Căng thẳng xã hội leo thang tại Trung Đông và Bắc Phi cùng với gia tăng cách biệt trong thu nhập sẽ là hai xu hướng đứng đầu trong danh sách dự báo 10 xu hướng nổi bật của thế giới trong năm 2014, do các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện và công bố ngày 15-11.

Dự báo được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước thành viên Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng vọt, ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện là 26,6% và ở Hy Lạp là 27,6%, trong đó thất nghiệp trong thanh niên Hy Lạp lên tới 75%.

WEF cảnh báo một thế hệ thanh niên thất nghiệp có thể khiến Eurozone “tan đàn xẻ nghé” nếu như các nước thành viên không có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn nạn này.

Bên cạnh đó, các vấn đề khác mà WEF dự báo sẽ chiếm vị trí chủ đạo trong nghị sự toàn cầu năm 2014 còn bao gồm gia tăng các cuộc tấn công mạng, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu tại châu Á, tầm quan trọng ngày càng tăng của các siêu đô thị, thế bế tắc trong nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu, phổ biến thông tin sai lệch trên Internet, niềm tin vào chính sách điều hành kinh tế của ban lãnh đạo đất nước suy giảm...

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành cho thấy 99% số người Hy Lạp tham gia khảo sát nói rằng tình hình tại đất nước họ ở mức tồi tệ.

Tỷ lệ này ở Anh cũng cao đến 83%, trong khi ở Trung Quốc chỉ là 10%. Có tới 95% số người Hy Lạp tham gia khảo sát cho rằng hệ thống kinh tế ở nước họ chỉ phục vụ người giàu. Con số này ở Mỹ là 60% và ở Australia là 44%.

Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh các xu hướng mới, trong đó có hậu quả của việc khai thác khí đá phiến sét, thiếu hụt các thể chế dân chủ, gia tăng các tập đoàn đa quốc gia tại các thị trường đang phát triển và sự phát triển của ngành vũ trụ.

Người sáng lập WEF và chủ tịch điều hành của diễn đàn Klaus Schwab cho biết, tính chất phức tạp của các xu hướng thúc đẩy toàn thế giới phải hợp tác khẩn cấp nếu muốn giảm nhẹ các hậu quả xấu và tận dụng tác động tích cực của các xu hướng đó./.