G20- Đồng thuận vẫn chung chung
TCCS ĐT - Sau những bất đồng và căng thẳng tưởng chừng không thể vượt qua, lãnh đạo các nền kinh tế lớn của thế giới tham dự Hội nghị các nền kinh tế lớn và mới nổi (G20) đạt kết quả được cho là "vượt xa cả sự mong đợi”. Trong đó, quan trọng nhất là thoả thuận chung về cách thức đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, quyết định bơm thêm hơn 1.000 tỉ USD vào nền kinh tế thế giới thông qua các định chế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, các đồng thuận còn lại phần nhiều vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thiếu tính cụ thể và triệt để do các nước không dễ từ bỏ lợi ích riêng.
Dấu ấn châu Âu
Trái với lo lắng của một số nước về mâu thuẫn gay gắt giữa Mỹ và châu Âu trong cách thức giải quyết khủng hoảng kinh tế thế giới có thể sẽ khiến hội nghị bị đổ vỡ, đây lại là một trong những chủ đề gặt hái được nhiều kết quả quan trọng nhất. Trong khi Oa-sinh-tơn chủ trương vực dậy nền kinh tế bằng những khoản tiền khổng lồ giữa lúc ngân sách đang cạn kiệt, Liên minh châu Âu (EU) đứng đầu là Pháp, Đức lại đưa ra một loạt đề nghị khác tập trung nỗ lực điều tiết tài chính thế giới vì cho đây là nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu hiện nay.
Thủ tướng Đức A.Méc-ken cho rằng: "khủng hoảng xảy ra không phải do chúng ta chi ít tiền, mà bởi chúng ta tạo ra tăng trưởng kinh tế với quá nhiềutiền và sự tăng trưởng này không bền vững; do vậy, giải pháp để vượt qua khủng hoảng là "không lặp lại những sai lầm cũ".
Trong khi đó, Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di tuyên bố không chấp nhận một "hệ thống tài chính tư bản vô nguyên tắc và vô đạo đức", thậm chí còn dọa rút khỏi Hội nghị nếu những đề xuất của Pháp về cải tổ hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế không được giải quyết.
Tuy nhiên, cuối cùng các nhà lãnh đạo G20 đã cam kết thắt chặt những quy định đối với các quỹ đầu cơ, tăng cường vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trừng phạt các "thiên đường" thuế, kiểm soát các công ty xếp hạng, giới hạn tiền lương và thưởng của giới chủ, xem xét lại các chuẩn kế toán quốc tế và tạo ra một cơ quan giám sát chặt chẽ các ngân hàng.
Đây được đánh giá là một chiến thắng ngoài sự mong đợi của EU nhờ vào sự đoàn kết nhất trí cao của "bộ đôi" Pháp - Đức. Theo nhận định của giới báo chí Pháp, hai cường quốc lớn của lục địa già đã làm điều này bởi họ tìm thấy ở đó lợi ích chung, và nhất là, vì họ cần phải chiến thắng một Tổng thống Mỹ hiện còn đang "phải chịu sức ép của thị trường Phố Uôn.
Tại Hội nghị G20, nơi tạo ra những thế quân bình mới trên thế giới, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp, cuối cùng, cũng đã dẹp sang một bên những bất đồng và chỉ trích lẫn nhau thường thấy trong thời gian gần đây để cùng làm nênmột "bản hoà âm không chê vào đâu được", khiến cả thế giới phải lắng nghe.
Một trong những quyết định đáng chú ý nữa của G20 liên quan đến việc gia tăng ngân sách cho IMF cũng như Ngân hàng Thế giới (WB). Trong thời gian sắp tới, ngân sách của quỹ này sẽ tăng gấp 3 lần, từ 250 tỉ USD lên 750 tỉ USD để cho các nền kinh tế vay khi cần thiết. Ngoài việc củng cố vai trò của IMF, các lãnh đạo G20 còn đồng ý cung ứng 100 tỉ USD khác cho WB và một số định chế tài chính đa phương khác để cấp tín dụng cho các quốc gia thu nhập thấp. Bên cạnh đó, còn có 250 tỉ USD dùng vào việc thúc đẩy thương mại.
Thiếu đột phá ở nhiều bất đồng
Trong thông cáo chung của Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà G.Brao cho rằng, G20 đã "đạt được mức độ đồng thuận cao". Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã đánh giá kết quả đạt được tại G20 là "bước ngoặt" cho nền kinh tế thế giới, dù chưa có được bước đột phá mới nào về gói kích thích tài chính toàn cầu vốn đang ngày một nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định kết quả mà các nhà lãnh đạo G20 đạt được lần này cụ thể về mặt tài chính, song mơ hồ trong kích thích kinh tế. Quả vậy, các bên chỉ tuyên bố một cách chung chung rằng: mỗi quốc gia sẽ làm tất cả những gì cần thiết.
Phát biểu tại một cuộc họp báo sau Hội nghị G20, Thủ tướng Anh G. Brao cho biết các nhà lãnh đạo G20 sẽ xây dựng lại lòng tin vào hệ thống tài chính nhằm ngăn chặn sự tái diễn của cuộc khủng hoảng như hiện nay. Tuy nhiên, những biện pháp được đề xuất mới chỉ nhằm vào những ảnh hưởng chứ chưa đánh được vào gốc rễ của khủng hoảng. Tuyên bố được đưa ra khá chung chung về mục tiêu giải quyết tình trạng tài sản xấu trong hệ thống tài chính của châu Âu và Mỹ, chứ chưa hề có được các biện pháp hành động cụ thể.
Theo nhà kinh tế J. Ru-đô-phơ của IHS Global Insight, Hội nghị lần này vẫn chưa giải quyết được vấn đề xử lý các tài sản xấu, rủi ro cao trong hệ thống tài chính - nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm tín dụng, tiếp tục kìm hãm hệ thống tài chính và cản nguồn tín dụng. Ông cho rằng khó có thể đạt được sự phục hồi kinh tế bền vững nếu không giải quyết được vấn đề này.
Mặt khác, nỗ lực của châu Âu trong việc thúc đẩy một hệ thống giám sát toàn cầu đối với hệ thống tài chính đã bị cản trở đáng kể từ phía Mỹ. Mặc dù G20 đã thống nhất thành lập một ban ổn định tài chính để giám sát hệ thống tài chính nhằm tìm ra những dấu hiệu rủi ro, song vẫn chưa cấp cho các nhà giám sát thẩm quyền xuyên biên giới. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát những định chế tài chính có vai trò quan trọng trong hệ thống. Theo nhận định của giáo sư kinh tế học S. Giôn-sơn thuộc Viện Công nghệ Ma-sa-chu-sét, thỏa thuận về quy chế giám sát tài chính gần như là con số 0.
Vấn đề minh bạch hóa hoạt động của các «thiên đường» thuế cũng không phải đã giành được quyết tâm tuyệt đối.Châu Âu và Mỹ đồng ý minh bạch hóa hoạt động của các thiên đường thuế, riêng Trung Quốc muốn duy trì ưu thế của Hồng Công và Ma Cao. Ngoài ra, mặc dù tất cả các nhà lãnh đạo G20 đều nhất trí bài trừ bảo hộ mậu dịch. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng những điều đã xảy ra sau hội nghị vào cuối năm ngoái sẽ không lặp lại trong thời gian tới.
Tại hội nghị lần trước, G20 đã đưa ra lời hứa sẽ không gia tăng các rào cản mới đối với đầu tư và thương mại trong vòng 1 năm. Đúng hai ngày sau khi hội nghị kết thúc, Nga tuyên bố tăng thuế nhập khẩu xe hơi. Một ngày sau đó, Ấn Độ áp thuế nhập khẩu 5% đối với nhiều sản phẩm sắt thép. Một tháng sau, Bra-xin phê chuẩn việc tăng thuế nhập khẩu chung trong khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) đánh vào một số loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước bên ngoài khối, bao gồm hàng dệt may và rượu. Trung Quốc tăng hoàn thuế xuất khẩu cho hơn 3.700 mặt hàng của các công ty trong nước. Quốc hội Mỹ phê chuẩn điều khoản "Người Mỹ dùng hàng Mỹ" trong đạo luật kích thích kinh tế của ông B.Ô-ba-ma. Kể từ đó đến nay, chỉ chưa đầy 5 tháng, WB thống kê 17 trong tổng số 20 quốc gia thành viên của G20 đã áp dụng tới 47 biện pháp mang tính chất bảo hộ thương mại.
Giới phân tích cho rằng tuy Hội nghị G20 không thể làm cho kinh tế thế giới nhanh chóng hồi phục, nhưng số tiền hơn 1.000 tỉ USD bơm vào các thể chế tài chính quốc tế sẽ phát huy tác dụng. Chia sẻ ý kiến này, một nhà chiến lược kỳ cựu của công ty BGC Brokers cho rằng khoản tiền nêu trên của G-20 chưa thể cứu nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi suy thoái, nhưng ít ra cũng có thể ngăn chặn đà suy thoái.
Có thể nói, Hội nghị G20 tại Luân Đôn mới chỉ là sự khởi đầu, chứ không phải là bước kết thúc tiến trình tìm kiếm liều thuốc "phục sức" cho kinh tế thế giới. Với tình hình khủng hoảng hiện nay, ngay cả người lạc quan nhất cũng chỉ dám dự đoán kinh tế thế giới có thể khởi sắc vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010.
Thế giới sẽ bớt "nghiêng"
Trong nhiều năm qua, không ít người cho rằng, nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 là một nhóm quốc gia lỗi thời ở phương diện là đầu tàu kinh tế chính trị của thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chơi. Sau nửa thập kỷ tồn tại mà chẳng mấy tiếng tăm và chỉ khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, G20 đã trở thành diễn đàn duy nhất quy tụ toàn bộ các "anh tài" của hệ thống tài chính toàn cầu.
Từ quý 3 năm 2008, khi khủng hoảng lan ra khắp thế giới, các cuộc họp của G20, thay vì G8, đã trở thành những cuộc họp chủ chốt. G20 không chỉ bao gồm các cường quốc công nghiệp trong G8, mà còn bao gồm các nước BRIC (Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), cùng với các nước xuất khẩu dầu lửa lớn. Là khối các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm tới 90% sản lượng, 80% trao đổi thương mại, và 60% dân số toàn cầu, G20 đang đóng một vai trò thực sự quan trọng trong quá trình từng bước giải quyết khủng hoảng và ổn định nền kinh tế thế giới. Hội nghị thượng đỉnh Luân Đôn đã tăng cường vai trò và in dấu ấn của các quốc gia đang nổi lên đặc biệt là Trung Quốc, báo hiệu cho một kỷ nguyên mới mà ở đó các quyết sách về tương lai của kinh tế toàn cầu sẽ không chỉ là quyết định của một nhóm nhỏ các cường quốc phương Tây./.
Nghi thức tưởng niệm các Vua Hùng nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương  (03/04/2009)
Diễn đàn UNESCO lần thứ 12: Cảnh quan của các đô thị lịch sử  (03/04/2009)
Mỹ không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cu-ba  (03/04/2009)
Sơ kết công tác triển khai Đề án 06 giai đoạn 2006-2010  (03/04/2009)
Diễn đàn UNESCO lần thứ 12: Cảnh quan của các đô thị lịch sử  (03/04/2009)
Mục lục Tạp chí Cộng sản số 797 (3-2009)  (03/04/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên