Chưa bao giờ, người trồng hoa màu ở Sóc Trăng, đặc biệt là tại các vùng chuyên canh hoa màu của đồng bào Khmer lại có được một vụ mùa “trúng đậm” cả về giá và năng suất như vụ mùa năm nay.

Bình quân một công, người trồng màu có thể lời trên từ 10 đến 25 triệu đồng/vụ.

Niềm vui được mùa được giá càng được nhân lên gấp bội khi đồng bào Khmer đang nô nức chuẩn bị đón ngày lễ Sene Dolta cổ truyền (lễ cúng Ông Bà).

Sene Dolta là lễ lớn thứ hai của đồng bào Khmer trong ba lễ quan trọng là Chol Chnam Thmay (mừng Năm mới), lễ Dolta (lễ cúng Ông Bà) và Ok Om Bok (lễ Cúng Trăng).

Năm nay, đồng bào Khmer Nam Bộ đón lễ Sene Dolta cổ truyền trong 3 ngày, từ ngày 22 đến ngày 24-9.

Vào những ngày này, đi đến đâu cũng bắt gặp bà con Khmer đang chuẩn bị nhà cửa khang trang để đón lễ Sene Dolta.

Anh Thạch Cươl ở ấp Rạch Sên, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên đang trang hoàng lại nhà cửa để đón lễ Sene Dolta.

Anh Cươl chia sẻ: “Nhà cất xong một năm rồi, nhưng mới có tiền mua được bộ bàn ghế để đón Dolta. Mới đây, tôi vừa thu hoạch 4 công hành (mỗi công 1.000m2), nhờ hành có giá nên năm nay thu lãi được gần 150 triệu đồng. Vụ này, một bó hành (3kg) bán với giá từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg. Một ngày tôi thu hoạch hành lá gần 150 bó. Đây là năm đầu tiên, hành lá bán được giá và trúng đậm như vậy, gia đình có thể đón lễ Sene Dolta đầy niềm vui và ấm áp.”

Không riêng gì gia đình anh Thạch Cươl trồng màu trúng mùa và có giá, hầu hết, các loại cây hoa màu ở Sóc Trăng đều có giá và năng suất cao.

Chị Thạch Thị Khol cùng ở ấp Rạch Sên cho biết: “Năm nay rau màu có giá quá chừng. Nếu những vụ trước, giá cây màu nói chung chỉ có giá từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg thì vụ này, màu có giá cao gấp bội, thậm chí gấp cả chục lần. Vụ này gia đình trồng được một công khổ qua, sau khi thu hoạch trừ chi phí xong tôi thu lãi trên 15 triệu đồng. Nhờ trúng mùa nên gia đình đang rất vui mừng, đang sắm sửa đồ đạc và trang hoàng lại nhà cửa để chuẩn bị đón lễ Sene Dolta.”

Với lợi thế là đất giồng cát nên đồng bào Khmer tại các xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) và xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú) đã tận dụng cả diện tích đất tại các bờ kênh, xung quanh nhà để trồng màu mà đặc biệt là cây hẹ.

Với giá từ 7.000 (hẹ lá) và 14.000 đồng/kg (hẹ bông), cây hẹ thực sự đã cũng đã giúp nhiều hộ Khmer có thu nhập khá ổn định.

Dolta năm nay, nét mặt của bà Huỳnh Thị Tha ở ấp Đại Nghĩa Thắng đầy niềm vui và mãn nguyện.

Bà Huỳnh Thị Tha cho biết: “Nhờ trồng gần 1 công hẹ mà kinh tế gia đình được khá lên. Vụ này, gia đình tôi thu hoạch được hơn 20 triệu đồng từ hẹ lá và bông. Giá cao và thời tiết thuận lợi làm cho cây hẹ của gia đình phát triển rất tốt.”

Còn bà Lý Thị Xuân Duyên ở ấp Bắc Dần, xã Phú Mỹ cũng có được mùa màu thành công nhờ giá của cây hẹ cao hơn những năm trước. Vụ này bà Duyên trồng được 1,5 công hẹ nên thu nhập gia đình rất ổn định, trung bình 2 ngày ngắt một cữ bông, mỗi cữ ngắt bông, gia đình thu được trên 30 ký bông được trên 400.000 đồng.

Theo bà Duyên, nếu được chăm sóc tốt thì cây hẹ trổ nhiều bông và cho thu nhập rất ổn định, trung bình 1 công hẹ có thể cho thu nhập cao hơn 10 công lúa. Hẹ có thể cho thu hoạch đến ba năm và thu hoạch cả lá, bông mà vốn đầu tư cũng không cao nên rất thích hợp cho các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là những hộ đồng bào Khmer nghèo ít đất sản xuất.

Những năm trước, cây màu được mùa nhưng mất giá hoặc có giá nhưng thất thu. Còn năm nay, đồng bào Khmer Sóc Trăng đã được hưởng niềm vui trọn vẹn khi cây màu, vốn là cây kinh tế chủ lực vừa được trúng mùa lại vừa có giá. Đồng hành với cây màu có giá thì cây lúa cũng mang lại niềm vui trọn vẹn cho đồng bào Khmer trước ngày lễ Dolta khi lúa cũng đạt năng suất cao, giá bán cũng ổn định, lợi nhuận được đảm bảo, trung bình mỗi công trừ chi phí, người dân thu lãi từ 2-3 triệu đồng trong vụ Hè Thu này.

Những khuôn mặt rạng rỡ, những rẫy màu và những cánh đồng trúng mùa được giá đã giúp cho đồng bào Khmer trong tỉnh Sóc Trăng có được niềm vui trọn vẹn hơn trong ngày lễ Sene Dolta. Có được vụ mùa bội thu về có giá, năng suất nên nhà nhà đều chuẩn bị đầy đủ những mâm cơm tươm tất để cúng ông bà, dâng lên chùa và chào đón bạn bè và người thân trong ngày lễ cổ truyền Sene Dolta thật ấm cúng./.