Suy nghĩ về Quyền con người trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Sau gần 30 năm đổi mới, trong bối cảnh lịch sử mới về bảo đảm và bảo vệ quyền con người, Đại hội đại biểu lần thứ XI (2011) của Đảng đã khẳng định: “Nhà nước chăm lo, phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân“(1).
Bảo đảm quyền con người thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia
Quyền con người là tổng hợp các quyền không thể bị tước đoạt phản ánh giá trị nhân phẩm của con người; thể hiện khát vọng của nhân loại muốn có được những tiền đề, điều kiện cần thiết cho một cuộc sống đầy đủ của con người; là vấn đề quan hệ cá nhân với nhà nước, con người với quyền lực; nó cũng là công cụ để mỗi người tự bảo vệ các quyền của mình trước cường quyền và bạo lực.
Ngày nay, quyền con người đã được quốc tế hóa về nhiều mặt nhưng việc bảo đảm quyền con người, trước hết và chủ yếu, vẫn thuộc thẩm quyền của các quốc gia. Trách nhiệm pháp lý này đã được Liên hợp quốc quy định trong các văn kiện quốc tế về nhân quyền. Mặt khác, Hiến chương Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh “Không quốc gia nào (khác), kể cả Liên hợp quốc, có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền quốc gia”.
Sự hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền là rất quan trọng, vì đã bổ sung thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, các cơ chế nhân quyền quốc tế chỉ nhằm bổ sung chứ không thể thay thế các cơ chế đang vận hành tại các quốc gia. Đối với việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trách nhiệm của quốc gia càng rõ - không có bất cứ một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có thể đảm đương được việc bảo đảm các quyền này thay cho các nhà nước. Đây là những nguyên tắc cần được nhận thức đầy đủ; không được mơ hồ, phân vân.
Bản “Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền” (ngày 10-12-1948) của Liên hợp quốc là văn bản quốc tế đầu tiên của toàn nhân loại công nhận con người có các quyền về dân sự, chính trị và về kinh tế, xã hội, văn hóa. Đây là lý tưởng chung nhất mà các quốc gia, dân tộc phải đạt tới và là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình thế giới. Trong phạm vi quốc gia, pháp luật bảo vệ quyền con người thể hiện ở việc ghi nhận các quyền trong pháp luật, hoàn thiện các thiết chế, bộ máy… nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn những quyền con người. Ngày nay, ở mọi quốc gia, quyền con người đều được ghi nhận và bảo vệ bằng các hình thức pháp luật khác nhau.
Ở Việt Nam, quyền con người gắn với quyền dân tộc và chủ quyền quốc gia
Muốn hiện thực hóa được các quyền con người phải có các tiền đề, điều kiện nhất định. Điều kiện trước hết là đất nước phải được độc lập, chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng. Thực tiễn lịch sử Việt Nam (và nhiều nước khác) vừa trải qua đấu tranh giành độc lập đã chứng minh: Đất nước bị nô dịch thì người dân không thể có tự do, các quyền con người bị chà đạp nghiêm trọng. Vì vậy, trong thế kỷ XX, các dân tộc bị áp bức đã không tiếc hy sinh, mất mát để giành và giữ nền độc lập. Và quyền dân tộc tự quyết đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nhân quyền. Nói cách khác, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người. Không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không thể nói đến các quyền con người.
Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là đòi hỏi hàng đầu trong việc bảo đảm và thực thi nhân quyền, nhưng điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là Nhà nước phải sử dụng các điều kiện này để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi thành viên của đất nước. Giành độc lập cho Tổ quốc là một trong những mục tiêu lớn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhưng vừa đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì"(2). Điều này thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người với quyền dân tộc tự quyết và trở thành định hướng chính trị quan trọng trong mọi hoạt động bảo vệ quyền con người (không chỉ) ở Việt Nam. Gần 70 năm qua, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, dân tộc Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn, thử thách của chiến tranh và thiên tai, nghèo đói và lạc hậu để tạo dựng những nền tảng vững chắc cho một xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh, mà ở đó các quyền tự do cơ bản của con người được bảo vệ và không ngừng phát triển, theo đúng tinh thần của “Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền”.
Quyền con người được pháp luật bảo vệ, gắn liền trách nhiệm, nghĩa vụ công dân
Thực tiễn Việt Nam và thế giới cho thấy, bảo đảm bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để các quyền con người được thực hiện. Mọi nhu cầu hay yêu sách về quyền nếu không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì không thể có bất cứ một quyền con người nào.
Phương Tây luôn nhấn mạnh quyền mà không nói đến nghĩa vụ cá nhân. Quan điểm này đã ảnh hưởng mạnh vào Việt Nam. Thậm chí đến nay, trong giới nghiên cứu lý luận về nhân quyền ở Việt Nam, cũng có nhiều người còn cho rằng: Nói đến nhân quyền là nói đến nghĩa vụ của nhà nước, không thể đòi hỏi nghĩa vụ cá nhân ở đây (?!). Điều này đã gây nhận thức mơ hồ trong xã hội về trách nhiệm cá nhân khi hưởng thụ quyền. Gần đây, trong tiến trình toàn dân góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, xuất hiện một số đòi hỏi cực đoan, rằng: Nhà nước phải để người dân được tự do bày tỏ quan điểm chính trị, tự do lập hội, hội họp, biểu tình, tự do ra báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân, tự do hoạt động tôn giáo... Nhiều người đã ráo riết tuyên truyền và hoạt động bất chấp những quy định của pháp luật hiện hành. Thậm chí, họ cũng không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, chính luật nhân quyền quốc tế cũng ghi rõ một số quyền có thể bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng và tự do của người khác.
Bàn về vấn đề này, C. Mác viết: “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi”(3). Mỗi cá nhân trong khi được hưởng thụ các quyền cần tôn trọng tự do của người khác và tôn trọng lợi ích của cộng đồng. “Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ” (Điều 29). Quan điểm này cũng chỉ ra cách giải quyết một trong những mối quan hệ cơ bản nhất của vấn đề nhân quyền, khắc phục được cách hiểu phiến diện, cực đoan về vấn đề nhân quyền.
Từ các quan điểm cơ bản đó, trong quá trình đổi mới Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra một số chủ trương, chính sách công tác, nhiệm vụ để bảo đảm quyền con người trong điều kiện lịch sử mới. Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, tùy từng đối tượng cụ thể có nội dung, phương thức phù hợp để mọi người hiểu rõ quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nhận rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người, vạch trần những luận điểm và thủ đoạn của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này. Hệ thống pháp luật đã từng bước thể chế hóa các nội dung về quyền con người phù hợp với điều kiện của Việt Nam, với các tiêu chuẩn về quyền con người đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Điều quan trọng nhất là Đảng lãnh đạo toàn dân tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội, đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đi vào chiều sâu và phát huy hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Các nghiên cứu sâu về quyền con người, phát triển các tư tưởng nhân đạo, giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở để xây dựng hệ thống quan điểm của Đảng về quyền con người, làm cơ sở cho công tác tư tưởng, cho việc hoàn thiện pháp luật và chính sách về quyền con người, tạo thế chủ động chính trị trong cuộc đấu tranh vì quyền con người trên trường quốc tế... Nhiều chính sách, quyết định lớn của Đảng, Chính phủ về kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội hướng mạnh tới mục tiêu vì con người.
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chương về “Quyền con người” được đưa từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2, chỉ sau Chương I về “Chế độ chính trị”. Sự thay đổi thứ tự này cũng phản ánh ý chí và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thực hiện quyền con người, vừa phản ánh rõ nhận thức chân xác hơn của chúng ta về vị trí, tầm quan trọng của chế định về quyền con người, vừa phù hợp với thông lệ luật pháp quốc tế. Quyền con người được bổ sung vào cùng với quyền và nghĩa vụ công dân. Dự thảo cũng đã xác định rõ trách nhiệm Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Dù còn một số nội dung cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện nhưng có thể khẳng định rằng: Những nội dung quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân tại Chương II, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã thể hiện những tiến bộ trong tư duy lập hiến. Điều đó cũng cho thấy, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi quyền con người, quyền công dân - không như một số thế lực thù địch vẫn rêu rao rằng: “Nhà nước Việt Nam thường vi phạm nhân quyền”.
Dù rằng đây đó vẫn có những kẻ thoái hóa, biến chất coi thường kỷ cương phép nước, không tôn trọng những quyền con người của nhân dân, tạo cớ cho những thế lực thù oán chế độ này xuyên tạc, vu khống nhưng chúng ta đã và vẫn đang nỗ lực xây dựng để từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp và kiện toàn để các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, bảo vệ có hiệu quả các quyền công dân, quyền con người. Nghiêm khắc kiểm điểm, uốn nắn, khắc phục những khuyết điểm vi phạm quyền dân chủ của các cơ quan công quyền, cán bộ, công chức và rút kinh nghiệm, tránh những sơ hở tạo cớ cho những kẻ xấu lợi dụng, chống phá là công việc được chú trọng thường xuyên.
Muốn xã hội phát triển tiến lên lành mạnh không thể đầu hàng trước những điều (còn) hạn chế. Cần nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quyết tâm và biện pháp đấu tranh với những tiêu cực trong bộ máy: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong, thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ - đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết” khi Người trả lời những chất vấn trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I (11-1946) về tính liêm khiết của Chính phủ(4). Quyết tâm đó, biện pháp đó, vẫn được chúng ta nâng cao và dùng để đấu tranh với tất cả những kẻ bất tuân kỷ cương phép nước - trong đó có những kẻ không tôn trọng những quyền con người của nhân dân và cả những kẻ lợi dụng những quyền này để chống lại nhân dân./.
--------------------------
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr. 247
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 56
3. C. Mác - Ph. Ăng ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t. 16, tr. 25
4. Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, tr. 98
Mỹ cho Nhật xem bằng chứng vũ khí hóa học ở Syria  (09/09/2013)
Việt Nam tạo điều kiện và thúc đẩy phát triển internet  (09/09/2013)
Tuyên dương, khen thưởng 38 tập thể và 135 cá nhân tiêu biểu trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2013  (08/09/2013)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự khánh thành sân bay Tuy Hòa  (08/09/2013)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2013  (08/09/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay