Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 9-8 đến ngày 15-8-2010)
TCCSĐT - Ngày 9-8-2010, theo một nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố, sản lượng lúa gạo tại các nước châu Á sẽ giảm mặc dù nhiệt độ toàn cầu tăng không đáng kể. Thủ phạm chính khiến sản lượng lúa gạo giảm là nhiệt độ tối thiểu hàng ngày tăng cao hơn.
1. Trái Đất ấm lên đe dọa sản lượng tại các vựa lúa ở châu Á
Ngày 9-8-2010, theo một nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố, sản lượng lúa gạo tại các nước châu Á sẽ giảm mặc dù nhiệt độ toàn cầu tăng không đáng kể. Trong giai đoạn từ năm 1994-1999, các nhà nghiên cứu của FAO đã theo dõi những tác động của việc nhiệt độ hàng ngày tăng đối với sản lượng lúa gạo tại 227 cánh đồng ở Trung Quốc, Ấn Độ, In-đô-nê--xia, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam. Kết quả cho thấy thủ phạm chính khiến sản lượng lúa gạo giảm là nhiệt độ tối thiểu hàng ngày tăng cao hơn. Trong khi đó, nhiệt độ ban đêm lại đang tăng với tốc độ nhanh hơn so với ban ngày. Nhóm nghiên cứu của FAO tính toán nhiệt độ tăng trong hơn 25 năm qua đã khiến sản lượng lúa gạo tại một số vựa lúa lớn ở châu Á giảm từ 10% đến 20%. Tình trạng sẽ tồi tệ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng vào giữa thế kỷ này. Cảnh báo sản lượng lúa gạo giảm sẽ đẩy nhiều người vào cảnh diện nghèo đói, các nhà khoa học khuyến cáo ngành nông nghiệp các nước cần thay đổi phương thức sản xuất, nghiên cứu các giống lúa mới có khả năng chịu hạn cao mà vẫn đảm bảo năng suất.Lúa gạo là một trong những cây lương thực chính trên thế giới, là nguồn lương thực hàng ngày của khoảng 3 tỉ người trên thế giới. Theo số liệu của FAO, tại châu Á, gạo là đồ ăn chủ yếu của khoảng 600 triệu người trong số 1 tỉ người nghèo nhất thế giới.
2. WWF: Cháy rừng ở Nga có thể đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu
Các nhà sinh thái học thuộc Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa ra kết luận, các vụ cháy rừng dữ dội chưa từng có xảy ra tại Nga, làm gia tăng lượng khí các-bon thải vào bầu khí quyển, có thể dẫn đến việc tiếp tục đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. Nhóm các nhà khí tượng học của Anh, do Tiến sĩ An-đriu Ót-xơn (Andryu Wotson) đứng đầu, thuộc Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ngày 10-8 đã đưa ra nhận định, tình trạng nắng nóng dữ dội tại Nga có thể là do hiện tượng biến đổi nhiệt độ của các dòng hải lưu ở Đại Tây Dương, trong khi đó, các chuyên gia khí tượng thủy văn hiện chưa thể chứng minh rằng tình trạng nắng nóng gay gắt khác thường ở Nga hiện nay có liên quan tới hiện tượng khí hậu toàn cầu ấm lên hay không và để rút ra kết luận chính thức họ cần có thêm thời gian theo dõi và phân tích diễn biến các hiện tượng thời tiết. Tuy nhiên, những trận thiên tai diễn ra liên miên tại Trung Quốc, Pa-ki-xtan, hay tại một loạt quốc gia Đông Âu khác, trong đó có Nga, ít nhiều vẫn được coi là những minh chứng cho kết luận của IPCC rút ra trước đó rằng sự biến đổi khí hậu toàn cầu chính là "thủ phạm giấu mặt". Tại Nga, do ảnh hưởng của khói mù, hơn 100 chuyến bay tại các sân bay của Mát-xcơ-va đã phải hoãn chuyến hoặc chuyển hướng do ảnh hưởng nặng nề của khói bụi từ các vụ cháy rừng những ngày qua, gây thiệt hại cho 2.000 hành khách. Các chuyên gia kinh tế Nga đã đưa ra ước tính, mức độ thiệt hại của nền kinh tế do các vụ cháy rừng gây ra có thể lên tới 15 tỉ USD. Con số này chiếm khoảng 1% GDP của nước này. Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ, Ét-xtô-ni-a, Ác-mê-ni-a, Phần Lan... đã gửi người tới giúp đỡ cũng như trao đổi và tư vấn cho Nga những kinh nghiệm trong chống cháy rừng.
3. Vê-nê-xu-ê-la và Cô-lôm-bi-a tái lập quan hệ ngoại giao
Ngày 10-8-2010, sau một cuộc họp kín tại thành phố Xan-ta Mác-ta (Santa Marta), miền Đông Cô-lôm-bi-a, Tổng thống mới của nước này, ông Hoan Ma-nu-ên Xan-tốt (Juan Manuel Santos) và người đồng cấp Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vết (Hugo Chávez) đã tuyên bố chính thức tái lập quan hệ ngoại giao và bình thường hóa thương mại giữa hai quốc gia Nam Mỹ láng giềng này. Trong Tuyên bố chung, Cô-lôm-bi-a và Vê-nê-xu-ê-la khẳng định hai bên đã nhất trí "tái khởi động quan hệ song phương và tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước dựa trên cơ chế đối thoại minh bạch và trực tiếp". Hai bên cũng thông báo sẽ thành lập 5 ủy ban chung, phụ trách các vấn đề trả nợ cho các nhà xuất khẩu Cô-lôm-bi-a và tái thúc đẩy quan hệ thương mại, xúc tiến thỏa thuận bổ trợ kinh tế, phát triển kế hoạch đầu tư xã hội tại khu vực biên giới, cùng phát triển các công trình hạ tầng và an ninh. Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp, tân Tổng thống Cô-lôm-bi-a Xan-tốt tuyên bố hai nước sẵn sàng khép lại các tranh cãi và mở ra trang mới trong lịch sử quan hệ song phương, đồng thời nhận định sự kiện này không chỉ đánh dấu việc khôi phục quan hệ ngoại giao mà còn cả lòng tin giữa hai bên. Ông cho biết Tổng thống Cha-vết đã đảm bảo rằng Ca-ra-cát (Caracas) sẽ không cho phép các nhóm phiến quân Cô-lôm-bi-a thiết lập căn cứ bên trong lãnh thổ Vê-nê-xu-ê-a, vấn đề này từng gây tranh cãi khiến quan hệ song phương đổ vỡ hồi tháng trước. Tổng thống Cha-vết tái khẳng định luôn mong muốn thấy một Cô-lôm-bi-a hòa bình, ổn định và đoàn kết, đồng thời nhấn mạnh chưa và sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ nhóm vũ trang ngoài luật pháp nào của Cô-lôm-bi-a hoạt động trên lãnh thổ Vê-nê-xu-ê-la.
4. WB kêu gọi các nước không áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lương thực
Ngày 10-8-2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã khẩn cấp kêu gọi các nước không áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lương thực trong bối cảnh thảm họa thiên tai hoành hành dữ dội ở nhiều khu vực đe dọa làm sụt giảm mạnh sản lượng lương thực toàn cầu. Giám đốc điều hành WB, bà Nơ-gô-di O-côn-giô Ai-uy-la (Ngozi Okonjo-Iweala) khẳng định, dù không dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, nhưng giá ngũ cốc tăng vọt kể từ tuần trước có thể kéo theo một cuộc khủng hoảng mới về giá, gây thiệt hại lớn cho các nước nghèo. Bà cam kết WB với tư cách là thể chế tài chính quốc tế chống nghèo đói sẽ sử dụng các quỹ lương thực dự phòng khi tình hình lương thực thế giới xấu đi nghiêm trọng. WB nhận định thời tiết xấu và nạn đầu cơ đã đẩy giá nhiều loại lương thực chưa qua chế biến lên cao, từ mức 1,2 USD/10 kg cuối năm 1999 lên tới 6 USD/10 kg tuần qua. Giá lúa mì giao tháng 9 tới đã tăng 50% so với cuối tháng 6 vừa qua và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong tuần này sau khi Nga tuyên bố cấm xuất khẩu ngũ cốc. WB cho biết hầu hết các nhà buôn bán lúa mì thế giới đã ngừng mua mặt hàng này do lo ngại không thể xuất khẩu vì lệnh cấm của chính phủ. Nghiên cứu tại 26 nước đang phát triển dễ bị tổn thương bởi lệnh cấm xuất khẩu lương, WB chưa thấy dấu hiệu tái diễn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. WB hy vọng, thể chế này có thể ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng như vậy nếu các nước xuất khẩu lương thực trên thế giới không theo đuổi chính sách cấm xuất khẩu lương thực.
5. WHO tuyên bố hết dịch cúm A/H1N1
Ngày 10-8-2010, sau hơn một năm khi chính thức tuyên bố cúm A/H1N1 là đại dịch toàn cầu, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Mác-ga-rét Chan (Margaret Chan), khẳng định đại dịch cúm A/H1N1 đã chấm dứt. Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc họp Ủy ban khẩn cấp của WHO, cơ quan chuyên môn gồm 15 nhà khoa học chịu trách nhiệm nghiên cứu đưa ra các khuyến cáo của WHO, diễn ra sáng 10-8 tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ). Thông báo qua điện thoại cho các cơ quan thông tin, bà Chan nhấn mạnh "thế giới không còn trong giai đoạn dịch cúm A/H1N1 ở mức báo động cấp 6 (mức đại dịch). Chúng ta đang bước vào giai đoạn hậu đại dịch cúm A/H1N1". Bên cạnh đó, bà Chan cũng khuyến cáo rằng, trong những năm tới, vi-rút cúm A/H1N1 có thể sẽ xuất hiện trở lại dưới dạng cúm mùa, và khi đó, kho vắc-xin phòng cúm A/H1/N1 chưa được sử dụng sẽ phát huy tác dụng. Theo số liệu mới nhất của WHO, đại dịch cúm A/H1/N1 đã cướp đi sinh mạng của gần 18.500 người trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới 214 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, số người bị thiệt mạng do nhiễm cúm A/H1N1 đã giảm tương đối trong những tháng gần đây.
6. IEA nâng mức dự báo về nhu cầu dầu của toàn cầu
Ngày 11-8-2010, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá quá trình phục hồi kinh tế đang khiến nhu cầu về dầu mỏ của năm nay và năm tới được dự đoán tăng lên, song những nguy cơ đối với tốc độ tăng trưởng ở các nước tiên tiến và một số nước đang phát triển cũng đang rình rập.Trong báo cáo hàng tháng về các thị trường dầu công bố, IEA đã nâng mức dự đoán về nhu cầu dầu mỏ của toàn cầu thêm 2,2% cho năm nay, đạt 86,6 triệu thùng/ngày và tiếp tục tăng trong năm tới do các điều kiện kinh tế đang được cải thiện ở châu Âu và các nước đang phát triển. Nhu cầu dầu của toàn cầu trong năm tới sẽ tăng 1,5% lên 87,9 triệu thùng/ngày, tăng so với dự đoán đưa ra hồi tháng trước là 87,8 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, IEA cảnh báo triển vọng kinh tế trong thời gian trước mắt rất không chắc chắn và những nguy cơ lớn đối với nhu cầu dầu vẫn còn. Nhu cầu dầu của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) được dự đoán sẽ tăng chút ít, khoảng 0,2% năm nay so với dự đoán giảm chút ít đưa ra tháng trước, còn nhu cầu dầu của các nước ngoài OECD sẽ tăng 4,5% năm nay và 3,7% năm 2011.
7. Liên hợp quốc phát động chiến dịch cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho Pa-ki-xtan và Ni-giê
Ngày 11-8-2010, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia các chiến dịch cứu trợ khẩn cấp các nạn nhân thiên tai tại Pa-kix-tan và Ni-giê. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Giôn Hôm-mê (John Holmes) cho biết Liên hợp quốc đang cần khẩn cấp 460 triệu USD để trợ giúp các nạn nhân lũ lụt nghiêm trọng ở Pa-ki-xtan với số người chết hiện đã lên tới 1.600 người, 6 triệu người bị mất nhà ở cần cứu trợ khẩn cấp và 40 triệu người bị ảnh hưởng. Khoảng 65.000 lều bạt, 4.500 tấn lương thực đã được phân phát cho gần 500.000 người dân Pa-ki-xtan. Ngoài ra, ông Hôm-mê cũng cho biết Liên hợp quốc cần khẩn cấp 110 triệu USD để đảm bảo dinh dưỡng cho hàng triệu trẻ em và phụ nữ mang thai tại quốc gia Nam Á này. Trong một chiến dịch cứu trợ khác, Liên hợp quốc cho biết cần thêm 213 triệu USD để đáp ứng nhu cầu cứu trợ hạn hán ở Ni-giê. Hiện Liên hợp quốc đang đẩy nhanh chiến dịch cứu trợ khẩn cấp 8 triệu người dân Ni-giê, trong đó có gần 700.000 trẻ em dưới 5 tuổi, do tình trạng hạn hán nghiêm trọng kéo dài. Kể từ vụ thu hoạch tháng 9-2009, hạn hán đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động canh tác, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng tại Ni-giê. Tỷ lệ suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại quốc gia châu Phi này đã lên tới 17% , vượt quá ngưỡng báo động khẩn cấp 15% của Liên hợp quốc.
8. Đồng yên tăng giá đe dọa kinh tế Nhật Bản
Ngày 11-8-2010, trong phiên giao dịch trên thị trường Luân Đôn, đồng yên Nhật Bản đã tăng giá bất thường so với đồng USD với tỷ giá 84,72 yên/1 USD. Đây là mức tăng cao nhất của đồng yên kể từ tháng 7-1995, khiến nhiều nhà hoạch định chính sách Nhật Bản lo ngại rằng tiến độ phục hồi kinh tế của nước này có thể bị chậm lại, do kinh tế Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu. Tại Tô-ky-ô, chuyên gia kinh tế Tô-si-hi-rô Na-ga-ha-ma (Toshihiro Nagahama) thuộc Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-I-chi dự báo nếu tỷ giá tiếp tục đứng ở mức 85 yên/USD trong khoảng thời gian còn lại của tài khóa 2010 (kết thúc vào 31-3-2011) thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đã được điều chỉnh theo giá của Nhật Bản trong tài khóa này sẽ giảm 0,2 điểm phần trăm. Trước tình hình trên, ngày 12-8, Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã có cuộc họp nhằm thảo luận vấn đề đồng yên tăng giá, đồng thời đánh giá tình hình thị trường tài chính trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, hai bên chưa thảo luận gì về chính sách tiền tệ nhằm chặn đà tăng giá của đồng yên. Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Na-o-tô Can (Naoto Kan) cũng bày tỏ quan ngại về việc đồng yên tăng giá "quá nhanh" so với USD. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) Ma-xai-ư-ki Na-ô-si-ma (Masayuki Naoshima) cho biết, chính phủ và BOJ sẽ hợp tác chặt chẽ để thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường tiền tệ. Trong khi đó, METI sẽ nhanh chóng điều tra khoảng 200 doanh nghiệp của nước này để xác định hiện tượng đồng yên tăng giá bất thường ảnh hưởng như thế nào tới các doanh nghiệp Nhật Bản.
9. Tổ chức Khí tượng thế giới cảnh báo hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gia tăng trên toàn cầu
Ngày 11-8-2010, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo trong thời gian tới, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ tăng cả về tần số và cường độ. WMO cho biết nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực kỳ khắc nghiệt như lụt lội hoành hành ở phần lớn châu Á và Trung Âu, lở đất ở Trung Quốc, gió nóng và hạn hán nghiêm trọng ở Nga, Ô-xtrây-li-a và khu vực Nam sa mạc Xa-ha-ra (Sahara) tại châu Phi, nắng nóng kỷ lục tại Thủ đô Mát-xcơ-va của Nga vừa ghi nhận tháng nóng kỷ lục trong vòng 11 thế kỷ qua, hiện tượng tảng băng khổng lồ rộng hơn 200 km2 đã vỡ ra từ đảo băng Grin-len (Greenland)... WMO khẳng định biến đổi khí hậu đã rút ngắn khoảng cách thời gian giữa các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, gây thiệt hại lớn về người và của trên thế giới. Các nhà khoa học của WMO cho rằng các hoạt động của con người đã làm tăng ít nhất gấp đôi nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường như hiện nay. Theo các nghiên cứu mới nhất của WMO, những mô hình biến đổi của khí quyển đã thay đổi lớn do biến đổi khí hậu. Vì thế, nghiên cứu về các hiện tượng thời tiết tiêu cực đã trở thành một trong những trọng tâm khẩn cấp của Chương trình Nghiên cứu thời tiết thế giới của WMO.
10. Liên hợp quốc phát động Năm Thanh niên quốc tế
Ngày 12-8-2010, nhân ngày Quốc tế thanh niên (12-8), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã phát động Năm thanh niên quốc tế, kéo dài trong thời gian 1 năm.Phát biểu tại lễ phát động, Tổng Thư ký Ban Ki-mun chỉ ra rằng, có tới gần 90% thanh niên toàn cầu ở độ tuổi từ 15- 24 sống ở các nước đang phát triển. Khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của thanh niên, làm cho họ gặp khó khăn trong vấn đề việc làm và giáo dục. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, cần đưa thanh niên lên vị trí hàng đầu. Ông Ban Ki-mun kêu gọi các nước tăng cường đầu tư cho thanh niên, tạo điều kiện cho họ có nhiều cống hiến hơn cho xã hội.Nhân lễ phát động "Năm quốc tế thanh niên", Liên hợp quốc đã trao giải thưởng cho 51 dự án tiêu biểu toàn cầu của 30 nước về trao quyền cho thanh niên. Những dự án này được lựa chọn trong 1.500 dự án dự giải của 85 nước. Liên hợp quốc đánh giá những dự án này mang nhiều ý tưởng đổi mới và sáng tạo, phát huy tài năng và năng lực sáng tạo của thanh niên trong công cuộc xoá đói nghèo, đô thị hóa bền vững, cải thiện việc làm cho thanh niên và tăng cường sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ, thúc đẩy đối thoại và hiểu biết tốt hơn giữa các thế hệ, các nền văn hóa và tôn giáo. Ấn Độ, Kê-ni-a và Dim-ba-bu-ê là những nước giành nhiều giải thưởng nhất trong năm nay. Giải thưởng năm nay đánh giá cao các dự án đảm bảo nhà ở đô thị.
11. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 5
Trong hai ngày 12 và 13-8-2010, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 5 đã được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Tham dự có lãnh đạo Quốc hội Trung Quốc; lãnh đạo các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam; đại diện các cơ quan chính phủ và nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc cùng nhiều đại diện chính phủ, giới học giả và doanh nghiệp các nước ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một số tập đoàn đa quốc gia trong khu vực. Với chủ đề “Thiết lập khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc và Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ năm nay đã tập trung thảo luận các định hướng và biện pháp thúc đẩy sự phát triển của Hành lang Kinh tế Nam Ninh - Xin-ga-po trong bối cảnh Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA) đã chính thức có hiệu lực. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đánh giá cao những tiến triển trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc trong thời gian qua. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN, sau Nhật Bản và Liên minh châu Âu.
12. Liên hợp quốc kêu gọi các nước ven Bắc cực thúc đẩy du lịch bền vững
Ngày 13-8-2010, Liên hợp quốc kêu gọi các nước ven Bắc cực thúc đẩy du lịch bền vững để bảo tồn hệ sinh thái độc đáo của vành đai này trong bối cảnh tốc độ các dòng sông băng trở nên nhanh hơn và ngày càng nhiều tảng băng vỡ ra từ Bắc cực. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Na Uy hiện đang thúc đẩy các biện pháp đảm bảo du lịch bền vững nhằm hỗ trợ việc quản lý và phát triển các khu vực bảo tồn sinh thái ở vành đai Bắc cực. UNEP nhấn mạnh vành đai Bắc cực là một trong những địa chỉ cần đầu tư bảo vệ nhất hành tinh vì khu vực này là địa điểm lý tưởng để nhận biết tác động của biến đổi khí hậu đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. UNEP cho biết sẽ tổ chức các chuyến du lịch nghiên cứu cho các nhà bảo tồn, các nhà báo và các nhà lãnh đạo công cộng tới vành đai Bắc cực và vành đai Nam cực để nâng cao nhận thức cộng đồng về sự khẩn cấp của việc bảo vệ môi trường biển và hệ sinh thái ở 2 cực của Trái Đất. UNEP cũng đang xây dựng các bản đồ địa danh du lịch kết hợp với bảo tồn sinh thái để du khách có thể tham gia công việc bảo tồn này. Tại quần đảo Xvan-bát (Svalbard) ở phía bắc Na Uy, các nhóm bảo tồn và các nhà điều hành du lịch đã phối hợp thành lập các khu vực bảo vệ và các luật mới đã được áp dụng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học. Gấu Bắc cực và nhiều loài đặc hữu khác của Bắc cực đã được bảo vệ theo luật mới.
13. Hơn 80 triệu thanh niên trên thế giới không thể tìm được việc làm
Ngày 13-8-2010, Tổ chức Lao động thế giới (ILO) công bố một báo cáo cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, có tới 80,7 triệu thanh niên trên toàn thế giới không thể tìm được việc làm. Con số này tương đương với 13% dân số thế giới từ 15-24 tuổi, độ tuổi lao động sung sức. Từ năm 1991, ILO bắt đầu công tác thống kê về tình trạng lao động trong bộ phận dân số thế giới này. Năm 2007, thời điểm trước khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên trên thế giới chỉ là 11,9%, thì vào thời điểm cuối năm 2009, tỷ lệ này tăng vọt lên thành 13%. ILO dự trong năm 2010, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng thêm gần 0,1% và từ nay tới trước năm 2012, không thể hy vọng kìm chế được xu thế thất nghiệp trong giới trẻ trên quy mô toàn cầu. Báo cáo của ILO cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính một lần nữa chứng tỏ người lao động trẻ hầu như không được bảo vệ trên thị trường lao động. Trong thời gian từ 2007-2009, có tới 7,8 triệu thanh niên mất việc làm. ILO cho rằng giới trẻ là những người hơn ai hết mong muốn có nguồn thu nhập ổn định để bảo đảm tương lai tốt đẹp cho bản thân. Nếu bị tước đi niềm hy vọng này, giới trẻ có thể bị đẩy ra khỏi thị trường lao động và điều này trước hết dẫn tới làm suy yếu đáng kể tiềm lực kinh tế của chính quốc gia có đông lao động trẻ bị thất nghiệp.
14. Kinh tế Khu vực đồng ơ-rô tăng trưởng mạnh hơn dự báo
Ngày 13-8-2010, Văn phòng thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho biết, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (ơ-rô) đã đạt mức tăng trưởng 1,0% trong quý II/2010, thậm chí 1,7% nếu so với cùng kỳ này năm ngoái. Thống kê của Eurostat cho thấy, kinh tế Khu vực đồng ơ-rô đã tăng trưởng mạnh hơn mức dự báo 0,7% của các nhà phân tích thị trường cách đây vài tháng, khi châu Âu bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng nợ công. Các số liệu cũng xác nhận Khu vực đồng ơ-rô đã vượt qua Mỹ về tốc độ tăng trưởng kinh tế khi đầu tàu kinh tế thế giới này chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,6% trong quý II. Sự gia tăng trong Khu vực đồng ơ-rô có được nhờ nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức đạt mức tăng trưởng 2,2% trong quý II, do khu vực xuất khẩu Đức đã gặt hái được nhiều lợi nhuận từ sự phục hồi về nhu cầu trên toàn thế giới. Ngoài ra, hai nền kinh tế vùng Ban-tích chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu là E-xtô-ni-a và Lít-va cũng đã thoát khỏi thời kỳ suy thoái. Eurostat cũng công bố các số liệu cho thấy cán cân thương mại toàn cầu của Khu vực đồng ơ-rô đã thặng dư 2,4 tỉ ơ-rô trong tháng 6 vừa qua, sau khi thâm hụt nặng tháng trước đó, một lần nữa lại nhờ phần thặng dư tới 60 tỉ ơ-rô ở Đức trong 5 tháng liên tiếp. Ngoài Khu vực đồng ơ-rô, kinh tế Anh cũng tăng trưởng mạnh với tốc độ 1,1%, trong khi kinh tế Thụy Điển đã phục hồi dù với tốc độ chậm chạp.
15. Nhật Bản xin lỗi các nước châu Á về hành động xâm lược trong Chiến tranh thế giới thứ II
Ngày 15-8-2010, phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 65 năm ngày Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh, Thủ tướng Nhật Bản Na-ô-tô Can (Naoto Kan) đã lên tiếng xin lỗi các nước châu Á về hành động xâm lược mà Nhật Bản đã thực hiện trong Chiến tranh thế giới thứ II. Thủ tướng Can cũng cam kết ông và các thành viên trong chính phủ sẽ không đến viếng ngôi đền gây tranh cãi Y-a-xư-cu-ni (Yasukuni), nơi thờ một số tội phạm chiến tranh của Nhật Bản. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Can nhấn mạnh: "Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản đã gây ra nỗi đau và sự thiệt hại to lớn cho người dân nhiều nước, đặc biệt ở châu Á. Tôi rất lấy làm tiếc về điều đó và xin gửi lời chia buồn tới những gia đình có người thiệt mạng trong chiến tranh và cam kết Nhật Bản sẽ nỗ lực hết sức để củng cố nền hòa bình trên toàn thế giới". Tại buổi lễ được tổ chức ở thủ đô Tô-ky-ô còn có sự tham dự của Nhật hoàng A-ki-hi-tô (Akihito), Hoàng hậu Mi-chi-cô (Michiko), 1.800 quan chức chính phủ và khoảng 5.400 người là thân nhân những người bị thiệt mạng trong chiến tranh. Phát biểu tại buổi lễ, Nhật hoàng A-ki-hi-tô bày tỏ hy vọng "nỗi kinh hoàng của chiến tranh" sẽ không bao giờ lặp lại và tỏ lòng tôn kính đối với những người đã ngã xuống nơi chiến trường, cũng như những người dân vô tội đã bị chiến tranh cướp đi mạng sống. Cách đây 65 năm, vào ngày 15-8-1945, Nhật hoàng Hi-rô-hi-tô (Hirohito) đã có bài phát biểu trên Đài tiếng nói quốc gia Nhật Bản, thừa nhận nước này không còn khả năng tiếp tục cuộc chiến và buộc phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh. Từ đó, Nhật Bản lấy ngày 15-8 hàng năm là ngày kỷ niệm Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc.
*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 2-8 đến ngày 8-8-2010)
Thông qua dự thảo về nhân lực và phụ nữ, trẻ em  (16/08/2010)
Ngoại giao Việt Nam trong 25 năm đổi mới (1986 - 2010)  (16/08/2010)
Kim ngạch xuất khẩu bảy tháng đầu năm tăng 17,5%  (16/08/2010)
Ðại hội Thi đua yêu nước Bộ Thông tin và Truyền thông  (16/08/2010)
Khai mạc Hội nghị Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lần thứ 4  (16/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay