Quốc hội thảo luận một số dự án luật
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, ngày 24-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) và nghe Chính phủ trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công.
Quốc hội thảo luận về một số điều của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi)
Sáng 24-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Theo Tờ Trình của Chính phủ, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Nhà ở đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như với các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và tình hình thực tế hiện nay.
Đặc biệt, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, đó là Nhà nước phải “Có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp”.
Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, đó là: “Công dân có quyền có chỗ ở”, “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở…”, “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và Nhà nước phải “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”.
Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), như bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung - cầu như trong những năm qua; đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở…
Như vậy, với đề xuất 10 nhóm nội dung cần sửa đổi như trong Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 Chương với 179 Điều. So với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 4 Chương và 26 Điều.
Cũnng trong buổi sáng 24-5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).
Về phạm phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng (sửa đổi), đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành. Bày tỏ sự nhất trí của mình, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho biết nội dung phạm vi điều chỉnh của dự án Luật với mục đích tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng là nhằm tạo lập công trình xây dựng thông qua các hình thức xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình xây dựng; đồng thời kế thừa và nhất quán với các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng ở nước ta từ trước đến nay, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đầu tư công là quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Đồng quan điểm với đại biểu Tâm, tuy nhiên, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng: Phạm vi điều chỉnh Luật cần quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm. “Quy định như vậy sẽ đầy đủ, toàn diện hơn và phản ánh đúng thực tế quá trình quản lý đầu tư bỏ vốn, tiến hành các hoạt động xây dựng để tạo nên công trình xây dựng.
Không thể chỉ coi hoạt động xây dựng như là một hoạt động chuyên môn kỹ thuật đơn thuần mà còn có những nội hàm rất quan trọng, vừa là tiền đề, vừa là bản chất; đồng thời vừa là mục đích của hoạt động xây dựng. Đó còn là quá trình quản lý, sử dụng vốn vào đầu tư xây dựng công trình để đạt một hiệu quả kinh tế, xã hội hay hiệu quả khác nhất đinh” đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị.
Liên quan đến vấn đề vật liệu xây dựng, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, vật liệu xây dựng là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản quyết định chất lượng và hiệu quả của các công trình xây dựng. Đại biểu Trần Minh Diệu góp ý: Dự thảo luật lần này đã tiếp thu, bổ sung một số quy định về quản lý sử dụng vật liệu, thể hiện tại các Điều 4, 11, 80, 120 và 123 của dự thảo. Tuy nhiên, với cách thiết kế chung và rời rạc, không có tính hệ thống tại một số khoản, một số điều trong một số chương chưa hợp lý, chưa tương xứng với tính chất và tầm quan trọng của vật liệu trong hoạt động xây dựng. Đại biểu Trần Minh Diệu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thiết kế các quy định liên quan đến vật liệu xây dựng thành một chương riêng với hệ thống các điều khoản cụ thể, chặt chẽ, thực sự là những công cụ pháp lý cho công tác quản lý, giám sát quá trình xây dựng các công trình.
Đối với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng trên thực tế, thời gian qua, một số công trình xây dựng chưa có những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng bảo đảm thuận lợi an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em nên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc…
Xung quanh nội dung quy hoạch xây dựng, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng ý với việc cần có quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật. Theo các đại biểu, việc quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật Xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Quy hoạch xây dựng tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động xây dựng. Do đó, các đại biểu đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung quy hoạch xây dựng như trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Lê Trọng Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) không nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật mà đưa nội dung về quy hoạch xây dựng, kết hợp với nội dung Luật Quy hoạch đô thị thành một luật mới, có phạm vi điều chỉnh quy hoạch của cả 3 đối tượng gồm vùng, đô thị và nông thôn…
Cũng thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), trong buổi sáng ngày 24-5, các đại biểu Quốc hội đã góp ý về giấy phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu và điều kiện hoạt động của nhà thầu nước ngoài; thanh tra, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm...
Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công
Chiều 24-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chính phủ trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công.
Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đánh giá, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với các luật có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ luật Dân sự… đã tạo ra một hệ thống cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, từng bước hội nhập với thông lệ quốc tế; thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước vào lĩnh vực bất động sản...
Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần được sửa đổi. Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành chưa quy định đủ các chế tài để tạo lập một thị trường bất động sản phát triển đồng bộ và lành mạnh; chưa có quy định để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển có kế hoạch, để Nhà nước có thể kiểm soát, điều tiết được cung - cầu của thị trường.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành chưa có quy định để phân biệt rõ đối tượng kinh doanh bất động sản phải đăng ký kinh doanh theo quy định và đối tượng không thuộc diện kinh doanh bất động sản. Vì thế, dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức, doanh nghiệp có đầu tư xây dựng, mua bất động sản nhưng chỉ để sử dụng (sản xuất, kinh doanh…) và trong quá trình sử dụng có nhu cầu bán, cho thuê do dư thừa hoặc không còn nhu cầu sử dụng, nhất là đối với các hộ gia đình, cá nhân cũng phải đăng ký kinh doanh, phải thành lập pháp nhân, phải có vốn pháp định thì mới được bán, cho thuê nhà ở, bất động sản là không phù hợp thực tế, không có tính khả thi.
Luật hiện hành quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản bắt buộc phải thông qua Sàn giao dịch bất động sản. Quy định này đã làm tăng thêm tổ chức kinh doanh dịch vụ trung gian, tăng thêm thủ tục, chi phí và góp phần đẩy giá, tạo giao dịch ảo...
Cơ quan soạn thảo cho biết việc xây dựng dự thảo Luật phải tạo được môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia vào thị trường bất động sản; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản; tăng cường hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản...
Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có 5 Chương, 74 Điều; giảm 1 Chương và 7 Điều so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Trên cơ sở nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2006, thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế đã nêu quan điểm về các nội dung: các loại bất động sản đưa vào kinh doanh; phạm vi kinh doanh bất động sản của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; chính sách đầu tư kinh doanh bất động sản; quy định cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai…
Thảo luận dự thảo Luật Đầu tư công, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật. Theo đó, Luật Đầu tư công điều chỉnh về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và cùng với các luật chuyên ngành khác tạo nên một khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất điều chỉnh toàn bộ hoạt động đầu tư công.
Dự thảo Luật đã quy định theo hướng nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công, từ khâu phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Theo quy định của dự thảo Luật, mọi đối tượng sử dụng vốn đầu tư công, kể cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều được điều chỉnh trong Luật này. Riêng hoạt động đầu tư vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ được điều chỉnh tại dự án Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh. Một số ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã thể hiện được tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật cùng điều chỉnh hoạt động đầu tư công, như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật khác có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị...
Cho ý kiến về tiêu chí phân loại dự án đầu tư nhóm A, B,C, có ý kiến đại biểu cho rằng việc phân loại nhóm dự án đầu tư là vấn đề quan trọng. Luật Đầu tư công muốn thực hiện tốt nguyên tắc công khai, minh bạch thì cần có các tiêu chí phân loại cụ thể, rõ ràng. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị dự thảo Luật cần cụ thể hóa các tiêu chí phân loại các dự án nhóm A, B, C. Theo đại biểu này, việc phân loại quy định tại dự thảo mới chủ yếu dựa vào quy mô, tính chất dự án mà chưa dự vào tính chất của nguồn vốn đầu tư công; chưa có sự phân định nguồn vốn thuộc ngân sách địa phương, nguồn vốn đầu tư do Trung ương phân bổ cho địa phương để xác định thẩm quyền từng cấp, thẩm quyền của Chính phủ và thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cách phân định này chưa tạo điều kiện chủ động cho địa phương có điều kiện tự cân đối ngân sách đầu tư và không khuyến khích cho các địa phương tự cân đối ngân sách. Đại biểu Trương Văn Vở ( Đồng Nai) cho rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu để chấn chỉnh đầu tư công là cần làm rõ khái niệm về hiệu quả đầu tư công. Đại biểu này nhấn mạnh đây là cơ sở để đánh giá, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện đầu tư công, nhằm tránh sự lãng phí do công trình đầu tư không đồng bộ.
Tán thành với các nguyên tắc quản lý đầu tư công như căn cứ vào tổng thể nền kinh tế - xã hội, chiến lược kinh tế - xã hội,... đại biểu Trương Văn Vở đề nghị dự thảo cần quan tâm, quy định đậm nét hơn nguyên tắc là căn cứ vào quy hoạch vùng kinh tế. Theo đại biểu này, đây là cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư có hiệu quả, khắc phục dàn trải, loại bỏ cơ chế xin cho.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về: hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP); phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với chương trình, dự án; kế hoạch đầu tư trung hạn; công khai, minh bạch và giám sát của cộng đồng trong đầu tư công.../.
Hơn 1,4 triệu hồ sơ đăng ký thi đại học, cao đẳng  (24/05/2014)
Chỉ số giá tiêu dùng trên toàn quốc tháng Năm tăng 0,2%  (24/05/2014)
Điện mừng kỷ niệm cuộc Cách mạng tháng Năm nước Cộng hòa Ác-hen-ti-na  (24/05/2014)
Bộ Ngoại giao: "Việt Nam mong muốn Thái Lan sớm ổn định tình hình"  (24/05/2014)
Điện mừng Quốc khánh Vương quốc Ha-si-mít Gioóc-đa-ni  (24/05/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên