Các bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khẳng định hội nghị kéo dài 3 ngày kết thúc ngày 27-10 ở Sydney đạt được bước tiến song vẫn còn một số những vấn đề vẫn chưa được giải quyết trước khi tiến tới một thỏa thuận.

Các vị bộ trưởng thương mại khẳng định trong tuyên bố chung sau hội nghị đầu tiên kể từ tháng 5-2014 này rằng “đã đạt được bước tiến đáng kể” về vấn đề thuế quan và xác lập các quy định thương mại thống nhất theo sáng kiến TPP.

Tuyên bố cho rằng một thỏa thuận TPP “đang hình thành” và các bên sẽ lại nhóm họp trong vài tuần tới.

Quốc vụ khanh Nhật Bản Akira Amari cho biết các bộ trưởng hy vọng sẽ tái ngộ ở Bắc Kinh vào tháng 11-2014 bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Trong khi các bộ trưởng nhấn mạnh đến những bước tiến trong đàm phán hiện đã bước sang năm thứ 5 này, Nhật Bản và Mỹ vẫn chưa đạt được thỏa thuận song phương vốn được dư luận chờ đợi và được coi là có vai trò quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình đàm phán của 12 nước thành viên.

Việc hai nền kinh tế lớn nhất trong TPP chưa đi đến nhất trí đã phủ bóng đen lên mục tiêu đạt thỏa thuận chung vào cuối năm 2011 mà Mỹ đề ra.

Sau cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman sáng 27-10 bên lề phiên họp toàn thể, Quốc vụ khanh phụ trách TPP Amari cho biết mốc hoàn tất cho đàm phán song phương vẫn chưa rõ ràng.

Ông Amari khẳng định vấn đề còn lại vô cùng khó khăn và “không thể giải quyết một cách dễ dàng” đồng thời khẳng định ông dự kiến sẽ nối lại đàm phàn với ông Froman khi 12 bộ trưởng gặp lại.

Được hỏi rằng liệu hội nghị cấp cao TPP cũng diễn ra vào tháng 11-2014 ở Bắc Kinh hay không, Quốc vụ khanh Amari cho biết vẫn chưa có bàn bạc cụ thể nào về việc này.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng ông muốn tài liệu về sáng kiến thương mại tự do đầy tham vọng này cần đạt được vào đúng thời điểm ông đặt chân đến thủ đô của Trung Quốc.

Cuộc tranh cãi giữa Nhật Bản và Mỹ về thuế và các vấn đề xe hơi là một trong những điểm khúc mắc lớn nhất trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về TPP, sáng kiến chiếm tới 40% tổng sản lượng toàn cầu.

Hai nước hiện vẫn đang vấp phải trở ngại liên quan đến thuế suất của Nhật Bản đánh vào các mặt hàng nông sản nhạy cảm như gạo, lúa mỳ, thịt bò-lợn, sữa và đường, và các biện pháp bảo hộ mà Tokyo muốn áp dụng đối với thịt bò, thịt lợn một khi lượng nhập khẩu tăng lên do tác dụng của TPP. Nhật Bản cũng muốn đấu tranh để tìm kiếm sự đồng thuận chung về các vấn đề xe hơi với Mỹ./.