Cho ý kiến dự án Luật Xây dựng, Bảo vệ môi trường
Tăng cường giám sát cộng đồng đối với các công trình xây dựng
Liên quan đến nội dung về quy hoạch xây dựng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật, nhằm kế thừa được quy định của Luật Xây dựng hiện hành, bảo đảm nguyên tắc quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch đầu tư và công cụ quản lý khi luật mới chưa được ban hành.
Tuy nhiên, các đại biểu Lê Trọng Sang, Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng không nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật mà đưa nội dung về quy hoạch xây dựng, kết hợp với nội dung Luật quy hoạch đô thị thành một luật mới, có phạm vi điều chỉnh quy hoạch của cả 3 đối tượng gồm vùng, đô thị và nông thôn.
Đại biểu Lê Trọng Sang giải thích rằng trong các điều khoản quy định về quy hoạch xây dựng không điều chỉnh nội dung nào liên quan đến trách nhiệm của đội ngũ làm quy hoạch hay trách nhiệm các cơ quan lập, thẩm định, xét duyệt quy hoạch...
"Trong thực tiễn vừa qua, chính do phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng không bao phủ dẫn đến chất lượng quy hoạch kém, nhiều đề án quy hoạch không hoàn chỉnh... Hơn nữa, trong phạm vi điều chỉnh không nói đến đối tượng quy hoạch xây dựng, mà chỉ tập trung quy định đối tượng xây dựng. Xây dựng và quy hoạch xây dựng là hai đối tượng điều chỉnh khác nhau, đối tượng phạm vi điều chỉnh quy hoạch xây dựng rộng hơn đối tượng điều chỉnh của xây dựng. Đây cũng là hành lang pháp lý, quy định để ràng buộc các tổ chức liên quan đến quy hoạch xây dựng," đại biểu Lê Trọng Sang nói.
Quan tâm đến việc tăng cường sự giám sát của cộng đồng trong lĩnh vực xây dựng, đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng. Quyết định đã có thời gian đủ để đánh giá, tổng kết để từ đó có thể đúc kết, bổ sung vào dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) cụ thể hơn.
Đại biểu này cũng nhận định rằng trong thực tế, giám sát trong cộng đồng chỉ giám sát được những công trình địa phương đầu tư, còn các công trình lớn của bộ, ngành Trung ương rất khó để giám sát. Nếu quy định rõ trong luật đầy đủ quy trình công bố, trách nhiệm, quyền hạn của cộng đồng giám sát sẽ góp phần phát huy được sự giám sát của nhân dân ở địa phương, hạn chế được tiêu cực trong quá trình xây dựng.
Nâng mức xử phạt đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường
Góp ý về nội dung bảo vệ môi trường rừng, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng từ ngàn xưa, phát triển của quốc gia dựa vào hai lợi thế rừng và biển. Tuy nhiên, dự án Luật hầu như chỉ nói đến biển đảo, trong khi rừng chiếm một vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng không được đề cập đến.
Đại biểu đề nghị, dự án Luật cần bổ sung thêm một chương riêng về bảo vệ môi trường rừng bởi nếu không sẽ mất cân xứng, không thể hiện được tầm quan trọng chiến lược của rừng trong phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh.
Vấn đề quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đại biểu Huỳnh Minh Thiện chỉ ra rằng: hiện nay các hành vi vi phạm môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phổ biến. Nguyên nhân không chỉ do buông lỏng quản lý mà còn do văn bản quy phạm pháp luật chưa cụ thể, xử lý chưa nghiêm. Vì vậy, dự án Luật cần bổ sung một chương về xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường để đảm bảo sức răn đe, tạo thuận lợi cho việc thực thi áp dụng pháp luật để có hình thức xử lý kịp thời…
Đề cập đến quy định về thanh tra, kiểm tra trong bảo vệ môi trường, theo đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị và nông thôn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người dân nhưng công tác thanh, kiểm tra trong bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, các vụ việc gây ô nhiễm môi trường do thanh tra phát hiện còn ít, nhiều vụ việc nghiêm trọng chủ yếu do lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện hoặc do người dân phản ánh.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đề nghị, ngoài quy định bắt buộc thanh tra định kỳ 2 lần/năm, dự án luật cần bổ sung quy định ít nhất 1 lần thanh tra đột xuất, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về môi trường.
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Phạm Văn Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ: Dự án Luật đã đưa chi tiết những hành vi cấm trong quản lý môi trường nhưng chế tài thực hiện còn nhiều hạn chế. Do đó, dự án Luật cần nâng mức xử phạt, "đánh" vào tài chính của doanh nghiệp; đồng thời bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Phụng (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu thêm về quy định xử phạt trong dự án Luật./.
Đối thoại Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc  (12/11/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 04 đến ngày 10-11-2013  (12/11/2013)
Festival Huế 2014 sẽ diễn ra từ 12 đến 20-04-2014  (12/11/2013)
Tổng thống Vladimir Putin viết bài ca ngợi quan hệ Việt - Nga  (11/11/2013)
Chủ tịch nước truy, phong tặng danh hiệu Anh hùng  (11/11/2013)
Trao Huân chương Hữu nghị tặng bà Marie Bashir  (11/11/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên