TCCSĐT - Ngày 26-10, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 10-2013. Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì họp báo. Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong tháng 10, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết pháp luật và lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện, nổi bật là:

Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,49%; 10 tháng đầu năm tăng 5,14%, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua.

Dư nợ tín dụng đến 23-10 ước tăng 6,48%. Mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định. Xuất khẩu tăng trưởng khá cao, 10 tháng ước đạt 108 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước đạt 108,16 tỷ USD, tăng 15,2%; nhập siêu khoảng 187 triệu USD, bằng 0,17% kim ngạch xuất khẩu.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng; trong 10 tháng vốn đăng ký ước đạt 19,23 tỷ USD, tăng 65,6%; vốn thực hiện ước đạt 9,58 tỷ USD, tăng 6,4%. Giải ngân vốn ODA 10 tháng ước đạt 3,58 tỷ USD.

Thu ngân sách nhà nước tiếp tục gặp khó khăn, đến 15-10 mới đạt khoảng 70,1% dự toán cả năm; chi ngân sách nhà nước đạt 73,5% dự toán năm.

Sản xuất tiếp tục phục hồi; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,9%; 10 tháng tăng 5,4%. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi mạnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ nhưng vẫn ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 12,6%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 6,12 triệu lượt người, tăng 10,4%.

An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, tích cực hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ; tăng mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công; trợ giúp xã hội; thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững. Tạo việc làm cho khoảng 1,27 triệu người, đạt 79,2% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn nhận định nền kinh tế phục hồi chậm và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô có cải thiện nhưng chưa vững chắc; dư nợ tín dụng tăng chậm; nợ xấu còn cao. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; khả năng tiếp cận vốn tín dụng còn hạn chế; tổng cầu và sức mua còn yếu; thu ngân sách đạt thấp. Đời sống đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Tình hình tai nạn giao thông, cháy nổ và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Thời gian còn lại của năm không nhiều, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy kết quả đạt được, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, tạo đà cho năm 2014 - 2015.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan đến vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói rằng ngay khi có thông tin, Phó Thủ tướng phụ trách ngành, lĩnh vực đã có ý kiến và Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế, chính quyền địa phương phối hợp giải quyết. Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế, chính quyền các địa phương rà soát lại các quy chế, quy định, các văn bản về hành nghề y dược tư nhân và đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các cơ sở này. Qua các vụ việc đáng tiếc như đã nêu, hệ thống quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần soát xét lại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, không để những vụ, việc tương tự tái diễn.

Bộ trưởng chia sẻ: ngành Y tế đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân. Lực lượng của ngành trong cả nước hiện có khoảng 400 nghìn người, trong đó có khoảng 60 nghìn bác sĩ. Trong số đó, không tránh khỏi có những người biến chất, không tuân thủ y đức.

Về câu hỏi liên quan đến tiết kiệm chi tiêu công, Bộ trưởng cho rằng tiết kiệm với một đất nước còn nghèo như chúng ta là rõ ràng, là chủ trương nhất quán. Tiết kiệm phải ngay từ đầu tư, cả từ chủ trương đầu tư, bởi lẽ chủ trương đầu tư đúng cũng là một hình thức tiết kiệm. Đối với chi thường xuyên càng cần phải tiết kiệm. Liên quan đến việc mua sắm xe công, theo Bộ trưởng, sau nhiều năm “thắt chặt”, năm ngoái chúng ta có “mở” ra một chút tuy vẫn theo các quy định nghiêm ngặt. Việc khoán sử dụng xe công sẽ được nghiên cứu, đánh giá, hoàn thiện. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương lên kế hoạch tiết kiệm cụ thể cho năm kế hoạch tiếp theo, tiết kiệm những khoản nào, bao nhiêu và đăng ký với Bộ Tài chính.

Liên quan đến vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng cho rằng vấn đề này nằm trong chủ trương chung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Thoái vốn, nhất là từ bất động sản, chứng khoán,… phải có lộ trình, đồng bộ, bằng nhiều chính sách cụ thể, không thể vì mục tiêu muốn thoái vốn nhanh chóng mà làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành còn trả lời nhiều câu hỏi khác của các nhà báo./.