Khôn khéo hay bất đắc dỹ?

Quách Quỳnh
20:59, ngày 09-09-2013
TCCSĐT - Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã gây bất ngờ lớn khi không tự quyết định tấn công quân sự Xy-ri mà xin phép Quốc hội. Cả hai đã hành xử không như truyền thống lâu nay ở cả hai nước.
Từ thời cựu Tổng thống Mỹ Ha-ry Tru-man (Harry Truman) với cuộc chiến tranh ở Triều Tiên đến ông B. Ô-ba-ma mới rồi với cuộc chiến tranh ở Li-bi và từ thời cựu Thủ tướng Anh Ma-ga-rít Thác-chơ (Margret Thatcher) với cuộc chiến tranh ở quần đảo Malvinas/Falkland với Ác-hen-ti-na đến một người tiền nhiệm của ông Đ. Ca-mê-rôn là Tô-ni Ble (Tony Blair) với cuộc chiến tranh ở I-rắc, những người đứng đầu nhà nước và chính phủ ở hai nước này đều hành động gây chiến và tham chiến trước rồi mới thông báo cho quốc hội. Cựu Tổng thống Pháp Ni-cô-lát Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) cũng tự quyết chứ không để Quốc hội Pháp quyết định việc gây chiến tranh ở Li-bi năm 2011. Hiến pháp cho họ quyền ấy và họ đã sử dụng để thể hiện bản lĩnh cầm quyền và quyết đoán.

Lần này lại khác. Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn đã phải chịu thất bại khi đa số dân biểu, trong đó có hơn 30 vị thuộc Đảng Bảo thủ cầm quyền của ông không đồng ý việc nước Anh tham gia tấn công quân sự Xy-ri. Ở Mỹ, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và cộng sự đang ráo riết vận động Quốc hội nhưng chưa ai dám chắc kết quả cuối cùng sẽ như thế nào. Tại Pháp, Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (Francois Hollande), một trong những người hăng hái nhất với chủ định tấn công quân sự Xy-ri, hiện cũng đang vấp phải sự nghi ngại và không đồng tình ngày càng tăng. Dư luận tại đây cũng ngày càng thiên về việc đòi hỏi tổng thống phải xin ý kiến quốc hội về gây chiến hay tham gia tấn công quân sự Xy-ri.

Có ý kiến cho rằng, Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã rất khôn khéo khi xin ý kiến quốc hội trước khi quyết định hành động. Nhưng cũng có không ít lại cho rằng đó là biện pháp mà họ buộc phải làm cho dù không muốn. Muốn phân định đúng sai có lẽ trước hết phải chỉ rõ điểm xuất phát của họ.

Thứ nhất, Xy-ri không giống như những nơi mà họ đã từng tiến hành chiến tranh. Ở đây, phe chính phủ đang thắng thế và phe chống chính phủ lại phân bè, chia phái. Tiềm lực quân sự của Chính phủ Xy-ri cũng đáng kể hơn nhiều so với ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc hay Li-bi. Mỹ và đồng minh lại không có con chủ bài chính trị ở Xy-ri, có nghĩa là không có lực lượng chính trị hay cá nhân nào để họ có thể tin cậy vào sự trung thành, để đầu tư và gây dựng sau khi lật đổ chính thể hiện tại ở Xy-ri. Điều đó có nghĩa là khả năng tấn công quân sự hay tiến hành chiến tranh thì dễ, nhưng muốn chiến thắng và nhanh chóng kết thúc chiến tranh để rồi thời hậu chiến có lợi cho họ thì lại không chắc chắn.

Thứ hai, kết quả thăm dò dư luận ở Mỹ và Anh đều cho thấy đa số dân chúng không muốn chính phủ nước họ can thiệp quân sự vào Xy-ri. Cả Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma lẫn Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn đều không thể phớt lờ ý nguyện của đa số dân, đặc biệt là ông Đ. Ca-mê-rôn bởi ông cần cử tri để tái cử lần tới.

Thứ ba, những bài học từ cuộc chiến tranh ở I-rắc đều rất đắt và vẫn còn rất thời sự đối với cả Mỹ và Anh như vết xe đổ mà họ phải hết sức tránh chứ không thể lại theo.

Thứ tư, cả Tổng thống B. Ô-ba-ma lẫn Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn và Tổng thống Ph.răng-xoa Ô-lăng-đơ
đều đã tự đẩy mình vào tình thế không còn có thể lùi. Ông B. Ô-ba-ma coi việc sử dụng vũ khí hoá học ở Xy-ri là "chỉ giới đỏ", hàm ý Mỹ sẽ hành động. Bây giờ, Chính phủ Mỹ quả quyết quân đội Chính phủ Xy-ri đã sử dụng vũ khí hóa học và tuyên bố đã có bằng chứng. Ông Đ. Ca-mê-rôn và ông Ph. Ô-lăng-đơ cũng vậy. Cả ba thậm chí còn tuyên bố sẽ hành động nhanh chóng.

Thứ năm, họ biết rằng Nga sẽ không để họ có được một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như trong trường hợp Li-bi, tức là sẽ bất chấp luật pháp quốc tế. Cái khó xử của họ là không thể không tấn công quân sự Xy-ri nếu như không muốn để bị mất mặt, bị coi là lời nói không đi đôi với việc làm và ở thế yếu, nhưng rủi ro của mọi hình thức và cấp độ can thiệp quân sự vào Xy-ri lại rất lớn. Cho nên họ mới buộc phải hạ bớt mức độ hăng hái và quyết tâm ban đầu, chuyển gạt trách nhiệm sang cho quốc hội.

Thủ tướng Đa-vít Ca-mê-rôn đã quá chủ quan khi không ngờ đến sự phản đối trong Quốc hội và trong chính đảng của mình. Còn Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma buộc phải thận trọng, tìm kiếm đồng minh để cùng gánh chịu trách nhiệm ở Mỹ cũng như trên thế giới. Không tự quyết và tự chịu trách nhiệm như thế là cách chấp nhận tổn hại uy danh hiện tại để tránh tổn hại cho cả sự nghiệp chính trị lâu dài. Đúng là có khôn khéo về sách lược, nhưng cũng bất đắc dĩ về tình thế.

Bởi thế, nếu có tấn công quân sự vào Xy-ri thì Mỹ cũng chỉ hành động ở mức độ hạn chế, chủ yếu để gỡ gạc về chính trị và răn đe, ép Chính phủ Xy-ri đi vào giải pháp chính trị./.