Việc xây dựng Luật Quy hoạch sẽ là công cụ quan trọng, hữu hiệu của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc.

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Động tại hội thảo Xây dựng dự án Luật quy hoạch - kinh nghiệm quốc tế và sự lựa chọn cho Việt Nam do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc và Liên minh các thành phố tổ chức ngày 24-8.

Theo Giáo sư H Detlef Kammeier, chuyên gia quốc tế, Luật Quy hoạch tới đây cần tránh tình trạng chồng chéo ở nội dung quy hoạch. Công tác chuẩn bị, giám sát quy hoạch cần chặt chẽ hơn và cần giải quyết được những bất đồng về lợi ích. Luật Quy hoạch cần thực hiện cả mô hình quản lý tổng thể theo chiều dọc (theo cấp chính quyền, hành chính) và theo chiều ngang từ cấp Trung ương đến thị trường và có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ.

Tiến sỹ Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Luật Quy hoạch cần có tính linh hoạt để tạo điều kiện cho sự vận hành của thị trường. Cùng với đó, Luật cần làm rõ vai trò can thiệp tạo điều kiện của Nhà nước, cần có các quy định, chính sách khuyến khích đầu tư, thuế, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Luật cần chi tiết hóa cơ chế phối hợp thực hiện quy hoạch, tạo điều kiện cho sự tham gia của các bên liên quan hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

Ông Lawrie Wilson, Giám đốc Dự án quốc tế của Hansen Partnership Pty chia sẻ: “Dự thảo Luật Quy hoạch phải được coi là sự khởi đầu cho một quá trình và có thể nói đây là sáng kiến quan trọng nhất trong công cuộc cải cách quy hoạch mà tôi từng biết trong suốt 20 năm làm tư vấn quy hoạch tại Việt Nam. Nếu Dự thảo này được thông qua, nó sẽ là nhân tố thúc đẩy cuộc cải cách không ngừng của toàn bộ hệ thống quy hoạch và quản lý phát triển của Việt Nam".

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Việt Nam đang trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế đã phát triển lên một tầm cao mới, bắt đầu đạt ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình và đang chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên việc thay đổi phương pháp xây dựng và quản lý quy hoạch là một đòi hỏi thực tiễn khách quan.

Giáo sư H Detlef Kammeier, chuyên gia quốc tế về quy hoạch cho rằng, Việt Nam đang có sự chồng chéo trong hệ thống quy hoạch, có ba bộ ngành nắm quyền cùng lúc, nên đôi khi dẫn tới xây dựng quy hoạch khác nhau cho cùng một tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, mô hình quy hoạch từ trên xuống nên xuất hiện tình trạng tập trung quan liêu. Trong khi đó, ở cấp chính quyền địa phương chịu tác động từ mạng lưới chính quyền Trung ương và thiếu năng lực nên có những quy hoạch kém hiệu quả.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan quản lý về công tác quy hoạch, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong lĩnh vực quy hoạch ở Việt Nam. Theo đó, quy hoạch của Việt Nam hiện được lập quá nhiều, chất lượng quy hoạch thấp. Quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực nên thiếu tính khả thi, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước. Quy hoạch chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường, gây trở ngại cho đầu tư và làm cản trở sự phát triển. Cùng với đó, quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả quy hoạch. Quy hoạch cũng chưa thể hiện được vị trí, vài trò là công cụ của Nhà nước để điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc tổ chức, thẩm định và phê duyệt và tổ chức quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo điều hành.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch các chuyên gia cho rằng do tư duy và nhận thức của các cấp, các ngành về quy hoạch còn bất cập, các ngành các cấp chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí quy hoạch. Việc ban hành quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch dẫn đến việc không thống nhất giữa các văn bản, thiếu đồng bộ, gây ra chồng chéo mâu thuẫn./.