Cộng đồng ASEAN sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển
Các nước thành viên đang nỗ lực xúc tiến việc thành lập Cộng đồng ASEAN và tin tưởng rằng Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 sẽ mang lại sự phát triển thịnh vượng cho khu vực.
Nhân dịp đầu năm 2015, Đại sứ Vũ Đăng Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN, đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta.
- Xin Đại sứ cho biết Cộng đồng ASEAN, dự kiến được thành lập vào cuối năm 2015, sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các nước thành viên, khu vực và thế giới?
Đại sứ Vũ Đăng Dũng: Việc Cộng đồng ASEAN, dự kiến được công bố thành lập vào ngày 31-12-2015, sẽ là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mới trong quá trình phát triển của ASEAN, là sự hội tụ các kết quả hợp tác đạt được trong ASEAN và giữa ASEAN với bên ngoài qua gần 48 năm hình thành và phát triển. Chắc chắn việc thành lập Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột gồm chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội sẽ có tác động và ý nghĩa nhiều mặt không chỉ với các nước ASEAN mà còn rộng ra toàn khu vực và thế giới.
Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) sẽ đưa hợp tác chính trị-an ninh giữa các nước lên một tầm cao mới, đóng góp hữu hiệu hơn cho hòa bình và ổn định ở khu vực, bảo đảm các nước ASEAN chung sống với nhau và với các nước bên ngoài trong một môi trường hòa bình, ổn định, dân chủ và hòa hợp trên cơ sở các giá trị và chuẩn mực ứng xử chung, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, đồng thời mở rộng hợp tác và hội nhập với thế giới bên ngoài.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra một khu vực kinh tế ASEAN thịnh vượng, năng động và có sức cạnh tranh cao, một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất, bảo đảm tự do lưu chuyển của hàng hóa, thương mại, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN. Phần lớn các rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ được dỡ bỏ (ước tính khoảng 89% các loại thuế nhập khẩu đã được dỡ bỏ), đi đôi với các biện pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư, hài hòa các tiêu chuẩn và quy định, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hải quan thông qua khuôn khổ "Hải quan ASEAN Một cửa", xây dựng các mạng lưới kết nối giao thông vận tải, hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin.
Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (ASEAN) sẽ hướng tới xây dựng một bản sắc chung của ASEAN, nâng cao trách nhiệm xã hội, bảo đảm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu phát triển xã hội và bảo vệ môi trường thông qua tăng cường hợp tác và giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin, giáo dục, thanh niên, bảo vệ và tăng cường vai trò của phụ nữ, trẻ em, xóa đói giảm nghèo, y tế, môi trường và ứng phó với thiên tai,…
Song song với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng theo ba trụ cột, ASEAN sẽ tiếp tục các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài thông qua các kế hoạch triển khai Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), đồng thời tăng cường hợp tác kết nối tạo thuận lợi hơn nữa cho việc vận chuyển, đi lại, trao đổi và hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp trong khu vực thông qua Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC). Cần nhận thức rõ Cộng đồng ASEAN vừa là mục tiêu, vừa là một quá trình. Thời điểm 31-12-2015 chỉ là bước khởi đầu, trong đó những kết quả đã đạt được sẽ tạo tiền đề để đưa liên kết ASEAN lên một mức sâu rộng hơn nữa trong tương lai. Vì lẽ đó, ASEAN đang bắt tay xây dựng Tầm nhìn cho Cộng đồng ASEAN sau năm 2015, đề ra những mục tiêu và phương hướng phát triển lớn cho ASEAN từ nay tới năm 2025.
- Thưa Đại sứ, Cộng đồng ASEAN khi hình thành sẽ đặt Việt Nam trước những cơ hội và thách thức như thế nào?
Đại sứ Vũ Đăng Dũng: Khi thành lập, Cộng đồng ASEAN sẽ đem lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam và các nước thành viên cả về chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ. Trên báo chí đã có nhiều phân tích về vấn đề này. Ở đây, tôi chỉ xin nêu ba “việc lớn” như sau.
Một là về nhận thức. Đây là vấn đề chung của các nước ASEAN. Nhưng riêng với Việt Nam, càng cần có nhận thức đúng về Cộng đồng ASEAN, tránh tâm lý kỳ vọng quá mức hoặc đánh giá thấp về ASEAN, từ đó có sự chuẩn bị phù hợp để tranh thủ được cơ hội và hóa giải được thách thức.
Theo một số nghiên cứu của Ban Thư ký ASEAN, Việt Nam nằm trong nhóm dưới về nhận thức đối với ASEAN, trong đó phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về các cơ hội do Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại. Để giải quyết việc này, ASEAN đã có Kế hoạch tổng thể về Truyền thông ASEAN để tạo khuôn khổ và định hướng cho việc xây dựng, triển khai các chiến lược truyền thông quảng bá về ASEAN, cũng như có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động chào mừng Cộng đồng ASEAN trong năm nay. Ở cấp quốc gia, Việt Nam cũng đã có Kế hoạch tuyên truyền về ASEAN. Mong rằng các kế hoạch này sẽ được triển khai hiệu quả, giúp nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân.
Hai là về năng lực. Đó là năng lực của cả nền kinh tế, của giới doanh nghiệp cũng như của từng cán bộ, người dân khi tham gia ASEAN. So với thời điểm gia nhập ASEAN vào 1995, hiện thế và lực của Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, giữa Việt Nam và một số nước ASEAN vẫn còn khoảng cách không dễ thu hẹp. So với khu vực, Việt Nam vẫn đang xếp ngưỡng thấp trong bảng xếp hạng về năng suất lao động và chỉ số sáng tạo cũng như chất lượng nguồn nhân lực (27,2/100 điểm). Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người so với ASEAN ngày càng tăng (1.908USD/người so với mức trung bình 3.837USD/người của ASEAN). Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng hấp thu và tận dụng các cơ hội do liên kết kinh tế khu vực mang lại, ảnh hưởng tới sự đóng góp của Việt Nam trong các hoạt động của ASEAN, nhất là trong việc đề xuất các sáng kiến, định hướng chiến lược lớn cho hợp tác ASEAN và khu vực.
Ba là về khuôn khổ luật pháp và thể chế. Rõ ràng, quá trình hợp tác thời gian qua càng cho thấy Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa để hài hòa các quy định luật pháp, quy chuẩn giữa Việt Nam với các nước ASEAN, giúp doanh nghiệp và người dân Việt Nam có được vị thế bình đẳng, cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các thành quả của liên kết hội nhập khu vực, trong đó có giá cả, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, giáo dục, y tế...
- Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2015 đòi hỏi các thành viên phải có những đóng góp tích cực hơn nữa. Thưa Đại sứ, trong năm nay, phương hướng tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam sẽ tập trung vào các trọng tâm, ưu tiên nào?
Đại sứ Vũ Đăng Dũng: Với Việt Nam, năm 2015 cũng là dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao. Một ví dụ điển hình là Việt Nam nằm trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN.
Trong năm 2015, trọng tâm của Việt Nam là tích cực cùng các nước đạt được mục tiêu công bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015, nhất là hoàn thành những chương trình, biện pháp còn tồn đọng trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009-2015 và mang lại các lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ nỗ lực tham gia cùng các nước đóng góp xây dựng Tầm nhìn phát triển của ASEAN sau năm 2015 nhằm giúp liên kết ASEAN sâu rộng hơn nữa. Về hòa bình và an ninh, tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò ASEAN như một lực lượng chủ chốt đối với hòa bình và an ninh khu vực, trong đó có duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Về khuôn khổ thể chế, Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, đi đôi với tăng cường năng lực Ban Thư ký ASEAN. Về quan hệ đối ngoại, tích cực nâng cao chất lượng và làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các đối tác hiện có, đi đôi với việc thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác tiềm năng thông qua nhiều hình thức linh hoạt.
Riêng trong khuôn khổ Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) mà Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại ASEAN là một thành viên, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia cùng các nước hoàn thành tốt các trọng tâm, ưu tiên đề ra cho năm 2015, phát huy vai trò điều phối cấp khu vực của CPR và xây dựng quan hệ hợp tác phối hợp hiệu quả với các cơ quan của ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội nhằm hỗ trợ tích cực vào công cuộc xây dựng Cộng đồng, phát triển quan hệ đối ngoại, cải tiến bộ máy tổ chức ASEAN và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thư ký ASEAN.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Quan hệ đối tác Việt-Ấn phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết  (08/02/2015)
Các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách  (08/02/2015)
Dành 22.000 tỷ đồng đưa mắcca trở thành cây "chủ lực" ở Tây Nguyên  (08/02/2015)
Thủ tướng Đức Merkel khẳng định không muốn đối đầu với Nga  (08/02/2015)
Hy Lạp kiên quyết không nhượng bộ EU về chương trình cứu trợ  (08/02/2015)
Hy vọng từ cuộc họp thượng đỉnh Nga-Pháp-Đức tại Moskva  (08/02/2015)
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nâng cao hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong bối cảnh mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm