Mặc dù được chờ đợi từ nhiều thập kỷ qua, nhưng dư luận Mỹ vẫn bất ngờ và hoan nghênh thông báo ngày 17-12 của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bình thường hóa quan hệ với Cuba, thiết lập Đại sứ quán tại Havana; đồng thời, hối thúc Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh bao vây phòng tỏa quốc đảo này trong hơn nửa thế kỷ qua.

Tổng thống Barack Obama khẳng định “trong một sự thay đổi có ý nghĩa nhất về chính sách trong hơn 50 năm qua, chúng ta sẽ chấm dứt cách tiếp cận lỗi thời nhiều thập kỷ qua không thúc đẩy được các lợi ích của Mỹ để thay vào đó sẽ bình thường hóa quan hệ với Cuba”.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, trước khi thông báo quyết định này, ngày 17-12 Tổng thống Barack Obama đã có cuộc đàm thoại kéo dài gần 1 giờ với Chủ tịch Cuba Raul Castro. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Cuba trả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross bị giam giữ tại Cuba 5 năm qua và một điệp viên người Cuba làm việc cho Chính phủ Mỹ bị bắt giữ từ cách đây 20 năm. Đổi lại, Mỹ cũng đã phóng thích ba chiến sĩ tình báo của Cuba bị giam giữ ở Mỹ. Dư luận cộng đồng Cuba ở Mỹ hoan nghênh quyết định này.

Kết quả thăm dò mới nhất cho biết ở thời điểm năm 2014 có 60% người Mỹ gốc Cuba được hỏi ý kiến ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba, trong đó riêng giới trẻ có tới 90% ủng hộ. Có 69% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ việc bãi bỏ những hạn chế đi lại và du lịch sang Cuba và 53% nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho những chính khách nào có chủ trương bình thường hóa quan hệ với Cuba. Có tới 71% cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba trong hơn nửa thế kỷ qua không mang lại hiệu quả hoặc chỉ mang lại rất ít hiệu quả.

Tỷ lệ ủng hộ bình thường hóa quan hệ và bãi bỏ cấm vận chống Cuba ở thời điểm hiện nay trong cộng đồng người Cuba ở Mỹ là sự thay đổi hẳn so với năm 1981 khi có tới 87% người Mỹ gốc Cuba ủng hộ các biện pháp bao vây, phong tỏa. Các doanh nghiệp Mỹ, trong đó có các ngân hàng, ủng hộ quyết định này vì nó cho phép họ điều kiện để thiết lập các mối quan hệ làm ăn và thương mại với Cuba.

Tại Miami, bình luận viên kỳ cựu của truyền hình và đài phát thanh của người Mỹ gốc Cuba, ông Max Lesnik hoan nghênh và mô tả sự thay đổi chính sách, bãi bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba là “diễn biến có ý nghĩa nhất trong nhiều năm qua trong quan hệ giữa Mỹ và Cuba”. Ông Max Lesnik, người vẫn thường xuyên du lịch sang Cuba, cho rằng giờ đây là thời điểm bước ngoặt để Mỹ và Cuba hàn gắn lại quan hệ.

Ba nhà lập pháp Mỹ gồm Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Thượng nghị sĩ Jeff Flake và Hạ nghị sĩ Chris Van Hollen, những người trở về Thủ đô Washington sáng 17-12 trên cùng chuyến bay với Alan Gross, ra tuyên bố chung hoan nghênh việc Cuba phóng thích Alan Gross, rằng Tổng thống Barack Obama đã khôn ngoan khi vạch ra một tiến trình mới về Cuba, phục vụ cho các lợi ích của Mỹ ở Tây bán cầu cũng như trên toàn thế giới.

Thượng nghị sĩ Richard Durbin, thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, hoan nghênh nỗ lực hơn một năm qua của chính quyền Obama với Tòa thánh Vatican dẫn tới việc phóng thích Alan Gross và cho biết “tôi đã nói chuyện nhiều lần với Tổng thống trong những năm qua và được biết mục tiêu của Tổng thống là thay đổi chính sách của Mỹ với Cuba”. Ngay cả ông Ramon Saul Sanchez, một người chuyên hoạt động về nhân quyền ở Miami, bang Florida, cũng chưa bao giờ ủng hộ lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ Mỹ đã ngay lập tức chỉ trích quyết định của chính quyền Barack Obama. Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Robert Menendez, một trong hai Thượng nghị sĩ Mỹ gốc Cuba, cho rằng chính quyền Obama đã phạm sai lầm khi trao đổi các công dân Mỹ “không có tội” với những người phạm tội hoạt động tình báo chống lợi ích của Mỹ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Marco Rubio, chỉ trích sự thay đổi chính sách của chính quyền Obama, đồng thời tuyên bố sẽ bằng mọi cách ngăn chặn sự thay đổi mà ông cho là “nguy hiểm” này của Tổng thống Barack Obama. Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa John Boehner cũng ra tuyên bố phản đối chủ trương của chính quyền Obama./.