Những biến đổi và thách thức đối với nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Nghiên cứu những biến đổi cũng như những thách thức đối với nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để luận chứng cho việc ban hành những giải pháp chính sách phù hợp.
Những biến đổi của nông dân trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với việc thực hiện một hệ thống các chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo nghị quyết của Đảng, các chương trình, chính sách của Chính phủ, nông dân nước ta đang đứng trước những thay đổi:
Thứ nhất, tỷ lệ nông dân ngày một giảm
Trong thời gian qua, cùng với việc nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp thông qua sự kết nối giữa nông dân với Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học theo cơ chế thị trường trong điều kiện hội nhập quốc tế thì tỷ lệ nông dân ngày một giảm đi.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm, dân số nông thôn chiếm 69,6% vào năm 2010 và dự báo sẽ chỉ còn 41% vào năm 2050. Trong giai đoạn 1960-1985, dân số nông thôn tăng nhanh nhất đạt trên 2%. Đây là giai đoạn mà chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình chưa đạt được các mục tiêu như đã đề ra. Bên cạnh đó, vì đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh và sau đó là những năm khôi phục hậu quả của chiến tranh nên quá trình đô thị hoá diễn ra chậm. Từ khi đất nước bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân số nông thôn giảm khá nhanh. Năm 1990, dân số nông thôn có 53,1 triệu người, chiếm 80,5% dân số cả nước đến năm 2013, dân số nông thôn có khoảng 59,9 triệu người, chỉ còn chiếm khoảng 65,9% dân số cả nước. Theo dự báo của Tổng cục Thống kế, từ năm 2015 trở đi, dân số nông thôn sẽ tăng trưởng âm.
Nông dân giảm về số lượng, nhưng trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, với sự tác động của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, họ có điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng lao động, sản xuất - kinh doanh nông nghiệp thông qua việc ứng dụng ngày càng phổ biến khoa học công nghệ tiến bộ vào sản xuất cũng như vươn ra thị trường trong và ngoài nước. Sự liên kết giữa nông dân với Nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học theo cơ chế thị trường hội nhập quốc tế là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng lao động, sản xuất - kinh doanh nông nghiệp của nông dân.
Thứ hai, sự đa dạng hóa các giai tầng xã hội trong giai cấp nông dân
Ở mức độ khác nhau, nông dân vừa là người chủ sở hữu tư liệu sản xuất (đất đai), vừa là người lao động, nên giai cấp nông dân không phải là giai cấp thuần nhất về cơ cấu xã hội. Chẳng hạn, ở châu Âu, từ năm 1894, Ph. Ănghen đã phân giai cấp nông dân thành 3 nhóm xã hội lớn là: tiểu nông, trung nông và đại nông. Còn trong lịch sử Việt Nam, giai cấp nông dân có cơ cấu xã hội tương đối thống nhất có lẽ chỉ trong thời kỳ thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc từ đầu thập niên 1960 và trên cả nước từ sau năm 1975 đến khoảng cuối thập niên 1980. Từ khi thực hiện “Khoán 100” (năm 1981), nhất là Khoán 10” (năm 1988) trong nông nghiệp, cơ cấu giai cấp nông dân từng bước được đa dạng hóa. Không phải chỉ là sự phân hóa giầu nghèo. Phân hóa giầu nghèo thực chất chỉ là kết quả của quá trình đa dạng hóa quan hệ đối với tư liệu sản xuất chủ yếu của nông dân là đất đai và vai trò tổ chức, quản lý lao động, sản xuất - kinh doanh nông nghiệp,...
Hiện nay, căn cứ tình hình thực tiễn, có thể phân giai cấp nông dân Việt Nam thành các nhóm xã hội sau:
- Nhóm nông dân không có ruộng (do cho thuê, cầm cố, bán hoặc gia đình trẻ mới tách hộ,...) phải làm thuê trong nông nghiệp và các hình thức lao động thời vụ khác tại địa phương hay ở nơi khác (lao động cửu vạn, “ôsin” ở đô thị hay làm công nhân tại cơ sở công nghiệp, dịch vụ trong nước hoặc tại các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp,...);
- Nhóm nông dân nhận ruộng khoán (ruộng, rừng, ao, đầm,...) và lao động sản xuất nông nghiệp thuần túy (các hộ tiểu nông);
- Nhóm nông dân nhận ruộng khoán và kết hợp lao động sản xuất nông nghiệp với các hình thức lao động sản xuất tiểu - thủ công nghiệp, dịch vụ hay lao động di trú (lao động cửu vạn, “ôsin” ở đô thị hay làm công nhân tại cơ sở công nghiệp, dịch vụ trong nước hoặc tại các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp,...);
- Nhóm nông dân nhận ruộng khoán và thuê thêm ruộng khoán hoặc khai phá đất mới để sản xuất - kinh doanh nông nghiệp dưới hình thức gia trại hay trang trại bằng lao động của gia đình, có thể thuê thêm lao động ngoài gia đình;…
Như vậy, hiện nay trong giai cấp nông dân Việt Nam đã hình thành, phát triển nhóm những người lao động làm thuê và các chủ thể sản xuất, kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ (gia trại, trang trại), kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác kiểu mới. Hiện nay, nhóm nông dân thuần túy sống bằng nông nghiệp tập trung chủ yếu tại các vùng núi, vùng biên giới và các vùng sâu, vùng xa. Các nhóm nông dân sản xuất hàng hóa nông nghiệp, nông dân - lao động tiểu, thủ công nghiệp, nông dân - công nghiệp, nông dân - dịch vụ,... ngày càng trở nên phổ biến. Các nhóm này ở địa vị giáp ranh giữa nông dân, tiểu - thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, công nhân,...). Quá trình đa dạng hóa cơ cấu xã hội của giai cấp nông dân phản ánh quá trình biển đổi cơ cấu xã hội - giai cấp và cơ cấu xã hội - dân cư nước ta trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, sự biến đổi trong vai trò là chủ thể kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa
Quá trình đa dạng hóa cơ cấu xã hội của giai cấp nông dân dẫn đến vai trò chủ thể kinh tế, chính trị của nông dân, về cơ bản, được nâng cao, nhưng không phải lúc nào cũng ở trạng thái đồng thuận. Các nhóm nông dân có điều kiện kinh tế và quan hệ xã hội vượt ra khỏi khuôn khổ quan hệ trong xóm ngoài làng, có nhiều khả năng hoặc năng lực hơn để tham gia vào các công việc của cộng đồng, của xã hội, dưới nhiều hình thức khác nhau. Mức đóng góp để xây dựng các công trình công cộng trong làng (bản, buôn, ấp,...) vẫn thường được phân bổ bình quân theo đầu người nhưng việc tham gia vào quá trình xây dựng nông thôn mới và mức độ tham gia hay thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, thì có sự khác nhau giữa các nhóm nông dân. Ví dụ một người nghèo có thể sẽ e ngại khi xuất hiện trước mọi người để thực hiện quyền dân chủ của mình nhưng một nông dân làm chủ một gia trại hay trang trại hoặc một nông dân làm ruộng khoán kết hợp với kinh doanh dịch vụ sẽ tháo vát, tự tin hơn trong việc tham gia vào các công việc của cộng đồng, của xã hội và thụ hưởng các quyền của mình.
Vai trò chủ thể kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của nông dân xuất phát từ chỗ đồng nhất, đồng thuận như trong thời kỳ hợp tác hóa, đã và sẽ diễn biến theo hướng đa dạng hóa và không phải lúc nào cũng đồng thuận. Tính đồng thuận được thể hiện và đạt được trong và thông qua cơ chế dân chủ. Rõ ràng, những biến đổi kinh tế làm cho vai trò của nông dân được nâng cao, vì họ ý thức được “quyền làm chủ” của mình, và có điều kiện, năng lực để tự mình thực hiện quyền làm chủ đó.
Một số thách thức đối với nông dân
Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông dân nước ta hiện nay cũng đang đứng trước nhiều thách thức.
- Đất canh tác bị thu hẹp, giá thành sản xuất lương thực và thực phẩm tăng cao nhưng giá tiêu thụ và thị trường tiêu thụ lại không ổn định cùng với những tác động của thiên tai là áp lực thường xuyên đối với nông dân Việt Nam hiện nay.
- Áp lực phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cạnh tranh thị trường trong, ngoài nước trong khi nông dân lại rất thiếu tri thức và thông tin khoa học trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Về cơ bản, trình độ của nông dân vẫn còn nhiều hạn chế nên khó chuyển giao được khoa học công nghệ tiến bộ vào nông nghiệp để nông dân có thể giảm thiểu tác hại của thiên tai và hạ giá thành sản xuất lương thực, thực phẩm. Tình hình này kéo dài sẽ tiếp tục đặt nông dân trước những thách thức mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.
- Chưa có giải pháp căn bản để khắc phục tình trạng thiếu việc làm (thời vụ) và không có việc làm. Hiện nay, ước tính trung bình diện tích ruộng khoán chỉ đảm bảo khoảng 50 - 60% thời gian làm việc của nông dân sản xuất hàng hóa (bằng cách thâm canh tăng vụ, chuyển vụ). Việc làm thêm ngoài nông nghiệp thì cũng chỉ đạt mức 65 - 70% thời gian trong năm của nông dân. Thời gian còn lại được gọi là “nông nhàn”. Đối với các hộ nông dân sản xuất theo kiểu tự cấp tự túc thì thời gian nông nhàn còn cao hơn. Ngoài ra, tình trạng thiếu việc làm còn trầm trọng hơn do bị mất đất (xây dựng các khu công nghiệp) và do xu hướng tích tụ ruộng đất ngay tại nông thôn.
- Tình trạng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng gia tăng ngay trong khu vực nông thôn và đặc biệt rõ hơn giữa nông thôn với đô thị. Vào năm 2004, con số về chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị lên tới trên 6,9 lần. Hiện nay mức chênh lệch này ước khoảng 9 lần. Điều này giải thích vì sao dòng người từ nông thôn ra các đô thị kiếm việc làm theo thời vụ tiếp tục gia tăng, gây ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý trật tự đô thị, nhất là ở các đô thị lớn.
- Mặc dù thu nhập còn thấp nhưng người nông dân lại phải bỏ một khoản thu nhập đáng kể cho những khoản đóng góp, không có điều kiện nâng cao mức sống của mình. Trong những năm qua, Chính phủ đã quyết liệt bãi bỏ nhiều loại phí, tuy nhiên, hiện nay nông dân vẫn còn chịu nhiều khoản đóng góp, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trong khi sức ép trong chi tiêu cho giáo dục, trong chi phí cho sản xuất nông nghiệp,... tăng.
- Các loại tệ nạn xã hội và và vấn đề an ninh trật tự ở nông thôn ngày càng phức tạp, khó kiểm soát. Các khu công nghiệp phát triển ở các vùng nông thôn, cũng như sự phát triển của kinh tế thị trường kéo theo sự phát triển các dịch vụ kinh tế, xã hội, cũng như cả các loại tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, bạo lực gia đình,...). Bên cạnh đó là sự “lây nhiễm” tệ nạn xã hội của những người nông dân đi làm ăn ở các địa bàn đô thị, làm cho tình hình tệ nạn xã hội ở nhiều khu vực nông thôn, vốn yên bình trước đây, trở nên nghiêm trọng không khác gì các địa bàn đô thị. Đô thị có tệ nạn gì thì nông thôn cũng có tệ nạn đó. Tình hình an ninh trật tự ở nông thôn, do đó, có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng thanh, thiếu niên bỏ học, thiếu hoặc không có việc làm, gây rối trật tự công cộng, sa đà vào cờ bạc, ma túy, mại dâm,...
- Tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ở nhiều khu vực nông thôn ngày một gia tăng. Làng nghề và các khu công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm đất, nước và không khí rất nặng, làm suy thoái tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường do khai thác, phát triển tự phát, không theo quan điểm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việc nông dân sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu bệnh có mặt lợi là nâng cao được năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, cũng như góp phần hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vô hình chung đã làm cho môi trường đất, nước bị ô nhiễm nặng nề. Nguy hại hơn, việc sử dụng, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu, còn để lại những hậu quả trực tiếp đến sức khoẻ của bản thân người nông dân, kể cả người tiêu dùng.
- Xu hướng di cư lao động khỏi nông nghiệp và di dân ra thành phố để mưu sinh ngày một gia tăng. Đành rằng đây là xu thế của một xã hội phát triển, đó là giảm tương đối cơ cấu của nông nghiệp trong nền kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tuy nhiên, việc di cư không kiểm soát gây những bất cập nhất định trong công tác quản lý, nhất là quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự ở cả nông thôn và đô thị.
Rõ ràng, trong quá trình đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông thôn nước ta đã có những thay đổi quan trọng. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nông dân được cải thiện. Phương thức lao động, sản xuất kinh doanh của người dân nông thôn cũng có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng, phong phú hơn, phù hợp với cơ chế thị trường. Cùng với quá trình đó là những biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp trong nông dân. Đồng thời, trong cơ chế thị trường, nông dân nước ta cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức. Đây là những dữ kiện cần được điều tra, nghiên cứu nhằm xây dựng chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho phù hợp./.
Xứng danh Cháu ngoan Bác Hồ - Tự hào lớn lên cùng đất nước  (01/06/2015)
Thay cơ chế trách nhiệm mới giảm được cấp phó ở các cấp chính quyền  (01/06/2015)
Việt Nam - Hoa Kỳ ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng  (01/06/2015)
Cung Thiếu nhi Hà Nội: 60 năm xây "Ngôi nhà chung" cho trẻ em  (01/06/2015)
Có thể hỗ trợ 50% tiền bảo hiểm xã hội khu vực lao động phi chính thức  (01/06/2015)
Quy định rõ hơn quyền hạn, nhiệm vụ và trách nhiệm của Chính phủ  (01/06/2015)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay