Tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng văn hóa nông thôn hiện nay

Đỗ Thanh Hải Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)
23:17, ngày 06-06-2014

TCCSĐT - Vấn đề văn hóa trong xây dựng nông thôn mới còn tồn tại nhiều bất cập, đòi hỏi cần nhận thức và điều chỉnh. Vấn đề nổi cộm hiện nay là nhận thức của các chủ thể tham gia xây dựng nông thôn mới về tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng văn hóa nông thôn còn hạn chế, do đó, trong thực hiện đã xuất hiện nhiều vấn đề.

Bản thân văn hóa luôn mang tính dân tộc và phản ánh những giá trị chung của cộng đồng dân tộc, do đó, có những giá trị văn hóa mang tính chung, tính phổ biến cho cả dân tộc. Bên cạnh đó, có sự tồn tại của những giá trị văn hóa khác biệt của mỗi vùng, miền, mỗi không gian văn hóa, mỗi cộng đồng văn hóa.

Thực tiễn nước ta trải mấy ngàn năm lịch sử, các giá trị văn hóa làng xã thời nào cũng vậy là sự đan xen biện chứng giữa những giá trị chung, tức những gì mang tính phổ biến của cả cộng đồng dân tộc, và những giá trị riêng rất đặc sắc giữa các không gian văn hóa khác nhau, nhưng nó không đối lập với những giá trị chung mà nó phản ánh sâu sắc theo những cách thức và biểu hiện khác nhau những giá trị chung, thông qua cái riêng biệt, độc đáo, muôn vẻ. Như vậy, tính phổ biến và tính đặc thù được xem như một quy luật, một nguyên tắc phương pháp luận trong xây dựng văn hóa nói chung, văn hóa nông thôn nói riêng. Giải quyết tốt giữa cái chung với cái đặc thù trong xây dựng văn hóa sẽ quyết định đến tính chất và xu hướng phát triển nền văn hóa.

Thực tiễn thời gian qua, bên cạnh những thành tựu to lớn, trong xây dựng văn hóa nông thôn cũng đã xuất hiện những biểu hiện lệch chuẩn. Tác động của kinh tế thị trường, hội nhập văn hóa kéo theo những xu thế làm tổn hại đến việc xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa nông thôn. Đã xuất hiện tình trạng làm nghèo nàn tính đặc thù của văn hóa. Trong khi đó, những giá trị văn hóa dân tộc ở đâu đó đang bị bào mòn, mai một. Trong khi “những định hướng xã hội chủ nghĩa của văn hóa đã bị giằng rút ra khỏi cơ thể của nó và bị thị trường tự do xô đẩy nghiêng ngả”(1) nhưng lại tiếp nhận những thị hiếu, lối sống rất xa lạ với bản sắc văn hóa dân tộc làm cho xây dựng văn hóa nông thôn có những xu hướng lệch khỏi chuẩn giá trị cũng như chủ trương của Đảng về văn hóa. Cho nên, nhận thức rõ tính phổ biến và tính đặc thù trong xây dựng văn hóa nông thôn là yêu cầu cấp thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam “thống nhất trong đa dạng”.

Tính phổ biến trong xây dựng văn hóa nông thôn

Là một bộ phận của văn hóa dân tộc, văn hóa nông thôn mang những giá trị phổ biến chung.

Những giá trị tinh thần truyền thống. “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”(2). Những giá trị ấy thấm nhuần trong lối sống, lối ứng xử, trong các sinh hoạt văn hóa tinh thần, trong tình cảm của mỗi con người, trở thành mạch nguồn tinh thần cho mọi sáng tạo văn hóa ở nông thôn. Ở những vùng nông thôn khác nhau, nhưng xuyên suốt lịch sử dựng nước và giữ nước, nông thôn Việt Nam cùng chung cảnh “sớm chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Người dân nông thôn phải chịu khó một nắng, hai sương, sớm tối cần cù lao động mới mong có cuộc sống no đủ. Không những thế, nông thôn nước ta cùng trải qua những cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Cái bối cảnh chung ấy đã hun đúc nên con người Việt Nam nói chung, con người nông thôn nói riêng, những hằng số chung bất biến. Những giá trị chung ấy được hun đúc, giữ gìn, phát triển qua các thế hệ, định hình diện mạo Việt Nam. Cho nên, dù nông thôn miền Nam hay miền Bắc, miền Trung, miền núi, miền biển hay đồng bằng, tuy có những khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, xã hội cụ thể, nhưng vẫn có cái tương đồng, cái chung xuyên suốt dễ nhận thấy, đó chính là những cốt cách văn hóa đã được định hình.

Các giá trị văn hóa thời đại là ý thức pháp quyền, trách nhiệm xã hội và trình độ dân chủ của người dân cần được nâng lên. Cùng với đó là những phẩm chất kinh tế thị trường như khả năng tổ chức và quản lý sản xuất ở quy mô lớn, tính nhạy bén thị trường, khả năng áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ý thức về sự phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. Đây là nhân tố quan trọng trong xây dựng người nông dân Việt Nam thế kỷ XXI, là đòi hỏi tất yếu và cấp bách của xây dựng nông thôn mới thời kỳ hội nhập, mở cửa. Đây đồng thời là cơ sở cho việc khắc phục những tập quán, thói quen lạc hậu của người nông dân vốn quen với sản xuất nhỏ, tính tự phát cao, tiêu tốn tài nguyên và giá trị kinh tế thấp. Cùng với đó là lối sống thiếu kỷ luật, bị động và kém nhạy bén về kinh tế. Hiện nay, chúng ta quan tâm chủ yếu đến những tiêu chí văn hóa “phần cứng” mà chưa đề cập đúng mức cũng như chưa có chủ trương trúng đối với “phần mền” văn hóa của người dân nông thôn vốn đang lung lay nghiêng ngả trước tác động của biến đổi kinh tế - xã hội.

Sự thống nhất trong xây dựng các tiêu chí văn hóa nông thôn mới. Nông thôn mới là một mô hình, thì ở góc độ văn hóa, đó cũng phải là một mô hình với các tiêu chí chung cho nông thôn cả nước. Thời kỳ phong kiến, mô hình “cây đa, bến nước, sân đình” đã đi sâu vào tâm thức mỗi người, là hình ảnh thanh bình của làng quê nông nghiệp luôn chú trọng đời sống tâm linh. Mô hình ấy vừa có giá trị biểu tượng về kinh tế, vừa có giá trị về văn hóa, nó bao hàm trong đó những đặc trưng cơ bản nhất của nông thôn nước ta thời kỳ trước.

Xây dựng nông thôn mới hiện nay là một chủ trương lớn với những tiêu chí rất rõ ràng, trong đó có những tiêu chí về văn hóa, phản ánh nông thôn nước ta trong bối cảnh mới, sức sống mới. Cho nên mô hình ấy phải vừa bao hàm cái truyền thống vừa thể hiện sức sống hôm nay. Nhận thức được điều đó, trong các chủ trương, nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, Đảng ta đã đặc biệt chú trọng đến nhân tố văn hóa với tính cách là một mô hình biểu trưng cho đời sống mới. Ví dụ: Trong xây dựng nông thôn mới thì “Tiêu chí 06 quy định các xã xây dựng nông thôn mới phải có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra, cụ thể là: Trung tâm văn hóa thể thao xã quy định tối thiểu 2.500 m2 (vùng đô thị và đồng bằng), 1.500 m2 (vùng núi, hải đảo); hội trường đa năng tối thiểu 250 chỗ ngồi, vùng hải đảo tối thiểu 200 chỗ ngồi. Nhà văn hóa, khu thể thao thôn (làng, bản, ấp) tối thiểu từ 500 m2 đến 2.000 m2 (vùng đồng bằng), từ 300 m2 đến 1.500 m2 (vùng núi)”(3). Nói đến văn hóa hiện nay là nhắc tới “điện - đường - trường - trạm”; xây dựng nông thôn mới ở bất kể địa phương nào cũng phải coi trọng và đầu tư đúng mức cho xây dựng các thiết chế và các hoạt động văn hóa ấy.

Mặt khác, xây dựng văn hóa nông thôn hiện nay cần chú ý đến tính thống nhất về mặt định hướng. Định hướng về cách thức quản lý văn hóa; chủ trương đối với bảo tồn và phát huy vốn văn hóa ở địa phương... phải đạt đến sự thống nhất theo quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phù hợp với từng địa phương. Chỉ có vậy, việc xây dựng văn hóa nông thôn mới đi đúng hướng, tránh được sự tự phát chệch hướng và những biến tướng văn hóa như hiện nay.

Tính đặc thù trong xây dựng văn hóa nông thôn

Bên cạnh tính phổ biến, đặc biệt cần chú ý đến tính đặc thù trong xây dựng văn hóa nông thôn. Tồn tại trong những không gian văn hóa, với tính quy định của các điều kiện kinh tế - xã hội, con người, lịch sử cụ thể, văn hóa nông thôn bộc lộ rõ tính đặc thù của nó. Nói như Giáo sư Đỗ Huy: “Ở nhiều vùng nông thôn nước ta, mỗi vùng đều có những cơ sở quan trọng cho việc phát triển đặc thù văn hóa”(4). Đặc thù trong xây dựng văn hóa nông thôn hiện nay được tiếp cận trên những nội dung sau:

Trước tiên phải nói đến tính đặc thù của các nguồn lực cho xây dựng văn hóa ở mỗi địa phương. Mỗi địa phương căn cứ vào thế mạnh sẵn có để phát huy. Ví như có địa phương mạnh về nghề thủ công, có địa phương có thế mạnh về học hành khoa cử, có địa phương có thế mạnh về văn hóa lễ hội, tâm linh... Việc nhận thức được lợi thế văn hóa, vốn văn hóa cho phát triển ở mỗi vùng, miền khác nhau là cơ sở cho xây dựng và phát triển sự đa dạng của mỗi địa phương. Điều này sẽ ngăn chặn tình trạng chạy đua giữa các địa phương trong xây dựng và phát triển văn hóa một cách tràn lan, không có định hướng, không trên cơ sở nguồn lực sẵn có làm méo mó sự phát triển văn hóa nông thôn. Mặt khác, sức mạnh mềm của văn hóa ở mỗi vùng, miền hiện nay còn mang lại giá trị to lớn về kinh tế nếu chính quyền và người dân biết phát huy; điều đó được chứng minh qua thực tế phát triển du lịch, văn hóa, lễ hội… ở nhiều địa phương, là kết quả của việc nhận thức rõ và biết phát huy đúng những nguồn lực văn hóa nội sinh.

Sự khác biệt của vùng, miền văn hóa. Nước ta có văn hóa đồng bằng, văn hóa biển, văn hóa đồi núi cao nguyên. Mỗi vùng, miền có sự khác nhau, điều này thể hiện rất rõ trong các phong tục, tập quán, lối sinh hoạt, trong các nghi lễ của các vùng, miền. Cho nên, xây dựng nông thôn mới hiện nay không phải là sự rập khuôn máy móc một mô hình giống nhau tuyệt đối cho tất cả mọi địa phương. Trái lại, cần nhận thức sự khác biệt để vận dụng trong xây dựng nông thôn mới ở mỗi địa phương, mỗi vùng, miền cho phù hợp.

Tính đặc thù của văn hóa tâm linh. Văn hóa Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành... và những nét đặc sắc trong đời sống tâm linh của nhiều vùng văn hóa có các giáo lý, giáo luật và đức tin truyền thống, đều hướng tới tinh thần quảng đại, bác ái, đến tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho con người. Trong xây dựng văn hóa nông thôn hiện nay, cần đặc biệt quan tâm triệt để mặt tích cực của mỗi tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần xây dựng đời sống bình đẳng, đoàn kết, tiến bộ, hòa bình trong mỗi cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần tính đến đặc thù của văn hóa tộc người. Với đặc điểm một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa, mỗi tộc người có văn hóa riêng cả về đời sống tinh thần đến tổ chức đời sống vật chất, từ sinh hoạt, sản xuất lẫn cách ăn mặc, các phong tục, tập quán, các nghi lễ văn hóa. Bản thân tính đa dạng của văn hóa tộc người làm nên nét độc đáo của văn hóa dân tộc; việc giữ gìn, phát huy sự đa dạng văn hóa ấy đang là yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết. Cho nên, trong xây dựng nông thôn mới, cần đặc biệt quan tâm giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc khác nhau. Đây là trách nhiệm của nhân dân, chính quyền các địa phương và các nhà quản lý văn hóa các cấp, những người trực tiếp quyết định sự sinh tồn của các giá trị văn hóa tộc người./.

---------------------------------------------

1, 4. Đỗ Huy: Mấy vấn đề xây dựng văn hóa nông thôn trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học, số 7 (266), tháng 7-2013, tr. 45; tr. 48

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 56

3. Xem: 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII - Xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/21050302-.html, ngày 23-8-2013