Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954: một thắng lợi trên con đường cứu nước của nhân dân ta
TCCSĐT - Cách đây tròn 60 năm, ngày 21-7-1954, tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược. Kết quả của Hiệp định Giơ-ne-vơ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chỉ đạo sâu sát, kịp thời quá trình đàm phán và ký kết.
Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...
Ngay từ khi thực dân Pháp có ý đồ quay lại xâm lược Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình để tránh đổ máu. Vì vậy, Việt Nam đã ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ (ngày 06-3-1946) và Tạm ước Việt Nam - Pháp (ngày 14-9-1946). Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã cố tình tiến hành xâm lược, buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên cầm vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Cuộc kháng chiến cứu quốc của nhân dân Việt Nam không những không bị đè bẹp mà ngày càng lớn mạnh. Đến năm 1950, quân ta chuyển sang phản công địch trên khắp các chiến trường. Ngược lại, thực dân Pháp ngày càng thất bại, sa lầy và rơi vào thế lúng túng, bị động đối phó. Thấy rõ nguy cơ thất bại ở Đông Dương, thực dân Pháp muốn tìm cách thoát khỏi chiến tranh trong danh dự. Tuy nhiên, trước khi chịu ngồi vào bàn đàm phán, mùa hè năm 1953, thực dân Pháp được Mỹ tiếp sức đã đẩy mạnh quy mô và cường độ cuộc chiến tranh xâm lược bằng kế hoạch quân sự Na-va (Navarre), nhằm giành lại quyền chủ động trên chiến trường.
Trước tình hình đó, tháng 9-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ở Định Hóa (Thái Nguyên) thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 - 1954, nhằm làm thất bại kế hoạch Na-va của địch. Trong khi thể hiện quyết tâm tiến công địch, làm thất bại kế hoạch Na-va của thực dân Pháp và kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng tán thành thương lượng nhằm mục đích giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Ngày 26-11-1953, trả lời báo Expressen (Thụy Điển), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu bảy, tám năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống trong hòa bình. Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó”(1). Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của nước Việt Nam”(2).
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu họp về vấn đề Triều Tiên. Thời gian diễn ra Hội nghị bàn về vấn đề Triều Tiên cũng là lúc quân đội viễn chinh Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ đang nguy kịch trước sự tấn công mãnh liệt của các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt, quân Pháp ở Bản Kéo buộc phải đầu hàng. Tại chiến trường, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4-1954, hàng loạt cứ điểm ở khu phía Đông Mường Thanh bị tiêu diệt, quân Pháp lâm vào thế bị động, lúng túng. Từ ngày 01-5-1954, khu trung tâm của địch bắt đầu bị tiến công dồn dập. Chiều ngày 07-5-1954, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam toàn thắng. Cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ kéo dài 9 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi.
Ngay sau ngày chiến thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi quân và dân ta, đồng thời nhắc nhở: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới chỉ là bước đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”(3).
… đến Hiệp định Giơ-ne-vơ
Ngày 08-5-1954, một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc. Với vị thế của một dân tộc chiến thắng, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn đã đến tham dự Hội nghị. Đây là lần đầu tiên nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tham gia một hội nghị quốc tế lớn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Lúc này về phía Mỹ, dù là thành viên tham gia Hội nghị, nhưng Mỹ luôn vận động lập liên minh và dọa can thiệp quân sự trực tiếp nhằm phá Hội nghị, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để nhảy vào Đông Dương, thế chân Pháp. Thấy rõ âm mưu phá hoại tiến trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm khẳng định: “Chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương và Đông Nam Á”(4).
Cuộc đấu tranh tại Hội nghị Giơ-ne-vơ kéo dài hai tháng rưỡi mới đi đến kết quả cuối cùng. Trong quá trình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo sát sao quá trình đàm phán của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị.
Hội nghị Giơ-ne-vơ diễn ra hết sức phức tạp với sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự dàn xếp của các nước lớn, nhất là xung quanh vấn đề phân vùng đóng quân, vấn đề tổng tuyển cử và thống nhất nước Việt Nam, vấn đề các lực lượng kháng chiến ở Lào và Cam-pu-chia... Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó, theo xu thế chung giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định Giơ-ne-vơ. Ngày 21-7-1954, các nước tham dự Hội nghị đã ra một bản Tuyên bố cuối cùng và ký các văn bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia(5), tạo nên khung pháp lý của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương.
Tại phiên họp cuối cùng của Hội nghị, trong một tuyên bố riêng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kêu gọi đồng bào: “Nhân dân Việt Nam! Đồng bào miền Nam! Thắng lợi thuộc về chúng ta! Độc lập và thống nhất Tổ quốc chúng ta là ở trong tay chúng ta. Những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới đều đồng tình với chúng ta. Đồng bào hãy nhớ lấy lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc đấu tranh phải gian khổ, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng”(6).
Một thắng lợi trên con đường cứu nước
Hiệp định Giơ-ne-vơ đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được các nước, kể cả Pháp phải cam kết tôn trọng. Tháng 7-1965, khi trả lời phỏng vấn Nhật báo công nhân (Anh) về ý nghĩa và nội dung quan trọng nhất của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Tôi cho rằng, những điều khoản quan trọng nhất là: Phải tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; không nước nào được lập căn cứ quân sự ở nước Việt Nam; Việt Nam không liên minh quân sự với bất cứ nước nào; thi hành các quyền tự do dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi…, đi tới thực hiện thống nhất nước nhà…”(7).
Những điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định Giơ-ne-vơ chính là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh tiếp theo chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đó cũng là kết quả của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, đó còn là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao trong cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược, là minh chứng hùng hồn của chính sách đoàn kết: đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế.
Điều đặc biệt là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam đã giành được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo nhân dân Pháp, các nhân sĩ và những người yêu chuộng hòa bình thế giới. Với những quyết định của Hội nghị Giơ-ne-vơ, miền Bắc nước ta được giải phóng và trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Thắng lợi của Việt Nam là một đóng góp tích cực vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Với ý nghĩa đó, trong Lời kêu gọi Hội nghị Giơ-ne-vơ thành công, ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Hội nghị Giơ-ne-vơ đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng to”(8). “Thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Đông Dương, nhân dân Pháp và nhân dân thế giới”(9).
Sáu mươi năm trôi qua, quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn là dấu ấn đặc biệt trong thế kỷ XX của nền ngoại giao Việt Nam. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và hội nhập quốc tế, cùng với việc phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, việc vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao trong lịch sử nói chung và kinh nghiệm chỉ đạo đấu tranh đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng vẫn mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc./.
So với Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã có bước tiến rất xa, trở thành một văn bản mang tính quốc tế cho một giải pháp kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đồng bộ trên các mặt quân sự, chính trị, xã hội và pháp lý. Việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ chính là sự thông báo chính thức và chính xác nhất cho nhân dân thế giới biết rằng, chủ nghĩa đế quốc Pháp đã hoàn toàn thất bại ở Đông Dương. Thắng lợi của Việt Nam cả trên chiến trường lẫn trên bàn thương lượng tại Giơ-ne-vơ không chỉ tác động mạnh tới tiến trình cách mạng ở các nước Đông Dương mà còn ảnh hưởng tích cực đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, nhất là đối với các nước châu Á và châu Phi. |
--------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 168
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 168 - 169
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 272
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 305
(5) Các Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Lào được ký kết vào lúc 2 giờ 45 phút sáng ngày 21-7-1954. Riêng Hiệp định đình chiến tại Cam-pu-chia được ký kết vào lúc 11 giờ ngày 21-7-1954. Nhưng vì để giúp cho Chính phủ Mendes France giữ được lời hứa với Quốc hội và nhân dân Pháp là hòa bình nhất định sẽ lập lại trong một tháng, không sẽ từ chức, nên các bên tham gia Hội nghị thống nhất ghi thời gian ở Hiệp định là ngày 20-7-1954 (Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết gồm có 6 chương, 47 điều. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào gồm 6 chương, 40 điều. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Cam-pu-chia gồm 5 chương, 33 điều)
(6) Bộ Ngoại giao: Những văn bản chính của Hội nghị Giơ-ne-vơ, Hà Nội, 1955, tr. 239
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 11, tr. 458
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 321
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr. 409
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không đưa giàn khoan trở lại  (17/07/2014)
Mãi mãi học tập và làm theo tấm gương ngời sáng của Người  (17/07/2014)
Chủ tịch nước trao quyết định bổ nhiệm Đại sứ, Tổng Lãnh sự  (17/07/2014)
Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp  (16/07/2014)
Việt Nam là đối tác quan trọng của Anh tại khu vực Đông Nam Á  (16/07/2014)
Nhiều doanh nghiệp hỗ trợ đường bay Cần Thơ - Đà Nẵng và ngược lại  (16/07/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển