Việt Nam - Hoa Kỳ: hai mươi năm bình thường hóa quan hệ

Trần Thị Minh Tuyết TS, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông
21:04, ngày 10-04-2014

TCCSĐT - Hai mươi năm qua, kể từ khi chính thức bình thường hóa quan hệ, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Đặc biệt, năm 2013 hai bên đã nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác toàn diện.

Tiến trình bình thường hóa và phát triển mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1986 - 1995

Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đại hội Đảng VI, tháng 5-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13 về “Nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” với chủ trương “kiên quyết chuyển cuộc đấu tranh từ trạng thái đối đầu sang đấu tranh và hợp tác trong tâm thế cùng tồn tại hòa bình; kiên quyết mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế”(1). Trong quan hệ với Mỹ, Nghị quyết xác định “không coi Hoa Kỳ là kẻ thù lâu dài và chủ trương từng bước phá thế bao vây cấm vận của Hoa Kỳ và tiến tới bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ”. Tiếp đó, Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991) đưa ra quan điểm: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế”(2). Trong quan hệ với Hoa Kỳ, Đại hội VII khẳng định “phải thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ”.

Xác định giải quyết vấn đề tù binh chiến tranh/người mất tích (POW/MIA) là vấn đề nhân đạo, nên Việt Nam tích cực hợp tác với Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ, sẵn sàng chứng minh trên lãnh thổ Việt Nam không còn giam giữ tù binh Mỹ. Ngày 09-4-1991, Hoa Kỳ chính thức đưa ra “bản lộ trình” trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam theo mô hình nới lỏng dần cấm vận và thiết lập từng bước quan hệ, theo đó, tháng 3-1991, Hoa Kỳ cho phép tổ chức các dịch vụ du lịch đến Việt Nam, nối lại quan hệ viễn thông với Việt Nam (tháng 12-1991); tuyên bố không cấm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) viện trợ cho Việt Nam (tháng 7-1993).

Ngày 03-02-1994, Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. Sự kiện quan trọng mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là ngày 11-7-1995 theo giờ Oa-sinh-tơn (tức ngày 12-7 theo giờ Hà Nội), Tổng thống Hoa Kỳ B. Clin-tơn tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tại Hà Nội, trong tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định: “Tuyên bố của Tổng thống B. Clin-tơn công nhận ngoại giao và thiết lập quan hệ bình thường hóa với Việt Nam là một quyết định quan trọng, phản ánh nguyện vọng của đông đảo nhân dân hai nước muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Quyết định này phù hợp với xu thế hiện nay của tình hình quốc tế, góp phần thiết thực vào sự ổn định, hòa bình và phát triển của Đông Nam Á cũng như trên thế giới”(3).

Như vậy, 20 năm sau cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, hòa bình, hợp tác, cùng có lợi.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ từ năm 1995 đến nay

Khi quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ được tuyên bố bình thường hóa, trong mọi giới ở Hoa Kỳ, ngay cả lưỡng viện Quốc hội vẫn còn tồn tại ba trường phái quan điểm về vấn đề quan hệ giữa hai nước: ủng hộ bình thường hóa, không ủng hộ bình thường hóa và “lừng chừng”. Tuy nhiên, cùng với thời gian, tương quan lực lượng giữa ba trường phái này dần thay đổi theo hướng chuyển sang ủng hộ bình thường hóa và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng được củng cố bởi các sự kiện ngoại giao kế tiếp nhau. Ngày 05-8-1995, Đại sứ quán của ta được khai trương tại Thủ đô Oa-sinh-tơn và ngày 12-5-1997, Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi Đại sứ. Ngày 30-9-1998, Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm lần đầu tiên chính thức thăm Hoa Kỳ. Ngày 14-7-2000, Bộ trưởng Thương mại Vũ Khoan và Đại diện thương mại Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và hiệp định này có hiệu lực từ ngày 10-12-2000. Ngày 16 đến ngày 19-11-2000, Tổng thống Hoa Kỳ B. Clin-tơn thăm chính thức Việt Nam và chuyến thăm này đã nâng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên một tầm cao mới. Trong lời đáp từ của Tổng thống B. Clin-tơn vào ngày 17-11-2000 tại Hà Nội có đoạn: “Quả thực, lịch sử mà chúng ta để lại sau lưng mình rất đau buồn và nặng nề. Chúng ta không được quên nó. Nhưng chúng ta cũng không được để nó chi phối chúng ta. “Quá khứ chỉ là cái đến trước tương lai chứ quá khứ không phải là cái quyết định tương lai”(4); “Nay những ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành. Cùng nhau, chúng ta hãy tận hưởng mùa xuân mới này”(5).

Sau đó, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, nhận lời mời của Tổng thống G. Bu-sơ, Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải sang thăm chính thức Hoa Kỳ vào tháng 6-2005 với thông điệp: Việt Nam chủ trương xây dựng với Hoa Kỳ quan hệ đối tác ổn định, bền vững, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi. Tiếp theo, từ ngày 17 đến 20-11-2006, Tổng thống G. Bu-sơ sang thăm Việt Nam trong khuôn khổ của cuộc họp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ngày 09-12-2006, Hạ viện và Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR). Trong các năm 2007, 2008, 2011, giữa hai nước luôn có những cuộc thăm chính thức tầm nguyên thủ quốc gia. Riêng cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ H. Clin-tơn từ năm 2009 đến nay đã 3 lần đến Hà Nội.

Mốc son trong quan hệ hai nước là sự kiện Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Hoa Kỳ vào ngày 25-7-2013. Trong chuyến thăm đó, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức xác lập quan hệ đối tác toàn diện với chủ trương thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước trong 9 lĩnh vực then chốt, nổi bật là quan hệ chính trị - ngoại giao; kinh tế - thương mại; khoa học công nghệ và giáo dục... Đặc biệt, Tuyên bố chung giữa hai nước đã đề cập đến sự hợp tác giữa ngành dầu khí của Hoa Kỳ với ngành dầu khí của Việt Nam. Hoa Kỳ khẳng định hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) do các nước ASEAN và Trung Quốc ký ngày 04-11-2002. Một điều đáng lưu ý, trong cuộc hội đàm với Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới thiệu với Tổng thống B. Ô-ba-ma bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Hoa Kỳ H. Tru-man vào năm 1946, trong đó bày tỏ mong muốn của Việt Nam “được hoàn toàn độc lập và hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ.

Những kết quả đáng khích lệ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ

Về kinh tế - thương mại: năm 1995, kim ngạch buôn bán giữa hai nước chỉ đạt con số 450 triệu USD. Khi hai nước ký Hiệp định Thương mại song phương vào năm 2000, con số này cũng chỉ là 600 triệu USD, đến nay, con số này đạt gần 30 tỷ USD. Hoa Kỳ trở thành thị trường lớn nhất của hàng hóa Việt Nam, đồng thời cũng là một trong các nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam. Tính đến tháng 5-2013, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào Việt Nam đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 07 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 658 dự án. Như vậy, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước đã giúp tăng cường tiềm lực kinh tế của Việt Nam, đáp ứng lợi ích kinh tế của cả hai nước.

Về giáo dục: Vào năm 1995, có chưa đến 800 sinh viên Việt Nam học tập ở Hoa Kỳ thì nay con số này đã tăng gần 15.000 sinh viên. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang chủ trương hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong lĩnh vực giáo dục và Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Về du lịch: Hiện có hàng chục vạn người Mỹ đến Việt Nam để du lịch và kinh doanh. Tính đến tháng 8-2013, lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt 299.089 lượt. Tuy nhiên, nếu so với số lượng hơn 40 triệu lượt người Mỹ đi du lịch nước ngoài mỗi năm và đến châu Á hơn 5 triệu lượt thì con số này còn khá khiêm tốn.

Về hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng: Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm nhưng với quyết tâm gác lại quá khứ, tăng cường sức mạnh của cả hai bên, Việt Nam và Hoa Kỳ đã nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược về an ninh - quốc phòng. Quân đội hai nước đang tích cực hợp tác trong lĩnh vực quân y, công tác cứu hộ…

Nhìn lại chặng đường gần 20 năm qua, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam M. Mi-cha-lắc (M. Michalak) khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất kể từ khi giao bang và giữa hai nước còn nhiều cơ hội hợp tác để cùng phát triển. Mới đây, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Đ. Si-a (D. Shear) đã tuyên bố trong cuộc họp báo nhân dịp hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện rằng, hai nước sẽ cụ thể hóa quan hệ đối tác toàn diện bằng những bước đi rõ ràng trên cơ sở niềm tin đã và đang được xây dựng.

Quá trình bình thường hóa quan hệ cho thấy, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại để gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, tuy nhiên, giữa hai nước còn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục nỗ lực vượt qua để tạo dựng mối quan hệ tốt hơn.

Thứ nhất, quan hệ thương mại - đầu tư là nền tảng và động lực cho sự phát triển chung của quan hệ hai nước, thời gian qua tuy đã có những tiến triển tích cực, đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi bên. Việt Nam là nền kinh tế có trình độ thấp, có năng lực sản xuất các mặt hàng cần nhiều lao động song vốn hạn hẹp… trong khi đó, Hoa Kỳ là nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cần nhiều lao động, Hoa Kỳ lại có lợi thế về vốn, khoa học công nghệ... Để khai thác hơn nữa sự bổ sung mang tính tự nhiên này, Hoa Kỳ cần xem xét lại các rào cản trong quan hệ thương mại, nhất là các vụ phạt “bán phá giá” theo cách đánh giá của Hoa Kỳ, sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam và dành cho Việt Nam quy chế ưu đãi thương mại phổ cập (GSP).

Thứ hai, việc hợp tác và khắc phục hậu quả chiến tranh là vấn đề còn nhiều bất đồng. Việt Nam nhất quán coi việc hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam là vấn đề nhân đạo nên đã và đang hợp tác rất hiệu quả với Chính phủ Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam - một trong những di chứng nặng nề nhất do cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam để lại đối với môi trường cũng như sức khoẻ của hàng triệu người Việt Nam lại chưa được Chính phủ Hoa Kỳ quan tâm thỏa đáng. Vì vậy, vụ kiện về chất độc da cam của những nạn nhân Việt Nam vẫn đang được tiến hành.

Thứ ba, do sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử và chế độ chính trị, hai nước có những quan điểm khác nhau về nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận; có sự khác biệt về quan điểm khi đánh giá các sự kiện xảy ra trong khu vực và trên thế giới,..

Những tồn tại đó cũng là điều dễ hiểu khi quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước mới chỉ diễn ra trong 20 năm. Hai nước cần có thời gian để tăng cường hợp tác, hiểu biết, tin cậy và xích lại gần nhau hơn.

Những kết quả đạt được sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ đã chứng minh rằng, thời gian, sự độ lượng, lòng khao khát hợp tác để phát triển có thể hóa giải mọi sự thù hận giữa các quốc gia - dân tộc và điều đó mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Với những gì đã có, cùng với quyết tâm và thiện chí của cả hai bên, có thể tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển, tiến tới những mục tiêu xa hơn trong những năm tiếp theo và quan hệ tốt đẹp đó không chỉ phục vụ cho lợi ích của mỗi nước, mà còn đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới./.

-------------------------------------

(1) Xem: Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr. 239

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội 1991, tr. 147

(3) Phạm Xanh: ”Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ 1787 - 2007”, Tạp chí Xưa và nay, số 298, tháng 12-2007, tr. 14

(4) Phạm Xanh, Sđd, tr. 14

(5) Xem: Vận dụng tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2009, tr. 200