TCCS - Một trong những quyết định khó khăn đầu tiên về chính sách đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma là nước Mỹ phải làm những gì đối với Áp-ga-ni-xtan. Leo thang chiến tranh, như cố vấn an ninh quốc gia Giêm Giôn (James Jones) chủ trương, hay tăng quân có giới hạn kết hợp với các biện pháp chính trị, ngoại giao và kinh tế để bình ổn Áp-ga-ni-xtan?

Từ thắng nhanh đến sa lầy

Dưới chiêu bài đánh trả lại vụ khủng bố nhằm vào Mỹ ngày 11-9-2001, Mỹ và Anh đã mở cuộc tiến công ồ ạt xâm lược Áp-ga-ni-xtan. Cuộc xâm lược này mang tên chiến dịch “Tự do bền vững”. Tổng thống G. Bu-sơ tuyên bố mục tiêu của cuộc tiến công “nhằm loại bỏ việc sử dụng Áp-ga-ni-xtan như một căn cứ hoạt động của chủ nghĩa khủng bố và đánh bại khả năng quân sự của chế độ Ta-li-ban - bắt sống hoặc giết chết Ô-xa-ma Bin La-đen”. Quân Mỹ và Anh dựa vào liên minh miền Bắc gồm các đội quân thuộc các bộ tộc miền Bắc Áp-ga-ni-xtan chống đối Ta-li-ban, mau lẹ đánh bật được quân Ta-li-ban và tiến hành truy quét các đồn lũy của lực lượng khủng bố Bin La-đen. Năm 2003, chính quyền Bu-sơ tuyên bố “chiến thắng” ở Áp-ga-ni-xtan, điều động phần lớn lực lượng, kể cả lực lượng đặc biệt sang tiến công và bình định I-rắc, tình hình ở nước này trở nên ngày càng tồi tệ. Tướng Mắc Ki-ơ-nan (Mc Kiernan), Tư lệnh lực lượng Mỹ và NATO ở Áp-ga-ni-xtan đánh giá, năm 2008 là năm cực kỳ tồi tệ và mức độ bạo lực, hỗn loạn ngày càng gia tăng.

Kể từ sau khi quân Mỹ, Anh mở tiến công đánh đổ chính quyền Ta-li-ban, Mô-ha-mét Ô-ma đã thiết lập được mạng lưới “thánh chiến Hồi giáo” rộng lớn. Với những cuộc tuyển quân bắt đầu từ mùa hè năm 2002, lực lượng Ta-li-ban đã từ 4.000 quân cuối năm 2001 tăng lên 20.000 quân vào năm 2008. Ngoài ra, còn có trên 2.000 chiến binh Hồi giáo cực đoan nước ngoài tham chiến trong hàng ngũ Ta-li-ban.

Theo các nguồn tin quốc tế gần đây nhất, từ năm 2007 đến nay, Ta-li-ban đã hồi sinh nhanh chóng, thường xuyên mở các cuộc tiến công kể cả đánh bom liều chết và sử dụng nhiều vũ khí tự tạo mới nhằm vào liên quân Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF).

Theo hãng tin AFP (ngày 21-8-2008), giới quan chức và các nhà phân tích cho biết, các cuộc tiến công của Ta-li-ban đã gia tăng với tính chất tàn bạo, mang dấu ấn của mạng lưới An Kê-đa cùng những chiến thuật tinh vi hơn.

Những cuộc tiến công tàn bạo gây nhiều thương vong thời gian qua chứng tỏ Ta-li-ban đã học hỏi kinh nghiệm của các lực lượng nổi dậy như ở I-rắc. Chỉ lấy những cuộc tiến công của Ta-li-ban trong năm 2008 so với năm 2004, số vụ đánh mìn đường giao thông do Ta-li-ban thực hiện đã tăng 5 lần và tổng số vụ tiến công tăng 10 lần. Cho tới nay, quân Ta-li-ban có mặt gần như thường xuyên tại 72% lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, so với 54% năm 2007 và đe doạ sự lưu thông trên 3 trong 4 tuyến đường chính dẫn đến thủ đô Ca-bun. Bằng cách ngăn chặn các con đường dẫn tới Ca-bun, quân Ta-li-ban tìm cách “bóp nghẹt” thủ đô, thâm nhập, mở nhiều cuộc đột kích phá hoại và lập các căn cứ ở sát thủ đô Ca-bun. Thực tế trên diễn ra khi ISAF với lực lượng của 26 nước NATO làm chủ lực liên tục được bổ sung cả về quân số và vũ khí trang bị hiện đại nhất. Tính đến nay, có tới hơn 70.000 binh sĩ của 37 nước, trong đó có 37.000 lĩnh Mỹ, 7.800 lĩnh Anh, 3.200 lính Đức, 2.700 lính Pháp, 2.500 lính Ca-na-đa... và cựu Tổng thống G. Bu-sơ cuối năm 2008 cũng dự định gửi thêm 8.000 quân tới làm nhiệm vụ ở chiến trường Áp-ga-ni-xtan.

Theo thống kê chính thức, đã có 1.147 binh sĩ liên quân thiệt mạng, riêng năm 2008, tính đến trung tuần tháng 9, hơn 120 lính Mỹ và 104 binh sĩ thuộc NATO tham chiến đã thiệt mạng, hơn 2.000 thường dân đã bị bom đạn quân NATO giết chết trong năm 2008 (tăng 40% so với năm 2007).

Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng bố và bạo loạn gia tăng mạnh mẽ chỉ là một phần của những gì đang diễn ra ở Áp-ga-ni-xtan. Một loạt vấn đề hết sức nan giải nữa mà NATO, Mỹ phải đối mặt là tình trạng bất lực, tham nhũng của chính phủ Áp-ga-ni-xtan, hoạt động trồng và buôn bán thuốc phiện - nguồn tài trợ cho lực lượng nổi dậy, đại bộ phận dân chúng nghèo đói cùng cực, lực lượng Ta-li-ban tràn qua các vùng bộ tộc miền đồi núi hiểm trở tây bắc của Pa-ki-xtan lập căn cứ hậu phương chiến lược và bàn đạp tiến công lực lượng liên quân, đường tiếp tế cho lực lượng Mỹ, NATO đi qua Pa-ki-xtan (chiếm 75%) bị quân Ta-li-ban và các lực lượng Hồi giáo cực đoan tiến công ngăn chặn, các căn cứ của Mỹ, NATO ở Trung Á cũng bị nhiều nước sở tại trong khu vực đe dọa chấm dứt hoạt động v.v..

Như vậy, 7 năm sau cuộc chiến chống khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan, chiến dịch “Tự do bền vững” lâm vào ngõ cụt, Mỹ và NATO đang phải đối mặt với một chính phủ trung ương Áp-ga-ni-xtan yếu kém, tham nhũng, các lãnh chúa tồn tại trông chờ vào cây thuốc phiện cùng với lực lượng Ta-li-ban, An Kê-đa kiểm soát miền thôn quê, Ta-li-ban hồi sinh, một nước Pa-ki-xtan mất ổn định, chia rẽ, đầy bạo lực với 3 triệu người tị nạn do hậu quả của cuộc tiến công truy quét Ta-li-ban.

“Mồ chôn các đế chế”

Về địa - chính trị, Áp-ga-ni-xtan nằm ở trung tâm của lục địa Trung - Nam Á, án ngữ các tuyến đường thông thương “tơ lụa” cổ xưa từ Đông sang Tây và từ Bắc xuống Nam thông với Ấn Độ Dương. Địa hình hết sức phức tạp, sa mạc xen kẽ với đồi núi hiểm trở. Về chính trị và nhân chủng học, đạo Hồi dòng Sunny chiếm đa số, phạm vi kiểm soát của chính phủ của Tổng thống Ha-mít Ka-dai không vượt xa thủ đô và vài thành phố lớn, dân tộc đa số Pát-tun cư trú ở miền Nam không có đảng riêng và bị thống trị bởi các lãnh chúa, trưởng các bộ tộc và Ta-li-ban. Trong khi các dân tộc thiểu số Ta-díc, U-dơ-bếch và Ha-da-rát có tổ chức đảng phái chính trị riêng sống chủ yếu ở miền Bắc và Trung.

Năm 1992, lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Mu-da-hi-đin được Mỹ, Pa-ki-xtan tích cực hậu thuẫn chiếm được Thủ đô Ca-bun. Năm 1994 vào thời kỳ xung đột phe phái tràn lan tàn phá Ca-bun, M. Ô-ma, một sinh viên Áp-ga-ni-xtan tị nạn được đào luyện trong các trường tôn giáo cực đoan ở Pa-ki-xtan do Mỹ và A-rập Xê-út tài trợ, đã tập hợp các “sinh viên thần học” được gọi là Ta-li-ban, thành lập Phong trào sinh viên Hồi giáo Ta-li-ban ở dọc hai bên biên giới Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan, từng bước xâm nhập trở về đánh bại các phe phái khác. Được Mỹ và Pa-ki-xtan cung cấp tài chính, trang bị vũ khí, Ta-li-ban nhanh chóng đánh chiếm Ca-bun vào năm 1996 và tuyên bố ý định thành lập một quốc gia Hồi giáo, cai trị theo luật Hồi giáo Sa-ri-a, theo đó âm nhạc, phim ảnh bị cấm đoán, tượng Phật bị triệt phá, đàn ông buộc phải để râu dài và phụ nữ phải mặc áo choàng dài và khăn trùm kín mặt, khi ra đường phải được một người họ hàng đi theo. Kể từ đây, Áp-ga-ni-xtan và cả Pa-ki-xtan trở thành trung tâm huấn luyện và địa bàn xuất phát của mạng lưới hoạt động khủng bố trên khắp thế giới, chủ yếu là Mỹ và các nước phương Tây, Ấn Độ, Trung Đông, kể cả I-ran.

Trong tài liệu “Hướng dẫn cho năm 2008 - 2009”, Đô đốc M. Mun-len (Mike Mullen), Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ khẳng định, Pa-ki-xtan chứ không phải Áp-ga-ni-xtan hay I-rắc, mới chính là trọng tâm của cuộc chiến tranh Hồi giáo cực đoan của Mỹ.

Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông B.Ô-ba-ma hứa nhanh chóng rút hết quân Mỹ khỏi I-rắc và tăng thêm quân Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan nhằm đánh bại Ta-li-ban và An Kê-đa. Ông nói: “Đây là thời gian Mỹ trở lại chú tâm vào cuộc chiến mà chúng ta phải thắng ở Áp-ga-ni-xtan”. Tuy nhiên, sau khi đắc cử tổng thống, trả lời tờ Thời báo Niu Oóc (ngày 7-3-2009), Tổng thống B.Ô-ba-ma thừa nhận quân đội Mỹ khó có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống Ta-li-ban ở Áp-ga-ni-xtan, song có thể hòa giải thông qua đàm phán với những nhân vật ôn hòa của lực lượng này. Ngày 27-3-2009 Tổng thống B.Ô-ba-ma công bố chiến lược mới toàn diện đối với Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan với mục tiêu rõ ràng là “phá vỡ, đập nát và đánh bại Ta-li-ban và An Kê-đa ở 2 nước này và ngăn chặn không cho chúng quay trở về 2 nước này”. Ông B.Ô-ba-ma cho biết, khác với trước kia phải tập trung nguồn lực cho I-rắc nay Mỹ sẽ cung ứng đủ nguồn lực cần thiết cả quân sự và dân sự để thực hiện mục tiêu đề ra. Mỹ sẽ thiết lập cơ chế thường trực họp và phối hợp chính sách ba bên Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Mỹ, trước mắt điều động ngay 17.000 quân và sau đó vài tháng sẽ điều 4.000 sĩ quan huấn luyện đến Áp-ga-ni-xtan. Sau khi đi thị sát tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan trở về, ngày 11-5-2009 tại cuộc họp báo ở Lầu Năm góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết (Robert Gates) nói: “Như tôi đã tuyên bố nhiều lần trước đây, rất ít vấn đề có thể được giải quyết chỉ bằng các phương tiện quân sự... Tôi tin rằng nhiệm vụ mới của chúng tôi đòi hỏi tư duy mới và những cách tiếp cận mới. Hiện chúng tôi đã có chính sách mới. Chúng tôi có chiến lược mới, phái đoàn đại diện mới và một đại sứ mới. Do đó quân đội cũng cần có một tư lệnh mới”. Ngoài những thay đổi trên, Mỹ cùng với NATO sẽ tăng quân lên 100.000 quân, tăng quân đội Áp-ga-ni-xtan từ 50.000 hiện nay lên đến 134.000 quân và 80.000 cảnh sát vào năm 2012, làm cho quân đội nước này dần dần thay thế liên quân quốc tế, tăng thêm nhiều viện trợ dân sự cùng với các lực lượng dân sự Mỹ đến tranh thủ “trái tim” người dân Áp-ga-ni-xtan và triệt tiêu cơ sở chính trị của Ta-li-ban chủ yếu trong bộ tộc đa số Pát-tun sống ở phía Nam và cả bên kia biên giới Áp-ga-ni-xtan - Pa-ki-xtan, thúc ép chính phủ Pa-ki-xtan mở chiến dịch tổng tiến công quân Ta-li-ban tại thung lũng Xoát (Swat) ở tây bắc Pa-ki-xtan.

Mặc dù chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã đưa ra một chiến lược toàn diện, tổng hợp, sử dụng kết hợp nhiều biện pháp quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế... nhằm tìm một lối thoát trong danh dự mà vẫn giữ được lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ trong khu vực, dư luận quốc tế và trong nước Mỹ vẫn lên tiếng công kích và tỏ ý hoài nghi về hiệu quả của chiến lược mới.

Mạng tin IPS ngày 19-2 viết, Mỹ đang điều động thêm 17.000 quân đến Áp-ga-ni-xtan - nơi từ lâu được mô tả là “mồ chôn các đế chế” và đặt câu hỏi phải chăng Mỹ sẽ bị sa lầy sâu hơn ở đất nước này?

Giáo sư lịch sử B. Y-ăng (B.Young) của Đại học Niu Oóc đặt câu hỏi, nếu không thể giải quyết vấn đề Áp-ga-ni-xtan bằng “phương tiện quân sự”, vì lẽ gì mà quyết định đầu tiên của chính quyền Ô-ba-ma là tăng quân và phái máy bay không người lái có vũ trang bắn phá các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Pa-ki-xtan. B. Y-ăng nói, xem ra chính quyền này đang “lặp lại sự leo thang của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam”.

Tiến sĩ U. Lê-ôn, giảng viên Đại học Hác-va nói: “Phải chăng cách tiếp cận của chính quyền Ô-ba-ma đối với vấn đề Áp-ga-ni-xtan/Pa-ki-xtan đang trở thành Việt Nam của chính họ? Tổng thống B.Ô-ba-ma và các cố vấn của ông cần tiếp thu bài học lịch sử, một số cổ xưa, một số hiện đại. Đấy là vùng đất của thế giới chưa bao giờ bị đánh bại bằng quân sự. Đây là nơi mồ chôn các đế chế...”.

Tóm lại, Tổng thống B. Ô-ba-ma cho cuộc chiến tranh ở I-rắc là “sai lầm”, không cần thiết và do đó cần rút nhanh quân khỏi I-rắc để dồn sức cho mặt trận chống khủng bố cần thiết hơn ở Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, thực tế chiến trường chứng tỏ Mỹ càng tăng cường chiến tranh càng bị sa lầy và càng có nhiều thường dân vô tội trở thành nạn nhân của họ. Cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan đã bước sang năm thứ 8, ngốn một khoản tiền lớn của dân chúng Mỹ, còn lớn hơn cả chiến tranh I-rắc, trong khi nước Mỹ đang bị khủng hoảng tài chính - kinh tế trầm trọng, nhưng vẫn không đi đến bất cứ một chiến thắng lớn nào khả dĩ để giải quyết tận gốc vấn đề Áp-ga-ni-xtan. Hầu hết giới phân tích chính trị ở trong và ngoài nước Mỹ chỉ ra rằng Áp-ga-ni-xtan có thể là “vũng lầy mới” của nước Mỹ và còn sâu rộng hơn cả “vũng lầy I-rắc”.