Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 08-12 đến ngày 14-12-2014)
Báo động tình trạng trẻ em bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột trên thế giới
Theo UNICEF, khoảng 15 triệu trẻ em đang bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột bạo lực trên thế giới hiện nay. Ảnh: learningforpeace.unicef.org
Ngày 08-12-2014, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) An-thô-ni Lếch (Anthony Lake) nhấn mạnh năm 2014 là năm tồi tệ đối với hàng triệu trẻ em. Nhiều trẻ bị thiệt mạng khi đang học ở trường và cả khi đang ngủ; bị bắt cóc, tra tấn, hãm hiếp hoặc thậm chí bị bán làm nô lệ. Theo UNICEF, khoảng 15 triệu trẻ em đang bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột bạo lực ở Cộng hòa Trung Phi, I-rắc, Nam Xu-đăng, Xy-ri, U-crai-na và vùng lãnh thổ Pa-le-xtin, trong đó có những trẻ em đang sống trong các trại tị nạn. Ngoài ra, còn có khoảng 230 triệu trẻ em sống ở những quốc gia và khu vực chịu ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang. Các cuộc khủng hoảng kéo dài ở Áp-ga-ni-xtan, Cộng hòa Dân chủ Công-gô, Ni-giê-ri-a, Pa-ki-xtan, Xô-ma-li, Xu-đăng và Y-ê-men tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều thanh thiếu niên nơi đây.
Cũng theo UNICEF, năm 2014 có nhiều mối đe dọa mới tác động đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ em, đáng chú ý nhất là đại dịch Ê-bô-la ở Tây Phi, khiến hàng nghìn trẻ bị mồ côi và khoảng 5 triệu trẻ khác phải nghỉ học. Người đứng đầu UNICEF kêu gọi thế giới phải nỗ lực hơn nữa để năm 2015 là năm tốt hơn cho mỗi trẻ em trên thế giới. Tổ chức này cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác để cung cấp những hỗ trợ cần thiết để giúp trẻ em tồn tại và phát triển tại một số khu vực nguy hiểm nhất thế giới.
Gần 270.000 tấn nhựa trôi nổi trên các đại dương
Ngày 10-12-2014, theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí PLOS ONE, hiện có ít nhất 5.250 tỷ mảnh nhựa với tổng trọng lượng khoảng 270.000 tấn đang trôi nổi trên các đại dương của thế giới. Để đưa ra dự báo đúng về số lượng và trọng lượng các loại rác thải nhựa đang trôi nổi trên các đại dương, nhà khoa học Mác-cớt Ê-ríc-xen (Marcus Eriksen) cùng các đồng nghiệp từ Viện nghiên cứu Năm dòng hải lưu (Five Gyres) ở Mỹ đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 24 chuyến khảo sát được tiến hành trong 6 năm (2007 - 2013) tại tất cả 5 dòng hải lưu cận nhiệt đới, vùng ven biển Ô-xtrây-li-a, vịnh Ben-gan và biển Địa Trung Hải.
Đây là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề rác thải nhựa trên các đại dương, cho thấy các mảnh nhựa lớn thường xuất hiện nhiều ở gần các bờ biển, trong khi các mảnh nhựa nhỏ bị đẩy ra những vùng biển xa hoặc các dòng hải lưu cận cực. Sự phân bổ này khiến các nhà khoa học đi đến giả thiết rằng các dòng hải lưu đóng vai trò như “máy xén”, cắt nhỏ các mảnh nhựa lớn thành những mảnh nhỏ rồi cuốn chúng đi khắp các đại dương. Theo ông M. Ê-ríc-xen, phát hiện này cho thấy 5 dòng hải lưu cận nhiệt đới không phải là nơi dừng chân cuối cùng của các mảnh nhựa trôi nổi trên các đại dương. Điểm kết thúc của các mảnh nhựa cực nhỏ phụ thuộc vào sự chuyển động của các hệ sinh thái đại dương.
Dư luận quốc tế chỉ trích Mỹ vi phạm nhân quyền
Ngày 10-12-2014, dư luận thế giới đồng loạt lên án Mỹ vi phạm nhân quyền và đòi xét xử những đối tượng đã vi phạm luật pháp quốc tế sau khi báo cáo của Thượng viện tiết lộ chương trình tra tấn tù nhân của Mỹ.
Liên hợp quốc tuyên bố chương trình tra tấn tù nhân của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vi phạm luật pháp quốc tế cấm tra tấn và các quyền cơ bản của con người. Trung Quốc và I-ran, hai quốc gia thường xuyên bị Mỹ cáo buộc vi phạm nhân quyền, đã lên án hành vi tra tấn nói trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh phản đối các hành động tra tấn và kêu gọi Oa-sinh-tơn tuân thủ các công ước quốc tế về nhân quyền. Thủ lĩnh tinh thần I-ran A-li Kha-mê-ni (Ali Khamenei) chỉ trích “Mỹ là điển hình của một chính thể chuyên chế chống lại loài người”, không chỉ trong các chương trình tra tấn tù nhân của CIA mà còn cả trong việc thực thi luật pháp trong nước.
Các đồng minh châu Âu thân cận của Mỹ cũng phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Đức Phranh Van-tơ Xtên-mây-ơ (Frank-Walter Steinmeier) cho rằng tình trạng lạm dụng vũ lực nói trên là sự vi phạm trên diện rộng các giá trị tự do và dân chủ; đồng thời, nhấn mạnh tình trạng này không được phép tái diễn. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Ca-thơ-rin Rây (Catherine Ray) nhận định báo cáo của Thượng viện Mỹ đã làm nảy sinh các câu hỏi quan trọng về tình trạng vi phạm nhân quyền của chính quyền Mỹ.
Tuy nhiên, các nỗ lực đòi Mỹ thực thi công lý với các cá nhân liên quan chương trình tra tấn của CIA dường như không khả thi. Người phát ngôn Nhà Trắng Giô-sơ Ơ-nét (Josh Earnest) cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ không đảo ngược quyết định không truy tố. Ngoài ra, việc Mỹ không tham gia Tòa Hình sự quốc tế và có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an là lợi thế để Oa-sinh-tơn ngăn cản những nỗ lực nhằm xét xử các cá nhân liên quan đến chương trình tra tấn của CIA tại các tòa án quốc tế. Cho đến nay, hành động pháp lý duy nhất chống lại các quan chức CIA là phán quyết của I-ta-li-a đối với 26 công dân Mỹ, trong đó có nguyên chỉ huy CIA tại Rô-ma (I-ta-li-a) và các đồng sự, vì đã tiến hành bắt cóc một nghi can khủng bố Ai Cập.
Hội nghị biến đổi khí hậu đạt được thỏa thuận khung cho Hiệp ước khí hậu toàn cầu
Thỏa thuận khung được coi là tín hiệu tích cực và là nền móng để xây dựng dự thảo thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu. Ảnh: datos-bo.com
Ngày 14-12-2014, Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP 20) bế mạc tại Li-ma (Pê-ru) sau 12 ngày làm việc chính thức và 30 giờ thương lượng ngoài dự kiến với kết quả đạt được một thỏa thuận khung “Lời kêu gọi hành động vì khí hậu từ Li-ma”. Theo thỏa thuận vừa được thông qua, 190 nước tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) sẽ phải thông qua các chương trình quốc gia nhằm cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính cho tới thời hạn không chính thức là ngày 31-5-2015 và các quốc gia thành viên sẽ phải bổ sung một bản báo cáo vào ngày 01-11-2015 để đánh giá các nỗ lực của mình nhằm đạt mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái đất không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mặc dù còn nhiều ý kiến cho rằng thỏa thuận này chưa mang nhiều tính ràng buộc và chưa giải quyết được mâu thuẫn cơ bản giữa các bên tham gia, song đây được coi là tín hiệu tích cực và là nền móng để xây dựng dự thảo thỏa thuận toàn cầu về biến đổi khí hậu, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận tại COP 21 tổ chức tại Thủ đô Pa-ri (Pháp)./.
Gặp gỡ hữu nghị kỷ niệm thiết lập quan hệ Việt Nam - Venezuela  (16/12/2014)
Việt Nam chúc mừng thắng lợi của liên minh cầm quyền Nhật Bản  (16/12/2014)
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Cao Bằng  (16/12/2014)
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Cao Bằng  (16/12/2014)
Nghị sỹ Mỹ đánh giá cao khuôn khổ Đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam  (16/12/2014)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay