Một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới

Thanh Anh (tổng hợp từ TTXVN, Bộ Ngoại giao Việt Nam)
06:06, ngày 17-07-2015
TCCSĐT - Tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 16-7-2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã thông báo một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đồng chủ trì họp nội các Việt Nam-Thái Lan

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Thái Lan Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Thái Lan từ ngày 23 đến ngày 24-7-2015. Trong thời gian chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đồng chủ trì cuộc họp nội các chung Việt Nam-Thái Lan lần thứ 3. Chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm củng cố, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan trên các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư và lao động, cũng như thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng và khu vực. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chào xã giao công chúa Thái Lan, tham dự đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan cũng như gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.

Về việc xác minh cụ thể thông tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam


Về việc trước thông tin tàu cá Quảng Ngãi của Việt Nam trong khi khai thác ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Trong thời gian qua, có một số thông tin về việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Ngay khi có những thông tin này, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tích cực xác minh cụ thể các tình tiết để có cơ sở đấu tranh về đối ngoại. Tuy nhiên chúng tôi khẳng định rằng Hoàng Sa và vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đồng thời là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi phản đối mạnh mẽ mọi hành động ngăn cản ngư dân Việt Nam hoạt động trên ngư trường truyền thống của mình.”

Lập trường của Việt Nam đối với những vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán

Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc kêu gọi Philippines từ bỏ nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông trước tòa án quốc tế để đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: “Lập trường của Việt Nam đối với những vấn đề liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.”

Về việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Brunei, đảm bảo việc duy trì, bảo quản tàu cá và chuẩn bị các thủ tục thu xếp cho các ngư dân về nước sau khi mãn hạn tù

Trả lời câu hỏi liên quan vụ tàu cá QNg 95924 TS cùng 33 ngư dân bị Brunei bắt giữ hồi tháng 5, bị Brunei đưa ra xét xử hồi tháng 6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Theo thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei, ngày 12-7, Đại sứ quán đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng sở tại cũng như gia đình thu xếp cho 2 ngư dân ở trong tuổi vị thành niên được về nước sau khi tòa án Brunei đã ra phán quyết. Đối với 31 ngư dân hiện đang bị giam giữ tại nhà giam ở Brunei, tình hình sức khỏe của các ngư dân hiện nay ổn định; trong đó 21 ngư dân sẽ hết hạn tù ngày 16-7 và 8 ngư dân hết hạn tù vào 29-7, và hai ngư dân là chủ tàu và thuyền trưởng hết hạn tù vào ngày 29-9."

Người phát ngôn cho biết: "Trong thời gian đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei sẽ cố gắng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Brunei đảm bảo việc duy trì, bảo quản tàu cá cũng như chuẩn bị các thủ tục thu xếp cho các ngư dân này về nước sau khi mãn hạn tù".

Về việc quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, phía Cam-pu-chia cho rằng “Việt Nam đã thống nhất với phía Cam-pu-chia tạm dừng các hoạt động xây dựng tại một số khu vực biên giới giữa hai nước”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Trong các công hàm trao đổi với Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Cơ quan phụ trách về Biên giới Cam-pu-chia cũng như tại cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc tại Phnôm Pênh từ ngày 06 đến ngày 09-7 vừa qua, Việt Nam đều đã khẳng định rõ tất cả các công trình Việt Nam xây dựng ở khu vực biên giới trong thời gian qua đều được tiến hành trong phần đất hiện tại đang do phía Việt Nam quản lý. Điểm 8, Thông cáo báo chí chung giữa Việt Nam - Cam-pu-chia ngày 17-01-1995 quy định “Hai bên thỏa thuận, trong khi chờ đợi giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới, thì duy trì sự quản lý hiện nay; không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; giáo dục, không để nhân dân xâm canh, xâm cư và cùng nhau hợp tác giữ gìn an ninh, trật tự biên giới”. Rõ ràng là Việt Nam đã tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận giữa hai nước về việc quản lý biên giới trong quá trình phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia.

Để tỏ thiện chí và nhằm tạo thuận lợi cho công tác phân giới, cắm mốc đang ở vào giai đoạn then chốt hiện nay, tại công hàm ngày 06-7-2015 gửi Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Cam-pu-chia và tại cuộc họp hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc, Việt Nam đã chính thức đề nghị phía Cam-pu-chia cùng cam kết “không xây dựng công trình trong phạm vi 100m tính từ đường quản lý thực tế về mỗi bên tại các khu vực chưa phân giới, cắm mốc hoặc chưa hoàn thành hoán đổi theo ‘Bản Ghi nhớ về việc điều chỉnh đường biên giới trên bộ đối với một số khu vực tồn đọng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia’ ký ngày 23-4-2011 (MOU), nhưng rất tiếc phía Cam-pu-chia không đáp ứng đề nghị thiện chí đó của phía Việt Nam”.

Về Thỏa thuận toàn diện giữa I-ran và nhóm P5+1 về vấn đề hạt nhân


Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam đối với việc I-ran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận “lịch sử” về vấn đề hạt nhân I-ran, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:

“Việt Nam hoan nghênh nỗ lực của các bên liên quan để đạt Thỏa thuận toàn diện giữa I-ran và P5+1 về vấn đề hạt nhân I-ran ngày 14-7-2015. Chúng tôi coi đây là đóng góp quan trọng, tích cực vào ổn định an ninh của khu vực và thế giới”.

Về Chương trình của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Hoa Kỳ

Trả lời câu hỏi về việc đề nghị khẳng định thông tin vừa qua chính quyền thành phố Sacramento, Hoa Kỳ hủy cuộc họp với phái đoàn từ Việt Nam do ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết chương trình làm việc của đoàn do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải dẫn đầu thăm bang California, Hoa Kỳ vẫn diễn ra bình thường.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, vào sáng 14-7 theo giờ địa phương, Thống đốc bang California, ông Edmud Jerry Brown và ông Lê Thanh Hải đã có cuộc gặp. Trong cuộc gặp hai bên đã bàn thảo các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác tiềm năng giữa Thành phố Hồ Chí Minh và bang California.

Trả lời câu hỏi về việc báo chí Hoa Kỳ đăng tin 1 công dân Việt Nam có tên là Ngô Minh Hiếu bị tòa án Hoa Kỳ kết án 13 năm tù về hành vi tin tặc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ đang phối hợp với các cơ quan chức năng ở trong nước cũng như các cơ quan chức năng sở tại làm rõ thêm các thông tin liên quan đến vụ việc này. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ đề nghị phía Hoa Kỳ cho phép thăm lãnh sự đối với công dân này và tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo được cao nhất các quyền của công dân."

Về việc Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ thăm Việt Nam


Tại họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: "Bắt đầu từ ngày 16-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ thăm Việt Nam và có cuộc hội đàm với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại cuộc hội đàm, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác thực chất chất giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư đạt tiến triển mới, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh bền vững"./.