Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, ngoại giao kinh tế có thể là ưu tiên trong chiến lược ngoại giao toàn diện của Trung Quốc trong năm 2014 vì sự thịnh vượng của quốc gia và để chia sẻ các cơ hội với các quốc gia khác trên thế giới.

Trong các nội dung của chương trình nghị sự về ngoại giao kinh tế của Trung Quốc trong năm 2014, các ưu tiên sẽ là phát triển vành đai kinh tế "Con đường tơ lụa" và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21, các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương và một tiếng nói có trọng lượng hơn trong việc thiết lập các chuẩn mực (về kinh tế và thương mại) quốc tế.

Hồi tháng trước, khi nói về các ưu tiên ngoại giao của Trung Quốc trong năm 2014, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ phấn đấu hướng tới "thu hoạch sớm" trong những nỗ lực kể trên.

Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ thúc đẩy chiến lược ngoại giao kinh tế bằng việc xúc tiến ký kết các FTA, đẩy nhanh tiến độ phát triển hai Con đường tơ lụa và cùng với các nước khác đề ra các biện pháp thực thi cụ thể.

Để làm sâu sắc hơn chiến lược này, Trung Quốc cũng cam kết đẩy nhanh các cuộc thương lượng FTA song phương và đa phương, trong đó có việc sớm hoàn tất các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Australia, thúc đẩy nâng cấp FTA với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đạt những tiến triển cụ thể trong đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, và thúc đẩy tiến trình thương lượng FTA Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ có lối tiếp cận mở với các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng như các FTA hay sáng kiến trong khu vực và với các khu vực khác.

Trung Quốc đặt mục tiêu đạt kim ngạch 1.000 tỷ USD trong thương mại với các nước thành viên ASEAN vào năm 2020. Trong khi đó, kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc - Nga dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD trong bảy năm tới.

Julio Rios, một chuyên gia về Trung Quốc ở Tây Ban Nha, cho rằng với các kế hoạch chiến lược đó của Trung Quốc, các nước lân cận có thể chia sẻ lợi ích từ sự thịnh vượng của nước này và việc Trung Quốc làm mới quan hệ kinh tế với bên ngoài có thể là yếu tố tích cực đối với cả châu Á.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu John Lee ở Trung tâm nghiêm cứu an ninh quốc tế ở Đại học Sydney cho rằng FTA giữa Trung Quốc với ASEAN cho thấy quyết tâm của Trung Quốc vì sự thịnh vượng của quốc gia và lợi ích chung trong khu vực.

Đồng thời, Trung Quốc cũng tham gia tích cực vào quá trình cải cách quản trị kinh tế quốc tế để có được tiếng nói có trọng lượng hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn chung.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương cho biết nước này cần có vai trò lớn hơn trong việc hoàn thiện các quy định và các chuẩn mực kinh tế và thương mại quốc tế, nhằm tạo lập một trật tự kinh tế toàn cầu hợp lý hơn.

Kinh tế Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Năm 2014, nước này sẽ tăng cường ngoại giao kinh tế song hành với những nỗ lực thực hiện những cải cách toàn diện và sâu sắc hơn./.