Sớm giải quyết tồn đọng về chính sách đối với người có công với cách mạng là trách nhiệm của chúng ta
TCCSĐT - Sau 40 năm đất nước hoàn toàn giải phóng, đến nay số hồ sơ kê khai xác nhận người có công còn tồn đọng ở các địa phương là 63.543 trường hợp, với 4,19% người có công hưởng chưa đầy đủ và 0,09% đối tượng hưởng sai chính sách người có công hiện nay (1), đặc biệt rất nhiều người có công đã không còn đủ thời gian, sức khỏe để chờ được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.
Kết thúc hai cuộc chiến tranh cứu quốc vĩ đại của dân tộc ta, đến nay đã có trên 1.400 văn bản liên quan đến chính sách người có công được ban hành, bổ sung và hoàn thiện. Đây quả là “con số biết nói”, góp phần khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tri ân những người không tiếc máu xương của mình hy sinh cho Tổ quốc vì nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn là chính sách trọng điểm, chính sách ưu đãi cao nhất trong hệ thống chính sách xã hội ở nước ta. Bởi vậy, cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống văn bản pháp luật về ưu đãi xã hội không ngừng sửa đổi, bổ sung để chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng. Đây là truyền thống tốt đẹp, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Có thể khẳng định, phong trào đền ơn, đáp nghĩa, toàn dân tham gia chăm sóc người có công đã phát triển sâu, rộng từ Trung ương đến địa phương. Các thôn, bản, làng xóm, buôn sóc, khu dân cư đều quan tâm chăm sóc người có công với nhiều nghĩa cử cao đẹp và đã đạt hiệu quả thiết thực, trở thành trách nhiệm xã hội, tình cảm và nét đẹp văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người có công chưa được thụ hưởng các chính sách ưu đãi vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân chủ yếu từ vướng mắc trong quy trình, thủ tục xác nhận người có công, đặc biệt là khi họ thiếu giấy tờ, hồ sơ, gặp khó khăn trong việc tìm được các đồng đội cũ, đơn vị cũ để xác nhận quá trình tham gia kháng chiến. Nếu chúng ta đơn giản hóa quy định thủ tục, quy trình lỏng lẻo thì chắc chắn việc lạm dụng, gian lận trong chính sách sẽ xảy ra; nhưng nếu quá chặt chẽ về quy trình, thủ tục mà không căn cứ vào người thật, việc thật thì cũng khiến một bộ phận người có công thiếu hồ sơ, thủ tục gặp khó khăn trong việc thụ hưởng chính sách. Đây là bài toán khó khăn, nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu cán bộ làm công tác chính sách nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm với từng trường hợp hồ sơ còn tồn đọng thì chúng ta sẽ giải quyết được bài toán này. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch trong việc xác nhận từng trường hợp hồ sơ tồn đọng để cộng đồng, nhân dân địa phương kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm, gian lận, hạn chế những sai sót trong giải quyết chính sách.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến nay số hồ sơ kê khai xác nhận người có công còn tồn đọng ở các địa phương là 63.543 trường hợp, với 4,19% người có công hưởng chưa đầy đủ và 0,09% đối tượng hưởng sai chính sách người có công hiện nay, đặc biệt rất nhiều người có công đã không đủ thời gian, sức khỏe để chờ được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Trong vấn đề này cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức tham gia giải quyết chính sách người có công, đặc biệt là giải quyết các hồ sơ tồn đọng sau khi chiến tranh đã kết thúc hàng chục năm. Đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước thì vấn đề không chỉ là trách nhiệm giải quyết mà còn là trách nhiệm, đạo lý của chúng ta đối với các thế hệ cha, anh đã cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc. Khi xác định trách nhiệm xử lý, giải quyết các tồn tại, hạn chế nói trên, thì có những địa chỉ trách nhiệm khác nhau. Đối với các trường hợp hưởng chưa đầy đủ, hoặc hưởng sai chính sách thì trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan, cán bộ giải quyết chính sách, và một phần liên quan đến cả những người làm chứng để đối tượng được hưởng sai chính sách. Đối với các trường hợp tồn đọng, chưa được giải quyết chế độ còn có cả một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách cũng như các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra việc thực thi chính sách. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc cùng chung sức, chung lòng với cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp xem xét một cách khách quan, trung thực để đề nghị giải quyết những trường hợp thiếu hoặc mất hồ sơ, chịu trách nhiệm về kết quả đề nghị, xác định của mình, đồng thời cần công khai, minh bạch quá trình xử lý, kết quả giải quyết từng trường hợp hưởng chính sách người có công tại cộng đồng, tại địa phương để các tầng lớp nhân dân, các cựu chiến binh, cơ quan tổ chức tham gia kiểm tra, giám sát phát hiện các vi phạm để xử lý kịp thời, bảo đảm sự công bằng của xã hội.
Cả nước đang tiến hành đợt Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công theo Chỉ thị 23/CT-TTg, ngày 27-10-2013, của Thủ tướng Chính phủ. Đây là đợt rà soát có quy mô lớn nhất từ trước tới nay và được quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt. Trong quá trình tiến hành hoạt động này, vai trò của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên rất được coi trọng, tham gia vào tất cả các khâu, từ việc phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình phối hợp tổng rà soát, đến tuyên truyền và tham gia vào quá trình thực hiện rà soát. Ngoài ra, các tổ chức thành viên Mặt trận còn được xác định rõ vai trò giám sát việc thực hiện chương trình. Đây chính là sự tham gia tích cực và trực tiếp của nhân dân để cuộc tổng rà soát đạt hiệu quả đề ra.
Chúng ta biết rằng, có thể khi ra đi, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi năm nào chỉ mang theo nhiệt huyết hy sinh và tinh thần trách nhiệm đối với Tổ quốc chứ mấy ai nghĩ đến việc phải làm cho đầy đủ các thủ tục, giấy tờ như yêu cầu hiện nay. Vì vậy, trong thực tế giải quyết các trường hợp tồn đọng về chính sách người có công hiện nay, đặc biệt là đối với lực lượng thanh niên xung phong đang nổi lên vấn đề đa số các trường hợp tồn đọng là do không có giấy tờ gốc như lý lịch, giấy báo tử, giấy chứng thương, giấy chuyển thương, chuyển viện… làm cơ sở để giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành. Đây là vấn đề rất khó, nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước vì nếu quy định lỏng lẻo, sẽ có lạm dụng, gian lận xảy ra, nhưng nếu quá chặt, chưa phù hợp với thực tế thì cũng làm thiệt thòi quyền lợi của người có công. Mặc dù liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, ngày 22-10-2013, hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh không còn giấy tờ gốc nhưng vẫn còn những vướng mắc, bất cập liên quan đến yêu cầu về “giấy tờ gốc”. Do đó, thông qua kết quả rà soát tồn đọng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sớm chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP cho phù hợp với thực tế, tháo gỡ vấn đề xác nhận đối với cựu thanh niên xung phong không còn giấy tờ gốc.
Cha, anh chúng ta đã cống hiến, hy sinh xương máu cho sự bình yên của đất nước, độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân để ngày nay trên quê hương Việt Nam, mỗi người dân, từng bộ máy cán bộ, công chức có cơ hội học tập, lao động trong hòa bình và có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc nên nếu ai đó, ở đâu đó có nhận thức về điều này như là sự “ban ơn” hoặc “hàm ơn” thì sẽ là tội lỗi đối với người có công. Người cán bộ làm công tác chính sách bên cạnh tinh thần trách nhiệm, phải có sự tận tâm, tình cảm khi xem xét, giải quyết đối với từng trường hợp người có công để làm sao mỗi người có công khi có việc cần phải tìm đến cơ quan nhà nước sẽ thấy rằng, đất nước này luôn ghi nhận, trân trọng và tri ân những công lao, đóng góp, hy sinh của thế hệ cha, anh chúng ta cho độc lập dân tộc./.
----------------------------------------
(1) Số liệu báo cáo tại cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các địa phương tháng 3-2015
Thủ tướng không cho phép lùi tiến độ trình văn bản của Chính phủ  (23/07/2015)
Việt Nam coi trọng, đánh giá cao các dự án đầu tư của Thái  (23/07/2015)
Hai Chính phủ Việt Nam và Thái Lan ra thông cáo báo chí chung  (23/07/2015)
Việt Nam hoan nghênh Cuba, Hoa Kỳ quyết định mở lại Đại sứ quán  (23/07/2015)
"Việt Nam, Campuchia đang nỗ lực kiểm soát tốt vấn đề biên giới"  (23/07/2015)
Bộ Chính trị làm việc về chuẩn bị đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương  (23/07/2015)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay