Đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố

Tin, ảnh: Lâm Quân
22:30, ngày 10-01-2014
TCCSĐT - Đó là chủ đề buổi tọa đàm do Hội Nhà báo Việt Nam khu vực phía Nam và Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội. Mục đích của cuộc tọa đàm là nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội và đạo đức nhà báo trong việc chuyển tải ý kiến của công dân đến cơ quan nhà nước.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Phạm Quốc Toàn cho biết: Việc thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình là chủ trương lớn của Chính phủ. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đáng chú ý là hàng loạt quy chế do Thủ tướng Chính phủ ban hành đối với việc cung cấp thông tin thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ thực thi công, khai minh bạch như Quy chế phát ngôn số 77/2007, Quy chế về cung cấp thông tin kinh tế số 1390/208, Quy chế phát ngôn số 25/2013. Đặc biệt ngày 08-08-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2013 quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong đó nêu rõ: “Giải trình là việc cơ quan nhà nước cung cấp, giải thích, làm rõ thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó”.

Thời gian qua đã có một số phóng viên, nhà báo lợi dụng nhiệm vụ, trọng trách của mình gây sức ép với những người có chức vụ, quyền hạn để mưu lợi cho cá nhân, hoặc biểu hiện nhỏ hơn là đặt điều kiện với người gửi đơn thư phải “cảm ơn” thì mới xử lý thông tin, gây ảnh hưởng lớn đến cái nhìn của xã hội về chức năng đấu tranh chống tiêu cực của báo chí. Tọa đàm với chủ đề “Đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố” mong muốn góp phần làm rõ hơn và tìm hướng khắc phục những hình ảnh tiêu cực đã nêu - đồng chí Phạm Quốc Toàn nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, các nhà báo đều có chung nhận định, hiện nay, đạo đức nghề báo là mối quan tâm lớn của dư luận xã hội, của cơ quan báo chí và những người làm báo chân chính; dường như những “mảng tối” trong đời sống báo chí đang khiến những người làm báo chân chính phải trăn trở, lo âu, thậm chí đôi lúc thấy xấu hổ khi mang danh nhà báo. Trong bối cảnh mới của nền kinh tế đất nước và thế giới, đặc biệt là sự đổi mới không ngừng trong hoạt động tác nghiệp báo chí cả về điều kiện vật chất, nhu cầu thông tin và đội ngũ người làm báo thì vấn đề đạo đức nhà báo lại được đặt ra với những yêu cầu mới cần làm rõ và có hướng đi đúng đắn. Bởi vì, một thông tin không chính xác có thể sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, lợi ích quốc gia; ảnh hưởng đến một tập thể hoặc cá nhân. Vì vậy những người làm báo phải giữ gìn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong việc khai thác, thu thập, xử lý nguồn tin, đăng tải thông tin. Do vậy, muốn xây dựng đạo đức người làm báo thì mỗi nhà báo cần phải có phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị vững vàng.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm, đồng chí Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: việc Hội Nhà báo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm truyền thông giáo dục cộng động tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đạo đức báo chí trong xử lý đơn thư khiếu tố” là rất thiết thực. So với thời gian trước, trong mấy năm gần đây, tình trạng vi phạm đạo đức báo chí có dấu hiệu tăng. Chính vì vậy, những người làm báo trong mỗi tác phẩm và sản phẩm của mình phải nhận thức sâu sắc từng việc làm, cân nhắc kỹ lưỡng và xem xét cẩn trọng những hậu quả có thể xảy ra đối với xã hội, bởi vì chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo, xã hội phải bỏ ra gấp trăm nghìn lần công sức để khắc phục hậu quả. Vì thế, những người làm báo phải biết trân trọng, giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong việc khai thác, xử lý và đăng tải thông tin… Vấn đề này đỏi hỏi người làm báo phải thật sự có “tâm” và có “tầm”./.