Chung tay bảo vệ môi trường, ngăn nước biển dâng

Theo: chinhphu.vn
22:40, ngày 05-06-2014
Sáng 05-6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức Lễ mít tinh quốc gia, cùng các địa phương trong cả nước đồng loạt triển khai các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2014 với chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”.

Ngày Môi trường thế giới do Liên hợp quốc sáng lập ngày 05-6-1972 nhận được sự hưởng ứng đồng thuận của hơn 130 quốc gia trên thế giới. Từ năm 1982 đến nay, Việt Nam chính thức tham gia tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới.

Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” (Raise your voice, not the sea level) nhằm nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đối với khu vực dễ bị tổn thương như hải đảo và các khu vực ven biển.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, đồng thời cũng là thách thức đối với nhân loại trong thế kỷ XXI.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt với gần 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Việt Nam luôn quan tâm, chú trọng tới công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thể chế, chính sách về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường từng bước được đổi mới, hoàn thiện, đóng góp ngân sách nhà nước vào lĩnh vực môi trường ngày càng tăng, nhận thức chung của toàn xã hội về bảo vệ môi trường từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập khi tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn lớn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những diễn biến gần đây và các dự báo mới cho thấy, biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh đến Việt Nam, gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế xã hội, con người và môi trường. Điển hình như đồng bằng sông Cửu Long, khu vực đang chịu những tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu và tình trạng phát triển các công trình ở thượng nguồn, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của hàng triệu người dân.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp, ngành, đoàn thể, mọi người dân có nhiều hơn nữa những hành động thiết thực góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Một mặt nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nguồn lực tài chính về vấn đề này, mặt khác, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cộng đồng để khai thác, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tích cực “xanh hóa” lối sống và thực hiện tiêu dùng bền vững.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết Liên hợp quốc đánh giá cao những hành động triển khai tương đối toàn diện của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề môi trường thời gian qua, đặc biệt trong công tác xây dựng chiến lược, kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bà Pratibha Mehta cũng nhấn mạnh tới tính thiết thực của những hoạt động hưởng ứng tích cực trên khắp mọi miền đất nước trong Ngày Môi trường thế giới./.