Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 26-9, Ủy ban thường vụ Quốc hội (khóa XIII) thảo luận, cho ý kiến dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Luật tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng, quản lý tổng hợp và thống nhất hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, nhận chìm ở biển, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với đặc thù của biển; trách nhiệm quản lý, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đồng thời, việc ban hành Luật nhằm khắc phục tình trạng có sự xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức…

Dự thảo Luật gồm 10 Chương, 76 Điều, quy định việc quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển từ chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ; quản lý tài nguyên hải đảo, bảo vệ môi trường biển.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp.

Một số ý kiến cho rằng tài nguyên biển và hải đảo phải được quản lý tổng hợp, thống nhất, khai thác, sử dụng bền vững và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Đồng thời, dự thảo Luật cần giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trên quan điểm phát triển bền vững; bổ sung quy định về những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước và một số ý kiến khác đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Với mối quan hệ đan xen trong hệ thống pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, cần tiếp tục rà soát kỹ những nội dung của dự thảo Luật này với các Luật khác có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Cũng tán thành với quan điểm cần xem xét kỹ lưỡng về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích nếu thống nhất tên gọi là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì dự thảo luật điều chỉnh nội hàm thứ nhất là biển, nội hàm thứ hai là hải đảo. Cơ quan soạn thảo đã bổ sung thêm “vùng bờ” vào phạm vi điều chỉnh. Theo đại biểu, với khái niệm và nội hàm như thế, có phù hợp với quy định của Luật Biên giới quốc gia và Luật Biển Việt Nam hay không, cần phải nghiên cứu, làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét nội hàm, kết cấu, bố cục của luật để phù hợp với phạm vi điều chỉnh và bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thảo luận nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ, về quy định phạm vi vùng bờ (Điều 22), Khoản 2 dự thảo Luật quy định “Vùng biển ven bờ là vùng biển có chiều rộng 06 hải lý tính từ mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển”, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của quy định này; đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể, khoa học hơn.

Các ý kiến cũng đề nghị cần làm rõ hơn một số khái niệm được sử dụng trong dự thảo Luật; góp ý cụ thể về nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ, trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.../.