Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới
1- Thực hiện sự nghiệp đổi mới, những năm qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương và giải pháp về công tác dân vận. Nhiều chủ trương, nghị quyết đã đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, đón nhận, như Nghị quyết số 23-NQ/TW (khóa VII) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; Nghị quyết số 26-NQ/TW (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các nghị quyết về giai cấp công nhân, thanh niên, phụ nữ, trí thức, doanh nhân, tôn giáo, nghị quyết về người Việt Nam ở nước ngoài,...
Việc thể chế hóa các chủ trương về công tác dân vận thành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đã được các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm hơn. Công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, công khai các thủ tục, các chế độ chính sách, việc tổ chức tiếp dân, đối thoại và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân được coi trọng. Đạo đức, lối sống, phong cách cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có chuyển biến tiến bộ.
Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân phong phú, đa dạng và tích cực hướng về cơ sở. Nhiều chủ trương đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân và đã trở thành phong trào sâu rộng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, như Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới; khuyến khích làm giàu chính đáng; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,... Diện mạo nông thôn, đô thị khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Công tác đối ngoại nhân dân được mở rộng, góp phần nâng cao uy tín nước ta trên trường quốc tế cũng như trong khu vực. Nhân dân phấn khởi trước những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực và sự phát triển của đất nước.
Những thành tựu của quá trình đổi mới là do có sự đóng góp tích cực và toàn diện của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân và sự đóng góp không kém phần quan trọng của công tác dân vận. Nhận thức và trách nhiệm về công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và của các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến tiến bộ. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các hoạt động của tổ dân vận trong xây dựng nông thôn mới, tham gia giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng dân cư có hiệu quả và đi dần vào nền nếp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có nhiều chương trình phong phú, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước rộng lớn; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phối hợp và tham gia với các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân; kịp thời kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, các cơ quan nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách mới, được đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng.
Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Việc tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về dân vận có lúc chưa đến nơi, đến chốn, thiếu thường xuyên, liên tục, kém hiệu quả. Một số chủ trương, chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích chính đáng của một bộ phận nhân dân, gây bức xúc, khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài. Thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, vi phạm dân chủ. Một số cán bộ, công chức quan liêu, xa dân, hách dịch, cậy quyền; tệ nạn tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước coi công tác dân vận chỉ là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Không ít cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mối quan hệ Đảng, Nhà nước với nhân dân chưa được coi trọng đúng mức, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Những yếu kém về công tác dân vận trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trong đó, nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị, cơ sở về công tác dân vận chưa đầy đủ, còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy chậm đổi mới. Việc thể chế hóa các chủ trương, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền chưa kịp thời, không theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có nơi chưa hiệu quả; nhiều phong trào chưa thiết thực, còn mang tính hình thức; phương pháp vận động nhân dân còn thiếu linh hoạt. Việc kiểm tra, tổng kết và sửa đổi, bổ sung, ban hành các chủ trương, chính sách mới về công tác dân vận chưa kịp thời, làm hạn chế đến công tác dân vận của Đảng.
Bước vào thời kỳ mới, từng bước xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế thế giới, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp cách mạng nước ta cũng như công tác dân vận của Đảng đứng trước những thuận lợi và khó khăn. Cơ cấu xã hội thay đổi; công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, bao hàm cả những hệ lụy; vấn đề việc làm, thu nhập và giải quyết hài hòa lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội cần phải được coi trọng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đòi hỏi ngày càng cao hơn. Cần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch đang tìm mọi cách phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để làm tròn vai trò và sứ mệnh lịch sử, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thắng lợi, đưa đất nước vững bước đi lên, Đảng cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân cũng như khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hội nghị Trung ương 7 khóa XI đã ban hành Nghị quyết “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đây là một nghị quyết có giá trị lịch sử, mang ý nghĩa sâu sắc và toàn diện về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Nghị quyết đã nêu rõ mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để lãnh đạo quán triệt và tổ chức thực hiện trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, một trong những điểm yếu, hạn chế kéo dài thời gian qua, đó là việc tổ chức thực hiện một số chủ trương, nghị quyết của Đảng chưa đạt được kết quả như mong muốn; không ít vấn đề chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, việc tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở, có nơi, có lúc thiếu thường xuyên, liên tục. Nhiều chủ trương đúng được nhân dân đồng tình, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa đến nơi, đến chốn; mới dừng lại ở mức quán triệt chủ trương, chưa đi vào thực tiễn cuộc sống được nhiều, chưa thực sự tác động mạnh đến đời sống của nhân dân, do đó sức thuyết phục còn hạn chế.
2- Để tổ chức quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về công tác dân vận một cách có chất lượng và hiệu quả, yêu cầu các cấp ủy và tổ chức đảng, trước hết cần đổi mới, lựa chọn và tập trung giải quyết những giải pháp mang tính đột phá, then chốt cho cả quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, bao gồm một số giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, nhận thức đúng, thống nhất về công tác dân vận.
Đổi mới nhận thức của các cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị; của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác dân vận và trách nhiệm của từng tổ chức, từng người dân trong công tác dân vận của thời kỳ mới.
Đổi mới nhận thức là cả một quá trình, nhưng hiện nay trong nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... tuy nhận thức được vấn đề, nhưng lại phó thác, giao cho người khác thực hiện, xem như mình không có trách nhiệm. Vì vậy, cần đổi mới tư duy về nhận thức, về ý thức trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Trước hết là đổi mới về nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với công tác dân vận. Đây là vấn đề có ý nghĩa xuyên suốt trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết.
Đổi mới nhận thức phải được thể hiện ngay từ khi tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục và phổ biến nghị quyết. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và từng người dân thấy rõ vị trí, vai trò của nhân dân; nắm vững, nhất trí với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới.
Tuyên truyền, quán triệt nghị quyết làm chuyển biến nhận thức sâu sắc hơn về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong tình hình mới. Sức mạnh của Đảng là ở nơi dân, dân cần có Đảng dẫn đường, đưa lối. Mục đích của Đảng là vì dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không mưu cầu lợi ích nào khác.
Quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết phải làm chuyển biến từ nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên; trước hết là người lãnh đạo, người có chức, có quyền để làm gương và nêu gương. Kiên quyết chống quan liêu, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống, những tiêu cực và các tệ nạn xã hội, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ phổ biến và quán triệt nghị quyết chuyên sâu, nắm vững đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những nhiệm vụ và giải pháp của nghị quyết, thu hút sự quan tâm, chú ý của người nghe, tạo nhận thức và trách nhiệm mới về công tác dân vận.
Phát huy thế mạnh của các cơ quan thông tấn, báo chí, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục và giới thiệu những điển hình tiên tiến trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo” ở cơ sở có hiệu quả.
Thứ hai, đổi mới nội dung lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Đây là một giải pháp rất quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới. Quán triệt tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về công tác dân vận, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung chỉ đạo đưa vào chương trình cấp ủy để tổ chức thực hiện nghị quyết. Đồng thời, đổi mới nội dung lãnh đạo ngay từ khâu ra nghị quyết; ban hành chủ trương, chính sách phải thuận với lòng dân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Chỉ đạo việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết, xây dựng các đề án, chuyên đề cụ thể, thiết thực, sát hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, địa phương và cơ sở... Các chương trình hành động cần nêu rõ mục tiêu, nội dung, cách làm, bước đi, tiến độ thực hiện; chống hiện tượng sao chép, ban hành chiếu lệ, không sát với thực tiễn của cấp ủy chỉ đạo.
Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo các cơ quan nhà nước coi trọng việc thể chế hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản, các cơ chế, chính sách sát hợp với thực tế và xuất phát từ lợi ích thiết thực của nhân dân, theo tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Thường xuyên quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy trình lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào các đề án, chương trình kinh tế, xã hội trước khi cơ quan có thẩm quyền ký ban hành.
Coi trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện nghị quyết về công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; công khai các quy trình, các chế độ, chính sách; quy định cụ thể về trách nhiệm, phong cách, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức. Kiểm tra, đánh giá việc đổi mới cơ chế tiếp dân, giải quyết đơn thư, tổ chức đối thoại, đi cơ sở tiếp xúc với nhân dân; chủ động nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình kinh tế, xã hội; vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên. Quan tâm củng cố bộ máy tổ chức và chính sách cán bộ, bảo đảm đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ và kỹ năng làm công tác dân vận trong tình hình mới.
Nâng cao chất lượng tổ chức, sinh hoạt, hoạt động của tổ chức cơ sở đảng và năng lực lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư; phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường và củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng ngay tại từng địa bàn, cơ sở; với từng cán bộ, đảng viên.
Nội dung lãnh đạo của các cấp ủy phải bám sát thực tiễn, định hướng rõ nội dung, giải pháp cho các tổ chức trong hệ thống chính trị. Coi trọng định hướng cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tập hợp, vận động các tổ chức thành viên, đoàn viên, hội viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức phát triển sản xuất, kinh doanh, thi đua làm giàu chính đáng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước. Tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện nghị quyết, không bao biện làm thay. Mỗi tổ chức phải chịu trách nhiệm về nhiệm vụ chính trị của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Thứ ba, đổi mới phương pháp lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
Là chủ thể tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về công tác dân vận, trước hết và hơn lúc nào hết, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi đảng viên phải làm tốt trách nhiệm về công tác dân vận của mình; mỗi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang; cán bộ cơ sở, cán bộ thôn, bản, tổ dân phố phải là nòng cốt trong công tác dân vận của Đảng.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đổi mới phương pháp và kết hợp nhiều phương pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là trong chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; các hoạt động của đoàn thể ở cơ sở và cách thức tổ chức thực hiện các chương trình, các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở cơ sở. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các cấp ủy cần lựa chọn, xem xét từng vấn đề để chỉ đạo điểm, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề mới nảy sinh. Những vụ việc liên quan đến đời sống cộng đồng dân cư, cần tổ chức cho nhân dân thảo luận, bàn bạc kỹ lưỡng và cùng với nhân dân tìm cách giải quyết.
Tăng cường và đẩy mạnh sự phối hợp hoạt động giữa các lực lượng quần chúng trên địa bàn; phát huy vai trò của tổ dân vận, tổ hoà giải, các tổ chức quần chúng, người có uy tín, già làng, trưởng bản và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác dân vận.
Chỉ đạo việc tổ chức ký kết thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động giữa chính quyền, các đoàn thể, các lực lượng vũ trang, các hội quần chúng; giữa nhân dân các xã vùng ven đô, vùng giáp ranh, vùng biên giới, biển, đảo... tạo sự đoàn kết, thống nhất, giữ vững ổn định chính trị, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, xã hội.
Nâng cao hiệu lực và hiệu quả điều hành, chấn chỉnh lề lối làm việc, phương pháp tiếp dân, đạo đức và tác phong công vụ, nói phải đi đôi với làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, theo tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, gương mẫu trước nhân dân, để nhân dân tin tưởng noi theo.
Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về công tác dân vận là một quá trình lâu dài và phải thường xuyên gắn bó chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm tạo bước chuyển biến về kinh tế, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; từ đó góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Vương quốc Đan Mạch: Đối tác quan trọng của Việt Nam  (17/09/2013)
Tuyên bố chung Việt Nam - Hungary  (17/09/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Đại sứ Nhật Bản  (17/09/2013)
Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp  (17/09/2013)
Việt Nam ủng hộ, tình đoàn kết trước sau với Cuba  (17/09/2013)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên