Bắc Giang: Xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc
Kết quả bước đầu
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ra Nghị quyết chuyên đề số 145-NQ/TU ngày 14-7-2011 về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 với mục tiêu đến năm 2015: 20% tổng số xã (40 xã) đạt xã nông thôn mới; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản còn 56%; thu nhập của người dân nông thôn gấp 1,8 lần trở lên so với hiện nay. Đến năm 2020: 50% tổng số xã đạt xã nông thôn mới; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản còn 45%; thu nhập của người dân nông thôn gấp 2,5 lần trở lên so với hiện nay.
Công tác lập quy hoạch và lập Đề án nông thôn mới được coi trọng, đến hết năm 2013, tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành công tác Quy hoạch nông thôn mới cho 202/202 xã, tổng kinh phí thực hiện khoảng 28.440 triệu đồng. Đến nay, nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ là 25.920 triệu đồng (bình quân mỗi xã khoảng 130 triệu đồng/xã). Căn cứ vào Quy hoạch đã được phê duyệt và các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia, tỉnh đã phê duyệt đề án cho 100/202 xã (đạt 49,5%).
Tổng nguồn kinh phí triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới năm 2014 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang khoảng 2.849.381 triệu đồng, gồm: ngân sách Trung ương: 127.578 triệu đồng; ngân sách tỉnh: 60.000 triệu đồng; ngân sách huyện, thành phố: 33.267 triệu đồng; ngân sách xã: 119.273 triệu đồng; nhân dân đóng góp trị giá: 143.023 triệu đồng, bằng các hình thức như tiền mặt, ngày công, hiến đất; lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh: 268.413 triệu đồng; nguồn vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn: 2.090.000 triệu đồng; doanh nghiệp 7.827 triệu đồng.
Về giải ngân nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý thực hiện Chương trình nông thôn mới: Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước tỉnh, 7 tháng đầu năm 2014, các xã đã giải ngân được: 20.754/187.578 triệu đồng (đạt 11,1%), trong đó: Vốn đầu tư phát triển 19.339/177.000 triệu đồng (đạt 10,9%); vốn sự nghiệp 1.415/10.578 triệu đồng (đạt 13,4%).
Công tác bố trí, quản lý và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả hơn. Nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp để cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh giúp các xã xây dựng nông thôn mới triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ và mục tiêu của Chương trình đề ra nên đã huy động được nhiều hơn sự tham gia của người dân và cộng đồng như huyện Việt Yên (hỗ trợ 500 tấn xi-măng/xã), Hiệp Hòa (hỗ trợ bình quân 500 triệu đồng/xã đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất trường học), Lạng Giang (hỗ trợ bằng công trình giá trị 1.000 triệu đồng/xã). Vì vậy, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển giao thông nông thôn và các công trình thiết yếu khác.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, ngày 12-10-2011 Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” được đông đảo cán bộ, đảng viên, các đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân đồng tình hưởng ứng. Từ đó, phong trào đã trở thành “của chung” và được nhân rộng đến tất cả các địa phương. Người dân nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình, từ đó tự nguyện hiến đất, tháo rỡ tường rào để làm đường giao thông nông thôn, đóng góp sức người, sức của tham gia xây dựng nông thôn mới.
Người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đã hiến trên 700.000 m2 đất các loại, tháo dỡ gần 20.000 m tường rào, thực hiện gần 40.000 ngày công lao động để mở rộng đường giao thông nông thôn, trong đó người dân ở 40 xã xây nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 đã hiến khoảng 24.000 m2 đất các loại, tháo rỡ trên 9.000 m tường rào, thực hiện trên 32.000 ngày công lao động. Tỉnh Bắc Giang đã bước đầu huy động được những nguồn lực xã hội hóa tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí trên 102 tỷ đồng (bằng tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất) của người dân địa phương, của các doanh nghiệp và của con em địa phương thành đạt. Tại nhiều địa phương cũng xuất hiện một số phong trào thi đua nổi bật như: Phong trào “hiến đất làm đường”, “cứng hóa đường giao thông nông thôn” hay “dồn điền đổi thửa”,… Các phong trào này đã tạo bước đột phá và đẩy nhanh tiến độ trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả bước đầu các chương trình, đề án, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài nguồn vốn ngân sách, các địa phương đã huy động được gần 6 tỷ đồng xây dựng gần 100 mô hình phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân, như mô hình trồng khoai tây chế biến Atlantic ở Yên Dũng, Hiệp Hòa; mô hình rau chế biến ở Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên; mô hình Gà lai Mía huyện Yên Thế. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng thành công 2 “cánh đồng mẫu lớn” tại huyện Yên Dũng với quy mô 100 ha; xây dựng được hàng chục mô hình phát triển sản xuất có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân bảo đảm sản xuất hàng hóa ổn định, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
Đến nay (trừ xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang - xã điểm của Ban Bí thư), bình quân mỗi xã đạt khoảng 10,4 tiêu chí, cụ thể: 3 xã đạt 19 tiêu chiếm 1,5%; 27 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, chiếm 13,4%; 84 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, chiếm 41,6%; 85 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí chiếm 42,1%; 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí chiếm 1,5%. Riêng xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2013. Như vậy, tính đến hết tháng 7-2014, tỉnh Bắc Giang đã xét, công nhận 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Qua 3 năm được triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã sớm đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân Bắc Giang rất quan tâm, hưởng ứng và tích cực tham gia. Sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa, cơ cấu cây trồng vật nuôi từng bước được thay đổi theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống nhân dân được cải thiện; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực; chất lượng giáo dục được nâng lên (có 72,5% tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia); công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tăng cường; hệ thống tổ chức chính trị xã hội, an ninh trật tự được giữ vững (72,6% xã đạt tiêu chí hệ thống chính trị xã hội); quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được phát huy.
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Sau 3 năm triển khai thực hiện chương trình nhưng mô hình bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh (Văn phòng điều phối) vẫn chưa thống nhất, chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể về chính sách, chế độ đối với cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm các cấp.
Kinh phí cho công tác lập quy hoạch là 130 triệu đồng/xã, nên hầu hết các xã đều nợ đơn vị tư vấn; gặp khó khăn trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch do thiếu kinh phí và chưa có hướng dẫn. Nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế của Trung ương hỗ trợ trực tiếp thấp, giảm dần qua các năm và chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu phân bổ vốn hằng năm (chiếm 8,3%), khó khăn cho các địa phương trong nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất, đào tạo tập huấn, tuyên truyền. Các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, thanh quyết toán và sử dụng nguồn vốn chậm và chưa đồng bộ nên khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện.
Một số giải pháp trong thời gian tới
Một là, làm tốt công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, vận động giáo dục, thuyết phục để đội ngũ cán bộ đảng viên, nhân dân nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Bên cạnh đó, các cán bộ đảng viên và nhân dân cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Hai là, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó sẽ tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Do đó, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ngành trong nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, các tổ chức xã hội.
Ba là, việc xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch phải cụ thể, chi tiết, phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thông qua văn bản, hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm; nêu điển hình về cách làm hay, cách khắc phục tháo gỡ khó khăn có hiệu quả. Quan tâm chú trọng công tác xây dựng quy hoạch, đề án; việc xây dựng quy hoạch, đề án phải công khai, lấy ý kiến đóng góp tham gia rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bốn là, phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, các nội dung xây dựng nông thôn mới phải được nhân dân bàn bạc dân chủ, phát huy cao nhất tính dân chủ và cộng đồng của toàn dân cùng tham gia. Phát huy tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân.
Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, có cơ chế khuyến khích nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, giao thông, điện, nước, đào tạo nhân lực, dạy nghề... để thu hút mọi nguồn lực cùng tham gia. Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện phân cấp, tạo điều kiện chủ động, tự chủ quản lý công trình cho các địa phương và cộng đồng dân cư, giảm thiểu chi phí trung gian để giảm giá thành, gắn trách nhiệm của nhân dân trong quản lý, thi công để bảo đảm chất lượng các công trình./.
Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp Đại sứ Hàn Quốc  (28/11/2014)
Góp phần tìm hiểu lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc  (28/11/2014)
Tham nhũng tương lai  (28/11/2014)
Xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân  (28/11/2014)
Xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân  (28/11/2014)
Tăng cường các giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh  (28/11/2014)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên