Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 2 đến 8-9-2013

Hồng Ngọc tổng hợp
20:54, ngày 09-09-2013
TCCSĐT - Ngày 6-9, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Ðề án tổng thể Đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan quản lý dân cư, giai đoạn 2013-2020 (Ban Chỉ đạo Ðề án 896) đã họp phiên đầu tiên nhằm thảo luận quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Ðồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp.

Ðề án 896 có mục tiêu là tạo sự đổi mới căn bản trong tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân được cấp mã số định danh cá nhân. Việc áp dụng thẻ công dân điện tử hoặc các phương tiện điện tử khác nhằm giảm giấy tờ công dân sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, đồng thời đặt nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thực hiện đề án là sự đổi mới cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về dân cư quốc gia, là cuộc cách mạng trong cải cách thủ tục hành chính, nhằm giảm bớt giấy tờ công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các ngành liên quan khẩn trương triển khai xây dựng công cụ thực hiện đề án, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân và thực hiện xây dựng cơ sở giữ liệu quốc gia, bảo đảm tiến độ của đề án.

TP. Hồ Chí Minh : Chấn chỉnh việc để tồn đọng hồ sơ của dân

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn gửi một số lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện về chấn chỉnh công tác cải cách hành chính tại các đơn vị này.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị tại nơi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của đơn vị, chấn chỉnh việc để tồn đọng hồ sơ của công dân và tổ chức.

Văn bản của UBND thành phố cũng nêu rõ: giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Sở Y tế chỉ đạo rà soát và trình UBND thành phố quyết định công bố bộ thủ tục hành chính của ngành theo quy định. Sở Thông tin & Truyền thông nghiên cứu triển khai ứng dụng phần mềm trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại phường, xã, thị trấn, giao Sở Nội vụ phối hợp Sở Thông tin & Truyền thông kiểm tra và tập huấn kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ phường, xã, thị trấn, đề xuất triển khai áp dụng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục đăng ký hộ khẩu tại công an quận, huyện.

UBND thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố, Sở Tư pháp, Bảo hiểm xã hội quan tâm chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong thực hiện một số thủ tục hành chính có liên quan đến hộ khẩu, hộ tịch, bảo hiểm y tế… tại phường, xã, thị trấn.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị tăng cường giám sát việc thực hiện Luật Công chứng

“Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động công chứng, có thể khẳng định sự ra đời của Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành là đúng đắn, thể chế hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và cải cách hành chính... phục vụ một cách thuận tiện cho nhu cầu công chứng ngày càng tăng của nhân dân”. Đây là đánh giá của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại phiên giải trình về “Hoạt động công chứng, chứng thực và giải pháp” do Ủy ban Pháp luật Quốc hội tổ chức ngày 5-9.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: sau 6 năm thi hành Luật Công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được khoảng 7 triệu việc, tổng số phí công chứng thu được là gần 2.600 tỷ đồng, tổng số thù lao công chứng thu được 180 tỷ đồng, tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng.

Hoạt động công chứng đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch; góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh”; giảm thiểu công việc cho Tòa án và các cơ quan nhà nước trong công tác giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện…

Hiện nay, cả nước có 1.327 công chứng viên, tăng 3,4 lần. Số lượng các tổ chức hành nghề công chứng cũng tăng lên mạnh mẽ (từ 84 lên 704, tăng 8 lần). Trong tổng số 704 tổ chức hành nghề có 564 Văn phòng công chứng, nhiều văn phòng công chứng hoạt động tốt, bước đầu tạo được thương hiệu, niềm tin trong nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công chứng vẫn còn những hạn chế như: một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó dẫn đến sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng văn bản công chứng; một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có hiện tượng cố ý làm trái, không tuân thủ quy trình, cạnh tranh không lành mạnh; một bộ phận tổ chức hành nghề công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nên thiếu tính ổn định, bền vững.

“Các hiện tượng nêu trên tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đã gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của hoạt động công chứng”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.

Trong hoạt động chứng thực - Bộ trưởng nhận xét - hiện cũng còn không ít bất cập như: một số UBND cấp huyện, xã vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân; do tình trạng “lạm dụng” bản sao, “sính” bản sao (trong khi pháp luật đã quy định chỉ cần bản chính để đối chiếu) nên đây đó đã xảy ra hiện tượng quá tải trong việc chứng thực; chất lượng văn bản chứng thực trong một số trường hợp chưa bảo đảm, đặc biệt việc chứng thực hợp đồng, giao dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng vẫn gặp nhiều lúng túng trong khâu tổ chức và thực hiện...

Nhằm khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiều giải pháp như: hoàn thiện thể chế về công chứng, tăng cường thanh tra, kiểm tra; khuyến khích, thúc đẩy việc thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên ở địa phương để tiến tới thành lập tổ chức công chứng toàn quốc. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên và hoạt động hành nghề công chứng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã đưa ra hai kiến nghị lớn, một là: đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và hai là: đưa việc xây dựng Luật Chứng thực vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thiện chế định công chứng, chứng thực trong giai đoạn mới.

Quận ủy Ngô Quyền (TP. Hải Phòng): Cải cách hành chính gắn với nâng cao tinh thần trách nhiệm

Ðẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức là một trong 8 nhóm vấn đề mà Ban Thường vụ Quận ủy Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) tập trung chỉ đạo ngay sau khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng. Hơn một năm qua, công tác cải cách hành chính và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tại các bộ phận "Một cửa", "Một cửa liên thông" ở quận Ngô Quyền đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại đây, mỗi tổ chức, doanh nghiệp và người dân khi đến làm các thủ tục hành chính đều được hướng dẫn cụ thể và được giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất với một thái độ phục vụ tốt nhất của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Ngô Quyền Bùi Thanh Sơn cho biết: Ðể đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, Quận ủy xác định, giải pháp về con người là then chốt, giải pháp về công nghệ thông tin là đột phá. Vì vậy, sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng, UBND quận đã lắp đặt camera ở bộ phận "Một cửa" tại UBND của 13 phường; lắp đặt camera ở bộ phận "Một cửa liên thông" và ở bộ phận tiếp dân tại UBND quận để giám sát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, Thường trực Quận ủy có thể theo dõi hoạt động của các bộ phận "Một cửa", "Một cửa liên thông" qua máy tính xách tay. Nhờ hệ thống camera giám sát, UBND quận đã kịp thời phát hiện một số cán bộ có hành vi tiêu cực trong khi thực thi nhiệm vụ.

Sau hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng, Ban Thường vụ Quận ủy Ngô Quyền đã xác định 8 nhóm vấn đề cần tập trung chỉ đạo ngay: Xây dựng các tiêu chí cụ thể về phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên trong các loại hình tổ chức cơ sở đảng; xây dựng và triển khai các biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên cấp quận và cơ sở; xây dựng các biện pháp, giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ; tăng cường công tác quản lý hồ sơ cán bộ trong quy hoạch; xây dựng quy trình ban hành, tổng kết các nghị quyết chuyên đề của Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy; tăng cường giám sát đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ ở bộ phận "Một cửa" tại UBND các phường; tập trung xử lý các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường đô thị.

Thực hiện những vấn đề cần làm ngay theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Ðảng, Quận ủy Ngô Quyền đang nỗ lực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là tại các bộ phận "Một cửa", "Một cửa liên thông". Quận ủy quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu ba giảm (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí); xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi công vụ. Để đạt được những mục đích đó, Quận ủy tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu là: Ðẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết những vấn đề bức xúc gắn với cải cách hành chính để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cấp chính quyền và đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền; thực hiện tuyển chọn, bố trí cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, công tâm, thạo việc vào các vị trí tiếp xúc với dân; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức trong công tác cải cách hành chính cho cán bộ, công chức; quy định trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu và tăng cường kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm, gắn với khen thưởng kịp thời; xây dựng các chế tài xử lý các sai phạm gây phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết công việc.

Giải đáp thắc mắc của cử tri về đề án chính quyền đô thị

Chương trình tọa đàm Lắng nghe và Trao đổi tháng 9-2013 do HĐND TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tuần qua nhằm để các đơn vị chức năng giới thiệu và giải đáp làm rõ hơn một số thắc mắc của cử tri về mô hình chính quyền đô thị.

Các ý kiến của cử tri tại tọa đàm thể hiện mong muốn việc xây dựng chính quyền đô thị phải tinh gọn bộ máy quản lý. Các cử tri cũng đặt câu hỏi trong chính quyền đô thị việc tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, HĐND sẽ được tổ chức như thế nào để phát huy cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý và nhân dân làm chủ. Ông Trần Văn Vượng - cử tri quận 8 nêu băn khoăn, đề án được xây dựng để phục vụ nhân dân là chính hay là phục vụ chức năng quản lý nhà nước là chính, vì mục tiêu đầu tiên đề án đặt ra là nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của nhà nước? "Và khi nói Nhà nước là của dân, do dân, vì dân thì trong mô hình mới không thể để các cơ quan đại diện cho nhân dân như HĐND hoạt động èo uột được. Không thể một năm chỉ có vài cuộc họp để giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân mà phải đổi mới từ chất lượng đại biểu, phương pháp hoạt động”, ông Trần Văn Vượng nêu ý kiến.

Bà Võ Thị Dung - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tp.Hồ Chí Minh cho biết, khi Mặt trận Tổ chức lấy ý kiến về đề án chính quyền đô thị, nhiều ý kiến băn khoăn khi thực hiện đề án này lợi ích của người dân sẽ như thế nào? Ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng mục tiêu của thành phố là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và mục tiêu của chính quyền đô thị là để phục vụ nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân ổn định cuộc sống, đầu tư phát triển. "Đề án này gắn liền với việc cải cách hành chính và cải cách hành chính gắn liền với lợi ích của người dân. Trong mô hình mới sẽ xác định rõ công vụ, nhiệm vụ của từng cơ quan, của từng người, điều này sẽ giúp biết rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân và không thể đùn đẩy trách nhiệm, qua đó cũng giúp nhân dân dễ giám sát. Khi chính quyền đã mang tính chất tự chủ và tự chịu trách nhiệm thì vai trò của HĐND rất cao, như thế cũng là nâng cao vai trò vị thế, tăng cường quyền làm chủ của người dân thông qua cơ quan đại diện cho người dân là HĐND”, ông Trương Văn Lắm nhấn mạnh. Về việc chỉnh sửa 102 văn bản luật để có thể triển khai thí điểm đề án chính quyền đô thị, bà Ung Thị Xuân Hương - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết thành phố sẽ nhanh chóng đề xuất những nội dung sửa đổi cụ thể để có thể trình Quốc hội thông qua một Nghị quyết để điều chỉnh bổ sung một số luật liên quan đến đề án.

Đánh giá tác động kinh tế, xã hội khi triển khai mô hình mới, theo ông Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố thì tác động về lâu dài là tích cực. Đó là sự tăng trưởng, tính năng động, tính cạnh tranh của thành phố sẽ được nâng cao, được phát triển sẽ tạo môi trường thu hút đầu tư tốt, có các tác động lan tỏa ra khu vực, tăng quyền làm chủ của người dân. Trong mô hình chính quyền đô thị, công cuộc cải cách hành chính sẽ nâng lên một tầm cao mới, để hình thành một bộ máy chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hành chính công, các dịch vụ công. Tuy nhiên, xét về mặt ngắn hạn thì nó có các tác động tiêu cực như có xáo trộn về bộ máy tổ chức, có thay đổi bộ máy cán bộ, việc điều chỉnh các địa giới hành chính sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và triển khai mô hình mới sẽ có các chi phí phát sinh. Trách nhiệm của thành phố là làm sao hạn chế, làm giảm những tác động tiêu cực này.

Công nghệ thông tin hỗ trợ cải cách hành chính

Hiện có không ít “sản phẩm nội” về công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ cho tiến trình cải cách hành chính và quản lý nhà nước tại Việt Nam.

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nghèo nhưng khả năng ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp lại được xếp vị trí khá cao 24/63 tỉnh, thành (Báo cáo Bộ Thông tin & Truyền thông năm 2012). Thực tế, phần mềm quản lý, tiếp nhận hồ sơ hành chính FPT.eGov của người dân đã được tỉnh Bắc Kạn triển khai tại thị xã Bắc Kạn, cùng 4 huyện: Bạch Thông, Chợ Mới, Na Rì và Pắc Nặm trong gần 4 năm qua.

Bên ngoài Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của thị xã Bắc Kạn, những thay đổi tích cực từ việc ứng dụng CNTT có thể thấy rõ. Từ khi áp dụng hành chính công một cửa, không còn thấy cảnh người dân túm tụm chờ xếp hàng làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất như trước.

Ông Phạm Văn Được, một người dân vừa hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho biết: “Khác với trước, nay hồ sơ xin đăng ký quyền sử dụng đất cho con trai của tôi được giải quyết rất nhanh gọn. Chúng tôi không còn phải đi lại nhiều lần, cũng không phải qua nhiều ban, ngành khác nhau như trước nữa. Thực tế tôi chỉ cần đến nộp hồ sơ và nhận giấy hẹn đến lấy kết quả tại duy nhất một trụ sở tiếp dân của thị xã Bắc Kạn ”.

Được biết, việc ứng dụng phần mềm quản lý tiếp nhận, xử lý hồ sơ trong đăng ký quyền sử dụng đất được Phòng Tài nguyên và Môi trường của thị xã Bắc Kạn ứng dụng từ năm 2009. Phó Trưởng Phòng này là ông Hoàng Thanh Hà cho biết: “Phần mềm do công ty FPT cung cấp cho chúng tôi. Những năm đầu ứng dụng để giải quyết công việc, chúng tôi và người dân đều thấy thuận tiện hơn hẳn, như: tiết kiệm thời gian xử lý hồ sơ, hạn chế tối đa sai xót khi nhập dữ liệu, minh bạch hóa tình trạng hồ sơ của người dân... Nay mọi việc trở thành bình thường và ai cũng quen với cách làm việc mới”.

“Với việc ứng dụng phần mềm này, công tác lưu trữ, công tác in ấn bản đồ, khu vực đất đai, giấy chứng nhận… của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Bắc Kạn trở nên thống nhất, dễ dàng hơn”, ông Hà nói thêm.

Không chỉ thế, việc trao đổi thông tin giữa các bộ phận trong phòng hay giữa các đơn vị chức năng trong thị xã Bắc Kạn cũng được thực hiện trực tiếp thông qua hệ thống mạng nội bộ, thay vì phải dùng toàn bộ bằng công văn như trước.

Nói về ý nghĩa của việc cải cách hành chính nhờ ứng dụng CNTT, ông Đinh Duy Hòa, (Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ) nhấn mạnh: “Yếu tố then chốt để cải cách thủ tục hành chính chính là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính và Chính phủ đã đặt ra yêu cầu đẩy mạnh hơn cải cách hành chính, trong đó có việc hiện đại hoá bằng CNTT”.

Quyết tâm của các cơ quan chính quyền và những kết quả cụ thể trong quản lý hành chính bằng CNTT đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ trong nước vào quá trình này, trong đó, Công ty FPT, với 25 năm kinh nghiệm. Hiện hệ thống FPT.eGov được ứng dụng tại hơn 500 cơ quan các cấp thuộc 22/63 tỉnh, thành phố./.