi học, tránh lãng phí trong đào tạo, bồi dưỡng. Cần áp dụng phương pháp cạnh tranh lành mạnh trong đánh giá, bố trí, sắp xếp, đãi ngộ, nâng ngạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo động lực thúc đẩy sự phấn đấu nâng cao năng lực của công chức, khắc phục được tình trạng trì trệ trong công việc. Qua đó, tạo ra nhu cầu thực sự về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức.
- Xây dựng cơ chế, chính sách để tuyển chọn đội ngũ giảng dạy, báo cáo viên chất lượng cao; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy và học. Xây dựng đội ngũ giảng viên có kiến thức sâu, rộng, có nhiều kinh nghiệm trong thực tế; cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức thiết thực; chú trọng mời giảng viên thỉnh giảng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị công tác trong ngành, trong địa phương có kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng theo từng vị trí việc làm.
- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức những kiến thức về lý luận chính trị, về lãnh đạo, quản lý, về khoa học xã hội, nhân văn và những kiến thức chuyên môn phù hợp với công việc được giao. Đây là điều kiện quan trọng, mang tính quyết định đến khả năng phân tích, luận giải những vấn đề thực tiễn từ những chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào thực tiễn của đơn vị, của lĩnh vực mà cá nhân đang được phân công phụ trách. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng giúp cán bộ có khả năng phân tích, xử lý các tình huống, hình thành phương pháp nhận thức khoa học và giải quyết các vấn đề nhanh, nhạy và đạt hiệu quả cao nhất.
- Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức và tập trung theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu; mỗi chức danh, mỗi vị trí việc làm được bồi dưỡng những kiến thức và kỹ năng phù hợp, thiết thực với công việc đang đảm nhận, các chương trình cụ thể như: kỹ năng dành cho công chức, viên chức lãnh đạo quản lý; nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác nhân sự, cải cách hành chính, văn thư lưu trữ, thực hành văn bản; ứng dụng công nghệ thông tin; xử lý tình huống... Tiếp tục đổi mới và áp dụng các phương pháp truyền đạt kiến thức theo từng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng như: thuyết trình, làm việc theo nhóm, nghiên cứu tình huống, thảo luận, đóng vai... Hình thức đào tạo, bồi dưỡng kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chia tổ nhóm thảo luận, làm bài tập tình huống; minh họa quy trình, thao tác thực thi nhiệm vụ bằng hình ảnh trình chiếu, hướng dẫn nghiệp vụ theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”.
Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp mà còn có tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp, việc đào tạo cán bộ, công chức qua hoạt động thực tiễn cũng cần được quan tâm thực hiện liên tục trong quá trình sử dụng cán bộ./.
--------------------------------------------------
Chú thích:
(1), (2), (3). Báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015
Việt-Trung cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông  (03/09/2015)
Vun đắp mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào  (03/09/2015)
Chốt mức tăng lương tối thiểu vùng 12,4%  (03/09/2015)
Chủ tịch nước thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc  (03/09/2015)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh Đắk Nông  (03/09/2015)
Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít  (03/09/2015)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay