Bước phát triển đột phá ở Phú Yên
Với suy nghĩ trăn trở, vì sao trước đây Phú Yên nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung từng lập nhiều chiến công to lớn trong kháng chiến góp phần xứng đáng giành và giữ nền độc lập, mà nay chẳng lẽ cam chịu nghèo, kém phát triển, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã và đang nỗ lực tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
I - Nền móng để phát triển
Với trường kỳ lịch sử gần 500 năm, kể từ năm 1611 - Phú Yên trở thành một đơn vị hành chính. Mảnh đất này có một vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. Nằm ở miền Trung, cách Hà Nội 1.160 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 561 km về phía Bắc theo tuyến quốc lộ 1A qua dọc tỉnh; Bắc giáp tỉnh Bình Định, Nam giáp Khánh Hòa, Tây giáp Đăk Lăk và Gia Lai, Đông giáp biển Đông; đường tỉnh lộ 645 và quốc lộ 25 nối với các tỉnh Tây Nguyên; đường sắt Bắc - Nam và sân bay Đông Tác; bờ biển dài 189 km với những địa danh nổi tiếng như gành Đá Dĩa, đầm Ô Loan, cảng Vũng Rô... Phú Yên hội tụ những điều kiện phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Hơn nữa, Phú Yên còn là quê hương từ rất lâu đời của gần 30 dân tộc anh em chung sống: Chăm, Êđê, Ba Na, Hrê, Hoa, Mơnông, Raglai ... Nơi đây càng có điều kiện phát triển một nền văn hóa đa dạng và thống nhất, góp phần xây dựng một nền kinh tế - xã hội mạnh mẽ và bền vững.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết XIV của Đảng bộ tỉnh, Phú Yên đã phát huy những thành tựu quan trọng trong hơn 20 năm đổi mới, nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); đồng thời nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức như sự suy thoái kinh tế và lạm phát; giá cả một số mặt hàng thiết yếu và tiêu dùng leo thang; thời tiết diễn biến thất thường; dịch bệnh và tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội có lúc, có nơi diễn biến phức tạp. Điều nhấn mạnh là dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự giúp đỡ to lớn của các bộ, ngành ở Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đạt được những kết quả tích cực. Nổi bật là GDP bình quân 2 năm 2006 - 2007 tăng 12,6%; 6 tháng đầu năm 2008 tăng 9,5%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng từ 29,3% (năm 2005) lên 32,3% (năm 2007), tỷ trọng dịch vụ tăng từ 34,1% (năm 2005) lên 35,6% (năm 2007), tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 36,6% (năm 2005) xuống 32,1% (năm 2007). Thu nhập bình quân trên đầu người tăng từ 7,2 triệu đồng (năm 2006) lên 8,4 triệu đồng (năm 2007). Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 55,8 triệu USD (năm 2006) tăng lên 69,7 triệu USD (năm 2007) và 6 tháng đầu năm 2008 đạt 46,4 triệu USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.242 tỉ đồng (năm 2006) và 3.903 tỉ đồng (năm 2007); 6 tháng đầu năm 2008 đạt 2.140 tỉ đồng. Thu ngân sách đạt 625 tỉ đồng (năm 2006); 863 tỉ đồng (năm 2007) và 6 tháng đầu năm 2008 đạt 451 tỉ đồng. Giải quyết việc làm cho 24.850 người (năm 2006); 25.350 người (năm 2007) và 6 tháng đầu năm 2008 là 12.967 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,3% (năm 2005) xuống còn 13,96% vào cuối năm 2007. Thành quả đạt được trên các lĩnh vực:
Một là, kinh tế phát triển và tăng trưởng khá cao.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định, bình quân 2 năm 2006, 2007 tăng 19,2%/năm. Một số khu công nghiệp, điểm công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp được hình thành và phát triển; kết cấu hạ tầng từng bước được xây dựng, hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh có 66 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 44 dự án đã đi vào hoạt động, 9 dự án đang triển khai xây dựng, giải quyết việc làm cho 7.000 lao động, đóng góp ngân sách trên 100 tỉ đồng. Một số cơ sở công nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật - công nghệ, tạo nên những sản phẩm có tính cạnh tranh cao, như Công ty cổ phần PYMEPHARCO, Công ty Bia Sài Gòn - Phú Yên, Công ty vật tư tổng hợp Phú Yên, Nhà máy đường Sơn Hòa, Nhà máy lắp ráp ô tô, Nhà máy sản xuất phân NPK... Các ngành dịch vụ phát triển mạnh, đạt mức tăng trưởng bình quân 14% - 15%/năm (năm 2006 - 2007). Hoạt động kinh doanh thương mại tiếp tục phát triển, một số trung tâm thương mại lớn từng bước được hình thành.
Ngành du lịch có bước chuyển biến tích cực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch, với nhiều bãi biển đẹp, nhiều khu còn là thắng cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia như gành Đá Dĩa, đầm Ô Loan, cảng Vũng Rô (Đường Hồ Chí Minh trên biển)... Lượng khách du lịch tăng bình quân 22,1%/năm. Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp phát triển khá, đã hình thành một số vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung gắn với các cơ sở chế biến, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành kinh tế mạnh của tỉnh, với tổng diện tích thả nuôi là 2.950 ha, sản lượng thu hoạch 3.570 tấn, với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao như sò huyết, cá ngừ đại dương, tôm sú, tôm hùm. Nuôi trồng hải sản tập trung ở khu vực đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (huyện Sông Cầu,) đầm Ô Loan (huyện Tuy An),... Đây là những địa điểm nuôi trồng có tính chiến lược của tỉnh, thu hút nhiều lao động. Đặc biệt, ngay tại đầm Cù Mông, việc nuôi trồng và chế biến được thực hiện khá đầy đủ các công đoạn nhờ khu công nghiệp Bắc Sông Cầu nằm ngay tại đó. Tuy Hòa có cánh đồng lúa rộng nhất miền Trung, nên đã cung cấp đủ lương thực cho nhân dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Tuy nông nghiệp không phải là ngành kinh tế trọng điểm song nó thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Hai là, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời bước đầu phát huy nội lực và các yếu tố nội sinh của nền kinh tế.
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, trong những năm qua, Phú Yên đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn như: Nhà máy lọc dầu Vũng Rô với mức đầu tư là 1,7 tỉ USD; Dự án khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên là 4,345 tỉ USD, thu hút Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm và Tổ hóa dầu Naphtha Cracking, 3 dự án giai đoạn 1 của Tập đoàn Samma Dubai được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận (Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gành Đá Dĩa, Dự án đầu tư nâng cấp sân bay Tuy Hòa, Dự án đường cao tốc nối sân bay Tuy Hòa đến Khu du lịch cao cấp gành Đá Dĩa) đang chuẩn bị các thủ tục để cấp có thẩm quyền xét duyệt cấp chứng nhận đầu tư. Phú Yên đang từng bước trở thành một điểm thu hút đầu tư lớn nhất miền Trung, đứng thứ hai trên cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh), bước đầu hình thành thế và lực mới để phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp - dịch vụ của khu vực và cả nước.
Công tác đầu tư phát triển được đẩy mạnh, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện. Hệ thống giao thông, thủy lợi, điện được đầu tư, mở rộng đến các xã vùng xa, miền núi. Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn sông Hinh với công suất 72 MW và hệ thống đường dây 500 KVA Bắc - Nam đi qua tỉnh bảo đảm cung cấp nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, sinh hoạt. Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ với công suất lớn gấp 3 lần so với Nhà máy Thủy điện sông Hinh hiện đang được xây dựng và dự kiến năm 2009 sẽ đi vào hoạt động.
Ba là, văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được bảo đảm. Ngành giáo dục và đào tạo có bước phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Một số cơ sở đào tạo mới được thành lập như: Trường đại học Phú Yên, Trường cao đẳng nghề Phú Yên. Các trung tâm dạy nghề ở các huyện được nâng cấp. Tỉnh giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ và đẩy mạnh công tác phổ cập trung học cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 7/9 huyện, thành phố và 102/109 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở (tăng 10 xã, phường so với năm 2005); có 65 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đạt kết quả bước đầu, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ. Phú Yên thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Hoạt động khoa học - công nghệ có tiến bộ, chú trọng nâng cao chất lượng các đề tài, dự án phục vụ yêu cầu sản xuất và đời sống. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở từng bước được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân: 97,2% số xã phường, thị trấn có trạm y tế; 58,5% số trạm y tế có bác sỹ và 98,1% số xã có y tá sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung học; 100% số thôn, buôn có nhân viên y tế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề cho người lao động được chú trọng: tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng, từ 23,5% năm 2005 lên 29,4% năm 2007; tạo việc làm cho 63.167 lao động. Các hoạt động văn hóa, thông tin được đổi mới về nội dung và hình thức, kịp thời tuyên truyền, cổ động các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh.
Bốn là, công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền và đổi mới hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến mới.
Tình hình tư tưởng trong Đảng bộ và nhân dân ổn định. Truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường ngày càng được phát huy tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động, đưa Phú Yên phát triển đi lên. Các cấp, các ngành chú trọng việc nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tổ chức tốt việc học tập, quán triệt đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bộ máy chính quyền các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn có hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân ngày càng tốt hơn. Phú Yên đã tổ chức thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, thành phố theo Nghị định số 13, 14/2008/NĐ-CP, ngày 4-2-2008 của Chính phủ. Công tác cải cách hành chính có nhiều cố gắng, thực hiện tốt chủ trương khoán biên chế và chi phí quản lý hành chính, thực hiện tự chủ về tài chính đối với các địa phương, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục có những đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động. Mặt trận và các các hội, đoàn thể ngày càng chủ động hơn trong công tác tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm về triển khai các nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy về công tác vận động quần chúng; phối hợp tham gia giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn từ cơ sở.
II - Để trở thành cửa ngõ phát triển vùng Tây Nguyên
Từ nay đến năm 2020, Phú Yên, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 238 nghìn tỉ đồng, sẽ phấn đấu trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn trong khu vực và cả nước, là cửa ngõ mở ra hướng Đông để phát triển vùng Tây Nguyên, đồng thời là một điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Trong mục tiêu phát triển đến năm 2020, Phú Yên phấn đấu cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp và dịch vụ với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đến năm 2010 đạt 13,6%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 15,2%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 2 lần sau mỗi giai đoạn 5 năm, từ 750 USD (năm 2010) lên 1.600 USD (năm 2015) và 3.000 USD (năm 2020). Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu và dịch vụ tăng hơn 10 lần từ 150 triệu USD (năm 2010) lên 1.500 triệu USD (năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 9% (năm 2010) xuống dưới 3,4% (năm 2015) và năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và công nghiệp “sạch”
Phú Yên sẽ tăng nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn để tạo bước phát triển đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh như: điện tử, lọc dầu, hóa dầu, đóng tàu, chế biến nông thủy sản, sản xuất điện - nước. Trong đó đặc biệt quan tâm đến dự án nhà máy lọc dầu công suất 4 triệu tấn/năm và các nhà máy hóa dầu.
Khu kinh tế Nam Phú Yên có khu đô thị Nam Tuy Hòa, khu công nghiệp lọc, hóa dầu và một số khu công nghiệp tập trung khác gắn liền cảng biển Vũng Rô, cảng biển Hòa Tâm và sân bay Tuy Hòa sẽ được đầu tư phát triển.
Theo quy hoạch, ngành du lịch sẽ được phát triển mạnh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp "sạch" mang màu sắc, độc đáo riêng. Phát triển du lịch miền núi gắn liền với văn hóa các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, kết hợp hình thành các tuyến nối liền giữa miền biển và các tỉnh Tây Nguyên.
Trở thành đầu mối giao thông lớn trong vùng
Tỉnh sẽ hình thành cụm đầu mối giao thông đường sắt, đường hàng không, đường bộ Đông - Tây và là đầu mối giao thông lớn của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo đó, tỉnh đầu tư hoàn thiện và hiện đại hóa mạng lưới giao thông đường bộ với quốc lộ 1A, 25, ĐT 645, trục ven biển phía Đông, dọc miền Tây và các tỉnh lộ làm các trục giao thông chiến lược. Tuyến đường sắt Phú Yên - Tây Nguyên qua Cam-pu-chia - Lào - Thái Lan sẽ được nghiên cứu xây dựng; tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I qua khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa) đến Phú Yên sẽ là đầu mối tuyến đường sắt đi Tây Nguyên.
Với khối lượng lớn công việc phải triển khai và hoàn thành trong thời gian tới, Đảng bộ và quân, dân Phú Yên hơn lúc nào hết cần tiếp tục đoàn kết, nhất trí, phát huy những thành quả và kinh nghiệm đã đạt được, vượt qua mọi khó khăn trở ngại, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra, đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, góp phần vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.
Châu Á 2008: Năm của những kỳ vọng bất thành  (29/12/2008)
Thành phố Hồ Chí Minh phải làm nòng cốt duy trì tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội  (28/12/2008)
Chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Sóc Trăng  (28/12/2008)
Chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Sóc Trăng  (28/12/2008)
Mục lục chuyên đề cơ sở số 24 (12-2008)  (28/12/2008)
Đắc Lắc phát triển cà phê theo hướng bền vững  (28/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay