Đẩy mạnh công tác phát triển đảng trong công nhân
Giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng đất nước
Hiện nay, công nhân nước ta có khoảng 15 triệu người, bình quân mỗi năm tăng khoảng 1,3 triệu người. Mặc dù chỉ chiếm 33% tổng số lao động và 17% dân số cả nước, nhưng giai cấp công nhân Việt Nam đã góp phần làm ra hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Tổ chức công đoàn và đội ngũ công nhân, lao động luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu, đóng góp chủ yếu trong các cuộc vận động xã hội, nhân đạo... Sự hưởng ứng, đóng góp đó mang ý nghĩa rất sâu sắc, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Công đoàn Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cải cách hành chính, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực...
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định nhiệm vụ: “Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Tình hình phát triển đảng trong công nhân, lao động
Để bảo đảm cho giai cấp công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng, thời gian qua, các cấp công đoàn đã chú trọng đến công tác phát triển đảng trong công nhân, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Trong đó, chú trọng công nhân, lao động trẻ và công nhân thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước, góp phần đẩy mạnh công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình doanh nghiệp.
Cùng với công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, các cấp công đoàn đã tích cực đóng góp ý kiến phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ ở các cơ quan, đơn vị, đồng thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của công nhân, lao động với Đảng, Nhà nước để có những chính sách phù hợp. Giới thiệu những đoàn viên ưu tú, có trình độ, đủ năng lực tham gia vào các vị trí lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Theo số liệu tổng hợp báo cáo của công đoàn ngành và liên đoàn lao động các địa phương, từ năm 2009 đến nay, các cấp công đoàn đã giới thiệu 462.356 đoàn viên công đoàn ưu tú để các cấp ủy xem xét, bồi dưỡng, từ đó đã kết nạp được 403.334 đoàn viên vào Đảng.
So với yêu cầu của thực tiễn cách mạng nói chung và phong trào công nhân nói riêng, công tác phát triển đảng trong công nhân, lao động chưa đáp ứng được yêu cầu cả về cơ cấu, số lượng, chất lượng, đặc biệt số đảng viên mới được kết nạp hằng năm là công nhân, lao động trực tiếp sản xuất, cán bộ công đoàn cơ sở chiếm tỷ lệ thấp (khảo sát một số địa phương bình quân chỉ đạt từ 6% đến 8%). Ngay tại Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất có 534 doanh nghiệp ngoài nhà nước, thì chỉ có 23 doanh nghiệp có tổ chức đảng, trong đó có 17 công ty cổ phần, có 3 công ty trách nhiệm hữu hạn, 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, công tác phát triển đảng trong công nhân gặp phải một số khó khăn như: Đời sống văn hóa tinh thần còn nghèo, các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp còn thiếu thốn. Nhiều nơi công nhân không có điều kiện tiếp cận báo, đài và các phương tiện thông tin đại chúng khác, nên hiểu biết của công nhân về tình hình kinh tế - xã hội, về Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế. Do điều kiện sinh hoạt, làm việc thêm ca thêm giờ, hầu như công nhân, lao động có rất ít thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, hạn chế đến sự phấn đấu vươn lên, bảo đảm đủ điều kiện để được kết nạp vào Đảng.
Nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức cơ sở đảng, công đoàn cơ sở, chi đoàn thanh niên nên rất khó khăn trong việc theo dõi, chọn lựa, giới thiệu quần chúng tốt cho chi bộ xem xét kết nạp. Có doanh nghiệp có công đoàn nhưng không có tổ chức cơ sở đảng, nếu công đoàn giới thiệu đoàn viên ưu tú thì phải giới thiệu cho tổ chức cơ sở đảng khu công nghiệp hoặc đảng bộ khối doanh nghiệp. Một số chủ doanh nghiệp tư nhân không muốn có tổ chức cơ sở đảng hoạt động trong doanh nghiệp mình, nên không ủng hộ việc thành lập và hoạt động của chi bộ đảng, đoàn thanh niên trong doanh nghiệp. Vì vậy, công tác phát triển đảng gặp nhiều khó khăn. Có doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp mong muốn và tạo điều kiện thành lập chi đoàn thanh niên, chi bộ đảng nhưng lại chậm được các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, các lớp học tìm hiểu về Đảng kéo dài, tốn nhiều thời gian nên công nhân rất khó theo học, do đó, không đủ điều kiện để vào Đảng. Một số công nhân nhiệt tình phấn đấu nhưng không đủ điều kiện về trình độ học vấn như quy định của Điều lệ Đảng.
Giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong công nhân
1. Các cấp ủy đẩy mạnh việc phát triển đảng viên, thành lập tổ chức cơ sở đảng ở những doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng tại doanh nghiệp phù hợp với từng thành phần kinh tế; tăng tỷ lệ đảng viên là cán bộ quản lý xuất thân từ công nhân. Quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp những công nhân ưu tú cơ cấu vào các vị trí cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, ý thức giai cấp, tinh thần dân tộc cho công nhân, lao động, xây dựng tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, rèn luyện nâng cao ý chí phấn đấu vào Đảng cho công nhân.
2. Các cấp công đoàn, đoàn thanh niên chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để cho tổ chức đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp. Tổ chức thực hiện chỉ tiêu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra là: Bình quân hằng năm, mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên công đoàn ưu tú cho tổ chức đảng bồi dưỡng, xem xét kết nạp vào Đảng.
3. Chủ động, tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật đối với công nhân; tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách trong công nhân, lao động như bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập, đóng Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Y tế cho người lao động; xây dựng nhà ở, bệnh xá tại các khu công nghiệp, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ nơi có đông công nhân, lao động làm việc; chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài để phát triển Đảng.
4. Phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, tổ chức đại hội công nhân, viên chức, hội nghị người lao động bảo đảm thiết thực, phát huy được quyền làm chủ của công nhân, lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển đoàn viên. Tăng cường bồi dưỡng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở. Phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, tạo điều kiện cho công nhân rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên.
5. Các doanh nghiệp cần thực hiện tốt Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn, tạo điều kiện cho một số công nhân ưu tú đi học để nâng cao trình độ học vấn, bảo đảm đủ điều kiện, tiêu chuẩn của đảng viên để giới thiệu với chi bộ xem xét kết nạp vào Đảng. Giảm bớt thời gian, tìm biện pháp, hình thức thích hợp để tổ chức các lớp tìm hiểu về Đảng cho phù hợp với điều kiện lao động sản xuất của công nhân.
6. Tăng cường các buổi tuyên truyền pháp luật, đạo đức lối sống cho công nhân. Duy trì và phát triển các câu lạc bộ công nhân, tạo điều kiện cho công nhân tiếp cận sách báo, tài liệu, nâng cao nhận thức, giác ngộ về giai cấp, tìm hiểu về Đảng, noi theo gương sáng đảng viên.
7. Tích cực thực hiện công tác thành lập công đoàn cơ sở, chi đoàn thanh niên ở các doanh nghiệp chưa có các tổ chức này, để tổ chức các hoạt động, thu hút công nhân, lao động tham gia hoạt động công đoàn, đoàn thanh niên. Qua đó phát hiện quần chúng tốt để tạo nguồn cho công tác phát triển đảng trong công nhân./.
Đánh giá thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam  (18/09/2013)
May hơn khôn  (18/09/2013)
Việt Nam đi đúng hướng trên con đường phát triển  (18/09/2013)
WTO đánh giá cao sự thay đổi chính sách của Việt Nam  (18/09/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển