Nhìn lại 65 năm quan hệ Việt Nam - Nga
TCCS - Kể từ khi Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (30-01-1950 - 30-01-2015), sáu mươi lăm năm đã trôi qua với không ít thăng trầm, thay đổi trong lịch sử thế giới, lịch sử mỗi nước và trong mối quan hệ song phương. Nhìn lại lịch sử 65 năm của mối quan hệ này giúp chúng ta thấy rõ hơn những giá trị đã, đang và sẽ còn mãi với thời gian.
Những chặng đường hợp tác và phát triển
Có thể chia lịch sử quan hệ Việt Nam - Nga trong 65 năm qua thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất (1950 - 1990): chặng đường 40 năm quan hệ đồng minh chiến lược Việt Nam - Liên Xô. Ngày 14-01-1950, trong bối cảnh cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra ác liệt, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra tuyên bố về việc sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với các nước trên thế giới. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Việt Nam, tháng 01-1950, Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa khác đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, khẳng định địa vị pháp lý chính đáng của chính thể dân chủ cộng hòa lần đầu tiên được xác lập ở Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cục diện kháng chiến chống xâm lược đang trong giai đoạn quyết định của nước ta. Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Thắng lợi chính trị đó sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này.
Là hai nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, quan hệ Việt Nam - Liên Xô được xây dựng trên tình đoàn kết quốc tế của hai dân tộc cùng có chung mục đích và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam và Liên Xô trở thành đồng minh chiến lược trên mặt trận chống đế quốc thực dân và chống các thế lực thù địch với chủ nghĩa xã hội. Các nhà lãnh đạo Liên Xô khẳng định: “Tình hữu nghị Liên Xô - Việt Nam được xây dựng trên lợi ích và mục tiêu chung, trên nền tảng vững chắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và nghĩa vụ quốc tế xã hội chủ nghĩa”(1). Về phần mình, Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Liên Xô - siêu cường đứng đầu hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Liên Xô trên mọi lĩnh vực phát triển rất khả quan. Liên Xô ngày càng coi trọng Việt Nam trong vai trò là tiền đồn của chủ nghĩa xã hội, là trụ cột trong chính sách đối ngoại của Liên Xô ở khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam, Liên Xô luôn giương cao khẩu hiệu “đối với những người cộng sản Liên Xô, đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của cả trái tim và trí tuệ”(2). Sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu về nhiều mặt của Liên Xô trong 40 năm (1950 - 1990) đã góp phần không nhỏ vào thành công của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam. Bốn mươi năm quan hệ đã tạo dựng được tình hữu nghị rất mực trong sáng, thủy chung, tin cậy và gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô. Song, trong bối cảnh Việt Nam là một nước nghèo lại gặp vô vàn khó khăn khi phải tiến hành hai cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do dân tộc, nên quan hệ kinh tế Liên Xô - Việt Nam chủ yếu mang nặng tính chất bao cấp.
Giai đoạn thứ hai (1991 - 2000): 10 năm thăng trầm của quan hệ Việt Nam - Nga. Vào cuối năm 1991, Liên Xô giải thể, 15 nước cộng hòa thành viên của Liên Xô trở thành những quốc gia độc lập, có chủ quyền, chủ thể pháp lý quốc tế. Riêng Liên bang Nga trở thành nước kế thừa Liên Xô trong các mối quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ với Việt Nam. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX là những năm khó khăn nhất, khi quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga rơi vào trạng thái ngưng trệ, suy giảm mạnh trên tất cả các lĩnh vực, mà nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn trước hết từ việc cả hai bên đều xác định lại các lợi ích quốc gia và các ưu tiên đối ngoại. Đối với Nga, những năm này, Nga theo đuổi chính sách đối ngoại “định hướng Đại Tây Dương”, còn Việt Nam gặp khó khăn trong việc nhận diện “đối tác mới” khi Nga trở nên “vừa quen, vừa lạ” với Việt Nam. Hơn nữa, vào những năm này, Việt Nam đặt ưu tiên hàng đầu cho việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thêm vào đó, những thay đổi quá nhanh của tình hình quốc tế cùng với cơ chế quan hệ truyền thống bị đổ vỡ, cơ chế mới chưa kịp thiết lập, đã cản trở sự phát triển của quan hệ hai nước.
Từ giữa những năm 90, quan hệ Việt Nam - Nga bắt đầu khởi sắc nhờ những nỗ lực của hai nước trong việc tạo dựng khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ song phương. Hai nước đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga vào tháng 6-1994 nhân chuyến thăm chính thức Nga của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây là văn bản pháp lý thay thế Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam ký kết năm 1978. Hiệp ước này xác định các nguyên tắc mới cho quan hệ Việt Nam - Nga, đó là: tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi. Như phát biểu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau khi hiệp ước này được ký kết, “chúng ta trở lại tình hữu nghị cũ nhưng không phải theo kiểu cũ, mà phải phát triển trên cơ sở quan hệ mới”(3).
Trên thực tế, kể từ đây, quan hệ Việt Nam - Nga bắt đầu có những tiến triển tích cực, ngày càng được nâng lên tầm cao mới về chất. Nhiều hiệp định, văn bản hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau đã được ký kết, vừa tạo cơ sở pháp lý, vừa đề ra các phương hướng và biện pháp thúc đẩy tiến trình hợp tác toàn diện hơn giữa hai nước Việt Nam và Nga. Hai bên bắt đầu phối hợp hợp tác trong các diễn đàn đa phương, các tổ chức quốc tế.
Như vậy, trong 10 năm đầu kể từ khi kế thừa quan hệ Việt Nam - Liên Xô, quan hệ Việt Nam - Nga đã trải qua những thăng trầm, phản ánh những điều chỉnh chính sách đối ngoại của mỗi nước trong bối cảnh thế giới có những thay đổi sâu sắc. Hai nước đã sớm vượt qua thời kỳ khó khăn nhất nhờ xác lập được khung khổ quan hệ kiểu mới trên cơ sở tôn trọng và kế thừa những giá trị quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp vốn có, tuy nhiên, vẫn tồn tại sự mất cân đối trong hợp tác, khi quan hệ chính trị - ngoại giao luôn đi trước và vượt trội hơn so với các lĩnh vực khác.
Giai đoạn thứ ba (từ năm 2001 đến nay): quan hệ đối tác chiến lược được xác lập và ngày càng đi vào chiều sâu. Sự kiện đầu tiên đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Nga (kể cả thời Liên Xô) - chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Nga V. Pu-tin (tháng 3-2001). Trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai nước đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược cùng nhiều văn kiện hợp tác quan trọng khác, xác định khung khổ pháp lý mới cho hợp tác Việt Nam - Nga trên cơ sở tin cậy, chặt chẽ và lâu dài. Tính từ thời điểm lịch sử này, nhờ quyết tâm chính trị cao của hai nước, hợp tác chiến lược Việt Nam - Nga ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại những thành công rất đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực.
Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước diễn ra khá thường xuyên, tạo ra những chuyển biến quan trọng trong các lĩnh vực khác. Chỉ trong các năm 2012 - 2014, hai nước đã tiến hành nhiều chuyến thăm lẫn nhau ở cấp cao nhất: năm 2012 có chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga V. I. Mát-vi-ên-cô, Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép; năm 2013, có các chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống V. Pu-tin; năm 2014, có các chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đu-ma quốc gia (Hạ viện) S. E. Na-rư-xkin. Hoạt động ngoại giao được triển khai tích cực trên cả 3 kênh (ngoại giao nhà nước, ngoại giao chính đảng và ngoại giao nhân dân), các lĩnh vực hợp tác cũng ngày càng được mở rộng. Cơ chế đối thoại chiến lược Việt Nam - Nga được thiết lập và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 11-2008. Hiện nay, hai bên có các cơ chế đối thoại thường niên, như Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng, an ninh cấp thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng,...
Nhằm đưa quan hệ Việt Nam - Nga phát triển thực chất hơn, hai nước đã xác lập khuôn khổ hợp tác mới là đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 7-2012 nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Khuôn khổ hợp tác này mang đến một luồng sinh khí mới cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống V. Pu-tin (tháng 11-2013), của Chủ tịch Đu-ma quốc gia S.E. Na-rư-xkin (tháng 12-2014) và chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11-2014) cũng là nhằm nhìn nhận lại kết quả phát triển quan hệ giữa hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, từ đó cùng thỏa thuận các biện pháp cụ thể để củng cố, nâng cao hơn nữa hợp tác Việt Nam - Nga trong thời gian tới.
Ngoài những vấn đề quan hệ song phương, lãnh đạo hai nước thông qua các cuộc gặp chính thức tại mỗi nước và bên lề các hội nghị, diễn đàn, các tổ chức quốc tế,... bàn thảo nhiều vấn đề chính trị - an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, tạo nên sự đồng thuận cao trong nhiều vấn đề quốc tế nóng bỏng. Trên thực tế, hợp tác chiến lược Việt Nam - Nga đã trở thành một nhân tố quan trọng, có ảnh hưởng tích cực tới tình hình Đông Nam Á và toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trên lĩnh vực kinh tế, nhờ lực đẩy của hợp tác chính trị - ngoại giao, quan hệ kinh tế Việt Nam - Nga ngày càng có những thay đổi tích cực, những bước tiến về chất trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong thương mại, đầu tư và năng lượng.
Về thương mại, nếu năm 1994, kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt khoảng 300 triệu USD, năm 2000 hơn 363 triệu USD, thì từ năm 2007 đến nay, con số đó đã vượt mốc 1 tỷ USD, năm 2012 đạt 3,7 tỷ USD; năm 2013 là 4 tỷ USD(4) và trong năm 2014 tính đến hết tháng 9 đạt hơn 2 tỷ USD. Đáng chú ý là từ một nước nhập siêu, kể từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu xuất siêu sang Nga. Hai nước quyết tâm thúc đẩy thương mại hai chiều đạt 7 tỷ USD năm 2015 và trên 10 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam và các nước thuộc Liên minh Hải quan (Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan), sau 8 phiên đàm phán, đã thống nhất ký Thông báo về kết thúc cơ bản đàm phán và tiếp tục thúc đẩy quá trình trao đổi, tham vấn nội bộ để nhanh chóng hoàn tất những vấn đề kỹ thuật còn lại để có thể ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vào đầu năm 2015. Việc ký kết FTA giữa Việt Nam và ba nước thuộc Liên minh Hải quan hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các nước thành viên và sẽ là bước đột phá mở đầu cho việc hình thành mối liên kết kinh tế chặt chẽ giữa các bên, đồng thời mở ra các hướng hợp tác mới với các nước, các tổ chức kinh tế bên ngoài khu vực.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 6-2014, Nga có 101 dự án đầu tư ở Việt Nam đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 2,05 tỷ USD, đứng thứ 18/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Điểm mới đáng chú ý là đầu tư của Việt Nam vào Nga trong vài năm gần đây tăng nhanh, từ 100 triệu USD năm 2008 lên hơn 2,5 tỷ USD hiện nay, với 20 dự án, trong đó có đầu tư khai thác các mỏ dầu khí của Nga. Ngoài ra có hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ 100% vốn của người Việt đang hoạt động sản xuất, kinh doanh khá hiệu quả tại Nga.
Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống, được coi là hiệu quả nhất, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước Việt Nam và Nga trong nhiều năm qua. Hiện nay, hợp tác về năng lượng được coi là lĩnh vực then chốt, có ý nghĩa chiến lược với cả hai nước, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và điện hạt nhân. Điều đáng nói là giờ đây hợp tác dầu khí Việt Nam - Nga có sự phát triển mang tính đột phá về quy mô và lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Bên cạnh Liên doanh Vietsovpetro và Gazprom, Rosneft đang gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam, còn có liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí ở cả Việt Nam và Nga. Với Việt Nam, lĩnh vực hợp tác này không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, mà cả về an ninh, về bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo. Về điện hạt nhân, hai nước đã ký kết Hiệp định liên chính phủ về việc Nga cấp tín dụng cho Việt Nam xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I. Dự án này đang được triển khai theo đúng tiến độ đã được thỏa thuận, và năng lượng nguyên tử sẽ đóng vai trò là một trụ cột mới làm nền móng cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga.
An ninh - quốc phòng là lĩnh vực hợp tác có bề dày truyền thống giữa hai nước và tiếp tục phát triển sâu rộng trong những năm gần đây. Quan hệ hợp tác quốc phòng và kỹ thuật quân sự Việt Nam - Nga được đánh giá là ổn định, vững chắc, đạt hiệu quả cao. Một trong những kết quả mới về chất trong hợp tác kỹ thuật quân sự là việc Việt Nam đang triển khai sản xuất các trang thiết bị kỹ thuật quân sự tiên tiến với sự tham gia của các công ty Nga. Hai nước cũng chia sẻ thông tin tình báo liên quan đến an ninh khu vực và thế giới (nhất là các hoạt động khủng bố), tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống.
Quan hệ Việt Nam - Nga trên các lĩnh vực khác, như khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục cũng ngày càng phát triển thông qua các cơ quan, như Trung tâm Nhiệt đới Việt Nam - Nga, Trung tâm khoa học và văn hóa Nga tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt Nam - Nga, Hội hữu nghị Nga - Việt,... Việt Nam là nước được Nga cấp học bổng lớn nhất (không kể các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập - SNG) về đào tạo tại các trường đại học của Nga và hiện có gần 5.000 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Nga(5). Hai nước cũng đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam trên cơ sở tín dụng của Nga. Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước diễn ra sôi nổi hằng năm và luân phiên, trong đó có việc tổ chức Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam, Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga, giao lưu gặp gỡ thầy trò Xô - Việt, Tuần phim Nga tại Việt Nam,... Cộng đồng đông đảo người Việt tại Nga cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hai nền văn hóa Việt - Nga.
Một điểm sáng mới là hợp tác trong lĩnh vực du lịch, khi lượng khách Nga sang Việt Nam tăng trung bình hằng năm hơn 30%. Nga tiếp tục là một trong 10 thị trường tăng trưởng hàng đầu về du lịch của Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam đón 176.000 lượt khách Nga (gấp đôi so với năm 2011), năm 2013 con số đó lên tới 298.126 lượt (tăng hơn 70% so với năm 2012), 6 tháng đầu năm 2014 là gần 194.000 lượt (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2013).
“Điều còn mãi, không bao giờ thay đổi”
Nhìn lại sự vận động của quan hệ Việt Nam - Nga 65 năm qua, có thể thấy rằng, bất luận những biến thiên của lịch sử thế giới và lịch sử mỗi nước, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước vẫn được duy trì tốt đẹp, mang tính ổn định và kế thừa. Từ năm 2001 đến nay, quan hệ Việt Nam - Nga được nâng tầm từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện, ngày càng phát triển một cách toàn diện và thực chất, đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu của hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của thời đại ngày nay. Như Tổng thống Nga V. Pu-tin đã khẳng định, “khó có thể tìm được hướng hoạt động nào mà Nga và Việt Nam không phát triển sự hợp tác hiệu quả”(6). Có được kết quả này là do nỗ lực của cả hai nước trong việc gìn giữ, vun đắp cho quan hệ ngày càng phát triển. Về phần mình, Nga ngày càng nhận thức rõ hơn rằng việc nâng tầm quan hệ với Việt Nam là đáp ứng các lợi ích nhiều mặt của Nga không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, bởi vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng tăng và Việt Nam là một trong không nhiều những đối tác thủy chung và tin cậy nhất của Nga. Vì vậy, cho dù Việt Nam không phải là nước lớn, Nga vẫn đặt Việt Nam trong nhóm 3 nước đối tác chiến lược quan trọng nhất ở châu Á - Thái Bình Dương (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ).
Đối với Việt Nam, quan hệ với Nga được coi là có tầm quan trọng hàng đầu, mang những nét đặc thù riêng biệt, giữa hai nước không có vấn đề nào nổi cộm cả trong quá khứ và hiện tại. Việc Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp với Nga đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh tổng hợp cũng như làm gia tăng vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong chuyến thăm Nga tháng 11-2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga, coi Nga là một trong những đối tác quan trọng, tin cậy hàng đầu của Việt Nam”(7).
Nhìn rộng ra, có thể thấy, dù quan hệ Việt Nam - Nga không phải là quan hệ đồng minh, nhưng sự tin cậy lẫn nhau ở mức cao, sự hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam và Nga có thể đóng vai trò hình mẫu trong cuộc đấu tranh nhằm tạo dựng mối quan hệ công bằng giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng, tuy quan hệ chính trị tốt đẹp và tin cậy như vậy, nhưng kim ngạch thương mại hai chiều chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp đó, cũng như với quy mô nền kinh tế và tiềm năng hiện có của hai bên(8). Trong khi đó, hợp tác trên lĩnh vực này ngày càng quan trọng, bởi nó vừa tạo nên sự đan xen lợi ích, vừa là cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác. Do vậy, sẽ là mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hơn nếu tính chất này được thể hiện rõ ràng trên thực tế trong quan hệ song phương và trong các tổ chức quốc tế mà hai nước là thành viên. Đó cũng là điều chúng ta mong muốn và đang nỗ lực cùng phía Nga đạt tới trong tương lai gần. Và chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng, sau khi FTA giữa Việt Nam và Liên minh hải quan được ký kết, quan hệ kinh tế Việt Nam - Nga sẽ có bước đột phá, tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của mỗi nước, cũng như với mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực khác.
Tóm lại, quan hệ Việt Nam - Nga đã lưu giữ được những giá trị tốt đẹp từ quá khứ, trong đó giá trị lớn nhất, đáng trân trọng nhất, theo Tổng thống V. Pu-tin, “đó là sự tôn trọng lẫn nhau, là quan hệ truyền thống tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau, biết trân trọng sự giúp đỡ vô tư không hề vụ lợi của các đối tác thủy chung”. Tổng thống Nga khẳng định, đó sẽ là “điều còn mãi, không bao giờ thay đổi”, là “sự ủy thác tinh thần cho các thế hệ công dân hôm nay và mai sau của hai đất nước chúng ta”, và là “sự bảo đảm tính kế thừa và sự bền vững cho mối quan hệ hướng đến tương lai”(9). Những nhận định khái quát, cô đọng này của nguyên thủ quốc gia Nga đã nói lên tất cả, và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để dự báo rằng, mối quan hệ Việt Nam - Nga trong tương lai sẽ bền chặt hơn, sự hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực trên cơ sở hai bên cùng có lợi sẽ ngày một sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, tác động tích cực tới cục diện hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
-----------------------------------------
(1) Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950 - 1980), Nxb. Ngoại giao, Hà Nội; Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1983, tr. 584
(2) Việt Nam - Liên Xô, 30 năm quan hệ (1950-1980), Sđd, tr. 584
(3) Hoàng Liên: “Thời kỳ mới của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga”, báo Nhân Dân, ngày 20-6-1994, tr. 4
(4) Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga phát triển tích cực, www. chinhphu.vn, ngày 16-4-2014
(5), (6) V. Pu-tin: “Nga và Việt Nam, cùng nhau đi tới những chân trời hợp tác mới”, báo Nhân Dân, ngày 11-11-2013, tr. 1, 4
(7) http://vietnamnet.vn/chinhtri/208880/nga-la-doi-tac-quan-trong-tin-cay-hang-dau, ngày 26-11-2014
(8) Báo Nhân Dân điện tử, ngày 13-11-2013, http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/
(9) V. Pu-tin, Bài đã dẫn, tr.4
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 05 đến ngày 11-01-2015  (12/01/2015)
Sáng tạo, chủ động, kịp thời - Bài học kinh nghiệm nhìn từ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam  (12/01/2015)
Sáng tạo, chủ động, kịp thời - Bài học kinh nghiệm nhìn từ sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam  (12/01/2015)
Bầu bổ sung 8 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI  (11/01/2015)
Triển vọng chung của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015  (11/01/2015)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay