Công điện ứng phó áp thấp trên Biển Đông
Theo đó, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 84 ngày 4-11-2013; tiếp tục thông báo, hướng dẫn và kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang ở trong khu vực nguy hiểm trên biển từ vĩ tuyến 8 đến vĩ tuyến 15 di chuyển, trú tránh an toàn, kể cả khu vực biển Tây (Cà Mau, Kiên Giang).
Đối với các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu cần kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông và căn cứ tình hình thực tế chủ động thực hiện cấm biển trong ngày 6-11.
Các tỉnh tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di chuyển và có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản; cần chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình; rà soát, sơ tán dân vùng ven biển, cửa sông. Công việc phải hoàn thành trước 19 giờ ngày 6-11.
Đồng thời, các tỉnh cần chuẩn bị lực lượng để kiểm soát giao thông tại các khu vực đường có khả năng bị ngập, bến đò, đường ngầm để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm bảo đảm an toàn. Theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, cảnh báo cho dân cư sống ven sông suối, vùng trũng thấp có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp đối phó.
Nội dung công điện cũng yêu cầu các tỉnh chỉ đạo kiểm tra, vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho hạ du và công trình; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán nhân dân vùng hạ du. Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến của bão, mưa lũ, công tác chỉ đạo đối phó; đưa các thông tin về hướng dẫn neo đậu tàu thuyền và chằng chống nhà cửa để nhân dân biết, chủ động thực hiện. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, Bùi Minh Tăng, cho biết: Nhiều khả năng vùng tâm áp thấp nhiệt đới (có khả năng mạnh lên thành bão số 13) sẽ đi vào vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu; dự báo đêm 6-11, rạng sáng ngày 7-11, bão sẽ cập bờ, với cường độ cấp 8-9, hướng di chuyển chệnh xuống khu vực Nam Bộ.
Đáng lưu ý là theo sau áp thấp nhiệt đới còn có một cơn bão khác (tên quốc tế là Hải Yến - Haiyan) đang tiến nhanh về phía Đông Nam Biển Đông. Cả áp thấp nhiệt đới và bão Hải Yến có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa và đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ nước ta.
* Vào 15 giờ chiều 5-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương với các tỉnh trong vùng ảnh hưởng của áp thấp và bão để triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão kép (số 12 và 13) cùng cơn bão số 14.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, trong khi cơn bão số 12 còn ở giữa Biển Đông, một áp thấp nhiệt đới hình thành ngày 4-11 đang mạnh lên thành bão số 13, di chuyển rất nhanh, có lúc lên tới 40 km/h, tiến thẳng vào Biển Đông. Đến 15h ngày 5-11, bão đã áp sát các đảo phía Đông của quần đảo Trường Sa, cường độ gió cấp 7, giật cấp 8-9. Dự báo bão tiếp tục di chuyển nhanh, khoảng 30km/h, đến 13h ngày 6-11, bão sẽ vào sát ven biển Khánh Hòa - Bình Thuận và mạnh lên cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Dự báo, sớm từ 15-16h, muộn thì 19-20h ngày 6-1 bão sẽ vào bờ với sức gió mạnh từ cấp 9, giật cấp 11. Trước, trong và sau bão kèm theo các cơn giông, mưa dồn dập, có khả năng gây thiệt hại ở toàn bộ khu vực miền Nam, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên.
Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, ngoài khơi biển Thái Bình Dương hình thành cơn bão Haiyan (số 14) rất mạnh và nếu vượt qua Philippines sẽ vào Biển Đông ngay sau cơn bão số 13 tan (khoảng ngày 8-11) với cường độ mạnh hơn, tốc độ cao hơn và diễn biến phức tạp hơn.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, Bùi Minh Tăng, cho biết thêm: Cơn bão số 15 đang chuẩn bị hình thành ở phía Nam Biển Đông cũng có khả năng sẽ đe dọa vùng biển và đất liền nước ta.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, công tác phòng chống lụt bão đã được triển khai khẩn trương từ Trung ương đến địa phương. Việc kêu gọi tàu thuyền đã sớm được triển khai, nhưng hiện còn 905 phương tiện/11.750 lao động đang hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Trường Sa, 7.410 tàu thuyền/45.635 hoạt động ven bờ từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tình hình hồ chứa thủy lợi từ Quảng Ngãi - Bình Định đang chứa 50-60% dung tích thiết kế, từ Bình Định, Tây Nguyên đều đang đầy nước, nhiều hồ đang tràn tự do. Có 5/35 hồ thủy điện khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đang xả tràn dù 3 ngày qua trên cả nước hầu như không mưa hoặc mưa nhỏ. Trong khi sông ở miền Trung, Tây Nguyên mực nước thấp thì sông ở Nam Bộ đang ở mức báo động 2, báo động 3.
Các địa phương cũng báo cáo khẩn về một số vấn đề trong công tác ứng phó. Hiện nay, cấp bách nhất là phải kêu gọi tàu thuyền về trú tránh; một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện cũng cần có những biện pháp kiểm soát, theo dõi cẩn trọng. Khánh Hòa báo có 1 tàu bị hỏng, cách đường phân định hải lý Việt Nam - Indonesia 60 hải lý và đã được Bộ đội biên phòng cử 1 tàu ra hộ tống, giải cứu.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ tính nguy hiểm của những cơn bão liên hoàn đe dọa nước ta. Việc ứng phó, khắc phục và nhất là tinh thần cảnh giác, cẩn trọng phải được nhất quán triển khai trong mọi lực lượng, các lĩnh vực. Bão số 13 tuy dự báo có cường độ không lớn, nhưng lại hướng đến khu vực phía Nam, vốn nhà cửa yếu, tàu thuyền, lồng bè thủy sản nhiều và từ trước tới nay ít kinh nghiệm chống bão hơn. Trong khi bão số 12 chưa tan hẳn, bão số 14 sắp hình thành.
Trước hết, các lực lượng, địa phương thường xuyên theo dõi, thông báo kịp thời, liên tục diễn biến, đường đi phức tạp của cơn bão. Các địa phương, bộ đội biên phòng, ngành Thủy sản tiếp tục khẩn trương thông tin, kêu gọi tàu thuyền, phải biết cụ thể tình hình từng chiếc tàu thuyền, hướng đi, số người trên tàu để có biện pháp phù hợp.
Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện cấm biển, các phương án chuẩn bị sơ tán, chằng chống nhà cửa, rà soát các điểm xung yếu… Mọi công việc phải xong trước 13h trưa 6-11. Đặc biệt lưu ý các tỉnh Nam Bộ ven biển, Thành phố Hồ Chí Minh khi bão đổ vào chiều tối cùng triều cường sẽ gây tác hại kép.
“Tinh thần là sẵn sàng cho mọi tình huống và cảnh giác phải nhân đôi, nhân ba với những diễn biến ngày càng cực đoan và khó lường của thời tiết trong hiện tượng biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng quán triệt.
Đối với vấn đề hồ chứa, Phó Thủ tướng chỉ rõ và quán triệt tới các địa phương những hồ yếu, có nguy cơ mất an toàn khi mưa bão và yêu cầu các bộ, ngành địa phương có biện pháp ứng trực, bảo vệ và ứng phó cần thiết.
Phó Thủ tướng cũng cử 1 đoàn công tác liên ngành vào giúp các địa phương phòng chống các cơn bão sắp tới.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, năm 2013 có thể sẽ phá kỷ lục của năm 1969 với 19 cơn bão, áp thấp nhiệt đới khi đến giữa tháng 11 đã có 15 cơn bão trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến nước ta.
* Cùng với các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp để chủ động phòng, chống, ứng phó với diễn biến của bão số 12 và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã có công điện khẩn số 12 gửi các sở ngành, Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện triển khai thực hiện nghiêm túc phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Tại huyện Cần Giờ, nơi được dự đoán bị tác động nhiều của bảo, chính quyền và người dân địa phương đã chuẩn bị các phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão đổ bộ vào. Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện đã có chỉ đạo cấm các tàu thuyền ra khơi từ 19h ngày 5-11 và kêu gọi các tàu thuyền còn ở ngoài khơi trong tổng số hơn 1.000 tàu thuyền của huyện nhanh chóng tìm nơi tránh trú an toàn.
Tùy theo tình hình, huyện sẽ có phương án di chuyển hơn 1.000 dân trên xã đảo Thạnh An vào đất liền để bảo đảm an toàn; khẩn trương bố trí lực lượng túc trực để hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, không để người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh… khi bão đổ bộ.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Huỳnh Cách Mạng, cần phải kiểm đếm ghe thuyền, cảnh báo không cho xuất bến. Sau đó tiến hành thông tin tuyên truyền cho bàn con ngư dân trên địa bàn phòng tránh, chèn néo nhà cửa, những điểm xung yếu thì tập trung bảo vệ. Bên cạnh đó, chuẩn bị một số tàu thuyền để đưa ngư dân từ xã đảo Thạnh An vào bên trong.../.
Ngày 6-11 xử tái thẩm vụ "chung thân do giết người" ở Bắc Giang  (05/11/2013)
Thông cáo số 12 Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII  (05/11/2013)
Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992  (05/11/2013)
Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh Việt Nam thăm Lào  (05/11/2013)
Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban Hỗn hợp hợp tác Việt Nam - Thái Lan  (05/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay