Đắc Lắc phát triển cà phê theo hướng bền vững
Đắc Lắc được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nguồn tài nguyên đất khá dồi dào, trong đó có 311 ngàn héc-ta đất đỏ Bazan, chiếm 55,6% tổng diện tích đất đỏ bazan toàn Tây Nguyên; điều kiện sinh thái khá thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu...
Nhận thức được những tiềm năng, lợi thế đó, từ sau ngày giải phóng, tỉnh Đắc Lắc luôn chú trọng đến việc phát triển cây công nghiệp, nhất là cây cà phê và xác định đây là cây công nghiệp chủ lực của địa phương. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển cây công nghiệp nói chung, cây cà phê nói riêng, đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 02/NQ-TU, ngày 11-4-1985 về "củng cố và phát triển ngành cà phê của tỉnh, đưa cà phê trong tỉnh định hình vào năm 1990 với diện tích 50.000 ha đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao". Nhờ đó, loại cây công nghiệp này phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng cũng như chất lượng. Năm 1975, toàn tỉnh chỉ có trên 3.700 ha cà phê, năm 1985 tăng lên 15.000 ha, năm 1990 là 76.000 ha và hiện nay là 178.196 ha (trong đó có 172.047 ha cà phê kinh doanh). Riêng trong 3 năm 2006 - 2008, diện tích cây cà phê của tỉnh tăng hơn 4.000 ha.
Cùng với tăng nhanh về diện tích, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh như: chọn giống, bón phân, tưới nước, tạo tán... đã làm năng suất và sản lượng cà phê tăng mạnh. Trước năm 1990, năng suất bình quân cà phê kinh doanh chỉ đạt 8 tạ - 9 tạ nhân/ha/năm, đến năm 1994 năng suất đạt 18,5 tạ/ha. Những năm qua năng suất bình quân đạt 25 tạ - 28 tạ/ha/năm; cá biệt ở một số vùng sản xuất đã cho năng suất bình quân đạt 35 tạ - 40 tạ/ha, vườn cà phê của một số hộ gia đình đạt trên 50 tạ/ha. Hằng năm, sản lượng cà phê nhân của tỉnh bình quân đạt 430.000 tấn; cà phê qua chế biến rang xay đạt trên 15.000 tấn và cà phê hòa tan trên 1.000 tấn.
Sự phát triển nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng cà phê đã đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và người trồng cà phê. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra cho địa phương nhiều vấn đề bức xúc, cần giải quyết:
Trước hết, do diện tích cà phê phát triển một cách ồ ạt, nhất là vào những năm 1994 - 1999, dẫn tới quy hoạch sử dụng đất bị phá vỡ; một số diện tích cây trồng khác bị thu hẹp và không phát triển; đặc biệt diện tích rừng, kể cả rừng phòng hộ cũng bị giảm nhanh chóng do tình trạng người dân lấn chiếm rừng và đất rừng để khai phá trồng cà phê. Nạn chặt phá rừng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, làm mất cân bằng về đất đai, nguồn nước, vốn rừng. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực sản xuất, chế biến cà phê diễn ra khá phổ biến. Thời gian gần đây, phần lớn diện tích cà phê do nông dân tự chọn giống đã bộc lộ nhiều nhược điểm, giống có xu hướng bị thoái hóa. Trong khi đó, các hoạt động khoa học - công nghệ và công tác khuyến nông chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn sản xuất.
Thứ hai, hệ thống sản xuất và công tác quản lý còn bất cập, mô hình liên kết “bốn nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp) chưa rõ ràng, khả năng liên kết kém, ít linh hoạt trong nhiều khâu, nhiều công đoạn; nhiều doanh nghiệp kinh doanh cà phê thua lỗ, mất khả năng thanh toán, nhất là các doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh cà phê chưa thật sự ổn định, chưa nắm bắt kịp giá cả thị trường thế giới.
Thứ ba, do có điều kiện sinh thái phù hợp nên sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột đạt chất lượng tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, gần đây do các doanh nghiệp và các hộ gia đình sản xuất cà phê chưa chú trọng việc chọn giống, trồng, chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, công tác quản lý bảo vệ chưa tốt, thu hoạch quả xanh chiếm tỷ lệ cao, phơi, sấy, chế biến, bao bì, bảo quản chưa bảo đảm theo quy trình kỹ thuật dẫn đến chất lượng cà phê nhân giảm, chưa đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những tồn tại trên là do nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương về phát triển cà phê theo hướng bền vững, hiệu quả và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái chưa cao. Sự hợp tác liên kết giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp trong ngành chưa chặt chẽ; cơ chế kinh doanh chưa được quan tâm tổ chức, xây dựng làm suy giảm sức cạnh tranh trên thương trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các cấp ủy, chính quyền chưa đề ra được phương hướng và những biện pháp cụ thể để chỉ đạo các doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất cà phê theo định hướng, còn để cho thị trường tự điều tiết và người sản xuất phát triển cây cà phê một cách tự phát. Mặt khác, nước ta nói chung, Đắc Lắc nói riêng chưa có kinh nghiệm nhiều về lĩnh vực kinh doanh cà phê trên thị trường quốc tế.
Từ kết quả và thực tiễn trên, nhằm hướng tới phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới, Tỉnh ủy Đắc Lắc vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với mục tiêu phát triển cà phê theo tiêu chí của thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột: ổn định về năng suất, sản lượng, chất lượng; phát triển cà phê phải gắn chặt với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, du lịch, bảo vệ môi trường. Sản xuất cà phê đúng theo vùng quy hoạch sản xuất nguyên liệu, tạo ra sản phẩm hàng hóa ổn định về năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng ổn định và bền vững, đất không bị xói mòn, rửa trôi mà ngày càng màu mỡ, cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt. Đắc Lắc phấn đấu đến năm 2015 ổn định khoảng từ 140.000 ha đến 150.000 ha cà phê trong vùng sinh thái thuận lợi; năng suất bình quân đạt trên 30 tạ/ha; sản lượng đạt 400.000 tấn trở lên; cải tạo, trồng mới số diện tích cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh nằm trong vùng quy hoạch; chuyển đổi, thay thế cây trồng khác đối với những khu vực trồng cà phê không đủ nước tưới, có độ dốc trên 15o, sản xuất kém hiệu quả; tỷ lệ cà phê tinh chế đạt 15% - 20% sản lượng, đưa giá cà phê xuất khẩu cùng loại tương đương với giá của các nước trên thế giới; duy trì mức tăng trưởng của ngành cà phê từ 5% - 6% mỗi năm.
Để hoàn thành tốt mục tiêu và những chỉ tiêu cụ thể trên, thời gian tới Đắc Lắc tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
1 - Rà soát lại vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh cà phê theo 3 cấp: tỉnh, huyện và xã. Công tác quy hoạch phải có căn cứ khoa học, có tầm chiến lược, chú trọng việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên: đất, nước và môi trường sinh thái ổn định bền vững; đồng thời, quy hoạch đầu tư nhà máy, thiết bị chế biến và hệ thống bảo quản sản phẩm...; các khu dịch vụ, du lịch, khu văn hóa... ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan quy hoạch tổng thể vùng sản xuất cà phê chuyên canh, trên cơ sở đó ủy ban nhân dân các huyện quy hoạch chi tiết để quản lý điều hành.
2 - Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê bảo đảm đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao giá trị xuất khẩu, tăng thu nhập. Phát triển cà phê phải bảo đảm bền vững về môi trường sinh thái, không vì lợi ích trước mắt mà để sau đó phải tốn kém nhiều công sức, tiền của khắc phục hậu quả xấu về môi trường sinh thái.
Tuyên truyền, phổ biến và có biện pháp áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn cà phê bền vững đến với người dân; trong đó, lấy công tác khuyến nông, khuyến công, xây dựng mô hình, để từ đó nhân ra diện rộng. Thực hiện cải tạo vườn cây, tuyển chọn giống phù hợp với điều kiện sinh thái, cho năng xuất cao, chất lượng tốt; chú trọng việc tạo giống vô tính để hạn chế thoái hóa giống. Hình thành những trung tâm giống và dịch vụ kỹ thuật cao để cung cấp đủ giống tốt và dịch vụ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cho người trồng cà phê.
3 - Khuyến khích người dân sản xuất, kinh doanh cà phê bảo đảm tính bền vững. Kiên quyết xử lý đối với người sản xuất, kinh doanh cà phê vi phạm Luật Bảo vệ môi trường; đối với những đơn vị, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng cà phê không hiệu quả, làm hủy hoại tài nguyên đất, nước cần áp dụng biện pháp bắt buộc trồng cây che bóng để bảo vệ, chống bạc màu, xói lở đất... Việc sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất cà phê phải tiết kiệm và có hiệu quả. Khuyến khích người dân sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm trong vườn cà phê bằng cách trồng xen các loại cây lâu năm, có tác dụng che bóng, đồng thời cho sản phẩm có giá trị kinh tế, không ảnh hưởng đến năng suất cà phê, cải thiện môi trường và giảm được áp lực nước tưới về mùa khô; giảm thiểu những rủi ro do biến động của thời tiết, sâu bệnh, giá cả và nâng cao thu nhập cho người nông dân; thu hái quả chín 90% trở lên, giảm thiểu quả xanh, có cơ chế chính sách tài chính về giá cả phù hợp đối với việc thu mua cà phê quả chín, chất lượng tốt để kịp thời động viên người sản xuất thực hiện đúng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
4 - Sử dụng linh hoạt các phương pháp chế biến cà phê. Tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị và người trồng cà phê mà vận dụng phương pháp phù hợp và đem lại hiệu quả cao để giảm giá thành. Nghiên cứu khắc phục các yếu kém về trình độ công nghệ thiết bị chế biến và mức độ ô nhiễm môi trường. Có chính sách thu hút đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến cà phê nhân, cà phê tinh chế; chế tạo thiết bị tiên tiến chế biến cà phê để cung ứng máy móc, thiết bị chuyên dùng cần thiết đáp ứng yêu cầu cho ngành cà phê. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng sân phơi, kho chứa sản phẩm ở những nơi trồng cà phê tập trung bảo đảm việc bảo quản cà phê đạt chất lượng cao.
5 - Tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê trong tỉnh thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn với một tổ chức quản lý - kinh doanh thích hợp, đáp ứng các mối quan hệ và các mối liên hệ của một ngành sản xuất - kinh tế và kỹ thuật, gắn việc xây dựng và phát triển kinh tế - kỹ thuật với việc xây dựng kinh tế trên địa bàn huyện, thành phố, bảo đảm điều hòa các lợi ích của Nhà nước và nhân dân, của Trung ương và địa phương, của ngành và lãnh thổ. Củng cố, mở rộng thị trường, bạn hàng, nâng cao giá trị mua - bán với đối tác lâu dài, đồng thời có chiến lược cụ thể tiếp cận thị trường mới như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản... Có chính sách đầu tư thỏa đáng để tổ chức quản lý, phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột cũng như Trung tâm giao dịch mua bán cà phê Buôn Ma Thuột hoạt động hiệu quả.
6 - Phát triển nông thôn theo hướng bền vững, hài hòa giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường trong nông thôn, xây dựng nông thôn văn minh, sạch đẹp, trong đó ưu tiên đầu tư thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch... Trong thời gian tới, tỉnh xúc tiến kêu gọi các thành phần kinh tế bằng các hình thức thích hợp góp vốn xây dựng nhà bảo tàng cà phê với những nội dung, hình thức, quy mô phong phú, đa dạng, hấp dẫn trên địa bàn Buôn Ma Thuột./.
Đắc Lắc phát triển cà phê theo hướng bền vững  (28/12/2008)
CPI tháng 12 giảm khiến CPI cả năm chỉ ở mức 19,89%  (27/12/2008)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật và Pháp lệnh  (27/12/2008)
Năm 2008: Chính sách tiền tệ là một trong những thành công lớn nhất kiềm chế lạm phát có hiệu quả  (27/12/2008)
Hoạt động ngân hàng Việt Nam thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và góp phần chống suy giảm kinh tế  (27/12/2008)
Trung Đông một năm nhìn lại  (27/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay