TCCSĐT - Đào tạo và chuyển đổi nghề cho nhân dân ở các vùng tái định cư (để xây dựng thủy điện Sơn La) là hết sức cần thiết, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, để họ sớm ổn định cuộc sống, thích nghi với điều kiện nơi ở mới. Thực hiện di dân, tái định cư diễn ra trong điều kiện Điện Biên mới tách tỉnh nên gặp nhiều khó khăn.

Điện Biên là một tỉnh miền núi vùng Tây Bắc với dân số là 512.300 người. Kết quả thực hiện bố trí tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo Báo cáo tổng hợp của UBND tỉnh Điện Biên cho thấy trên địa bàn tỉnh có 4.329 hộ tái định cư tập trung, trong đó 1.495 hộ ở nông thôn và 2.834 hộ ở đô thị; ngoài ra, có132 hộ tái định cư tự nguyện.

Tái định cư tập trung đô thị bao gồm các vùng: Thị xã Mường Lay có 5 khu tái định cư: Cơ Khí, Nậm Cán, Đồi Cao, Chi Luông, Lay Nưa; thành phố Điện Biên Phủ có 1 khu và 2 điểm là khu tái định cư phường Noong Bua, điểm tái định cư Noong Bua, điểm Khe Chít; huyện Điện Biên có 1 điểm là thị trấn Điện Biên.

Tái định cư tập trung nông thôn gồm: huyện Tủa Chùa có 3 khu tái định cư là khu Huổi Lực (xã Mường Báng), khu Tà Huổi Tráng Tà Sì Láng (xã Tùa Thày), khu Huổi Lóng (xã Huồi Sò); huyện Mường Chà có 1 khu là Si Pa Phìn (Nậm Chim cũ); huyện Mường Nhé có 2 điểm là Nậm San và Tà Sìn Phùng; huyện Điện Biên có 1 điểm là Mường Nhà (xã Mường Nhà).

Tái định cư tự nguyện có ở Thị xã Mường Lay và huyện Tủa Chùa.

Một số kết quả bước đầu

Sau khi chuyển đến các vùng tái định cư, việc đào tạo và chuyển đổi nghề cho nhân dân là hết sức cần thiết, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động để họ sớm ổn định cuộc sống, thích nghi với điều kiện nơi ở mới. Đó cũng là chủ trương của Đảng và chính quyền các cấp.

Về mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, mỗi huyện ở tỉnh Điện Biên có một trung tâm giáo dục thường xuyên. Các cơ sở đào tạo nghề chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có trường dạy nghề, trường Cao đẳng Sư phạm, trường Trung học Y tế, trường Trung học Kinh tế kỹ thuật tổng hợp. Trong năm qua, 8 trung tâm giáo dục thường xuyên đã mở 50 lớp với 1.665 học sinh; 2 trung tâm Ngoại ngữ - Tin học: 35 lớp, 865 học viên; 4 trường trung cấp, dạy nghề: 9.414 sinh viên. Các lớp được mở theo nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương như hình thức vừa học vừa làm, từ xa, chính quy... với nhiều ngành nghề khác nhau như: tài chính, luật, xây dựng, kiến trúc, kinh tế, nông nghiệp... Công tác đào tạo nghề đang mở ra cơ hội cho mọi người dân các vùng tái định cư trong toàn tỉnh lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện của mình.

Tỉnh cũng đã tổ chức được 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 700 lượt người tham gia; tổ chức được 9 lớp học nghề ngắn hạn cho 352 lao động (trong đó: 07 lớp học nghề dưới 03 tháng cho 233 lao động nông thôn; 02 lớp học nghề thuyền trưởng cho 119 người). Riêng thị xã Mường Lay, đã tổ chức dạy nghề cho 382 lao động nông thôn (đạt 100% kế hoạch), trong đó lao động tái định cư 269 người với trình độ đào tạo sơ cấp nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo (được cấp chứng chỉ học nghề từ 3 tháng trở lên) đạt 28,7%.

Ngoài ra, cơ hội tiếp cận với đào tạo nghề, cũng như học tập, nâng cao trình độ được mở ra đối với tất cả mọi người dân các vùng tái định cư trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống trung tâm giáo dục và đào tạo thường xuyên, các trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn công tác đào tạo nghề ở các vùng tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên những năm qua còn có những bất cập sau:

Một là, tỷ lệ người lao động qua đào tạo (được cấp chứng chỉ học nghề từ 3 tháng trở lên) còn thấp. Điều này được thể hiện qua số liệu Báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên về “Tình hình, kết quả thực hiện Dự án di dân, tái định cư thuỷ điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên”. Tại vùng tái định cư thị xã Mường Lay, chỉ có 28,7% số người lao động có chứng chỉ học nghề từ 3 tháng trở lên; tại huyện Mường Chà, 100% lao động nông thôn chưa qua đào tạo, không có lao động được cấp chứng chỉ học nghề từ 3 tháng trở lên; tại huyện Mường Nhé, khu tái định cư Nậm San đang có 37 hộ dân đồng bào dân tộc Mông với 336 nhân khẩu, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp (làm nương, rẫy). Cả khu tái định cư, người dân có trình độ học vấn cao nhất mới chỉ có 01 người học đến lớp 10, còn lại chỉ ở bậc tiểu học hoặc mù chữ. Công tác đào tạo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa được thực hiện; tại thành phố Điện Biên Phủ, các hộ tái định cư trên địa bàn khu Noong Bua chủ yếu là các hộ phi nông nghiệp, hoạt động kinh doanh theo quy mô nhỏ lẻ và UBND thành phố Điện Biên Phủ không tổ chức phương án đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân tái định cư phi nông nghiệp trên địa bàn.

Hai là, bất cập về cơ chế, chính sách. Về chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, mua sắm công cụ lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 27 Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09-01-2007 chỉ hỗ trợ cho lao động nông nghiệp đăng ký chuyển sang nghề phi nông nghiệp. Quy định này đã gây khó khăn cho toàn bộ các hộ dân tái định cư trên địa bàn thị xã Mường Lay vì các hộ tái định cư nông nghiệp sau khi tái định cư thì không còn đất sản xuất nông nghiệp (tư liệu sản xuất chính) hoặc được giao diện tích nhỏ hơn, buộc người dân phải chuyển đổi mô hình sản xuất khác như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm,... trong trường hợp đó, người dân phải được đào tạo và mua sắm dụng cụ lao động để phù hợp với mô hình sản xuất mới. Đối với lao động trong hộ tái định cư phi nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, nghề cũ không còn phù hợp, để tồn tại, số lao động này bắt buộc phải đi học, chuyển đổi sang nghề khác và phải mua sắm công cụ lao động để phục vụ nghề mới. Tuy nhiên, với quy định của chính sách hiện hành, các đối tượng trên đều không được hỗ trợ, điều này làm cho việc chuyển đổi nghề của các hộ dân gặp nhiều khó khăn, gây tâm lý không tốt trong nhân dân.

Ba là, cơ cấu trình độ, cơ cấu nghề đào tạo chưa phù hợp, chưa bổ sung kịp thời các nghề mới theo yêu cầu của thị trường lao động. Số lượng chương trình khung và chương trình dạy nghề đã lạc hậu. Nhìn chung, các cơ sở dạy nghề chưa chú trọng đầu tư xây dựng chương trình, giáo trình bằng các nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia được Nhà nước cung cấp hàng năm, mà chủ yếu dùng số tiền này mua sắm trang thiết bị và đồ dùng thực hành, thực tập và giảng dạy lý thuyết. Đội ngũ giáo viên dạy nghề thiếu về số lượng, cơ cấu ngành nghề đào tạo lại chưa phù hợp và hạn chế về chất lượng. Phương pháp dạy nghề chủ yếu là dạy chay, học chay. Cán bộ quản lý dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và thiếu kinh nghiệm quản lý. Nhiều giám đốc trung tâm dạy nghề huyện là cán bộ kiêm nghiệm, năng lực và trình độ không phù hợp. Ở cấp huyện, không có cán bộ chuyên trách về dạy nghề.

Nguyên nhân của bất cập và những vấn đề đặt ra

Một là, chính sách đối với nhân dân các vùng tái định cư chưa thật sự thỏa đáng, nhất là trong việc bồi thường và giao đất sản xuất, khiến nhân dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Số tiền bồi thường sau một thời gian sử dụng chi tiêu nay đã cạn kiệt, đất sản xuất thì thiếu. Hơn nữa, đất sản xuất lại kém màu mỡ so với nơi ở cũ và không phù hợp với phương thức canh tác của đồng bào, do đó ở một số vùng, tình trạng đói nghèo gia tăng. Do đời sống bấp bênh, không ổn định, học sinh ở các vùng này cũng không yên tâm học tập, bỏ học nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Đồng thời, chính sách hỗ trợ cho việc đào tạo và chuyển đổi nghề đối với đồng bào vùng tái định cư ở một số vùng vẫn còn thiếu.

Hai là, đầu tư cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Mặc dầu đã nhận được nhiều quan tâm và hỗ trợ của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân, song cơ sở vật chất ở các cơ sở đào tạo nghề của một số vùng, điểm tái định cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều thiếu thốn, khó khăn; thiếu phòng học, nhà vệ sinh, nhà công vụ, nhà ở cho giáo viên. Thêm vào đó, do thiên tai, mưa lũ, kết cấu hạ tầng và các công trình cũng bị hư hỏng, xuống cấp. Sự đầu tư cho trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu.

Ba là, chất lượng đội ngũ giáo viên còn chưa đạt yêu cầu. Mặc dù ngành giáo dục - đào tạo Điện Biên đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, song nhìn chung, so với miền xuôi, chất lượng giáo viên vẫn còn có những khoảng cách nhất định. Đội ngũ giáo viên còn thiếu và chưa đồng bộ về cơ cấu; trình độ và năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên ở các vùng tái định cư còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như sự thiếu thốn về nhà ở, vật chất, về bất đồng ngôn ngữ, về tình trạng bỏ học của học sinh...

Bốn là, do trình độ dân trí của đồng bào các vùng tái định cư còn hạn chế nên đã ảnh hưởng đến nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục - đào tạo, đến sự động viên và định hướng học tập cho con em của họ.

Năm là, việc thực hiện chủ trương đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp cho nhân dân ở một số vùng tái định cư chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong tham gia tiếp cận các cơ hội giáo dục - đào tạo ở một số nơi chưa tốt.

Từ thực trạng đào tạo nghề ở các vùng tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong những năm qua, có thể thấy nổi lên một số vấn đề cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần bổ sung và hoàn thiện các chính sách đối với các vùng tái định cư thủy điện Sơn La, nhằm góp phần tạo cuộc sống ổn định cho nhân dân các vùng này. Chẳng hạn, những chính sách về hỗ trợ sản xuất, chính sách đào tạo và chuyển đổi nghề cho nhân dân vùng tái định cư, chính sách thu hút vốn đầu tư ... Chỉ khi có cuộc sống ổn định, thì sự nghiệp giáo dục, đào tạo mới phát triển vững chắc được.

Thứ hai, tăng cường đầu tư tài lực và nhân lực cho giáo dục - đào tạo, nhất là ở các vùng tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên, nhằm khắc phục những bất cập về cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo, cũng như những hạn chế về chất lượng của đội ngũ giáo viên.

Thứ ba, nâng cao nhận thức cho nhân dân tại các vùng tái định cư, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số để họ quan tâm hơn đến việc học tập của con em mình, đồng thời có ý thức nâng cao trình độ dân trí, học nghề để cải thiện cuộc sống của mình.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tổ chức chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động trong toàn tỉnh nói chung, vùng tái định cư nói riêng./.

• Số liệu trong bài từ Báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên về tình hình, kết quả thực hiện dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Điện Biên.