Kinh tế toàn cầu 2014: Từ góc nhìn an ninh

Thanh Anh
15:20, ngày 30-11-2014

TCCSĐT - Đầu năm 2014, một số nhà dự báo cho rằng “Năm 2014, trên phạm vi toàn cầu, chính trị, an ninh khá ổn định”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhân loại đã phải trải qua một năm đầy biến động. Trong đó, an ninh kinh tế được coi là điểm nhấn quan trọng tạo nên bức tranh tổng quát đậm gam màu xám, khiến dư luận quốc tế quan tâm.

Từ điểm sáng yếu ớt…

Năm 2014, nền kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục chậm chạp và không vững chắc. IMF đã phải 3 lần hạ dự báo tăng trưởng, thậm chí cảnh báo nguy cơ tái khủng hoảng, nhất là kinh tế khu vực EU, khiến các chuyên gia buộc phải thận trọng khi đưa ra những con số dự báo cho năm 2015.

Nền kinh tế Mỹ được coi là điểm sáng, có nhiều dấu hiệu tích cực, nhất là vào quý III và quý IV. Mức tăng trưởng cả năm đạt khoảng 3,5%, FED đã rút toàn bộ gói QE khỏi thị trường. Theo thống kê cho thấy, số lượng người Mỹ đăng ký hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp liên tục giảm; tốc độ tăng trưởng GDP hai quý liên tiếp của năm 2014 đạt mức cao. Sự phục hồi của nền kinh tế số một thế giới được dự đoán sẽ trở lại vị thế là động lực chính vực dậy nền kinh tế toàn cầu thay cho các nước mới nổi chiếm vị trí này từ sau năm 2008. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2015 được dự báo cũng chỉ ở mức 3,1% GDP (thấp hơn năm 2014), tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn 5,8%, thị trường địa ốc mới bắt đầu được cải thiện, lạm phát đang trở lại mức thấp… những dấu hiệu trên cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi và có thể sẽ tiếp tục là điểm sáng trong năm 2015.

Đến nỗi lo suy giảm…

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy vẫn có mức tăng trưởng cao, nhưng tốc độ đã sụt giảm khá mạnh chỉ còn 7,3% năm 2014 và dự báo 6,6% trong năm 2015. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chủ yếu do xuất khẩu giảm, nguồn vốn FDI quốc tế chảy vào nước này cũng vì thế mà sụt giảm mạnh, bất động sản suy yếu trầm trọng, bong bóng tín dụng tăng lên, nguy cơ rủi ro lớn, nhất là nợ công và nợ trong lĩnh vực “ngân hàng mở”, mức doanh thu và tiêu dùng trong nước bị chững lại.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng 1,4% vào quý I và quý II, nhưng quý III và quý IV năm nay lại tăng trưởng âm (-1,6%) so với cùng kỳ năm trước và dự báo năm 2015 sẽ ở mức - 0,7% đến - 2,5%, do tác động từ chính sách tăng thuế tiêu thụ, khiến Thủ tướng Sin-dô A-bê phải tuyên bố kéo dài lộ trình tăng thuế tiêu dùng 10% đến tháng 4-2017.

Kinh tế Nga đã có dấu hiệu suy thoái từ cuối năm 2014 do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên nước này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở U-crai-na. Đồng Rúp đã mất giá gần 30 - 40% so với đồng USD tính từ đầu năm tới nay, dầu thô chiếm 50% ngân sách của Nga lại đang giảm giá thấp kỷ lục dưới mức 70 USD/thùng, khiến Tổng thống V. Pu-tin phải thừa nhận kinh tế Nga đang gặp khó khăn.

Kinh tế EU là khu vực đáng quan ngại hơn cả do nguy cơ tái khủng hoảng đang cận kề. Sau khi khu vực này phục hồi và tăng trưởng ở mức 0,13% năm 2013, nhưng sang năm 2014 lại tăng trưởng âm do chưa thoát khỏi nợ công lại thêm tác động ngược của chính sách trừng phạt kinh tế Nga. Trong khi tại khu vực Eurozone tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (11,9%) và năm 2015 được dự báo là 11,6%, khiến kinh tế EU khó bề phục hồi trong ngắn hạn.

Giá dầu gây “sốc”…

Giá dầu thị trường quốc tế đã có lúc lên tới 145,29 USD/thùng (7-2008) và nằm ở ngưỡng xung quanh 100 USD/thùng kéo dài liên tục trong 4 năm 2009 đến năm 2013. Tuy nhiên, ngay sau khi OPEC quyết định không giảm sản lượng dầu (27-11) thì ngày 28-11 giá dầu tụt giảm chỉ còn 69,29 USD/thùng, ngày 9-12 còn 63 USD/thùng và theo các chuyên gia dự báo thì giá dầu thế giới sẽ có thể giảm sâu hơn nữa về mức 43 USD/thùng vào quý II năm 2015.

Có nhiều nguyên nhân làm cho giá dầu giảm sâu, nhưng chủ yếu là do quan hệ cung - cầu. Nền kinh tế thế giới hiện chưa có dấu hiệu phục hồi đồng đều và vững chắc, nguy cơ tái khủng hoảng ở một số khu vực trọng yếu đang cận kề, khiến các nhà đầu tư “án binh bất động”, hoặc tìm nơi “trú ẩn” để bảo toàn vốn.

Mặt khác, theo nhận định của giới chuyên gia, dầu mỏ vừa là mục tiêu, vừa là công cụ của một số nước lớn, phát triển trong cuộc cạnh tranh địa - chiến lược. Dư luận hẳn còn nhớ năm 1990, Mỹ cũng đã thỏa thuận với Sau-đi A-ra-bi-a trong việc làm giảm giá năng lượng, góp phần đẩy nhanh sự tan rã Liên bang Xô viết. Trong bối cảnh hiện nay, theo giới quan sát, không loại trừ khả năng có bàn tay của Mỹ hòng làm sụp đổ kinh tế Nga, châm ngòi cho cuộc “cách mạng mầu” tại quốc gia này như Tổng thống Nga V. Pu-tin đã tố cáo Mỹ và phương Tây.

Và hậu quả khó lường…

Theo giới phân tích, kinh tế suy giảm, cầu dầu mỏ cũng giảm tương ứng, trong khi cung dầu mỏ lại không thay đổi, khiến cho giá dầu giảm dẫn đến nguy cơ tăng lãi suất thực tế và tái lạm phát tại một số quốc gia, nhất là các quốc gia có nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, trong đó có Nga và các nước tổ chức OPEC…

Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường dầu mỏ chỉ có thể tái cân bằng với mức 80 USD đến 90 USD/thùng, nếu cắt giảm sản lượng xuống khoảng một triệu thùng mỗi ngày, nhưng điều này lại phải đợi Hội nghị tiếp theo của OPEC vào tháng 6-2015. Mặt khác, hệ lụy của khủng hoảng giảm giá dầu mỏ lần này còn có thể làm tăng nguy cơ bất ổn chính trị tại một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như một số nước Mỹ Latinh, Trung Đông, Bắc Phi.

Như vậy, từ góc nhìn an ninh cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khởi phát từ Mỹ năm 2008 cho đến nay tuy đã đến đáy, nhưng giai đoạn “tiêu điều” vẫn kéo dài, khiến giai đoạn “phục hồi” không rõ nét. Thêm vào đó là những căng thẳng địa - chính trị tại một số nơi trên thế giới nhất là cuộc chiến Đông - Tây ở U-crai-na; cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo từ xưng (IS) ở Trung Đông - Bắc Phi; vấn đề hạt nhân gây tranh cãi ở I-ran, Triều Tiên; bất ổn ở Biển Đông, biển Hoa Đông… sẽ có những tác động tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Giới chuyên gia dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2015 và đến năm 2020 vẫn còn nhiều diễn biến không mấy khả quan. Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi các nhà lãnh đạo các tổ chức kinh tế, các quốc gia, nhất là các quốc gia đầu tàu, các nước phát triển và mới nổi cần có những đột phá về chính sách và đổi mới mô hình tăng trưởng thì kinh tế thế giới mới có thể phục hồi nhanh và bền vững./.