Báo Diễn đàn thông tin quốc tế số ra mới đây có bài viết cho rằng, trong khi các nước trên thế giới đang lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng thì Hoa Kỳ, chính là nước gây ra "cơn bão" tài chính toàn cầu lại đang thu lợi trước làn sóng hút USD về nước.

Bài báo viết, các nhà đầu tư Mỹ đang mang USD về nước, chuyển nó vào nơi được cho là an toàn: các công trái của Mỹ. Trung Quốc tiếp tục mua khối lượng đáng kinh ngạc "nợ" của Mỹ (gần một nghìn tỉ USD). Những phi vụ mua công trái này đang làm cho giá trị đồng USD tăng lên và cung cấp cho chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma hàng nghìn tỉ USD để họ ném vào các ngân hàng lớn của mình đang lâm nguy và thúc đẩy kinh tế, giúp chính quyền này chu cấp cho những nỗ lực cứu vãn kinh tế mà không phải giảm lãi suất.

Ðiều này đã đe dọa nền kinh tế thế giới bởi sự thiếu lòng tin và vốn. Do sự cho vay và đầu tư khác thường từ Mi-la-nô (I-ta-li-a) đến Ma-ni-la (Phi-lip-pin), việc đồng USD đổ về Mỹ hình như đã làm tăng thêm cuộc khủng hoảng ở khắp mọi nơi. Cuộc truy tìm vốn đột nhiên xem như một canh bạc không tiền. Một USD do các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các trái phiếu của Chính phủ Mỹ là một USD không có sẵn ở các nước Ðông Âu đang tuyệt vọng tìm kiếm để tái tài trợ cho các khoản nợ đang tăng lên. Ðó là đồng USD không thể đến được các nước châu Phi - nơi nhiều nước đang phải đấu tranh chống lại việc mất nguồn viện trợ và đầu tư nước ngoài...

Theo Viện tài chính quốc tế, luồng vốn tư nhân đầu tư vào cái gọi là "các nền kinh tế đang nổi lên" đã giảm từ 928 tỉ USD trong năm 2007 xuống còn 466 tỉ USD trong năm ngoái và có thể giảm xuống còn 165 tỉ USD trong năm nay. Trái lại, USD lại đang được ùn ùn đổ vào Mỹ với khối lượng lớn. Trên bình diện toàn cầu, các nhà đầu tư đang giữ tiền mặt và rút càng nhanh càng tốt tiền của họ ra khỏi những nơi nguy hiểm. Ở Mỹ, việc đầu tư của người nước ngoài đã giảm đi đáng kể. Nhưng khi người Mỹ tránh các vụ giao dịch với nước ngoài và giữ USD của họ ở trong nước và khi các ngân hàng trung ương nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, mua trái phiếu Chính phủ của Mỹ, thì Mỹ lại đang hấp thụ tiền đang được sử dụng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Và điều này khiến cho việc thắt chặt tiền tệ được áp dụng ở khắp mọi nơi.

Cuộc khủng hoảng trực tiếp nhất đang diễn ra trầm trọng ở Ðông Âu, nơi các nhà đầu tư hồ hởi vay ngoại tệ, dùng các đồng tiền này để xây dựng các nhà văn phòng chọc trời và các nhà máy. Do các đồng tiền của họ đang bị mất giá, những khoản nợ này tăng lên, dẫn đến những thua lỗ của ngân hàng và yêu cầu chính phủ ra tay cứu giúp cùng với những khoản viện trợ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Brát Xét-xơ, một nhà kinh tế thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại ở New York nhận xét: "Ðông Âu lúc này xem ra rất giống châu Á vào năm 1990".

Tờ Thời báo New York của Mỹ ra ngày 9-3 vừa qua có bài nhận định, khi cuộc khủng hoảng tài chính tiếp tục lan rộng ra toàn thế giới thì nơi có thể dễ dàng thu hút tiền vốn lớn lại chính là nước Mỹ, nơi khởi nguồn cuộc khủng hoảng tài chính. Các nhà đầu tư Mỹ đang thu hẹp các dự án ở nước ngoài nhằm rút bớt tiền vốn ở nước ngoài về nước để mua trái phiếu Chính phủ Mỹ, một loại tài sản được coi là chỗ dựa an toàn cuối cùng... Ðiều này khiến đồng USD tăng giá và nước Mỹ được lợi. Theo FED, trong năm qua, đồng USD đã tăng giá 13% so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Tổng giá trị trái phiếu Chính phủ Mỹ do nước ngoài nắm giữ tăng thêm 456 tỉ USD riêng trong năm 2008. Bài báo nêu rõ, vậy là, đồng USD ngoài chức năng là một trong những đồng tiền chủ chốt trong giao dịch quốc tế, vẫn là đồng tiền dự trữ trên toàn cầu./.