Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Lễ khai mạc Hội nghị Cộng đồng Văn hoá- Xã hội ASEAN lần thứ 4
Thưa các vị Bộ trưởng,
Thưa các vị đại biểu,
Thưa các Quý Bà, Quý Ông,
Thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Quí vị đã đến dự Hội nghị Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN lần thứ 4, được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng tươi đẹp, mến khách của Việt Nam hôm nay.
Thưa Quí vị,
Hôị nghị của chúng ta diễn ra trong bối cảnh các nước ASEAN vừa long trọng kỷ niệm lần thứ 43 ngày thành lập ASEAN. Điều này càng có ý nghĩa hơn đối với Việt Nam đúng vào dịp chúng tôi kỷ niệm kỷ niệm 15 năm gia nhập cộng đồng ASEAN và đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2010.
Trải qua 43 năm hình thành và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết, một tổ chức khu vực thành công, phát triển năng động, có vai trò quan trọng ở khu vực và là đối tác không thể thiếu của các nước và các tổ chức quốc tế lớn trên thế giới. Để hiện thực hoá mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, một Cộng đồng hài hoà về chính trị, liên kết về kinh tế và có trách nhiệm về xã hội, trong nhiều năm qua, cùng với việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, các quốc gia ASEAN còn đẩy mạnh hợp tác về văn hoá, xã hội nhằm xây dựng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN. Một Cộng đồng đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia, các dân tộc ASEAN; chia sẻ, đùm bọc và rộng mở, không ngừng thu hẹp khoảng cách và xây dựng bản sắc chung ASEAN. Một cộng đồng trong đó lấy con người làm trung tâm, luôn hướng tới phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển của con người; tăng cường phúc lợi và bảo trợ xã hội; bảo đảm công bằng xã hội và các quyền cơ bản của con người; bảo đảm tính bền vững và thân thiện với môi trường.
Mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động trong thời gian gần đây nhưng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội đã có rất nhiều hoạt động tích cực, đóng góp cho tiến trình hình thành cộng đồng ASEAN. Đã xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Cộng đồng; xây dựng lộ trình và xác định các giai đoạn ưu tiên để thực hiện các kế hoạch; xây dựng các chương trình và đề ra các giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề trọng yếu thuộc phạm vi của Cộng đồng, nhất là về y tế, giáo dục, môi trường và đối phó với thách thức toàn cầu như khủng hoảng tài chính-kinh tế, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, thúc đẩy quyền con người, phát triển nguồn nhân lực…Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi đánh giá cao các hoạt động cũng như những thành tựu mà Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đã đạt được trong thời gian qua.
Thưa các Quí vị,
Năm 2010 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN, năm bản lề hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào 2015 và hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN với những thời cơ và thách thức đan xen. Chúng ta vui mừng với những thành tựu quan trọng mà ASEAN đã đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hoá- Xã hội. Tuy nhiên, những khó khăn hiện nay cùng với những thách thức toàn cầu khác, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… tiếp tục tác động tiêu cực và gây thiệt hại ngày càng lớn, đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực mạnh mẽ và xử lý có hiệu quả ở phạm vi từng quốc gia, trong khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Hội nghị lần này các vị Bộ trưởng sẽ tập trung thảo luận nhiều nội dung và giải pháp thiết thực nhằm góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN theo lộ trình như: tăng cường công tác giám sát việc thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hoá-Xã hội ASEAN; các ưu tiên hành động trong năm 2010, trong đó có việc đối phó với các thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là việc khắc phục khó khăn thời kỳ hậu khủng hoảng; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; phát triển nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế; thúc đẩy phúc lợi xã hội và phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN; thúc đẩy hợp tác nâng cao bản sắc văn hoá ASEAN; điều này cũng thể hiện quyết tâm và sự đồng thuận của chúng ta trong việc thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN và không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự “thống nhất trong đa dạng” của ASEAN.
Thưa Quý vị,
Các vị Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN đang có mặt tại đây có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến xây dựng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN. Nhân Hội nghị này, tôi xin trao đổi một số vấn đề trong thời gian tới cần quan tâm thúc đẩy như sau:
Một là, đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực và tiến hành các biện pháp phù hợp để thực hiện các cam kết và các ưu tiên đã được xác định trong Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN, trong đó tập trung nguồn lực thích đáng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính thực thi hiệu quả các thoả thuận.
Hai là, coi trọng việc tăng cường điều phối và phối hợp hành động giữa các cơ quan thuộc Trụ cột Văn hoá –Xã hội, đặc biệt là vai trò điều phối của Hội đồng Cộng đồng Văn hoá-Xã hội. Đây là nhân tố rất quan trọng trong việc bảo đảm việc thực thi có hiệu quả và đồng bộ các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá-Xã hội, nhất là đối với những mục tiêu liên quan đến nhiều lĩnh vực, vì trụ cột này liên quan đến nhiều cơ quan và lĩnh vực hợp tác khác nhau. Đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò điều phối của các cơ quan chuyên môn của ASEAN trong tổ chức thực hiện nhằm hướng tới chương trình nghị sự chung của ASEAN;
Ba là, có giải pháp bảo đảm nguồn lực để thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN theo đúng lộ trình. Trước hết phải xây dựng một cơ chế thích hợp nhằm huy động và quản lý hiệu quả các nguồn lực, từ cả các nước thành viên cũng như các đối tác của ASEAN, trong đó quan tâm hơn sự tham gia của khu vực tư nhân;
Bốn là, các nước thành viên cần tích cực và chủ động lồng ghép các mục tiêu và biện pháp của Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN với các mục tiêu và kế hoạch phát triển quốc gia, đảm bảo các mục tiêu và hoạt động của ASEAN trong lĩnh vực văn hoá xã hội được nội hoá ở cấp quốc gia, qua đó hỗ trợ thúc đẩy và bổ sung cho những nhu cầu phát triển của quốc gia cũng như việc thực hiện tốt hơn kế hoạch chung của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN.
Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị lần này các vị Bộ trưởng, các vị Trưởng đoàn, các chuyên gia sẽ tập trung thảo luận thống nhất được nhiều nội dung và biện pháp cụ thể nhằm triển khai các mục tiêu trong năm 2010 và những năm tiếp theo về xây dựng Cộng đồng Văn hoá -Xã hội ASEAN; cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện 2 văn kiện quan trọng để trình thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN 17 vào tháng 10/2010 sắp tới. Đó là Tuyên bố về phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế và Tuyên bố về thúc đẩy phúc lợi và phát triển cho phụ nữ và trẻ em.
Thưa Quý vị,
Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2010 với chủ đề “Từ tầm nhìn đến hành động”, với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, góp phần xây dựng một ASEAN liên kết chặt chẽ và ngày càng vững mạnh hơn, Việt Nam đã và sẽ nỗ lực hết sức mình để phối hợp cùng các nước thành viên đạt được những kết quả cụ thể thiết thực trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hoá-Xã hội nói riêng.
Với tầm nhìn xa và quyết tâm chính trị cao của tất cả chúng ta, Hội nghị này chắc chắn sẽ thành công tốt đẹp. Tôi hy vọng rằng Quý vị cũng sẽ có dịp cùng thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên và sự đón tiếp nồng hậu, mến khách của người dân Đà Nẵng trong những ngày lưu lại nơi đây.
Tôi trân trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN lần thứ 4.
Chúc Quí vị sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt,
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp,
Xin cám ơn./.
Công bố Quyết định bổ nhiệm 3 Thứ trưởng Bộ Công an  (16/08/2010)
Dấu ấn quan trọng trong hợp tác quốc phòng ASEAN  (16/08/2010)
Kết thúc Hội nghị cấp cao của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN  (16/08/2010)
Dấu ấn quan trọng trong hợp tác quốc phòng ASEAN  (16/08/2010)
Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ 8  (16/08/2010)
Tuyên Quang kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9  (16/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay