Học viện Hành chính quốc gia - 55 năm xây dựng và phát triển
Học viện Hành chính quốc gia đang ngày càng xứng tầm là trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và nghiên cứu, phát triển khoa học hành chính. Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống cũng là dấu mốc lịch sử quan trọng để các thế hệ thầy và trò Học viện Hành chính quốc gia cùng nhau nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận thức rõ hơn phương hướng, nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới.
Quá trình hình thành và phát triển của Học viện Hành chính Quốc gia
Thấm nhuần tư tưởng chăm lo nuôi dưỡng, đào tạo nhân tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia của ông cha, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, bởi “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(1). Việc hình thành, xây dựng một cơ sở chuyên trách công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý chính quyền các cấp chính là một yêu cầu gốc gác, then chốt và tất yếu khách quan của thực tiễn cách mạng nước ta.
Sự ra đời của Học viện Hành chính quốc gia ngày nay bắt đầu từ sự kiện Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại ký Nghị định số 214-NV ngày 29-5-1959 về việc thành lập Trường Hành chính. Khi đó, Trường Hành chính trực thuộc Bộ Nội vụ, có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp huyện. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Hữu Dực đã dành thời gian tới thăm và giảng bài cho các khóa học.
Ngày 29-9-1961, theo Nghị định số 130-CP của Chính phủ, Trường Hành chính được đổi tên thành Trường Hành chính Trung ương, có trụ sở được khởi công xây dựng ngày 18-5-1961 trên khu đất rộng 15.000m2 tại phố Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội và ngày 25-4-1962 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cơ sở chính của Học viện Hành chính quốc gia hiện nay vẫn đang được đặt tại đây với địa chỉ mới là 77 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.
Ngày 30-3-1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức Chính phủ, tiếp tục nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ chính quyền phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Ngày 30-8-1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 231-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ Ban Tổ chức Chính phủ sang trực thuộc Phủ Thủ tướng. Trường được giao nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước cao cấp thuộc các cơ quan Trung ương; các chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương; cán bộ phụ trách các sở, ty của tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác giảng dạy ở các Trường Hành chính (nay là Trường Chính trị) các tỉnh và thành phố. Cũng theo Quyết định trên, Trường Hành chính Trung ương có các phân hiệu phụ trách các khu vực.
Ngày 12-5-1980, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 142-CP sát nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương. Thực hiện Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô, Trường mở các khoá bồi dưỡng về quản lý kinh tế cho cán bộ trung - cao cấp do các giáo sư Liên Xô giảng dạy.
Ngày 08-6-1981, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 233-CP tách Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương thành hai trường: Trường Hành chính Trung ương và Trường Quản lý kinh tế Trung ương. Trường Hành chính Trung ương trực thuộc Chính phủ. Ngày 26-9-1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 91/HĐBT về nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương. Từ thời điểm này, Trường đã có tương đối đầy đủ căn cứ pháp lý để đi vào ổn định hoạt động, không ngừng phấn đấu vươn lên, có những bước tiến cơ bản, củng cố và thống nhất được cơ sở của Trường tại Hà Nội và Phân hiệu của Trường tại TP. Hồ Chí Minh; quy tụ các Trường Hành chính (nay sáp nhập vào các Trường Chính trị) tỉnh, thành phố, tạo thành một hệ thống Trường Hành chính làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển cao hơn của Trường trong giai đoạn mới.
Theo Quyết định số 381-CT ngày 01-11-1990 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Trường Hành chính quốc gia; ngày 06-7-1992, thành Học viện Hành chính quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Từ đây, Học viện thực hiện chức năng là trung tâm đào tạo cán bộ, công chức và nghiên cứu khoa học hành chính của cả nước, có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt; có những thay đổi rõ rệt về quy mô cũng như chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Ngày 19-9-2002, theo Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Hành chính quốc gia từ chỗ là cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển về trực thuộc Bộ Nội vụ. Ngày 13-11-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 234/2003/QĐ-TTg quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính quốc gia.
Từ tháng 5-2007 đến tháng 11-2013, Học viện Hành chính quốc gia hợp nhất với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thành Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07-5-2007 của Bộ Chính trị.
Gần đây nhất, theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về việc chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ, ngày 10-12-2013, Chính phủ đã có Nghị quyết số 121/NQ-CP khẳng định Học viện Hành chính có tên gọi chính thức là Học viện Hành chính quốc gia.
Đến nay, Học viện Hành chính quốc gia đã xây dựng được hệ thống tương đối hoàn chỉnh trên phạm vi toàn quốc với 4 cơ sở đào tạo, gồm Học viện trung tâm tại Hà Nội, cơ sở tại Thành phố Huế, Phân viện tại Tây Nguyên (Thành phố Buôn Ma Thuột) và cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh.
Có thể thấy, qua các giai đoạn phát triển, Học viện Hành chính quốc gia có rất nhiều tên gọi, thuộc nhiều cơ quan quản lý, trong đó có hơn 25 năm là cơ quan trực tiếp trực thuộc Chính phủ. Từ lịch sử và trong thực tế, Học viện Hành chính vẫn luôn là cái nôi, là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cho hệ thống cơ quan hành pháp các cấp của đất nước. Cũng chính vì thế mà trong nhiều nhiệm kỳ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc cho Học viện. Đó là việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoặc thông qua các cuộc họp, đến thăm, làm việc, phát biểu với tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Học viện hoặc trực tiếp giảng bài ở các lớp bồi dưỡng dành cho cán bộ cao cấp của Trung ương và địa phương mở tại Học viện trong từng thời kỳ.
Với Kết luận của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, qua Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 10-12-2013 của Chính phủ, sự trở về trực thuộc Bộ Nội vụ với tên gọi chính thức là Học viện Hành chính Quốc gia - tên gọi mà trong suốt một thời kỳ dài Học viện đã có - là sự kiện thực sự có ý nghĩa đối với nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Học viện; bởi lẽ, đằng sau hình thức trở về với tên gọi Học viện Hành chính quốc gia lần này là minh chứng ghi nhận về sứ mệnh đặc trưng của Học viện; là sự khắc ghi một mốc son lịch sử: khẳng định tầm vóc, vị thế, chức năng, nhiệm vụ của Học viện Hành chính quốc gia là một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và nghiên cứu, phát triển khoa học hành chính của đất nước.
Những thành tích, kết quả đạt được trong những năm gần đây
Được sự quan tâm của Đảng và sự đầu tư hiệu quả của Nhà nước, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học của Học viện Hành chính quốc gia được nâng cấp, xây dựng mới ngày càng khang trang, hiện đại, góp phần quan trọng làm nên những thành tích rất đáng tự hào của Học viện trong suốt bề dày 55 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Thành tích nổi bật đầu tiên, cũng là đóng góp lớn nhất của Học viện Hành chính quốc gia là đã xây dựng và triển khai có chất lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp theo hướng đổi mới. Có thể coi đây là một thành tích nổi bật, cũng là niềm tự hào, làm nên uy tín, vị thế về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Hành chính quốc gia trong những năm gần đây.
Bên cạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo ngạch, nhất là ngạch chuyên viên cao cấp, Học viện Hành chính quốc gia cũng đang là cơ sở đi tiên phong trong đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh. Hướng đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh là hướng đi có tính chất chiến lược, có tầm quan trọng và hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về kiến thức và kỹ năng của công chức ở những vị trí việc làm cụ thể khác nhau. Hiện nay, Học viện Hành chính quốc gia đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng là Vụ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Với tính chất là trung tâm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống quản lý hành chính nhà nước, hàng năm, Học viện Hành chính quốc gia cung cấp hành nghìn cử nhân hành chính công có chất lượng cho hệ thống chính quyền các cấp trên phạm vi toàn quốc, được các cơ quan tuyển dụng, sử dụng đánh giá cao. Có thể khẳng định rằng, việc đào tạo cử nhân quản lý công được thực hiện trong 17 năm qua tại Học viện là một thành tích đáng kể; góp phần quan trọng cung cấp nguồn nhân lực có trình độ đại học, có kiến thức và kỹ năng cho hệ thống chính quyền các cấp.
Hoạt động đào tạo sau đại học là thành tích nổi trội của Học viện Hành chính quốc gia trong những năm gần đây. Mặc dù việc thi tuyển đầu vào cao học và nghiên cứu sinh ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn, song nhu cầu và số lượng thí sinh mong muốn được tham gia vào quá trình đào tạo này lại có sự gia tăng nhanh hàng năm. Học viện Hành chính quốc gia đã và đang trở thành địa chỉ tin cậy, có uy tín đối với đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành trong lĩnh vực đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.
Về nghiên cứu khoa học, Học viện Hành chính quốc gia cũng là một trung tâm lớn về nghiên cứu khoa học hành chính. Các đề tài, đề án, hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học do Học viện tổ chức đã đóng góp vào những vấn đề hệ trọng của đất nước, như tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010; sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992; đổi mới tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước trong điều kiện mới; phân cấp quản lý; mô hình chính quyền địa phương, quản lý đô thị...
Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo với nước ngoài, Học viện Hành chính quốc gia đã chủ động, tích cực triển khai và đạt được những kết quả khả quan. Những năm gần đây, Học viện đã liên kết đào tạo với một số trường đại học, học viện danh tiếng trên thế giới, như Trường ENA (Pháp), Trường Québec (Canada), Trường Tempere (Phần Lan), Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản)... Học viện cũng đã chủ động liên kết triển khai các khóa đào tạo thạc sĩ quản lý công, thạc sĩ quản lý tài chính công có chất lượng thực sự với các cơ sở đào tạo có uy tín quốc tế. Các khóa đào tạo này đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao.
Với đội ngũ giảng viên của mình, Học viện Hành chính quốc gia đã tổ chức nhiều khóa học ngắn ngày, giảng dạy, thuyết trình trực tiếp bằng tiếng Anh cho các lớp học viên là quan chức Banglades, Ấn Độ... về cải cách hành chính, về quản lý nhà nước của Việt Nam, về những vấn đề chuyển đổi và hội nhập khu vực của Việt Nam... Học viện cũng tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn và trao đổi với các sinh viên của Indonesia, Malaixia, Banglades. Từ những hoạt động hợp tác quốc tế đó, Học viện đã từng bước trở thành địa chỉ quen thuộc với các cơ sở đào tạo về quản lý công của khu vực và châu lục. Hiện Học viện Hành chính quốc gia là thành viên cấp nhà nước của ba tổ chức quốc tế lớn về hành chính trên thế giới. Đó là Hiệp hội quốc tế các trường và học viện hành chính (IASIA), Tổ chức Hành chính khu vực miền Đông thế giới (EROPA) và Nhóm hành chính công châu Á (AGPA).
Với bề dày thành tích đã đạt được trên suốt chặng đường 55 năm xây dựng và phát triển, Học viện Hành chính quốc gia đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương và tặng thưởng nhiều Huân chương, danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 1993), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2002), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2009). Nhiều tập thể, cá nhân của Học viện cũng đã được trao tặng Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Đặc biệt, ngày 26-4-2014, Chủ tịch Nước đã ký quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Học viện Hành chính quốc gia.
Hiện nay, Học viện có 364 giảng viên, trong đó có 03 giáo sư, 23 phó giáo sư; 54 tiến sĩ, 305 thạc sĩ, 24 giảng viên cao cấp, 95 giảng viên chính. Riêng năm 2013, Học viện có 5 tiến sĩ được phong hàm phó giáo sư. Đó đều là những nhà giáo, nhà khoa học trẻ, được đào tạo chính quy, bài bản và có những đóng góp thực sự trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Học viện đã thu hút được đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, những giảng viên được đào tạo tại các nước tiên tiến về tham gia trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Học viện Hành chính quốc gia trong tình hình mới
Những thành tích mà Học viện Hành chính quốc gia đạt được thật đáng tự hào, song cũng đang đặt ra cho Học viện những trọng trách lớn lao trên bước đường phát triển tiếp theo. Sự trở về trực thuộc Bộ Nội vụ và trở lại với tên gọi chính thức là Học viện Hành chính quốc gia tạo cho Học viện một thế và lực mới theo hướng phát triển ổn định, bền vững với chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng cao hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển Học viện trong giai đoạn mới phải tiếp tục khẳng định tầm vóc của một trung tâm quốc gia bằng chính chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và hiệu quả nghiên cứu khoa học hành chính trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo ngày càng cao và trực tiếp. Trước tình hình mới và trong giai đoạn tới, Học viện Hành chính quốc gia cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục khai thác lợi thế về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng đã có để tập trung vào định hướng chuyên môn sâu, nâng cao chất lượng thực sự trong mọi hoạt động, mọi loại hình đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu; phải coi đây là hướng phát triển đặc trưng, có ý nghĩa sống còn đối với sự khẳng định uy tín, vai trò của Học viện, đối với việc duy trì, phát triển bền vững vị thế của Học viện Hành chính quốc gia. Kinh nghiệm được đúc rút từ những thành công của Học viện trong những năm gần đây khẳng định rõ: Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ - đó là “cốt lõi” để xây dựng và phát triển Học viện về mọi phương diện.
Thứ hai, có ý thức xây dựng hệ thống tổ chức Học viện là một thể thống nhất nhưng duy trì sự thống nhất đó lại phải trên cơ sở chủ động, sáng tạo, phát huy được nội lực, đặc trưng của từng phân viện, từng cơ sở. Đồng thời, phải thống nhất trong những định hướng lớn về mặt nội dung, định hướng qua giá trị vì lợi ích chung và vì sự phát triển chung, duy trì sự đổi mới một cách toàn diện; tạo dựng được các giá trị đúng đắn, đích thực cho Học viện.
Thứ ba, phương thức lãnh đạo, quản lý, phương thức làm việc cần phải được thực hiện một cách dân chủ nhằm xây dựng được ý chí chung và sự đồng thuận. Sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao của các cấp ủy, từ chi ủy đến Đảng ủy Học viện là nền tảng bảo đảm cho mọi công việc chung của tập thể được thông suốt từ tư tưởng đến hành động. Đoàn kết, thống nhất là nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển ổn định, bền vững của Học viện.
Thứ tư, trong tình hình mới, Học viện Hành chính quốc gia cần đề xuất được những chiến lược xây dựng và phát triển, trong đó có chiến lược về mặt nội dung đào tạo, chiến lược về công tác cán bộ... Bên cạnh đó, Học viện cần hết sức để tâm tới việc phát triển quan hệ với các đối tác quốc tế và khu vực. Triển khai có hiệu quả và tham gia với hàm lượng ngày càng lớn hơn trong các chương trình đào tạo, liên kết đào tạo sau đại học với các đối tác mà Học viện đang triển khai.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.
Về chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập trung củng cố, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch công chức (chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp), chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh. Khẩn trương xây dựng Chương trình đào tạo chính sách công theo hướng thực hành của Nhật Bản do JICA tài trợ; triển khai đào tạo Chương trình bồi dưỡng chức danh vụ trưởng, giám đốc sở; xây dựng Chương trình bồi dưỡng chức danh thứ trưởng, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện... Trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần phân định rõ, hợp lý về tỷ lệ số môn học và số tiết theo các nhóm kiến thức: kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng.
Về nội dung, cần đổi mới theo hướng “trang bị cho người học những gì xã hội, thực tiễn hành chính - công vụ đang cần, chứ không phải dạy những cái Học viện có”; ngoài kiến thức chuyên môn, cần tăng cường nội dung kiến thức giáo dục kỹ năng mềm cho người học. Cần bổ sung vào nội dung chương trình đào tạo của Học viện mảng kiến thức pháp luật quốc tế; chẳng hạn, Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982.
Về phương pháp, tăng cường các phương pháp đối thoại, thảo luận nhóm theo các chủ đề khoa học, phương pháp nêu tình huống, sự kiện để lôi cuốn người học vào sự tranh luận, thảo luận, tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất... Chuyển mạnh từ “lấy người dạy làm trung tâm” sang phương pháp “lấy người học làm trung tâm”.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học hành chính tại tất cả các cơ sở của Học viện Hành chính quốc gia. Những đề tài khoa học cấp khoa, cấp Học viện phải thực sự có chất lượng, tập trung khai thác những khía cạnh, vấn đề thực sự bức thiết của đời sống hành chính, quản lý nhà nước mà lý luận cũng như thực tiễn đang đặt ra, phục vụ thiết thực hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và có thể chuyển giao ứng dụng tại các cơ quan nhà nước; tránh tình trạng nghiên cứu khoa học theo kiểu lấy thành tích, chạy theo phong trào. Đã đến lúc Học viện Hành chính quốc gia cần trở lại và khẳng định vai trò tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định, xây dựng và đánh giá chính sách pháp luật về hành chính, tổ chức quản lý bộ máy nhà nước, tư vấn cho Chính phủ về cải cách hành chính nhà nước.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Học viện Hành chính quốc gia rất đỗi tự hào vì đã đóng góp công lao to lớn trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức qua các thời kỳ, cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ thiết thực cho công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phấn khởi, tự hào với những thành tích đã đạt được trên chặng đường đã qua, song toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Học viện vẫn ý thức sâu sắc về trọng trách của mình trong giai đoạn phát triển mới - đó là tiếp tục xây dựng và phát triển Học viện Hành chính quốc gia để Học viện thực sự xứng tầm là một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và nghiên cứu, phát triển khoa học hành chính của đất nước; đưa Học viện từng bước trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
Để hoàn thành tốt trọng trách đó, tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Học viện mong muốn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm, tạo những điều kiện, cơ chế, chính sách cần thiết, phù hợp, giúp Học viện ổn định lâu dài và phát triển bền vững; xác định chuẩn vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Học viện.
Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống, với thế và lực mới, tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Hành chính quốc gia tin tưởng sâu sắc vào tương lai phát triển tươi sáng ở phía trước; quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển Học viện vững mạnh về mọi mặt để xứng đáng với trọng trách mà Đảng, Nhà nước đã tin cậy giao phó; đưa Học viện thực sự trở thành trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức và nghiên cứu khoa học hành chính./.
--------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 240, 269.
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động đe dọa hòa bình  (27/05/2014)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương  (27/05/2014)
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại  (27/05/2014)
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam  (27/05/2014)
Báo chí quốc tế chỉ trích Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam  (27/05/2014)
Vận động ngoại giao tại Bỉ phản đối hành động của Trung Quốc  (27/05/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên